Nam sinh chế robot được cấp visa đi Mỹ dự thi khoa học quốc tế
Sáng 13/5, sau khoảng 10 phút trả lời phỏng vấn, Phạm Huy - nam sinh lớp 11 chế tạo cánh tay robot - đã được cấp visa và tối nay lên đường sang Mỹ dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017).
17:38 13/05/2017
10h15 ngày 13/5, Phạm Huy (lớp 11 THPT Quảng Trị) bước vào cuộc phỏng vấn lần 3 tại Đại sứ quán Mỹ nhằm xin cấp visa dự cuộc thi Intel ISEF 2017. Sau khoảng 10 phút trả lời câu hỏi về nhân thân, gia đình, mục đích đến Mỹ cùng dự án Cánh tay robot cho người khuyết tật, Huy được Đại sứ quán Mỹ đồng ý cấp visa và một tiếng sau thì nhận visa.
Chia sẻ với VnExpress, Huy nói rất vui sướng và sẽ chuẩn bị tốt nhất cho cuộc thi này. 22h50 tối nay, em sẽ bay từ Nội Bài (Hà Nội), quá cảnh tại Hàn Quốc trước khi đến sân bay Los Angeles vào 22h ngày 14/5 (giờ Mỹ). Do lệch giờ Việt Nam nên Huy sẽ được nghỉ thêm một đêm trước khi bước vào cuộc thi sáng thứ hai tuần sau.
Ông Phạm Xuân Đính, bố Huy cho hay, đây là đợt phỏng vấn đặc cách dành riêng cho Huy, được Đại sứ quán Mỹ hẹn qua điện thoại chứ không có giấy hẹn như thông thường. Trước khi vào phỏng vấn, bố con Huy được giám đốc một trung tâm du học tư vấn cách trả lời để khả năng được cấp visa cao nhất.
Nam sinh Phạm Huy (phải) trong một lần thử nghiệm sản phẩm với người khuyết tật ở Quảng Trị. Ảnh: L.C.L |
“Đoàn Việt Nam đã sang đến Mỹ, chúng tôi liên lạc và có ít nhất 2 người đón Huy tại sân bay”, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo Quảng Trị cho hay.
Tỉnh Quảng Trị quyết định cấp kinh phí 250 triệu đồng để Huy và giáo viên hướng dẫn Lê Công Long tham dự cuộc thi. Do vướng mắc thủ tục, Huy chỉ tham dự một mình nên kinh phí sẽ thấp hơn dự trù.
“Có giáo viên hướng dẫn sẽ giúp Huy yên tâm hơn, nhưng chúng tôi tin tưởng ở em. Trước đó, Huy từng trình bày dự án tại Hội đồng Bộ Giáo dục bằng tiếng Anh”, bà Hương nói.
Phạm Huy thử nghiệm khả năng cầm nắm vật nặng của cánh tay. Ảnh: L.C.L |
Phạm Huy với dự án Cánh tay robot cho người khuyết tật được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử tham dự cuộc thi Intel ISEF tổ chức tại Mỹ vào 12- 22/5. Hai lần phỏng vấn trước, em bị Đại sứ quán Mỹ từ chối cấp visa.
Đoàn Việt Nam tham dự Intel ISEF có 8 dự án, với 15 học sinh. Trong đó có 5 dự án giành giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc và 3 giải nhất ở khu vực phía Nam. Các dự án khác đều có 2 học sinh tham gia, riêng cánh tay robot chỉ mình Huy.
Sinh ra ở Quảng Trị với nhiều nạn nhân chiến tranh, từ lớp 8 Phạm Huy đã ấp ủ chế tạo cánh tay robot nhằm giúp người khuyết tật thuận tiện trong cuộc sống. Qua nhiều lớp sản phẩm, đến nay cánh tay robot của em có thể thực hiện 31 cử chỉ, từ cầm vật nhỏ nhất như thìa nhôm đến nhấc vật nặng 11 kg.
Intel ISEF là cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông lớn nhất thế giới, do Intel tổ chức hàng năm tại Mỹ. Cá nhân hay nhóm dự thi (không quá 2 học sinh) sẽ trình bày sản phẩm của mình bằng tiếng Anh. Mục đích cuộc thi là khơi dậy niềm đam mê học tập, sự sáng tạo, hình thành cho học sinh phương pháp tự học, biết ứng dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống... Cuộc thi được tổ chức từ cấp trường, tỉnh thành và quốc gia. Việt Nam bắt đầu tham gia Intel ISEF từ năm 2012. Năm 2016, cả 4 dự án của học sinh Việt Nam tham dự cùng đoạt giải ba lĩnh vực Hóa học, Khoa trái đất và môi trường, Kỹ thuật cơ khí, Sinh học tế bào và phân tử của cuộc thi. |