Nạn “bắt cóc ảo” nở rộ tại Mỹ

08:08 06/05/2016

Dạng lừa đảo tinh vi này ngày càng gia tăng tại các cộng đồng ở California và trên khắp nước Mỹ, có thể gây thiệt hại tài chính nặng nề và tổn thương tinh thần cho các gia đình nạn nhân.

– Nạn nhân Tracy Holczer (ảnh nhỏ)

– Bọn tội phạm thường dùng điện thoại để lừa gạt các nạn nhân

“Sét đánh ngang tai”

Tracy Holczer đang lái xe cùng với một người bạn đi đến ngoại ô thành phố Los Angeles của Mỹ thì nhận được một cuộc gọi đáng sợ từ số điện thoại lạ. Ở đầu dây bên kia, một bé gái hoảng loạn hét lên: “Mẹ ơi, xin hãy cứu con! Có kẻ bắt cóc con, con đang ở trong xe tải. Con không biết địa chỉ ở đâu!”. Đó là lúc 16h45 ngày 22-3-2016, rõ ràng Holczer đang trải qua nỗi kinh hoàng không thể tưởng tượng nổi mà bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng có thể hiểu: Con gái 14 tuổi của cô, Maddy, đã bị bắt cóc sau khi rời khỏi nhà 30 phút. Một người đàn ông đã yêu cầu Holczer rút tiền trong ngân hàng rồi chuyển vào tài khoản của hắn. Hắn còn đe dọa rằng nếu cô hay bạn bè cô nói cho bất kỳ ai, hắn sẽ giết chết Maddy và gửi từng bộ phận cơ thể cho cô. 

Nghe đến đó, người phụ nữ 48 tuổi này bủn rủn chân tay, căng thẳng tâm lý tột độ sau hơn 2 giờ lo đối phó với những yêu cầu và lời đe dọa của người đàn ông không rõ danh tính. Mãi về sau, cô mới biết mình bị lừa, trên thực tế, Maddy đang chơi an toàn cùng với đám bạn.

Holczer là nạn nhân của một hoạt động lừa đảo mà các nhân viên thực thi pháp luật gọi là “bắt cóc ảo” – một dạng lừa đảo tinh vi ngày càng gia tăng tại các cộng đồng ở và trên khắp , có thể gây thiệt hại tài chính nặng nề và tổn thương tinh thần cho các gia đình nạn nhân. “Nghe có vẻ giống giọng con gái tôi. Tôi sợ quá. Khi bạn sợ, bộ não của bạn như ngừng hoạt động. Tôi thậm chí còn không mảy may suy nghĩ đó có thể là một vụ lừa đảo”, Holczer kể lại. Cô cho biết đã mất khoảng 3.300USD trong 3 lần chuyển tiền theo yêu cầu của những kẻ lừa đảo. 

Lật tẩy mánh khóe của bọn tội phạm

Theo Erik Arbuthnot, một điệp vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và là chuyên gia về tội phạm kiểu này, một loạt vụ “bắt cóc ảo” đã xảy ra ở phía nam bang California, với 50 vụ được ghi nhận kể từ mùa hè năm 2015. “Chúng đang xảy ra trên khắp cả nước”, ông Arbuthnot nói và cho biết, tội phạm kiểu này đã xuất hiện từ hơn một thập kỷ trước và rộ lên trong những năm gần đây, nhằm khủng bố và tống tiền các gia đình Mỹ. Lúc đầu, những kẻ lừa đảo chủ yếu nhắm vào công dân Mỹ đi nghỉ ở Mexico – thường bằng cách lấy thông tin cá nhân của họ từ một khách sạn, sau đó gọi cho người thân, thông báo một vụ bắt cóc và đòi tiền chuộc. Ông Arbuthnot cho biết, cách đây vài năm, những kẻ bắt cóc ảo bắt đầu thay đổi phương thức hoạt động, theo dõi các gia đình ở Mỹ, gây ra một vụ bắt cóc giả và đòi tiền chuộc như trường hợp của nạn nhân Holczer. 

Không có dữ liệu cụ thể về những vụ như thế này xảy ra thường xuyên thế nào, bởi vì các nạn nhân có thể không báo cáo hết vụ việc, nhất là khi họ nhanh chóng phát hiện ra đó là một vụ lừa đảo. Randy Tuinstra, một điều tra viên tại Đồn cảnh sát Crescenta Valley ở Los Angeles cho hay, mánh khóe thông thường bọn tội phạm hay sử dụng trong các vụ “bắt cóc giả” đó là đóng giả người thân của nạn nhân gào khóc thảm thiết trong điện thoại để nạn nhân hoảng sợ, mất bình tĩnh, qua đó dễ dàng lừa gạt lấy tiền. 

Ông Arbuthnot giải thích, trong những vụ bắt cóc con tin thực sự, số tiền đòi chuộc là rất cao và các cuộc gọi điện thoại thường ngắn. Trong những vụ “bắt cóc ảo”, món tiền chuộc tương đối nhỏ – vài trăm hoặc vài nghìn USD, không phải hàng triệu – và ưu tiên chính của tội phạm là giữ cho các nạn nhân nói chuyện trên điện thoại càng lâu càng tốt. Trong vụ việc của Holczer, 2 người đàn ông trên điện thoại làm ra vẻ như biết rõ về Holczer và bạn của cô trong xe ô tô, đe dọa rằng chúng đang theo dõi họ khi họ lái xe đến một chi nhánh Ngân hàng Western Union để chuyển tiền. 

Theo ông Arbuthnot, bọn tội phạm thường đặt trụ sở tại Mexico và chọn nạn nhân bằng cách nhắm đến những khu phố giàu có khi con cái không ở cùng với cha mẹ để dễ bề gây án. “Khi chúng tôi hỏi các nạn nhân, đa số họ ngay lập tức tin là thật… và đó là lý do vì sao họ trả tiền chuộc”, ông Arbuthnot nói. Về phần mình, Holczer cho biết, cô sợ không dám kết thúc cuộc điện thoại hay gọi 911 thông báo vụ việc cho cảnh sát. “Khi đó, tôi cứ nghĩ rằng cuộc điện thoại đó là cách kết nối duy nhất giữa tôi với con gái”, Holczer chia sẻ. Trong những vụ lừa đảo kiểu này, nạn nhân thường không lấy lại được tiền chuộc. Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi nhận được những cuộc điện thoại như vậy phải báo ngay cho nhà chức trách và tìm cách xác định vị trí của người thân.

Tags:
Một triệu căn nhà ở Michigan mất điện vì gió quá mạnh

Một triệu căn nhà ở Michigan mất điện vì gió quá mạnh

Khoảng 1 triệu căn nhà của cư dân và các tòa nhà khác của tiểu bang Michigan hôm thứ năm 9/3 đã hoàn toàn chìm trong bóng tối sau khi gío mạnh đã gây ra tình trạng mất điện rộng rãi khắp tiểu bang.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất