Nét truyền thống trong gia đình Việt ở Mỹ

Thế hệ Việt kiều trẻ dù sinh ra ở Mỹ nhưng vẫn được cha mẹ nuôi dạy theo đúng văn hóa và truyền thống VN.

04:54 21/05/2017

Các trẻ tham gia tọa đàm chụp ảnh cùng Tùy viên báo chí Mỹ Alena Joseph (bìa trái)

Con cái ra ngoài có thể làm bất cứ điều gì, nhưng khi về nhà phải kính trọng người lớn, hiếu thảo với cha mẹ, giữ nề nếp gia đình Việt. Đó là điểm chung của những người thuộc thế hệ gốc Việt sinh ra tại Mỹ đang sinh sống, làm việc ở VN và được họ chia sẻ trong buổi tọa đàm mới đây ở Trung tâm Hoa Kỳ thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM.

Bên ngoài kiểu Mỹ, ở nhà kiểu Việt

Việt kiều trẻ luôn ý thức được việc gìn giữ tiếng Việt nhờ công dạy dỗ của các bậc phụ huynh. “Trong gia đình, cha mẹ muốn anh chị em chúng tôi chỉ nói tiếng Việt. Mẹ tôi nấu các món ăn VN, cho chúng tôi nghe và xem những bộ phim, bài hát tiếng Việt”, Khanh Nguyễn, viên chức Tổng lãnh sự quán Mỹ, chia sẻ.

Dù có thể nói và hiểu tiếng Việt, nhưng đến giờ anh Khanh vẫn còn cảm thấy tiếc nuối vì thôi học trường tiếng Việt. “Cha mẹ đưa tôi đến trường dạy tiếng Việt nhưng lúc đó tôi còn nhỏ lại cứng đầu nên bỏ học”, anh nhớ lại. Tương tự, cô Mê Linh Rozen, giáo viên Trường Everest Education (TP.HCM), lúc bé vẫn “bức xúc” không hiểu sao cha mẹ cứ bắt học tiếng Việt. “Sau này tôi mới hiểu tầm quan trọng của việc học tiếng Việt”, cô nói trong buổi tọa đàm.

Không chỉ nỗ lực gìn giữ ngôn ngữ, các bậc cha mẹ người Mỹ gốc Việt còn luôn nỗ lực uốn nắn con cái theo truyền thống và văn hóa VN. “Tôi cảm thấy ân hận vì lúc bé tôi từng nghĩ xấu về mẹ khi bà lúc nào cũng bắt tôi phải làm thế này, thế họ. Bà hay nói con gái phải giỏi việc nhà để còn lấy chồng và không cho tôi xem ti vi quá nhiều”, Rozen kể. Trong khi đó, nhà làm phim Jenni Trang Lê từng cảm thấy xấu hổ vì mẹ quá “chăm bẵm kiểu VN”. “Vào lớp, bạn bè luôn nhìn tôi khi tôi mang ra hộp cơm toàn đồ ăn VN do mẹ nấu. Về nhà, tôi gắt gỏng bảo tại sao mẹ không cho con cái bánh sandwich giống các bạn. Nhưng sau khi được mẹ đáp ứng yêu sách, tôi lại nhận ra mình mê đồ ăn VN hơn”, Jenni chia sẻ.

Không như bạn bè Mỹ cùng trang lứa, sau những phút giây hờn trách, giới trẻ gốc Việt đã thấu hiểu được sự quan tâm sát sao của cha mẹ đều xuất phát từ tình thương và truyền thống gia đình Á Đông. “Người Mỹ giáo dục con cái theo cách khuyến khích chúng đưa ra ý kiến, phạm sai lầm rồi rút kinh nghiệm. Nhưng người Việt thì ngược lại, chỉ muốn điều tốt đẹp đối với con cái”, theo anh Khanh. “Mẹ tôi chỉ muốn tôi giao du với những người ưu tú nhất, xuất thân từ gia đình tử tế. Đó là nét văn hóa đậm chất Việt. Tôi hiểu điều đó và cũng không trách mẹ”, anh kể thêm.

“Cãi lời”

Khi được hỏi về truyền thống con cái phải nghe lời cha mẹ, các Việt kiều trẻ khẳng định luôn tôn trọng đấng sinh thành, nhưng do ảnh hưởng từ văn hóa Mỹ nên cũng có đôi lúc “chống đối”. Lý giải về điều này, anh Khanh cho biết: “Cha mẹ tôi đến Mỹ với hai bàn tay trắng và làm việc vất vả để nuôi con cái. Họ luôn gây áp lực cho anh chị em chúng tôi về vấn đề học hành tử tế để có tương lai tốt đẹp. Trong khi đó, văn hóa Mỹ đề cao tính độc lập nên đôi lúc chúng tôi không thích bị áp đặt và chất vấn cha mẹ tại sao phải thế này, tại sao phải thế kia”.

Khanh kể thêm, anh từng “nổi loạn” sau khi tốt nghiệp trung học nhưng chính lần đó là cơ duyên để anh trở về VN. Các bạn trẻ nhiều nước phương Tây thường có “gap year”, tức tạm nghỉ một năm sau khi hoàn thành lớp 12 hoặc đại học để đi du lịch, hoạt động tình nguyện... nhằm khám phá thế giới và bản thân trước khi chính thức “vào đời”.

“Cha mẹ muốn tôi vào thẳng đại học nhưng tôi nhất quyết không nghe theo rồi quyết định đến VN năm 2009 để làm việc cho tổ chức phi chính phủ The Asia Foundation”, Khanh nhớ lại. Sau chuyến đi đó, anh quyết tâm theo đuổi ngành quan hệ quốc tế và cuối cùng trở về quê hương, làm việc tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM. Nhưng Khanh cũng thừa nhận mình may mắn hơn những người bạn Mỹ khác phải chật vật với món nợ sinh viên vì anh được cha mẹ lo cho ăn học đến nơi đến chốn.

“Tôi đăng ký vào trường đại học thuộc hàng đắt đỏ nhất nước Mỹ, nhưng cha mẹ hỗ trợ tài chính hết mình”, anh nói.

Những người con gốc Việt trở về lập nghiệp với mong muốn được hiểu rõ hơn về quê nhà hiện nay. Họ còn trở thành “cầu nối” giúp cha mẹ hiểu rằng quá khứ đã lùi xa. Khanh Nguyễn đang náo nức đợi cha mẹ về nước vào tháng 6 này để cùng họ đến thăm quê ở Cần Thơ. Còn Jenni chia sẻ: “Tôi hơi thất vọng vì suốt 8 năm tôi sống ở VN, mẹ chỉ về thăm một lần, nhưng chuyến đi đó giúp bà thay đổi suy nghĩ về quê hương”.

Tags:
Cô gái Việt cực xinh kể chuyện du học Canada

Cô gái Việt cực xinh kể chuyện du học Canada

Thiên Trang bắt đầu đi du học từ những năm cấp 3 và đã trải nghiệm rất nhiều điều đặc biệt thú vị.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất