Nếu đắc cử, ông Biden khó đảo ngược dấu ấn của ông Trump
Tại Hội nghị an ninh Munich năm ngoái, nơi quy tụ các lãnh đạo chính trị và tướng lĩnh quân đội, cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra lời hứa với các đồng minh của Mỹ: “Điều này sẽ sớm qua đi…chúng tôi sẽ trở lại”.
13:00 18/07/2020
Mọi người hiểu rằng “điều này” mà ông Biden nói đến là nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Giờ đang nỗ lực chạy đua và dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận về bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay, ông Biden có cơ hội để thực hiện lời hứa của mình.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đưa Mỹ và các quan hệ đồng minh quay lại thời kỳ trước khi ông Trump lên lãnh đạo có thể là điều không thể thực hiện được, một phần vì từ khi lên nắm quyền vào tháng 2/2017, ông Trump đã tạo ra nhiều thay đổi không thể đảo ngược. Và phần còn lại của thế giới cũng đã thay đổi.
Thêm nhiều đồng minh của Mỹ đã có những lãnh đạo gần giống ông Trump, từ Ba Lan đến Philippines, trong khi những nước khác đã thẩm thấu ít nhất là một số khía cạnh trong chương trình hành động dân tộc chủ nghĩa của ông. Ngay cả những đối tác gần gũi của Washington cũng rút ra bài học về một nước Mỹ khó đoán hơn.
Trung Quốc đã trút bỏ sự dè dặt trước đây để đối đầu với Washington, trong đó có việc ký thỏa thuận về vũ khí và ngân hàng với Iran, tạo ra bối cảnh địa chính trị thay đổi triệt để đối với Mỹ.
“Nếu ông Biden lên, dù theo trường phái cổ điển mức nào thì cũng phải trải qua một con đường rất dài để Mỹ quay lại, và một số thứ đã thay đổi vĩnh viễn”, Adam Thomson, cựu đại sứ Anh tại NATO và giờ là giám đốc Mạng lưới lãnh đạo châu Âu, đánh giá.
“Người châu Âu sẽ không bao giờ có thể chắc chắn về sự bảo đảm an ninh của Mỹ; Iran và nhiều nước khác sẽ không bao giờ tin hoàn toàn chữ ký của Mỹ trong một hiệp ước; và bất kỳ ai cũng muốn trở nên ít phụ thuộc hơn vào thương mại và đồng đô la Mỹ, nếu họ có thể”, ông Thomson nói.
Chắc chắn chiến thắng của ông Biden sẽ được ăn mừng ở một số nơi, ngay cả khi ban đầu chỉ là việc họ không phải làm việc với chính quyền hiện tại nữa. Có một bí mật mà ai ở Berlin cũng biết là Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thôi cố làm việc với ông Trump. Ông Biden nói sẽ cố gắng sửa chữa tổn thất này.
Nhóm vận động của ông Biden cam kết sẽ đưa Mỹ trở lại với thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Ở Trung Đông, cựu phó tổng thống nói ông sẽ phản đối chính phủ Israel sáp nhập 30% Bờ Tây và đảo ngược chính sách của ông Trump về khu vực này. Ông Biden cũng nói sẽ có cách tiếp cận hoài nghi hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin và trở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump quay lưng năm 2018, nếu Iran cam kết thực hiện.
Dù những hành động như vậy có thể làm giảm bớt căng thẳng giữa Mỹ với các nước trong một số lĩnh vực, nhưng chưa thể là đủ.
Ứng viên đảng Dân chủ thừa nhận sẽ có một cái hố rất sâu mà ông phải lấp, từ suy thoái kinh tế do xử lý sai đại dịch COVID-19 đến việc từ bỏ những hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga, các quan hệ đồng minh yếu đi và thời gian đã mất trong ứng phó với biến đổi khí hậu, cố vấn tranh cử của ông Biden, ông Jeff Prescott cho biết.
Thay đổi quan trọng nhất kể từ khi ông Biden hết nhiệm kỳ là quan hệ với Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã siết chặt kiểm soát trong nước và phô trương sức mạnh ra bên ngoài theo những cách khiến kiểu quan hệ hợp tác Mỹ – Trung thời Obama khó có thể quay lại.
“Trong vấn đề thương mại, chúng tôi sẽ viết quy tắc đường đi cho thế giới hoặc Trung Quốc”, ông Biden nói năm ngoái khi chỉ trích việc ông Trump rút Mỹ khỏi TPP, một thỏa thuận thương mại cho các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương nhằm cân bằng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc.
Một số cựu quan chức và quan chức đương nhiệm ở Bắc Kinh nói rằng lãnh đạo Trung Quốc muốn Trump tái đắc cử vì sợ rằng ông Biden sẽ đoàn kết các đồng minh châu Á để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo nhóm vận động của ông Biden, suy nghĩ đó là đúng.
“Ông ấy rất rõ ràng trong việc tập hợp các đồng minh để đối phó với hành vi của Trung Quốc”, ông Prescott, cố vấn của ông Biden, nói.
Các đồng minh chủ chốt của Mỹ không chắc chắn về quan hệ của họ với Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm ngoái gọi NATO do Mỹ dẫn dắt là tổ chức “chết não”. Ông Macron đang thúc đẩy các thành viên EU liên kết về nguồn lực đối ngoại và quốc phòng để giảm phụ thuộc vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ.
Đứng trước những khó khăn kinh tế sau khi rời EU và suy thoái do COVID-19, Anh có thể sẽ không đủ nguồn lực để cùng Mỹ thực hiện những chiến dịch quân sự ở địa bàn xa.
Liệu ông Biden có thể vừa xử lý hai cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế cùng lúc hay không cũng là một dấu hỏi. “Nếu ông Biden tuyên thệ vào tuần thứ ba của tháng 1, khi đã ở tuổi 78, ông ấy sẽ đối mặt với những thách thức đan xen lớn hơn nhiều khi ông Obama đối mặt năm 2009, khi ông ấy còn trẻ khỏe”, Constanze Stelzenmueller, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Mỹ và châu Âu tại Viện Brookings ở Washington, nhận xét.
Hệ thống giám sát lũ bất ngờ ngừng hoạt động, đập Tam Hiệp bị đồn có thể sắp “khai tử”
Một số trang tin Trung Quốc đang ám chỉ rằng đập Tam Hiệp đã cố gắng hết sức mà vẫn không thể kiểm soát nổi những trận lụt do mưa lớn kéo dài. Điều này cho thấy Trung Quốc đang muốn “khai tử” con đập do đã hoàn thành sứ mệnh, theo Taiwan News.