Nếu Nhà Trắng đổi chủ, "chiến tranh lạnh kiểu mới" Mỹ-Trung sẽ kéo dài bao lâu?
Trước đây, thế giới đã từng trải qua thời kỳ Chiến tranh Lạnh Mỹ- Liên Xô và ngày nay, "chiến tranh lạnh kiểu mới" có thể xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến nhiều người lo lắng.
11:00 03/11/2020
Mâu thuẫn giữa hai nước được coi là sự bình thường trong quan hệ quốc tế nhưng việc đưa sự bất hòa trong quan hệ Trung - Mỹ ngày nay lên trạng thái "chiến tranh lạnh kiểu mới" là điều bất bình thường, theo báo tiếng Hoa Đa chiều. Trước đây, thế giới đã từng trải qua thời kỳ Chiến tranh Lạnh Mỹ- Liên Xô và ngày nay, "chiến tranh lạnh kiểu mới" có thể xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến nhiều người lo lắng.
Điểm giống và khác nhau
Sau khi lên nắm quyền, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề xuất chiến lược "quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương" và chính thức đưa ra chính sách kiềm chế Trung Quốc.
Tới khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống, ông đã phát động cuộc chiến toàn diện về các lĩnh vực kinh tế và thương mại, khoa học và công nghệ, quân sự, chính trị, ngoại giao nhằm vào Trung Quốc. Đòn đánh này đã gây bất ngờ cho Trung Quốc và sau khi định thần lại, Bắc Kinh đã đánh trả khiến quan hệ hai nước rơi vào trạng thái đối đầu căng thẳng.
Vào tháng 10/2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có một bài luận cứng rắn về chính sách Trung Quốc; tới tháng 7/2020, bài phát biểu về chính sách đối với Trung Quốc trước Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Richard Nixon của Ngoại trưởng Mike Pompeo mang nhiều màu sắc hơn của ông Pence, trực tiếp gọi ra các mệnh đề "bức màn sắt mới" và "chiến tranh lạnh kiểu mới". Do đó, nhiều người tin rằng quan hệ Trung-Mỹ đã bước vào trạng thái "chiến tranh lạnh kiểu mới".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động cuộc chiến trên nhiều lĩnh vực nhằm vào Trung Quốc. Ảnh: AP
Vì được gọi là "chiến tranh lạnh kiểu mới" nên nó đương nhiên khác với "chiến tranh lạnh Mỹ-Xô" của thế kỷ trước. Đầu tiên, Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô tồn tại ở hai phe với các khía cạnh chính trị, kinh tế và ý thức hệ khác nhau. Thứ hai, lập trường của hai bên trong các vấn đề quốc tế và các tổ chức quốc tế thường rất khác nhau, mâu thuẫn về lập trường chính trị, ngoại giao, quân sự và thường bị cuốn vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm.
Dùng tiêu chuẩn này để đối chiếu quan hệ Trung-Mỹ hiện tại, rõ ràng điểm khác biệt nhiều hơn so với điểm tương đồng. Thứ nhất, về hệ tư tưởng và thể chế quốc gia, Trung Quốc và Mỹ thực sự khác với Mỹ-Liên Xô. Về ý thức hệ, sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc không lớn như Mỹ và Liên Xô, mặc dù Trung Quốc không hoàn toàn từ bỏ nền kinh tế tập thể ban đầu, nhưng ít nhất nước này đã áp dụng hình thức kinh tế thị trường từng phần. Thứ hai, Trung Quốc và Mỹ không hình thành đối đầu giữa hai phe, bởi vì chỉ có Mỹ có quan hệ đồng minh, hình thành một phe lớn hơn trong khi Trung Quốc tuyên bố áp dụng chính sách không liên kết và không có hệ thống đồng minh.
Thứ ba, trong khuôn khổ quốc tế toàn cầu hóa, quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Mỹ đã hình thành một mối quan hệ bổ sung gắn chặt trong chuỗi sản xuất công nghiệp, không giống như sự tách rời hoàn toàn về kinh tế của Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi quan hệ Trung-Mỹ đảo ngược, Tổng thống Trump đã tích cực thúc đẩy chính sách tách rời quan hệ kinh tế và thương mại Trung-Mỹ, điều này đã gây ra rắc rối đáng kể cho cả hai bên.
Thứ tư, mặc dù Trung Quốc và Mỹ thường xuyên bất đồng trong các vấn đề quốc tế và các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Iran, Venezuela, Covid-19 nhưng hai nước vẫn có không gian hợp tác chung, ví dụ vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. .
Điểm mấu chốt chính của Chiến tranh Lạnh Mỹ-Xô là hệ tư tưởng và địa chính trị, cả hai đều quan trọng như nhau. Ngay cả sau khi Liên Xô sụp đổ, sự vướng mắc về ý thức hệ đã được giải quyết nhưng thực tế và mâu thuẫn của địa chính trị vẫn như cũ. Nga nằm ở giữa khu vực Á-Âu. Chiến lược địa chính trị này khiến ảnh hưởng của Moscow đối với các nước châu Âu và châu Á là vĩnh viễn. Mỹ cho rằng điều này vẫn đe dọa lợi ích của Mỹ ở các khu vực này và mối quan hệ giữa hai nước khó có thể cải thiện.
Đánh giá theo tiêu chuẩn này, mức độ nghiêm trọng của "cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới" giữa Trung Quốc và Mỹ thậm chí còn nguy hiểm hơn cả Mỹ và Liên Xô. Trước hết, Trung Quốc không chỉ đang trỗi dậy mà còn đang phát triển. Thứ hai, Trung Quốc và Mỹ không chỉ khác nhau về hệ tư tưởng, thể chế quốc gia mà còn xung đột về chiến lược địa chính trị. Dưới góc độ của Mỹ, Trung Quốc đe dọa lợi ích của Mỹ ở toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thậm chí cả Tây Á và Trung Đông. Thứ ba, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc hơn hẳn Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ có thể vượt qua Liên Xô trong một cuộc chạy đua vũ trang và nếu có một cuộc chạy đua vũ trang giữa Trung Quốc và Mỹ, nó có thể làm suy giảm nền kinh tế Washington.
Đối với Mỹ, sức mạnh kinh tế là tổng hòa sức mạnh toàn diện quốc gia, sức mạnh kinh tế này hỗ trợ sự phát triển quân sự, chính trị và ngoại giao, khoa học, công nghệ và văn hóa của Trung Quốc và gây áp lực to lớn đối với Mỹ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện tại của Trung Quốc đã đạt 2/3 so với Mỹ. Việc vượt qua Mỹ chỉ là vấn đề thời gian. Do đó, Trung Quốc không chỉ đặt ra mối đe dọa lớn đối với Mỹ mà còn là mối đe dọa lâu dài. Đây là đối thủ Mỹ chưa từng gặp phải trước đây.
"Chiến tranh lạnh kiểu mới" sẽ còn kéo dài
"Chiến tranh lạnh kiểu mới" phát triển do sự khoét sâu mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói: "Trung Quốc không có ý định gây chiến tranh lạnh với bất kỳ quốc gia nào, kiên quyết duy trì đối thoại để bù đắp bất đồng, thông qua đàm phán để quyết tranh chấp". Ông Tập Cận Bình cũng cam kết, Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền. không bành trướng, không tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng v.v... Tuy nhiên, Washington không tin vào lời cam kết của Bắc Kinh.
Dù tái đắc cử hay ứng viên Joe Biden trúng cử thì Trung Quốc vẫn phải đối đầu với nước Mỹ. Ảnh: Tân Hoa Xã
"Chiến tranh lạnh kiểu mới" giữa Trung Quốc và Mỹ vừa khởi động, dự đoán đây sẽ là một cuộc chơi marathon kéo dài rất lâu. Bởi dưới góc độ lịch sử quan hệ quốc tế, sự thăng trầm của các cường quốc không đột ngột lên xuống mà phải trải qua các cuộc đấu tranh, đấu tranh lâu dài. Từ Nội chiến đến Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai, nước Mỹ đã mất gần trăm năm để trở thành một trong hai cường quốc hàng đầu sau Thế chiến thứ hai. Sau đối đầu với Liên Xô trong bốn mươi năm, Mỹ trở thành nước đứng đầu thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ. Giờ đây, chưa đầy 30 năm đứng đầu thế giới, Mỹ lại phải đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế là sự việc của 20 năm, thậm chí 10 năm gần đây, điều này đã khiến Mỹ lo lắng. Mặc dù vẫn còn khoảng cách về trình độ thực lực chung giữa hai nước nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục tiến công với tốc độ mạnh mẽ như hiện nay thì đó là mối đe dọa không hề nhỏ đối với Mỹ. Trung Quốc có nhiều điểm sáng về cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp, đổi mới công nghệ, thậm chí cả nghiên cứu và phát triển vũ khí. Ví dụ, kế hoạch Made in China 2025, Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035 đều là mối lo của Mỹ.
Trạng thái bình thường mới của "chiến tranh lạnh kiểu mới"
Theo Đa chiều, xét theo thái độ của hai đảng và nhân dân Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay, thì dù là đảng nào hay ứng viên nào nắm quyền trong tương lai, Mỹ cũng sẽ vẫn đối đầu với Trung Quốc, chẳng qua là tư tưởng và phong cách cá nhân khác nhau, chiến thuật có thể có đôi chút khác biệt.
Nhìn từ khía cạnh tích cực, "chiến tranh lạnh kiểu mới" đã nêu ra nhiều điểm mù trong sự phát triển của Trung Quốc như quá phụ thuộc vào toàn cầu hóa và không nắm được quyền tự chủ về công nghệ then chốt. Để khắc phục tình trạng này, Trung Quốc cần lên danh sách, coi đó như một dự án nghiên cứu phát triển được ưu tiên và dồn toàn lực trong nước để đuổi kịp.
Về công nghệ như sản xuất con chip, loạt công ty công nghệ của Mỹ và Trung Quốc Qualcomm, Intel, Google, Huawei đều bị tổn thương nghiêm trọng. Cuối cùng, một khi thị trường cho những con chip cao cấp này mất đi, rất khó để tìm được sản phẩm thay thế. Và nếu Trung Quốc phát triển con chip của riêng mình, ngành công nghệ nước này sẽ phát triển mạnh hơn và Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng rất đáng kể.
Nhìn lại cuộc chiến thuế quan, sau hơn hai năm, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã giảm khoảng 10% nhưng tổng khối lượng giao dịch thương mại đối ngoại của Trung Quốc không giảm mà còn tăng lên. Nạn nhân thực sự của cuộc chiến thuế quan là các công ty nhập khẩu của Mỹ, vì mức thuế tăng do đó chính các công ty nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ phải gánh trở khoản tăng này. Hơn 3.400 công ty Mỹ, dẫn đầu là Tesla, hiện đang đệ đơn khiếu nại lên chính phủ Mỹ cáo buộc chính phủ tăng thuế bất hợp pháp và yêu cầu trả lại tiền gốc và lợi nhuận.
Xu hướng đối đầu dài hạn trong quan hệ Trung-Mỹ vẫn không thay đổi, nhưng một số yếu tố ngắn hạn, ví dụ cuộc bầu cử ở Mỹ và đại dịch Covid-19 có tác động lớn đến quan hệ Trung-Mỹ hiện tại. Cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ rất quan trọng, cả hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử Mỹ dù ai đắc cử đều sẽ phải giải quyết rất nhiều vấn đề khó khăn và đương đầu với những thách thức mới, đặc biệt chính sách với Trung Quốc.
Cựu đại sứ Mỹ: 'Trung Quốc có thể thích Biden hơn Trump'
Cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Baucus nói so với người khó đoán như Trump, Bắc Kinh sẽ thích một lãnh đạo "tương đối ổn định" như Biden hơn.