Nếu ông Biden thành công, người thừa kế Amazon sẽ mất 36 tỷ USD
Người thừa kế của Amazon có thể phải trả hơn 36 tỷ USD nếu Tổng thống Joe Biden xoá bỏ thành công "lỗ hổng" thuế thừa kế tài sản trong luật về thuế của Mỹ.
02:00 08/05/2021
Dựa trên luật thuế hiện hành, bất kỳ ai thừa kế số cổ phiếu Amazon mà tỷ phú Bezos mua vào năm 1994 với giá 10.000 USD, hiện trị giá 180 tỷ USD, sẽ được nhận tài sản mà không phải chịu thuế thặng dư vốn.
Nhằm lấp lỗ hổng đó, Tổng thống Biden lên kế hoạch áp dụng thuế thặng dư vốn 20% ngay lập tức khi tài sản chuyển cho những người thừa kế giàu có. Ông Biden đã kêu gọi tăng thuế cho thặng dư vốn lên 39,6%, đồng thời áp dụng với hóa đơn thuế cuối cùng, theo Bloomberg.
Một nghiên cứu ước tính việc cải cách luật về tài sản thừa kế sẽ giúp tăng 113 tỷ USD trong nguồn thu ngân sách vào thập niên tới.
Những người thừa kế của nhà sáng lập Amazon.com Inc. có thể phải trả hơn 36 tỷ USD. Ảnh: NBC News.
Lỗ hổng trong luật thuế Mỹ
Luật thuế Mỹ hiện hành cho phép các nhà đầu tư chuyển giao tài sản cho người được thừa kế mà gần như không bị đánh thuế, nâng giá trị thuế của tài sản lên giá trị thị trường của nó tại thời điểm thừa kế. Về sau này, nếu họ bị tính thuế lãi vốn khi mua bán tài sản đó, lãi vốn sẽ được tính bằng giá trị thời điểm bán trừ đi giá trị tài sản vào thời điểm thừa kế (tức chừa ra khoản lãi vốn tính từ thời điểm người chủ cũ mua khoản tài sản đến thời điểm chuyển giao quyền sở hữu).
Ví dụ, một người thụ hưởng thừa kế một ngôi nhà trị giá 1 triệu USD, từng được mua với giá 100.000 USD vào 20 năm trước đó sẽ không có thặng dư vốn. Nếu sau này nhà được bán với giá 1,5 triệu USD, chủ nhà chỉ phải trả thuế của 500.000 USD chênh lệch.
Quy định này cũng áp dụng cho các tài sản có giá trị cao khác như cổ phiếu của Amazon, đã tăng hơn 200.000% kể từ năm 1997.
Ủy ban Hỗn hợp về thuế Mỹ ước tính khoản lãi vốn không bị đánh thuế nhờ lỗ hổng này lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Khoảng nửa số đó thuộc về 1% những người giàu nhất, chiếm 40% tài sản của họ.
Các nhà hoạch định bất động sản nổi tiếng cho rằng điều khoản này được ban hành cách đây một thế kỷ nhằm tránh việc bị đánh thuế bất động sản hai lần. Tuy nhiên nó đã tồn tại lâu hơn mục đích ban đầu, làm gia tăng bất bình đẳng kinh tế
Luật sư của các tỷ phú đã nghĩ ra nhiều chiến lược tránh thuế bất động sản, mang lại khoản thu không nhỏ từ tài sản thừa kế.
Hiện tại, thay vì bán cổ phiếu, những người giàu có thể dùng chứng khoán để thế chấp vay tiền mặt, thay vì bán chúng. Như vậy, họ sẽ không bị đánh thuế trong vẫn có tiền phục vụ cuộc sống hàng ngày. Sau đó họ chuyển tài sản của mình cho người thừa kế mà không có thặng dư vốn.
Ông Larry Ellison, người sáng lập Oracle Corp., có 17,5 tỷ USD cổ phiếu dùng cho các khoản vay như vậy. Chiến lược này cũng được sử dụng bởi Elon Musk, người giàu thứ hai thế giới và Sumner Redstone, cựu Chủ tịch của Viacom Inc., người qua đời vào tháng 8/2020.
Khi Steve Jobs qua đời năm 2011, cổ phiếu Disney và Apple của ông lần lượt trị giá 4,5 tỷ USD và khoảng 2,1 tỷ USD. Có ít nhất 5 tỷ USD thặng dư vốn chưa được tính thuế vào thời điểm đó, tiết kiệm cho gia đình ông hơn 750 triệu USD.
Tài sản của Jobs được chuyển cho vợ ông, Laurene Powell Jobs. Bà trở thành người giàu thứ 80 trên thế giới với tổng tài sản 22 tỷ USD. Laurene Powell Jobs sẽ được thừa kế bất kỳ cổ phiếu nào của Apple với mức giá tăng lên.
Laurene Powell Jobs trở thành người giàu thứ 80 trên thế giới nhờ tài sản thừa kế khi Steve Jobs qua đời. Ảnh: Business Insider.
Forrest Mars Jr. qua đời năm 2016, để lại khối tài sản hơn 25 tỷ USD. Hiện 6 thành viên gia đình chia sẻ khối tài sản hơn 130 tỷ USD và nằm trong số 500 người giàu nhất thế giới.
Đế chế kẹo Mars đã đi đầu trong hỗ trợ cuộc chiến chống lại thuế bất động sản trong nhiệm kỳ Tổng thống George W. Bush, đồng thời kêu gọi chống lại việc tăng thuế thừa kế tài sản.
Những năm gần đây, các gia đình giàu có nhất nước Mỹ đã chi hàng triệu USD để vận động Quốc hội ngăn chặn nỗ lực tăng thuế đối với tài sản thừa kế. Những nỗ lực đó thường được đền đáp.
Nhiều ý kiến trái chiều
Đảng Cộng hòa và một số tổ chức kinh doanh đã chỉ trích đề xuất của ông Biden. Liên minh thuế bất động sản kinh doanh gia đình dự đoán rằng loại bỏ luật thuế hiện hành về thừa kế tài sản có thể đánh đổi hàng chục nghìn việc làm và cắt giảm 10 tỷ USD GDP hàng năm.
Những người phản đối nói rằng các doanh nghiệp nhỏ và trang trại gia đình sẽ phải chịu gánh nặng thuế lớn hơn, còn những người giàu sẽ tiếp tục tránh thuế nhờ những kế hoạch tài chính phức tạp.
“Việc xóa bỏ luật thuế về thừa kế tài sản hiện nay có khả năng khiến các gia đình phải thanh lý doanh nghiệp, tận dụng tài sản hoặc sa thải nhân viên để trang trải thuế”, phó chủ tịch phụ trách thuế và chính sách kinh tế Mỹ, Chris Netram nói.
Quốc hội ước tính rằng việc tăng cường thuế đối với tài sản thừa kế khiến chính phủ tiêu tốn khoảng 43 tỷ USD mỗi năm, tạo trở ngại lớn nhất đối với giới thượng lưu trong nhiều thập kỷ qua. Luật lệ mới cũng sẽ thay đổi bối cảnh kinh tế Mỹ hiện nay, vốn được thống trị bởi một số gia đình giàu có.
Ngược lại, kế hoạch này nhận được ủng hộ từ những người cấp tiến. Frank Clemente, Giám đốc Điều hành của Người Mỹ vì Công bằng Thuế, cho biết kế hoạch của chính quyền chỉ đơn giản là tìm cách "đánh thuế của cải công bằng với thuế lao động”.
Ông Biden đã giải quyết một số lo ngại. Đề xuất của ông sẽ miễn thuế cho 1 triệu USD đầu tiên của tài sản thừa kế có giá trị lớn từ thuế thặng dư vốn, đồng thời miễn thuế cho các trang trại gia đình và doanh nghiệp nhỏ trong trường hợp những người thừa kế tiếp tục điều hành chúng.
"Chúng tôi phải chỉnh sửa hệ thống "hai luật thuế" hiện tại, một dành cho người lao động Mỹ và một dành cho tầng lớp thượng lưu, thứ đã phá hủy niềm tin công chúng vào cấu trúc thuế", Bill Pascrell, Chủ tịch Tiểu ban Giám sát Cách thức và Phương tiện Gia đình, cho biết.
Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia cho biết việc tăng tỷ lệ thặng dư vốn lên cao nhất có thể tạo ra nguồn thu lớn hơn so với ước tính của Quốc hội, vì nó làm giảm sự linh hoạt về thời điểm nhận lợi nhuận của chủ sở hữu tài sản. Việc loại bỏ luật thuế về thừa kế tài sản hiện hành sẽ làm giảm tính linh hoạt hơn nữa.
Các nhà chức trách cho rằng việc duy trì luật thuế hiện hành về thừa kế tài sản sẽ làm suy yếu nỗ lực tăng nguồn thu từ những người giàu thông qua đánh thuế cao hơn đối với thu nhập đầu tư.
Các gia đình giàu có đang gây áp lực lên Quốc hội Mỹ để không thông qua đề xuất cải tổ thuế. Ảnh: Reuters.
Giải pháp tương tai
Theo Mô hình Ngân sách Penn Wharton, việc tăng tỷ lệ thặng dư vốn lên 39,6% sẽ tăng 113 tỷ USD trong nguồn thu mới vào thập niên tới - nhưng chỉ khi luật thuế hiện hành bị nghiêm cấm. Nếu chính sách không thay đổi, việc tăng lãi suất vốn sẽ thúc đẩy nhiều người giàu hạn chế bán tài sản trước khi qua đời, khiến Bộ Tài chính Mỹ mất 33 tỷ USD trong 10 năm.
Chye-Ching Huang, Giám đốc Điều hành Trung tâm Luật Thuế tại Trường Luật, Đại học New York, cho biết: “Có nhiều cách để soạn thảo và thực hiện chính sách để nó không tạo ra các vỏ bọc thuế lớn và không hiệu quả".
Các đề xuất này còn xa để trở thành luật, mặc dù đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện của Quốc hội, vì chúng đe dọa các nhà tài trợ giàu có cho cả hai đảng. Nhưng những người ủng hộ nói rằng đây là điều cốt lõi để đạt được tầm nhìn của ông Biden về công bằng thuế.
Nhưng kể cả khi kế hoạch của Tổng thống Biden được thông qua, các luật sư thuế và kế toán sẽ lách luật bằng các khoản quyên góp từ thiện và các chiến lược bất động sản mới.
John Ricco, tác giả của nghiên cứu Wharton, cho biết: “Biện pháp này chắc chắn giảm khả năng tránh thuế - có lẽ không nhiều như những người ủng hộ hy vọng, nhưng nó sẽ đóng góp một phần nào đó".
Sang Mỹ sinh con để có quốc tịch "xịn", sao Việt chi bộn tiền vẫn khổ
Nhiều gia đình sao Việt đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn để con được hưởng chế độ chăm sóc y tế hiện đại và được mang quốc tịch Mỹ.