Ngành nail được Quốc Hội California ‘che chở’ sau khi Luật AB5 ban hành
Quốc Hội California vừa ra đạo luật AB5 và sẽ được áp dụng kể từ 1 Tháng Giêng, 2020 tới đây. Theo đó, mọi người làm việc trong các cơ sở thương mại đều được coi là “nhân viên” (employees) chứ không còn là “tư nhân độc lập” (independent contractors), làm khoán nữa, nếu công ty kiểm soát cách họ làm việc, hoặc công việc họ làm là một phần thương vụ của công ty.
08:30 20/09/2019
Tuy nhiên, vẫn có một số ngành nghề có được “đặc ân” ngoại lệ, không phải tuân thủ đạo luật nói trên, trong đó có ngành nail.
Để hiểu rõ ràng hơn về đạo luật này, cũng nhưng những ngoại lệ được áp dụng cho ngành nail – công việc có rất đông người gốc Việt – phóng viên Người Việt đã có cuộc phỏng vấn với ông Tyler Diệp, dân biểu gốc Việt duy nhất tại tiểu bang California, cũng là người dự phần vào việc mang lại sự “chở che” cho ngành nail ở “Tiểu Bang Vàng” này.
***
Người Việt: Liên quan đến đạo luật AB5 mà Quốc Hội California vừa thông qua hôm 11 Tháng Chín vừa qua, xin Dân Biểu Tyler Diệp giải thích một cách chi tiết hơn?
Dân Biểu Tyler Diệp: Lý do Quốc Hội California thông qua Đạo Luật AB5 là vì vào năm 2018, Tối Cao Pháp Viện California đã đưa ra một phán quyết cho rằng tất cả ngành nghề ở California, dù là bất cứ ngành nghề nào, thì người chủ phải trả lương cho họ và xem họ như một nhân viên (employees) để trả lương W2 chứ không được dùng 1099 hay “independent contractors” để trả nữa.
Chính vì phán quyết đó cho nên Quốc Hội phải đưa ra Dự luật AB5 và Thống Đốc Gavin Newsom vừa mới ký thành luật, để điều chỉnh lại hay bảo vệ một số ngành nghề nhằm tạo cho họ sự thoải mái, có sự tự do để làm nhân viên, hay có thể làm “independent contractors.”
Những ngành đầu tiên được Quốc Hội “che chở” bao gồm nha sĩ, bác sĩ, luật sư, các nhân viên bán bảo hiểm, các nhân viên môi giới địa ốc và cuối cùng là các thợ tóc, không có thợ nail. Nghĩa là vào thời điểm đó, ngành nail vẫn đang bị nguy cơ xếp vào dạng trả W2, chứ các chủ tiệm nail không có sự uyển chuyển để trả cho các thợ nail theo dạng 1099 nữa, cho dù là họ có mướn “booth” (mướn chỗ).
Tuy nhiên, quá trình Lập Pháp kéo dài từ Tháng Giêng đến đầu Tháng Chín vừa qua, khi Quốc Hội thông qua phiên bản cuối cùng của luật này thì ngành nail mới được một ngoại lệ và sẽ duy trì được 2 năm. Nghĩa là trong 2 năm tới đây, nếu tuân thủ theo một số điều khoản do Quốc Hội quy định, thì một số người vẫn được xem là “independent contractors,” người hành nghề tự do, không bị ràng buộc như một nhân viên “employees.”
Tuy nhiên, sự ràng buộc này chỉ có hiệu lực trong vòng 2 năm tới. Và trong 2 năm tới đây, chúng tôi lại phải cố gắng làm việc để làm sao đưa đạo luật này trở thành điều vĩnh viễn cho ngành nail của cộng đồng Việt Nam.
Người Việt: Xin dân biểu giải thích lại một lần nữa về sự khác nhau giữa W2 và 1099?
Dân Biểu Tyler Diệp: Khi chủ trả W2 cho nhân viên, thì mức chi phí mà chủ tiệm nail phải trả cho chính phủ nhiều hơn. Nghĩa là nếu phải trả cho thợ nail theo dạng W2 thì chủ phải cho những người thợ nail một số quy chế lao động mà người lãnh 1099 không có được.
Ví dụ, nếu là nhân viên W2 thì mỗi năm phải được 3 ngày nghỉ bệnh mà vẫn có lương, phải có giờ nghỉ giải lao sau khi làm 3 tiếng đồng hồ, phải có giờ ăn trưa, và nếu làm hơn 40 tiếng một tuần thì phải trả “overtime.” Trong khi trước giờ, các thợ nail và chủ vẫn thường ăn chia với nhau theo dạng 6-4 hoặc 7-3, giờ nếu làm mà trả “overtime” thì bài toán mà xưa nay người Việt Nam làm nail ăn chia với chủ không ai biết phải tính làm sao cả.
Như đã nói lúc đầu, năm 2018 phán quyết của Tối Cao Pháp Viện bắt phải trả theo W2. Tuy nhiên, khi phán quyết đó ra thì Bộ Lao Động của tiểu bang California chưa thi hành vì phán quyết đó quá bao la, cho nên tất cả các ngành nghề đều bị ảnh hưởng và cần có thời gian để Quốc Hội điều chỉnh lại luật này.
Đó là lý do tại sao trong năm 2019 này Quốc Hội đã cố gắng điều chỉnh lại cho rất nhiều ngành nghề, trong đó có ngành nail mà chúng tôi mới xin được vài tu chính án để chấp thuận cho những chủ tiệm muốn trả cho thợ nail theo “independent contractors,” tức trả 1099 một cách hợp pháp, thì phải tuân theo một số quy định của Bộ Lao Động.
Người Việt: Những quy định mà Bộ Lao Động đòi hỏi để chủ tiệm được trả 1099 là gì, thưa dân biểu?
Dân Biểu Tyler Diệp: Bắt đầu vào năm sau, nếu một chủ tiệm nail muốn trả cho người thợ theo 1099 thì họ phải tuân theo những quy định như sau.
Thứ nhất là chủ và thợ phải có quy định mướn “booth.” Người thợ phải có hợp đồng giao kèo với người chủ tiệm là mình mướn “booth” này và trả bao nhiêu tiền để mướn.
Thứ hai là dụng cụ và đồ làm nail (supplies) là do chính thợ mua chứ không được dùng đồ của tiệm.
Thứ ba là thợ phải là người tự đặt hẹn với khách và không có giờ làm cố định, có khách thì làm không thì có quyền về nghỉ, chứ không cần phải theo kiểu đi làm từ 9 giờ sáng và ngồi đến 7 giờ tối cho dù có khách hay không.
Thứ tư là phải có một “business licence,” tức có môn bài riêng của thợ, chứng tỏ thợ nail là một tiểu doanh nghiệp nhỏ, “small business owner.”
Thứ năm, quan trọng nhất, là không được lẫn lộn tiền bạc với nhau. Khách mình làm xong thì mình lấy tiền. Nếu trả credit card thì mỗi người làm phải có hệ thống nhận thẻ tín dụng riêng chứ không phải là người khách mang thẻ lên cà vào máy của chủ tiệm. Mỗi người mướn “booth” phải có hệ thống nhận tiền riêng.
Nếu tuân thủ theo những quy định đó thì mới phù hợp với một “independent contractor.” Nếu không phải thì phải xem như một người lãnh W2 của tiệm và phải tuân thủ theo những ràng buộc của Sở Lao Động.
Người Việt: Tại sao chỉ có vài ngành nghề được Quốc Hội California “che chở” trong khi nhiều nghề khác không được “đặc quyền” này?
Dân Biểu Tyler Diệp: Những ngành nghề đầu tiên được luật AB5 “che chở” gồm có luật sư, nha sĩ, bác sĩ, một số các ngành trong lãnh vực y khoa, nghề bán bảo hiểm, nghề bán địa ốc. Bởi vì đây là những ngành nghề có thế lực chính trị rất lớn đối với Quốc Hội tiểu bang. Họ có tổ chức, có sự vận động hành lang rất giỏi. Hằng năm các quỹ tranh cử của các nhà lập pháp đều do các ngành nghề này ủng hộ rất nhiều. Cho nên trong những đợt “che chở” trước, thì đây là những ngành nghề có được sự đặc quyền đó.
Kế đến là có rất nhiều người phân vân là tại sao ngành tóc cũng có đặc quyền đó, trong khi những người thợ tóc không có các tổ chức chính trị để “che chở” cho họ, thì lý do mà chúng tôi được biết là vì bà chủ tịch Thượng Viện California có một người bạn làm thợ tóc và làm theo dạng 1099 cho bà. Đó là lý do vì sao mà các thợ tóc được ưu đãi và cho phép họ có được một sự ngoại lệ như vậy.
Riêng với ngành nail đến giờ cũng có được sự ngoại lệ “che chở” giống như một vài ngành kia là vì chúng ta cũng còn có một tiếng nói của người Việt Nam tại Quốc Hội California.
Người Việt: Cám ơn tiếng nói của Dân Biểu Tyler Diệp, tiếng nói của người Việt Nam duy nhất hiện nay tại Quốc Hội California. Hy vọng tiếng nói của Dân Biểu Tyler sẽ luôn tiếp tục để những người thợ nail có cơ hội phát triển công việc làm ăn một cách an toàn nhất, hợp pháp nhất.
Hương Tràm bật khóc giữa đêm, lần đầu trải lòng về cuộc sống 'sinh viên nghèo' ở nhà thuê tại Mỹ
Dòng chia sẻ khá dài của Hương Tràm sau 4 tháng rút hẳn khỏi Vbiz nhanh chóng thu hút nhiều lượt quan tâm từ đông đảo người hâm mộ.