Ngày đoàn tụ của người phụ nữ 31 năm đi lạc

Trót đánh đổ xô bột bánh xèo của bà nội, sợ bị đòn nên cô bé 8 tuổi Ngô Thị Bích Vân chạy trốn nhưng không ngờ 31 năm sau mới tìm lại được gia đình.

10:58 14/09/2023

Gia đình Vân ở An Giang nhưng vì kinh tế khó khăn nên năm 1992 bố mẹ gửi cô và em trai về Đà Nẵng ở với bà nội. Không được đi học, cô bé chỉ quanh quẩn phụ bà làm bánh, bán ở đầu ngõ. Cậu em tính nghịch ngợm nên thường bị bà đánh đòn. Vân chạy trốn sau khi làm đổ xô bột cũng vì sợ cái roi của bà.

Chị Ngô Thị Bích Vân khi đoàn tụ với gia đình bố mẹ ruột, tháng 7/2023. Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly
Chị Ngô Thị Bích Vân (áo vàng) đoàn tụ với gia đình bố mẹ ruột, tháng 7/2023. Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly

Thời điểm đi lạc, Vân mới sống ở nhà bà vài tháng, không biết chữ cũng không nhớ đường. Chạy mãi, khi nhìn lại cô bé quên luôn lối về nhà. Đến ga Đà Nẵng, cô bé trốn vào một góc, đợi người nhà đến tìm, mệt quá ngủ thiếp đi. Tới 3h sáng, nghe tiếng còi tàu cô bé tỉnh dậy hỏi mới biết đó là chuyến tàu đi Quy Nhơn, Bình Định. "Tôi nhớ bà từng kể, ở Quy Nhơn có một người cô tên Tuyết. Tôi nảy ý định đến Quy Nhơn tìm cô Tuyết để nhờ đưa về nhà", chị Vân, 31 tuổi, hiện sống tại Quy Nhơn (Bình Định) kể.

Ban đầu cô bé bị đuổi xuống nhưng nhanh trí bám vào tà áo của một cặp vợ chồng để lên tàu. Đến Quy Nhơn, Vân đi vòng quanh sân ga, thấy ai cũng hỏi cô Tuyết nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Mấy người bán hàng quanh ga hỏi chuyện, biết cô bé đi lạc nên cho ăn uống, tắm rửa. Sáng hôm sau Vân tiếp tục trốn vé đi ngược lại Đà Nẵng, lại ngồi chờ trong sân ga nhưng vẫn không thấy ai đến đón.

Cứ như vậy trong 22 ngày, Vân cứ lên rồi xuống đúng một con tàu, đi giữa hai ga Đà Nẵng-Quy Nhơn. Lần nào cô bé cũng hy vọng khi bước xuống ga sẽ thấy người thân đang đứng chờ, nhưng đổi lại chỉ là sự thất vọng. Sống tại sân ga, khi đói Vân xin ăn, tắm rửa nhờ nhà người dân gần đó. Cô bé không dám đi đâu xa, chỉ loanh quanh bên bến tàu với hy vọng một ngày bố mẹ đến đón mình về.

Sang ngày thứ 23, khi xuống ga Quy Nhơn tìm hỏi cô Tuyết, một người phụ nữ biết chuyện, giới thiệu Vân phụ giúp cho một quán phở để có chỗ ăn ở. "Sau này tôi mới biết, quán phở chỉ cách nhà cô Tuyết 6 hộ vậy mà chưa lần nào hai cô cháu gặp được nhau", Vân nói.

Phụ quán được vài tháng, cô bé bị con trai chủ nhà sàm sỡ nên sợ hãi bỏ trốn. Thấy đáng thương, một phụ nữ sống gần ga tàu muốn Vân về làm con nuôi mẹ mình ở huyện Phù Mỹ, cách Quy Nhơn 50 km. Gần nửa năm lưu lạc, Vân có gia đình mới với người mẹ và chị gái nuôi.

Mẹ nuôi cho cô đi học, nhưng vừa thuộc hết mặt chữ phải nghỉ để phụ giúp việc đồng áng. Những ngày sống ở Phù Mỹ, hình ảnh về cha mẹ ruột và anh chị em vẫn luôn hiện diện trong tâm trí Vân. "Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi luôn cố sống lại khoảng thời gian ở ngôi nhà cũ. Như vậy sẽ không thể quên", cô nói. Vân cũng thường bị ảo giác, nghe thấy tiếng mẹ gọi trong đêm. Khi tỉnh lại, cô động viên mình dù thế nào cũng phải tìm được gia đình.

Năm 1998, trong một lần mẹ nuôi đi chơi xa, Vân trốn nhà bắt xe đi Đà Nẵng tìm gia đình. Cô bé đi bộ dọc ga tàu, cố lục tìm trong ký ức xưa hình ảnh con ngõ nhỏ nơi bà nội sinh sống. Nhưng mọi thôn xóm đi qua, đều không giống với những gì còn lại trong trí nhớ. Không còn tiền, Vân xin ăn, xin ngủ nhờ. Sau bốn ngày tìm kiếm không có kết quả, cô trở lại Bình Định. Một năm sau, cô vay 300.000 đồng tiếp tục đến Đà Nẵng tìm gia đình lần hai. Chuyến tìm kiếm này cũng bắt đầu từ đường ray tàu hỏa, nhưng thông tin về người thân đều bặt vô âm tín.

Lần này vì sợ mẹ nuôi mắng, Vân bắt xe lên Bảo Lộc, Lâm Đồng bán kem, phụ quán ăn, giúp việc. Khi kiếm đủ một triệu đồng, cô quay lại Đà Nẵng tìm người thân trong 10 ngày. Cũng như hai lần trước đó, việc tìm kiếm không thu được kết quả.

Hiện vợ chồng chị Vân bán bánh xèo tại thành phố Quy Nhơn để sinh sống và nuôi ba người con. Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly
Hiện vợ chồng chị Vân bán bánh xèo tại thành phố Quy Nhơn để sinh sống và nuôi ba người con. Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly

Ba lần tìm kiếm thất bại, năm 2002, Vân lên Quy Nhơn làm việc trong một quán cà phê. Tại đây cô gặp anh Thao Minh Quý (sinh năm 1983) là khách quen của quán. Trò chuyện qua lại, thương cô gái lạc cha mẹ nhưng chăm chỉ chịu khó, anh ngỏ lời yêu và được Vân đáp lại, hai người nên vợ chồng.

Ba đứa con lần lượt ra đời cuốn Vân vào cơm áo gạo tiền. Thời gian trôi qua, ký ức dần phai mờ nhưng người phụ nữ này chưa bao giờ bỏ ý định tìm lại gia đình. Anh Quý kể, mỗi khi vợ chồng xung khắc, đêm đến mỗi khi đi ngủ, Vân đều nói mơ, gọi thất thanh cha mẹ rồi tỉnh dậy với nước mắt đầm đìa. "Tim cô ấy luôn quặn thắt nỗi nhớ gia đình. Bởi vậy sau này tôi cố gắng không làm vợ buồn, cô ấy cáu cũng chỉ im lặng hoặc nhận lỗi về mình", người chồng nói.

Gần chục năm trước, tình cờ Vân xem được chương trình tìm người thân trên truyền hình. Cô đăng ký bằng một lá thư viết tay, trong đó có đoạn viết: "Đã nhiều lần tôi đi dọc ga tàu Đà Nẵng để nhớ ra mình thất lạc ở đâu nhưng không thể nào nhớ được. Ngàn lời cầu mong mọi người tìm lại gia đình giúp tôi". Nhưng vì thông tin gửi đến quá ít ỏi, lá thư chưa được hồi đáp.

Đầu năm nay, Vân chợt nhớ khi mới nhận làm con nuôi, cô được người chị chụp cho một tấm hình. Ngay sau khi tìm thấy, cô tiếp tục gửi thư tới chương trình tìm kiếm người thân kèm theo bức ảnh có được. "Tôi nhận ra mình không thể đợi thêm nữa bởi cha mẹ có lẽ đã quá già. Tôi lo rằng khi gặp lại nhau, rất có thể họ đã qua đời", cô nói.

Cuối cùng, sự kiên trì của người phụ nữ 39 tuổi đã được đền đáp. Ngay khi trường hợp của Vân được đăng tải hồi cuối tháng 7/2023, chỉ sau một ngày, người hàng xóm cũ sống cạnh nhà bà nội tại Đà Nẵng nhận ra cô. Thông tin được chuyển đến bố mẹ đẻ Vân, hiện sống ở Bình Phước.

"Quá bất ngờ, tay tôi run bắn lên khi nghe thông báo, điện thoại cũng suýt rơi khỏi tay", bà Phan Thị Vót (64 tuổi), mẹ đẻ Vân kể lại.

31 năm trước, khi con gái mất tích cũng trùng với thời điểm cậu con trai thứ 5 qua đời vì bệnh nặng, người mẹ này như hóa điên. Hai vợ chồng bà Vót đã quay lại Đà Nẵng nhiều lần, cứ nghe tin ở đâu có trẻ thất lạc, họ lại đến hỏi thăm. Nhiều năm tìm kiếm không kết quả, tiền tiết kiệm cũng dần cạn kiệt, tinh thần người mẹ suy sụp hoàn toàn. Đến trước thời điểm tìm thấy con gái, cứ mỗi khi Tết đến hoặc gia đình sum họp bà lại ngồi khóc, thương bé Vân không biết có được ăn no, mặc ấm.

Nghe tin tìm thấy đứa con gái thất lạc 31 năm, ông Ngô Minh Huệ (bố Vân) vì quá xúc động nên bị tai biến lần thứ tư. "Cuối cùng tôi đã đợi được đến ngày này. Giờ có nhắm mắt xuôi tay cũng mãn nguyện rồi", người cha cất tiếng khó nhọc.

Còn với Vân, cả tháng chờ đợi xác minh thân nhân khiến cô mất ăn mất ngủ, sụt tới 5 kg. Trong buổi gặp gỡ người thân, cô khóc nức nở, ôm từng thành viên trong gia đình.

"Ổn rồi, từ giờ chúng ta không còn phải xa nhau thêm giây phút nào nữa", bà Vót vỗ về.

Chị Vân đoàn tụ với đại gia đình cuối tháng 7/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đại gia đình chị Vân trong ngày đoàn tụ, cuối tháng 7/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau khi tìm được con gái, bà Vót từng đề nghị gia đình Vân chuyển về sống gần họ tại Bình Phước, bù đắp cho những tháng ngày xa cách. Tuy nhiên, vì mẹ chồng già yếu, Vân chưa muốn rời Quy Nhơn. Bà Vót hiểu tấm lòng, tâm tư của con nên không còn đòi hỏi cô về bên mình. Mọi người đồng ý trong tương lai, Vân thường xuyên qua lại mỗi khi gia đình có việc.

Dù vậy, điều khiến người phụ nữ 39 tuổi nuối tiếc nhất chính là mẹ nuôi chưa kịp nhìn thấy cô hội ngộ người thân sau bao năm tìm kiếm. Bà đã mất hơn một năm trước.

"Tôi tin nếu biết được con gái đã tìm được gia đình ruột thịt, chắc chắn ở một nơi nào đó, mẹ nuôi sẽ mỉm cười mãn nguyện", Vân nói.

Tags:
Gửi tiền tiết kiệm ngân hàng: Nên gửi vào thẻ hay sổ tiết kiệm để hưởng lãi cao?

Gửi tiền tiết kiệm ngân hàng: Nên gửi vào thẻ hay sổ tiết kiệm để hưởng lãi cao?

Khi đến ngân hàng để gửi tiền, việc lựa chọn giữa việc gửi vào thẻ ngân hàng hay sổ tiết kiệm có thể tạo ra nhiều sự khác biệt trong giao dịch. Tuy nhiên, có thể có nhiều người không nhận biết được điều này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất