Nghề ‘biến’ giày, đồ da, túi xách… luôn mới, âm thầm tồn tại ở Little Saigon

Mặc dù ngành công nghiệp sản xuất giày dép khiến cho nghề thủ công đóng giày, sửa giày trở nên mai một dần, nhưng ở Little Saigon vẫn có cửa tiệm về nghề này còn tồn tại, thậm chí là vẫn “ăn nên làm ra.” Ở những tiệm này, người thợ không chỉ biết sửa giày, đóng giày mà còn phải tự “nâng cao tay nghề” sửa được rất nhiều thứ đồ bằng da khác, như thắt lưng, vali, túi xách, áo da…

05:30 04/03/2019

“Đa số khách đóng giày là khách nam. Tuy ngày nay không có nhiều người đóng giày nhưng thi thoảng cũng có những ông đặt đóng một lúc tới 10 đôi giày, giá mỗi đôi là $250. Giày đóng vừa với chân mà lại bền, đi hàng chục năm không hỏng, tuy giá có hơi cao so với giày mua ở ngoài store. Còn sửa giày thì khách mang tới vài ba đôi, có người mang một lúc 9-10 đôi là chuyện bình thường. Chủ yếu là làm đế mới, bọc đế, cũng có khi phải biến từ đến thấp sang đế cao, rồi khâu dán lại quai,” bà Hằng Nguyễn, chủ tiệm Tường Shoe Repair ở góc đường Brookhurst với Bolsa, Westminster, nói với phóng viên nhật báo Người Việt.

Sửa giày nhưng sống nhờ sửa túi xách

Trong tiệm của bà, bên cạnh các máy móc đóng giày và sửa giày, thì có hàng loạt các giá treo các túi xách hiệu mà khách mang tới để sửa.

“Chúng tôi xuất phát là tiệm sửa giày, nhưng cuối cùng nhờ sửa túi xách, áo da… mà chúng tôi tồn tại đến bây giờ,” bà Hằng giải thích.

“Mỗi đôi giày chúng tôi cặm cụi sửa, có khi mất vài tiếng đồng hồ mới xong, mà chỉ lấy được chừng $10 đến $15 của khách thì làm sao đủ trả tiền thuê nhà, tiền vật liệu, tiền thợ? Trong khi sửa một cái túi xách da, tiền công có thể lên đến $200,” bà cho biết thêm.

Chính vì vậy, trong tiệm của bà thường có hai thợ, một người gốc Mexico chuyên sửa giày và một người Mỹ trắng sửa túi ví áo da. Mặc dù không nói được tiếng Anh nhưng bà vẫn ra dấu để giao tiếp và cả hai thợ đều đã gắn bó với bà hàng chục năm.

Nhờ kỹ thuật pha sơn màu đỏ đúng như màu của cái túi, sau đó dặm sơn thật khéo léo, để che đi các vết sờn góc của chiếc túi hiệu Chanel một cách tự nhiên, như mới. (Hình: Tâm An/)

Bà chia sẻ: “Kỹ thuật sửa túi xách, bóp da, áo da thì khó hơn nhiều so với sửa giày, đòi hỏi thợ phải có tay nghề giỏi về nhiều thứ mới mẻ như pha màu, nhuộm màu, cắt, may, khâu da cao cấp, tháo lắp phụ kiện cho túi xách. Phụ kiện dùng để thay thế và sửa túi xách cũng mắc và khó tìm hơn nhiều so với sửa giày dép. Cho nên không phải dễ gì một người thợ chuyên về giày dép có thể làm được.”

“Thợ sửa túi xách phải có kinh nghiệm lâu năm về kỹ thuật pha màu, kỹ thuật khâu may. Ngoài ra phải có đầu óc sáng tạo, tỉ mỉ, khéo léo, làm có tâm mới được. Những người thợ như thế này không có nhiều vì hiện nay không có trường nào dạy chính thức về nghề sửa thời trang đồ da cao cấp. Đa số là thợ họ tự làm tự học, theo kiểu ‘nghề dạy nghề’ mà thôi. Cho nên có được một người thợ khéo tay và tận tâm là một cái duyên, cái phước. Mình phải đối xử tốt, rộng rãi với thợ, trả công cho họ xứng đáng thì mới giữ chân thợ được. Mỗi ngày tiền công thợ tay nghề cao, tôi trả không dưới $200, ngoài ra tôi còn thêm tiền tip,” bà khẳng định.

Nói về những khó khăn trong nghề này, bà Hằng cho biết: “Có khách rất dễ tính, nhưng cũng có khách họ rất kỹ, không ưng ý một xíu thôi là người ta bắt đền, bắt vạ. Cái túi có giá cả ngàn đô la chứ không ít nên phải rất cẩn thận. Nhắm làm được mới nhận, không làm được thì từ chối ngay, không dám làm liều. Rồi không phải lúc nào cũng có thợ làm. Đôi khi thợ làm ba ngày là người ta thấy đủ xài rồi, họ không muốn làm mình cũng không ép được họ.”

Luôn sáng tạo

Mỗi khách hàng mang tới mỗi loại túi, mỗi hiệu khác nhau, chất liệu da khác nhau, màu sắc khác nhau, rồi mỗi cái hỏng một kiểu. Vì vậy cũng có lúc bà Hằng gặp phải những “case” khó, có khi không sửa được, phải trả lại khách hàng.

Bà kể: “Có cái không tìm được phụ kiện hay màu da cùng loại như vậy, thì mình phải ‘sáng tác’ (design) ra miếng vá. Chẳng hạn như gặp cái áo da bị cháy rách một miếng, mình phải vá một miếng da màu khác lên, nhưng phải thiết kế sao cho miếng vá thật tự nhiên, độc đáo. Nhìn vào tưởng là không phải vá mà là một sáng tạo tô điểm thêm cho cái áo, khách mới thích.”

Những chiếc túi khách mang đi sửa hầu hết là những chiếc túi hiệu giá trị hàng ngàn đô la như hiệu LV, Channel, Hermes. (Hình: Tâm An/)

Chỉ tay vào cái vali nhỏ, hiệu LV bà nói thêm: “Mỗi lần phải ‘design’ như vậy thì phải hỏi ý kiến khách có chịu hay không rồi mới làm. Nếu khách không ưng thì đành chịu. Như cái vali hiệu LV này, nó bị hỏng bánh xe và sờn quai xách. Phần quai thì sửa được. Nhưng phần bánh xe, đã hai tháng nay tôi không tìm phụ kiện thay thế, nên đành phải trả lại khách hàng.”

Bà tự tin cho rằng: “Thợ chỗ chúng tôi có tay nghề 15-20 năm, nên chỗ chúng tôi không sửa được thì chắc cũng khó mà có chỗ nào khác ở vùng này sửa được.”

Quả thật, như lời chị Trà My, cư dân Anaheim, cho biết: “Tôi đem túi xách Gucci bị sứt quai tới cửa tiệm Gucci để họ sửa mà họ không nhận. Họ nói cửa hàng chỉ bán đồ mới chứ không sửa đồ cũ. Muốn sửa phải gửi đi tới trung tâm có chuyên môn, có thể mất cả trăm đô la. Tình cờ tìm trên mạng ra chỗ này, tôi mang tới sửa, không ngờ chỉ mất có $10, tôi mừng quá tip cho họ $20 luôn.”

Những chiếc túi hàng ngàn đô la

Chị Bích Phương, cư dân từ Tustin, mang theo mấy chiếc túi hiệu Chanel tới để sửa sang và làm mới, cho biết: “Tôi thường hay mua túi xách, bóp, vali hiệu LV, Chanel, Hermes, loại đã qua sử dụng (secondhand), sau đó đem đi sửa hoặc vệ sinh sạch sẽ rồi bán lại. Mặc dù có khi tiền công sửa và vệ sinh một cái túi tới $300 nhưng túi sẽ trông mới, đẹp hẳn ra. Nhờ đó mình cũng dễ bán và có lời nhiều. Vì thế giá sửa tuy có cao nhưng cũng chấp nhận được. ”

Trong số những chiếc túi mà chị Phương mang tới sửa, có cái còn nguyên hình dáng chỉ cần đánh cho bóng đẹp sạch sẽ, có cái bị trầy xước hoặc đứt phải khâu lại, có cái phải thay nguyên lớp vải lót bên trong vì nó bị lem bẩn.

Chiếc vali hiệu LV có thể sửa được phần quai nhưng không có bánh xe thay thế, phải trả lại khách. (Hình: Tâm An/)

Chị cho hay: “Túi hiệu thì chất liệu da của nó bền đẹp lắm, ít khi tróc da hay sờn rách. Chỉ có mấy cái phụ như quai xách, lớp lót bị rách, trầy xước, lem bẩn thì phải sửa hoặc thay. Nếu mình mua túi còn đẹp, không phải sửa gì cả thì giá mua thường là cao, bán ra không có lời. Chính những túi xách bị dơ bẩn, bị sờn, bị lỗi gì đó thì người ta mới chịu bán rẻ cho mình, mình mới có cơ hội bán kiếm lời nhiều.”

“Nhưng vấn đề quan trọng là mình phải có chỗ sửa giỏi, làm uy tín. Chứ cái túi trị giá mấy ngàn đô la mà lỡ kiếm phải chỗ thợ non tay nghề, sửa xấu, không khớp màu, không đúng loại da… thì không bán được là lỗ vốn luôn,” chị Phương nói thêm.

Một tay cầm chiếc túi Chanel màu đỏ, một tay đổ vài giọt sơn cùng màu ra khay, bà chủ tiệm Tường Shoe Repair vừa làm, vừa giải thích: “Như cái túi này, không bị sờn rách gì cả, tương đối sạch sẽ, chỉ có bốn góc bị xỉn màu một chút xíu. Để túi trông mới, sạch hơn, tôi lau bằng dung dịch chuyện dụng cho loại da này và dặm lại màu ở các góc. Điều quan trọng là pha màu sơn làm sao cho khớp đúng với màu sẵn có của túi. Và sơn dặm phải khéo léo để nhìn vô là không phân biệt rõ được màu cũ với màu mới.”

“Tiền công là $50 nhưng chúng tôi mất khoảng $30 tiền vật tư rồi, vì đây là vật liệu cho loại da cao cấp, giá rất mắc. Nhưng tính ra vẫn ‘có ăn’ hơn sửa giày,” bà giải thích thêm.

Không chỉ có khách xài đồ hiệu cả ngàn đô la mới đem đồ đi sửa. Bà Phước Lê, 68 tuổi, ở Fountain Valley, cho biết: “Cái bóp của tôi chẳng đáng bao nhiêu tiều, nhưng tôi chỉ ưng có cái bóp đó, đi đâu nó đựng đồ rất khéo, vừa vặn, tôi rất thích nên vẫn mang đi sửa, dù tiền sửa cũng gần bằng tiền mua mới.”

Đủ các loại túi xách được gửi lại tiệm sửa. (Hình: Tâm An/)

Không chỉ có khách hàng ở quanh vùng Orange County, mà các khách ở xa cũng tìm đến. Bà Hạnh Cao ở thành phố Mission Viejo, cách khu Bolsa hơn một tiếng lái xe, cũng tới đây vì bà cho biết bà không rành tiếng Anh để sửa ở tiệm trên chỗ bà ở và bà quen sửa ở tiệm này rồi.

Trên tay cầm chiếc túi hiệu Hermes thuộc bộ sưu tập Kelly, màu đỏ đậm, bà Hạnh khoe: “Cái túi này em tôi xài đã 10 năm rồi, giờ vừa bán được giá $7,000 cho một tiệm Consignment Store của người Mỹ, nhưng tôi hứa với họ là tôi sẽ đi vệ sinh sạch sẽ trước khi giao hàng cho họ, vì thế mà tôi xuống đây.”

Bà Hằng cũng cho biết, nhiều ca sĩ, diễn viên ở Little Saigon tìm tới tiệm bà để nhờ “chăm sóc” cho những đôi giày, túi hiệu của họ. Có người mang một lúc cả chục cái túi và giày dép để vệ sinh, sửa sang một thể, bởi vì họ không có thời gian nhiều sau mỗi chuyến đi diễn.

Ngoài việc kiếm thu nhập từ tiền sửa đồ da, bà Hằng còn tiết lộ: “Cũng có lúc khách người ta chán mẫu túi đó rồi hoặc họ đang lúc cần tiền, họ mang tới tiệm muốn bán. Thấy giá tốt tôi cũng bỏ tiền ra mua, rồi vệ sinh, sửa sang lại, bán kiếm lời. Khách hàng họ tin tưởng mua túi tại chỗ chúng tôi hơn là mua chỗ khác, vì người ta biết mình là dân sửa túi thì không thể mua lầm hàng nhái được.”

Gắn bó gần chục năm với tiệm sửa giày, bà Hằng tự tin kết luận: “Nhìn chung thì làm nghề này nếu chịu khó tư duy, sáng tạo, khéo léo để có thể sửa bất kỳ món đồ da nào, không chỉ giày da, mà tất cả các loại đồ thời trang da… từ vệ sinh, thay quai, sửa khóa tới nhuộm màu mới, đều phải làm được thì vẫn có khách, vẫn sống được với nghề.” 

Tags:
Little Saigon: Nạn nhân ċháÿ nhà cảm động trước tình lối xóm kiểu Việt Nam

Little Saigon: Nạn nhân ċháÿ nhà cảm động trước tình lối xóm kiểu Việt Nam

Sáng Chủ Nhật, 10 Tháng Hai, căn mobile home số 108 của ông Jay Carmichael trong khu Green Lantern, Westminster bị ċháÿ rụi. Nhưng qua chuyện rủi ro này ông mới thấy tình láng giềng của những người gốc Việt.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất