Nghề đồng nát ở New York cũng khủng hoảng
Công việc thu gom phế liệu vốn là nguồn thu nhập chính của nhiều người nhập cư ngày càng bấp bênh.
14:52 09/01/2025
Cứ 7h sáng, Graciela Cieza và Robert Romero, cặp vợ chồng nhập cư gốc Peru lại mở cửa xưởng thu mua đồ tái chế ở Queens, New York. Khu vực này tập trung hàng trăm chiếc túi lớn đựng chai thủy tinh, lon nước được phân loại theo nhãn hiệu, sản phẩm và kích cỡ.
Vợ chồng Cieza làm việc tại xưởng phế liệu này được 8 năm. Gần nửa năm trước họ thành chủ của cơ sở này.
"Người chủ cũ tuyên bố phá sản và đóng cửa nơi đây do không còn thu nhập", bà Cieza, 65 tuổi, người cùng chồng và hai con đến Mỹ 12 năm trước, nói.
Vợ chồng Graciela Cieza và Robert Romero làm việc tại xưởng thu mua đồ tái chế ở Queens, New York, Mỹ. Ảnh: CORTESÍA
Tái chế rác ở New York là quy trình theo chuỗi. Người tiêu dùng bỏ chai hoặc lon vào thùng tái chế ở nơi công cộng. Những người nhặt phế liệu thu gom, mang đến trung tâm đổi trả và nhận 5 xu cho mỗi món đồ.
Sau khi thu gom, người mua sẽ phân loại các món đồ theo nhãn hiệu, hộp đựng và kích thước để bán cho các nhà phân phối, có thể là công ty sản xuất hộp đựng hoặc các nhà máy đóng chai. Giá bán mỗi sản phẩm là 8,5 xu.
Hệ sinh thái tái chế tại New York thuờng do lao động nhập cư và người cao tuổi đảm nhận. Họ có thể nhận 30 USD một ngày nếu đi nhặt đồ trên phố hoặc 40 USD nếu điều hành các trung tâm thu mua. Nhưng suốt 15 năm qua, thu thập của nhóm này không tăng, thậm chí trên đà giảm.
Theo nhóm nghiên cứu vì lợi ích công cộng New York, trong hai năm qua, 150 trong số 700 trung tâm thu gom phế liệu của bang đóng cửa vì không có lợi nhuận. Các nhà quản lý cảnh báo nếu không có sự gia tăng giá thu mua đồ tái chế, ngày càng nhiều đơn vị "đồng nát" sẽ phá sản.
Jade Eddy, chủ sở hữu của MT Retornables ở Queensbury, thành viên của Hiệp hội Đổi trả Empire State, đang cân nhắc đóng cửa xưởng thu mua phế liệu vì thua lỗ.
"Tôi đang nhận trợ cấp xóa đói giảm nghèo sau khi dùng toàn bộ tiền tiết kiệm hưu trí và thế chấp nhà để cầm cự công việc kinh doanh", người phụ nữ 40 tuổi nói.
Bên cạnh đó, các công ty đóng chai với chính sách "trả vỏ trả tiền cọc" mới cũng đe dọa các xưởng thu mua phế liệu tư nhân.
Báo cáo của Sure we can - một trung tâm đổi trả và không gian cộng đồng dành cho người tái chế độc lập tại Bushwick, Brooklyn - chỉ ra mối đe dọa từ các trung tâm đổi trả vỏ chai sẽ ảnh hưởng đến những người thu gom độc lập. Nhóm này chủ yếu là người nhập cư, gần một nửa trong đó đến từ Mỹ Latinh, với mức thu nhập chỉ 400 USD mỗi tháng.
Ryan Castalia, giám đốc của Sure we can, cho biết trong 15 năm qua, giá cả ở Mỹ đã tăng 36,4%, nhưng cùng thời kỳ, lợi nhuận tại các trung tâm mua lại và nhà tái chế giữ nguyên.
"Tôi hy vọng chính quyền sẽ bảo vệ môi trường bằng cách bảo vệ mức sống người lao động và phát triển cơ sở hạ tầng xanh trong bang", Castalia nói.
Angle, người nhặt phế liệu 50 tuổi gốc Cộng hòa Dominicana, đi nhặt vật liệu tái chế từ năm 2022, sau khi mất công việc làm đầu bếp tại nhà hàng ở Manhattan. Sau khi chất đầy vỏ chai vào chiếc bao lớn, cô mang đến trung tâm thu mua ở Queens.
"Thu nhập thấp nhưng công việc này giúp tôi nuôi ba con và trả tiền thuê nhà", Angle nói.
Vợ chồng Pedro Romero và Josefa Marín nhập cư từ Mexico đến Mỹ cũng hành nghề "đồng nát" nhiều năm bởi không có lương hưu. Họ đi nhặt phế liệu mỗi ngày và đem bán cho trung tâm Sure we can gần nhà.
"Nếu đơn vị thu mua phế liệu này cũng đóng cửa, chúng tôi sẽ trở về Mexico bởi hết đường sống", Pedro nói.
Minh Phương (Theo El Pais)
Chủ siêu thị gốc Việt bị cướp bắn chết vào ngày Tết Dương Lịch
Bà Vũ Thị Thanh, chủ siêu thị Viet My hoạt động hơn 30 năm qua ở thành phố New Orleans (bang Louisiana, Mỹ), đã bị bắn chết vào đêm tết Dương lịch 2025, theo trang Nola.com dẫn lời con gái Mai Vu hôm 3.1.