Nghề kiếm tiền bằng việc phát tán ảnh nghi phạm tại Mỹ
Ở Mỹ tồn tại những trang web chuyên đăng ảnh nghi phạm khi bị b.ắ.t và đòi trả phí để nếu muốn gỡ.
04:00 07/02/2019
Cuối năm 2016, Lucas Tuberquia, 31 tuổi, xuất hiện tại tòa án thành phố Newark, bang New Jersey, Mỹ vì bị cáo buộc lái xe say xỉn. Không có luật sư đại diện, anh vẫn thành công bảo vệ mình trước tòa. Thẩm phán hủy bỏ mọi cáo trạng công tố đưa ra, xóa sạch tiền sự của Lucas Tuberquia. Nhưng vấn đề của người đàn ông có 3 con nhỏ không dừng lại ở đó.
Mugshot bao gồm bộ ba ảnh chụp nghi phạm: chính diện, trái và phải. Ảnh: Reputation Management. |
Khi bị bắt, cảnh sát đã chụp ảnh chân dung (còn gọi là "mugshot") của Lucas Tuberquia và đăng lên trang web chính thức. Theo Vice, bức ảnh sau đó bị nhiều trang web kinh doanh mugshot tải xuống và đưa vào kho dữ liệu riêng, được công khai với người dùng internet.
Đây là vết nhơ trong lý lịch của Lucas Tuberquia. Trong quá trình tìm việc, mặc dù anh có biểu hiện tốt khi phỏng vấn nhưng các công ty tuyển dụng đều không hồi âm. Chỉ cần thao tác tìm kiếm đơn giản, thông tin vụ bắt giữ sẽ hiện ra trước mắt nhà tuyển dụng. Với dữ kiện ấy, liệu họ có tin tưởng để giao việc cho người từng vướng lao lý như Lucas Tuberquia?
Câu chuyện của Lucas Tuberquia không hiếm gặp tại Mỹ, nơi có hẳn một ngành công nghiệp xoay quanh ảnh mugshot. Ngành công nghiệp này có cả dạng ấn phẩm in và trực tuyến. Nhiều tạp chí giấy ra đời (như Jailbird hoặc Busted) chuyên tổng hợp những mugshot trong tuần với mục đích giải trí, đánh vào tâm lý hiếu kỳ của độc giả.
Tạp chí giấy Jailbird chuyên tổng hợp mugshot vì mục đích giải trí. Ảnh: Jailbird. |
Nhiều trang web có kho dữ liệu khổng lồ, cho phép người dùng tìm kiếm thông tin như ảnh chụp, danh tính, hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm nghi phạm bắt giữ. Chủ sở hữu trang web kiếm tiền từ việc quảng cáo, thu phí tìm kiếm, nhưng có lẽ nguồn thu gây tranh cãi nhất là từ phí gỡ ảnh.
Vậy làm thế nào để người từng gặp sự cố như Lucas Tuberquia có thể "xoá bỏ" vết đen không đáng có trong quá khứ? Nắm bắt nhu cầu ấy, một số web khác ra đời cung cấp dịch vụ xóa ảnh trên những trang mugshot, đổi lấy khoản phí lên tới hàng trăm USD.
Thoạt nhìn, trang web đăng và gỡ ảnh là kẻ thù không đội trời chung. Nhưng đằng sau, chúng lại có mối quan hệ cộng sinh, kể cả khi không cùng chủ sở hữu. Wired dẫn lời chủ một trang đăng mugshot cho biết bên đăng ảnh cung cấp đường dẫn tự động xóa ảnh cho bên gỡ. Với mỗi 399 USD khách hàng trả cho bên gỡ, bên đăng sẽ được nhận 9,95 USD, nếu cần nhanh là 19,90 USD. Người này còn tiết lộ cũng hợp tác với nhiều trang gỡ ảnh khác.
Nhiều người cho rằng sự tồn tại của những trang web chuyên đăng ảnh mugshot là phi pháp vì chúng tự tạo ra khó khăn rồi buộc người khác phải trả tiền để dẹp bỏ khó khăn ấy. Nhưng trong thời gian dài và thậm chí tới hiện tại ở một số bang, đây vẫn là "vùng xám" của pháp luật, không bị điều chỉnh.
Đây có thể coi như hậu quả không đáng có của Đạo luật Tự do thông tin, vốn nhằm mục đích đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động nhà nước. Theo đó, đạo luật quy định người dân được tiếp cận thông tin nào được coi là thông tin công khai.
Dựa vào đây, chủ các trang web mugshot khẳng định mình đang thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do báo chí vì chỉ đơn thuần đăng lại ảnh và thông tin có sẵn trên các trang web chính thức của cảnh sát. Điều họ nói không phải không có căn cứ pháp lý.
Trong án lệ Tập đoàn Phát thanh Cox v.Cohn, tòa tối cao đã tuyên vô hiệu đạo luật của bang Georgia cấm báo chí đăng tải danh tính nạn nhân bị hiếp dâm. Tòa nhận định những thông tin liên quan tới tội phạm, bắt giữ và truy tố thuộc vào mối quan tâm chính đáng của công chúng. Lợi ích đạt được khi cho phép báo chí tự do đăng tải thông tin vốn có sẵn trong hồ sơ công khai hoàn toàn vượt xa lợi ích quyền riêng tư của nạn nhân.
Nếu chính phủ muốn bảo vệ danh tính nạn nhân, lẽ ra cần phải không cho tên nạn nhân xuất hiện trong hồ sơ công khai, thay vì việc công bố thông tin rồi cấm đoán báo chí đăng lại. Nếu pháp luật đã bảo vệ quyền của báo chí đăng lại thông tin về nạn nhân được lấy từ những nguồn công khai sẵn có, ắt quyền tạo lập website chuyên đăng lại mugshot cũng sẽ được bảo vệ.
Ngoài khía cạnh pháp lý còn là vấn đề thực tiễn. Chủ sở hữu của các trang web mugshot tin rằng việc đăng lại chân dung lên mạng có tác dụng ngăn ngừa tội phạm tương lai. Người dùng sẽ nhìn vào đây mà ý thức được hậu quả hành động của mình (như bị bêu tên vĩnh viễn, khó tìm việc...), từ đó thôi ý định phạm tội.
Nhưng với những người trót lầm lỡ, đã chấp hành đủ hình phạt, trả đủ trách nhiệm với xã hội, liệu có nhân văn không khi để quá khứ đeo bám họ một cách dai dẳng? Dường như hành động của những trang web đăng ảnh mugshot về bản chất không khác gì tống tiền.
Theo thời gian, nhà làm luật có vẻ cũng nhận ra tác động tiêu cực của những trang web chuyên đăng ảnh mugshot. Hiện, 18 tiểu bang ở Mỹ thông qua luật để kiềm hãm hoạt động của những trang web mugshot, Pewtrusts đưa tin.
Chẳng hạn, bang Oregon quy định trang web đăng ảnh phải gỡ ảnh miễn phí trong vòng 30 ngày từ khi nhận được yêu cầu của chủ nhân, nếu người bị bắt giữ không bị truy tố, cáo trạng bị hủy bỏ, chỉ bị phạt hành chính, hoặc đã bị kết tội nhưng được xóa án tích.
Bang Illinois mới đây cũng thông qua quy định cấm các trang đăng mugshot nhận phí gỡ ảnh. Sau khi nhận được yêu cầu, trang web mugshot vì lợi nhuận phải gỡ ảnh trong vòng năm ngày làm việc. Nếu không, bị hại sẽ được bồi thường 100 USD một ngày cùng phí luật sư chừng nào ảnh chưa được gỡ xuống.
Ngày 20/1/2016, trang web đăng ảnh chân dung nghi phạm lớn bậc nhất ở Mỹ bị khởi kiện tập thể bởi người dân bang Illinois. Đơn kiện yêu cầu trang web bồi thường 1.000 USD cùng tiền phạt cho mỗi nguyên đơn, đồng thời phải xóa bỏ mugshot của bị hại. Tập thể nguyên đơn bao gồm người dân bang Illinois bị đăng ảnh từ ngày 21/11/2011, và người ở các bang khác bị đăng ảnh từ 21/11/2012.
Không những phải đối diện với vụ kiện dân sự, chủ nhân trang này còn vướng lao lý. Ngày 16/5/2018, bốn người đã bị truy tố tại bang California với tội danh tống tiền, rửa tiền và đánh cắp danh tính. Họ bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 64.000 USD dưới hình thức phí gỡ ảnh từ khoảng 175 người có địa chỉ trong bang và thu lợi bất chính 2 triệu USD từ 5.703 cá nhân tại các bang khác, Arstechnica đưa tin.
Mugshot của hai trong số bốn người bị cáo buộc tống tiền bằng ảnh mugshot. |
Cả hai vụ án vẫn đang được giải quyết. Dù kết quả ra sao, đây cũng hứa hẹn sẽ đặt ra những án lệ có tính cột mốc trong pháp luật Mỹ.
Nguồn: VnExpress.net
Bí mật thú vị đằng sau cái tên cột lý trình Dặm 420 phải đổi thành Dặm 419,9 tại Mỹ
Theo tờ New York Times, cột lý trình có 2 số trên trên những tuyến đường cao tốc sẽ bị ghi mốc lùi xuống 1/10 dặm để biến thành Dặm 68,9 và Dặm 419,9.