Nghề nails: được gì và mất gì?
Tốn ít vốn đầu tư, khách hàng ổn định nên nghề làm móng (nail) có thu nhập khá. Tuy nhiên, người làm nghề nail cũng dễ bị nhiễm bệnh da liễu, nhiễm độc hại, thậm chí có thể nhiễm HIV.
20:30 05/12/2020
Dễ kiếm tiền
Mỗi ngày, cứ từ năm giờ chiều là tiệm nail Cẩm Tú (Lạc Long Quân, Q.11, TP.HCM) tấp nập khách. Bảng giá ghi, vẽ móng: 40.000đ, sơn móng: 20.000đ, cắt da, lấy khóe: 30.000đ, đắp bột: 120.000đ…
Khách hàng của tiệm đa số là người quen, làm văn phòng và buôn bán. Chị Tú (quê Tiền Giang) - chủ tiệm, cho biết, chị học nghề làm móng từ mẹ chị, từ năm chín tuổi. Chị nói: “Nghề này phải tỉ mỉ, khéo léo, chiều khách. Vẽ họa tiết lên móng là cầu kỳ nhất, thợ phải có khiếu và phải luyện tập. Ban đầu, thợ tự vẽ lên chén vẽ và móng của đồng môn.
Tiền sắm bộ đồ nghề làm nail ở tiệm cao nhất khoảng 10 triệu đồng".
Trong khi đó, thợ nail dạo chỉ cần mua hộp đồ nghề chừng một triệu đồng là có thể hành nghề được. Chị Nguyệt (quê Đồng Tháp) sống khỏe nhờ có đến 200 khách mối. Chị lập thời khóa biểu làm móng dạo trên nhiều đường ở Q.5 (thứ hai: đường Phạm Đôn, thứ ba: Trần Hòa, thứ tư: Châu Văn Liêm…).
Chị kể: “10 năm trước, lúc mới ra nghề chưa có khách, tôi phải đi dạo mời từng người. Vài năm sau, tay nghề khéo, khách mối giới thiệu khách mới cho mình. Tôi không tốn tiền thuê mặt bằng nên giá làm móng dạo rẻ hơn nửa giá ở tiệm”. Hơn một giờ cắt da, sơn móng tay, chân, chị Nguyệt chỉ lấy 20.000đ. Một ngày chị kiếm trên 200.000đ.
Chị Thu, chủ một tiệm cắt tóc, cho biết: “Giờ tôi chỉ nhận cắt da, lấy khóe và sơn vẽ móng, không nhận đắp bột móng vì bột có trộn lưu huỳnh, mùi rất hôi, ngửi vào nhức đầu. Mỗi lần đắp bột xong là hai tay tôi đỏ bừng lên.
Tôi nghe nói ngửi lưu huỳnh bị vô sinh nên sợ lắm”. Chị Nga, làm móng dạo ở Q.11, cho biết: “Nhiều người khách sợ lây nhiễm HIV nên tự sắm bộ làm móng riêng. Thợ làm móng dù có chuyên nghiệp đến mấy thì khi cắt da, lấy khóe cũng khó tránh khỏi trầy xước, chảy máu và có thể bị lây bệnh sang mình”.
Dễ lây nhiễm
Quan sát ở nhiều tiệm nail, chúng tôi nhận thấy, khi cắt da khách bị chảy máu, thợ chỉ lau sơ kềm, kéo bằng bông, khăn, rồi lại sử dụng khăn đó cho khách. Còn những người làm móng dạo thì chỉ vệ sinh dụng cụ vào cuối ngày, bằng miếng chanh đã chà xát đầu móng chân tay cho nhiều người, sau đó đem chà dụng cụ.
Khi tôi hỏi có dùng nước khử trùng dụng cụ, một chị làm móng dạo cho biết: “Sau khi cắt xong cho khách, ai kỹ thì dùng aceton rửa ngay dụng cụ; những người khác để tối về nhà dùng nước sôi rửa rồi dùng khăn lau khô”.
Năm 2010, một báo cáo của Viện Da liễu Trung ương cho biết, khi làm xét nghiệm trên kềm cắt da và khăn lau (lấy ngẫu nhiên từ một số trung tâm thẩm mỹ) đã thấy có hai loại nấm Staphylo Aureus và Cadidasp.
Đây là nguyên nhân gây bệnh ngoài da, sưng đỏ từ gốc móng, viêm da, lở loét, rất khó chữa. Báo cáo này cảnh báo, nếu người làm móng trước đó bị HIV mà dụng cụ giũa, cắt, sơn móng không được khử trùng thì sẽ có nguy cơ lây nhiễm cho người dùng sau.
Chị N.T.T. (quê An Giang) học việc tại một tiệm làm nail ở đường Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh) được hai năm thì phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, vì hai bàn tay bị khô tróc, sần sùi, nấm trắng, do hằng ngày tiếp xúc với dầu gội đầu, thuốc nhuộm tóc, hóa chất sơn, vẽ móng và do bị ngâm nước liên tục.
Bác sĩ yêu cầu chị phải đeo khẩu trang và bao tay khi hành nghề, nhưng chị cho biết, như thế sẽ vướng víu, rất khó làm. Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu TP.HCM, số người bị bệnh viêm da do tiếp xúc, dị ứng đang ngày càng tăng.
Nếu năm 2007 chỉ có 23.031 người bị viêm da do tiếp xúc, dị ứng đến khám, thì năm 2008 con số này tăng lên 31.415 người, năm 2009 hơn 40.000 người, năm 2010 trên 50.000 người.
Nga My
Ivanka - người 'kế vị' đầy hứa hẹn của Trump
Sự nhạy bén của Ivanka Trump trong mọi lĩnh vực, từ kinh doanh đến chính trị, khiến nhiều người tò mò liệu cô có nối nghiệp cha.