Nghệ sĩ Bảo Quốc đau đáu làm kịch hay để hút khán giả trẻ ở Mỹ
Định cư ở Mỹ sáu năm nay, sống hạnh phúc, bình yên bên gia đình nhưng nghệ sĩ Bảo Quốc vẫn còn nhiều trăn trở với nghề: làm sao để kịch nói không “chết dần chết mòn” trên đất Mỹ, làm sao để kịch thu hút được khán giả trẻ…
10:30 07/06/2018
Nghệ sĩ Bảo Quốc là tên tuổi lớn trong làng kịch, cải lương và cả phim ảnh Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ, người nghệ sĩ tài danh này luôn biến hóa đa dạng trong các vai diễn hài và cũng lấy nước mắt của không biết bao nhiêu người trong các vai bi.
Khán giả trẻ sẽ quyết định “số phận” kịch
Với gần 60 năm đứng trên sân khấu, báo chí viết về cá nhân ông – một người nghệ sĩ tên tuổi lẫy lừng – quá nhiều, nên khi chúng tôi xin hẹn phỏng vấn, ông nói rằng ông đâu có gì mới để viết. Nhưng khi chúng tôi đề cập đến kịch nói của tại Mỹ, như bắt trúng nỗi niềm, nghệ sĩ Bảo Quốc vui vẻ nhận lời.
Cả đời cống hiến cho nghệ thuật, hỏi ông có buồn không khi mà kịch nói của người Việt ở Little Saigon hiện nay khá “èo uột,” một năm chỉ có vài vở diễn, khó bán vé, thậm chí vài nơi còn trả tiền cát xê cho diễn viên bằng vé xem kịch, để diễn viên tự đi bán lấy tiền, thì ông thở dài: “Buồn chứ cháu!”
“Bởi vậy chú và Hồng Loan mới dành hết tâm huyết để giữ khán giả, để khán giả không quên kịch, với kịch dài ‘Cali Trong Nhà Ngoài Phố’ phát trên đài VietFace TV vào mỗi tối Thứ Năm hằng tuần. Mỗi tập là một câu chuyện khác nhau, chủ yếu do chú đưa ý tưởng rồi Hồng Loan và các bạn khác viết thành kịch bản. Đến nay đã phát sóng được 40 tập rồi. Nhiều khi chú ra ngoài, khán giả đến nói cảm ơn, nhờ chú mà họ được xem kịch trên ti vi tại nhà. Họ mong chú cố gắng, đừng ngưng làm. Tình cảm của khán giả như vậy là động lực cho chú tiếp tục cống hiến,” nghệ sĩ Bảo Quốc chia sẻ.
Nhưng ông cũng trăn trở về khán giả. Ông tin rằng, mười năm, hai mươi năm nữa những nghệ sĩ kịch trẻ hiện nay cũng sẽ tiếp nối nghề của các nghệ sĩ đi trước, nghĩa là vẫn sẽ đứng ra dàn dựng những vở kịch.
“Tuy nhiên, có kéo được khán giả, những người đang là thế hệ thứ ba hiện nay, đến rạp hay không là một điều cần suy nghĩ. Thế hệ này phần lớn sinh ra, lớn lên ở Mỹ hoặc sang Mỹ khi còn nhỏ. Các cháu đi học trường Mỹ, hấp thu văn hóa Mỹ, nên kịch và cả cải lương, có lẽ, không phải là loại hình hấp dẫn các cháu,” ông nói.
Biết vậy, nhưng với tâm huyết của một người nghệ sĩ cả đời gắn bó với sân khấu, không muốn nhìn kịch “chết” dần, nghệ sĩ Bảo Quốc luôn nói với các diễn viên kịch ở tuổi con, cháu của ông, rằng: “Phải thật nghiêm túc với nghề, phải diễn hết mình, dù chỉ là một vai diễn nhỏ, xuất hiện chỉ vài phút. Đặc biệt, phải làm sao cho khán giả trẻ thích kịch. Khi đã thích, họ sẽ giới thiệu cho bạn bè của họ và quay lại.”
Ông nhớ lại, lúc đứng trên sân khấu, nhìn xuống khán giả, ông thấy nhiều bạn trẻ ngồi cạnh những người lớn tuổi. Ông đoán, các bạn trẻ đó có thể là con hoặc là cháu, mua vé rồi chở cha mẹ hoặc ông bà đến xem kịch.
“Có nhiều người nghĩ rằng diễn cho người lớn tuổi xem, thì diễn sao cũng được, còn khán giả trẻ, thuộc thế hệ thứ ba ở Mỹ, đâu biết gì về kịch. Nghĩ như vậy là rất sai. Các bạn trẻ đó là khán giả tương lai. Bây giờ các bạn trẻ này đến sân khấu kịch vì chiều lòng ông bà, cha mẹ, nhưng nếu các diễn viên kịch diễn hay, hấp dẫn thì các bạn trẻ đó sẽ quay lại cùng với bạn bè. Kịch nói, hay cải lương trong tương lai có còn sống được hay không là nhờ vào thế hệ khán giả trẻ này,” nghệ sĩ Bảo Quốc bày tỏ.
Hạnh phúc bình yên bên gia đình
Nổi tiếng về diễn hài nên nhiều người nghĩ nghệ sĩ Bảo Quốc ngoài đời hẳn là người hài hước, dễ tính. Nhưng không, ông nhẹ nhàng và khá nghiêm khắc, đặc biệt là trong công việc.
“Khi tập dượt chú đòi hỏi diễn viên phải nghiêm túc, không được vừa giỡn vừa tập. Còn khi đi diễn, bất kể sân khấu lớn hay nhỏ, khán giả nhiều hay ít, tuổi tác ra sao, cũng phải diễn hết mình như nhau. Chú luôn dặn các em, các cháu là đừng bao giờ coi thường khán giả, bởi vì khán giả là người nuôi sống mình, làm cho mình có được tên tuổi như hôm nay,” ông nói.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, nghệ sĩ Bảo Quốc cười hiền khô nói: “Cuộc sống của chú bây giờ bình yên lắm. Chú thích cuộc sống gia đình, trước giờ vẫn vậy. Hồi đó, dù bận rộn cỡ nào, trưa cũng về nhà ăn cơm với bà xã. Tối đi diễn xong là về nhà ngay. Bây giờ cũng vậy. Chú hiếm khi ra ngoài la cà với bạn bè. Bây giờ còn có thú vui chăm sóc sân vườn, cây cảnh. Một ngày qua nhanh lắm cháu à!”
Rồi ông kể về các con, các cháu, đặc biệt là vợ chồng người con gái út – diễn viên Hồng Loan – và cháu ngoại Gia Linh, hiện đang ở cùng vợ chồng ông trong một căn nhà lớn, khang trang với hồ nước chảy róc rách bên ngoài và với rất nhiều hoa, trên đường Glasgow, thành phố Huntington Beach.
Ngoài Hồng Loan, vợ chồng ông còn có hai người con trai khác cũng đang sống tại Mỹ, còn người con gái lớn hiện vẫn sống ở Việt Nam. Ông cho biết, cứ vài tuần một lần, vợ chồng ông cùng với gia đình của các con đi du lịch cùng nhau. Cũng may, các con của ông cũng là những người trọng cuộc sống gia đình, xem gia đình là trên hết.
Với đứa cháu ngoại út này, mới 5 tuổi nhưng bé Gia Linh đã bộc lộ được năng khiếu diễn xuất và hát từ mẹ. Đó là chưa kể, khi đón chúng tôi tại cửa, bé đã cúi rạp người chào khách bằng tiếng Việt rất rõ ràng. Thế hệ diễn viên kịch, khán giả trẻ yêu kịch, yêu văn hóa Việt Nam, có lẽ không đâu xa, từ việc nuôi dạy và gìn giữ tiếng mẹ đẻ ngay trên đất Mỹ… (Trúc Linh)
Vợ 'tạt nước lạnh' vào đám bạn nhậu của chồng khi thấy anh s.a.y b.ấ.t t.ỉ.n.h
"Nếu có bất trắc với chồng em, các anh có ảnh hưởng gì không, hay chỉ ân hận chút rồi đến viện thăm vài lần rồi thôi", chị Hà viết.