Nghèo, khốn khó và những cú sốc không phải ai cũng biết ở Harvard
“Với tôi, Harvard là nơi người ta đeo lên mình những khuôn mặt giả tạo chính đáng” – một người gốc Việt ở Mỹ chia sẻ về sự khác biệt đẳng cấp và áp lực kinh hoàng tại đây.
13:00 24/08/2018
Duệ Quách – Người sáng lập của Calm Clarity là một người Mỹ gốc Việt từng nhận học bổng danh giá tại trường Đại học Harvard. Mới đây, bà đã có chia sẻ thẳng thắn về những mặt trái, các vấn đề tâm lý từng trải qua khi theo học tại ngôi trường này, thu hút sự chú ý của dư luận.
Dưới đây là tâm sự của Duệ Quách:
Tôi có mối quan hệ khá phức tạp với trường cũ của mình.
Đại học là khoảng thời gian con người ta tự khám phá bản thân. Nhưng điều đó lại trở nên khó khăn khi bạn theo học ở ngôi trường có sức cạnh tranh khốc liệt, rất dễ bị chỉ trích và vô cùng giả tạo.
Tìm ra chính mình hay thử thách với lửa?
Nếu có người trẻ nào đó xuất thân từ Harvard trở nên mạnh mẽ, cứng rắn, rộng mở, vững vàng và dễ cảm thông hơn thì đó là thành công kỳ diệu!
Một mặt, tôi luôn trân trọng những học bổng và cơ hội Harvard dành cho tôi. Tôi xuất thân từ gia đình nhập cư thu nhập thấp, là thế hệ đầu tiên được vào đại học và có cha mẹ gần như không thể sử dụng tiếng Anh. Song Harvard đã đặt tôi ngang hàng với những bạn cùng lớp có cha mẹ là CEO, lãnh đạo các bang, nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới…
Duệ Quách – một sinh viên gốc Việt ở Mỹ.
Tôi cũng biết ơn Harvard vì nhờ thương hiệu này trên sơ yếu lý lịch, nhiều cánh cửa đã và sẽ tiếp tục rộng mở với tôi. Quan trọng nhất, tôi rất quý trọng những người bạn giúp đỡ tôi trên hành trình trở thành con người như hôm nay.
Hơn 16 năm kể từ ngày tốt nghiệp, mỗi lần nghĩ đến việc tham gia hoạt động của hội cựu sinh viên Harvard hay họp mặt bạn bè cũ, tôi đều cảm thấy khó ở và lo lắng. Bởi tôi nhận ra mình đã không nói ra việc khổ sở hay bất hạnh như thế nào trong 4 năm tại Harvard.
Giờ đây, tôi thấy đã đến lúc kể lại câu chuyện giác ngộ của chính mình.
Từ giấc mơ không tưởng thành hiện thực
Là người di cư đến từ Việt Nam, lớn lên ở Philadelphia và theo học ở một trường cấp 3 công lập, tôi thấy rất may mắn khi nhận được lá thư chấp nhận từ ĐH Harvard. Điều đó như giấc mơ không tưởng thành hiện thực.
Philadelphia – nơi tôi từng sống – là một trong những khu vực có tỷ lệ tội phạm, bạo lực, đói nghèo… cao hơn nơi khác. Tại đây, gần một nửa các bạn trẻ bỏ học cấp 3. Việc bước chân vào cánh cửa trường đại học cộng đồng được xem như chiến thắng lớn. Vì vậy, học tại Harvard cũng chẳng khác nào lên tên lửa bay vèo ra khỏi vùng đất tệ nạn đó.
Hy vọng của tôi khi ấy là sử dụng nền giáo dục ở Harvard để giúp đỡ gia đình và những đứa trẻ nghèo như tôi vượt qua những rào cản.
Harvard là nơi đầu tiên tôi được nhúng mình vào môi trường thượng lưu. Nó giống như cú sốc. Khác với những đứa trẻ được học bổng khác từng học trường tư, tôi chưa bao giờ qua lại với người giàu có trước đó.
Ngược lại, ở chỗ tôi sống chủ yếu là bạo lực. Cha mẹ tôi mở một quán ăn nhỏ trong khu vực, được quản lý bởi các băng nhóm xã hội đen. Nơi đây thường xuyên xảy ra đánh nhau và cướp giật.
Có lần, một khách hàng bị bắn trúng đầu khi vừa bước ra khỏi quán nhà tôi. Trong năm nhất đại học ở Harvard, tôi mới nhận ra những gì mình đã trải qua không hề bình thường.
Đa số bạn cùng lớp tôi đều tận hưởng cuộc sống được bảo bọc an toàn. Tôi nghe họ phàn nàn về những rắc rối và tự hỏi làm sao họ có thể hiểu được mình?
Năm đầu đại học, tôi cố gắng tìm một nhóm bạn có thể chia sẻ tâm tư, kinh nghiệm và giá trị sống tương tự như tôi.
Khi học cấp 3, tôi thường chơi cùng những người Mỹ gốc Á có cha mẹ cũng là người nhập cư ít học, làm công việc vất vả và thấp kém. Ở Harvard, tôi cũng thử kết nối với các bạn Mỹ gốc Á nhưng nhanh chóng nhận ra rằng, ngoài màu da bên ngoài giống nhau, chúng tôi hoàn toàn khác biệt.
Nhiều sinh viên trong nhóm này có cha mẹ là tiến sĩ, thạc sĩ – những người đã trau chuốt để họ trở thành người chơi nhạc xuất sắc trong dàn nhạc giao hưởng và nối tiếp bước chân gia đình mình.
Hơn nữa, không ít bạn Mỹ gốc Á tôi gặp còn bị ám ảnh về điểm số, sống cuộc đời vật chất nằm ngoài tầm với của tôi. Tôi có cảm giác đa phần họ sẽ coi thường vì tôi nghèo và không có mối quan hệ nào đáng kể.
Cảm giác cô lập
Do đó, chẳng mấy chốc tôi thấy mình hoàn toàn bị cô lập bởi văn hoá hàn lâm, tự mãn của các bạn học và giáo sư ở đây.
Ban điều hành luôn giảng về những mục đích cao đẹp, chúc mừng các cựu sinh viên làm thay đổi thế giới. Tuy nhiên, tôi gặp không ít khó khăn để học được rằng, ngôi trường lâu đời và cao quý nhất nước Mỹ này thay đổi không để nâng đỡ ai cả.
Harvard khi đó (và có thể đến tận bây giờ) là nơi bạn hoặc biết bơi hoặc sẽ chết chìm. Nhìn lại, không một ai trong ban điều hành trường tìm đến tôi để hỏi thăm, dù họ thừa biết về xuất thân và tình hình tài chính của tôi. Nếu có ai đó thực sự lo lắng xem tôi đã chết chìm hay chưa thì tôi cũng không thể biết người đó là ai.
Đối với tôi, Harvard là nơi người ta đeo lên mình những khuôn mặt giả tạo chính đáng. Sẽ là không bình thường nếu bạn thể hiện bản chất thật của mình hay tỏ ra yếu đuối. Ngay cả khi bạn không thấy mình thành công vượt bậc, bạn vẫn phải vờ tỏ ra như thế, vì mọi người đều trông đợi ở bạn.
Tôi nghiệm ra rằng, nếu bạn cảm thấy không ổn thì chính bạn phải thay đổi để phù hợp với Harvard. Nếu không, bạn có thể nghỉ một năm suy nghĩ thấu đáo, tự chữa lành bản thân cho đến khi tốt nghiệp, hoặc gặp bác sĩ tâm lý kê một liều thuốc chống trầm cảm, làm tê liệt những bất bình trong bạn.
Thực tế, tôi đã bị sốc khi chứng kiến quá nhiều sinh viên ở đây sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Sự kết hợp những căng thẳng độc hại và việc không có mạng lưới xã hội nâng đỡ mình tại Harvard đã góp phần làm bùng nổ các tổn thương tôi trải qua khi lớn lên. Tôi chưa có dịp xử lý hoàn toàn và nó đã nhanh chóng trở thành căn bệnh rối loạn tâm lý.
Những căn bệnh tâm lý
Tôi không hề biết mình bị bệnh rối loạn tâm lý sau tổn thương với những triệu chứng như trầm cảm, muốn tự tử, cách biệt với xung quanh và hoảng loạn vô cớ. Tôi mất ngủ, không thể thư giãn và suy giảm nhận thức.
Từ năm nhất lên năm hai, tôi từ một đứa được học bổng trở thành người không thể tập trung trong lớp, không thể giải quyết bài tập hay viết luận. Đến học kỳ 2 của năm 2, chứng rối loạn tâm lý này đã hoàn toàn chiếm lĩnh cuộc đời tôi. Mục đích duy nhất của tôi lúc đó là sống sót đến khi tốt nghiệp Harvard với linh hồn toàn vẹn.
Tôi thu mình vào hơn. Bởi mỗi khi ở trong tình trạng tâm lý đó, tôi không muốn có ai xung quanh và càng không muốn có ai biết được tôi đang tan vỡ.
Cuối cùng, tôi tìm thấy chút an ủi trong ban nghệ thuật ở trường, với cái tên rất kênh kiệu – Nghiên cứu trực quan và môi trường. Cái tôi thích nhất là ở đây cho phép tôi trở nên thoải mái, kỳ quặc và ‘không cần Harvard’. Nó giống như được hoàn toàn tự do để thể hiện mình khác biệt.
Như Andy Warhol, tôi sử dụng sự khác thường trong nghệ thuật như tấm áo giáp bảo vệ chính mình. Trong khi tôi tiếp tục quan sát, chất vấn những chuẩn mực quanh mình, nghệ thuật đã cho tôi một lối ra để có thể bình luận về xã hội đó.
Tôi thử nghiệm với mọi tính cách – cạo đầu, nhuộm tóc nhiều màu và mặc đồ quái dị. Sau đó, tôi làm quen với kịch nghệ và cuối cùng trở thành chỉ đạo sản xuất của hội kịch nghệ người Mỹ gốc Á.
Khi chúng tôi diễn vở M. Butterfly (David Henry Hwang), tôi đã cải trang như con bướm và đem theo chiếc cassette mở nhạc thính phòng của Pucini đi quanh Harvard quảng cáo cho màn biểu diễn.
Tôi nhận ra mình dần có chút danh tiếng về việc nổi bật khác người khi đến lớp trong bộ đồ hoá trang như thế. Tuy nhiên, bạn bè không tỏ ra ngạc nhiên. Họ chỉ hỏi tôi làm thế nào để đến xem buổi diễn.
Khi còn ở Harvard, tôi phải đi trị liệu để giải quyết chứng rối loạn tâm lý sau tổn thương. Đó là thời điểm làm thay đổi cuộc đời, khi tôi được bác sĩ giải thích rằng, sự phát triển não bộ của tôi bị ảnh hưởng nặng bởi những tổn thương tôi từng trải qua từ bé – lúc sống 2 năm ở trại tị nạn.
Tôi tan nát sau khi biết não bộ của mình không ổn vì những điều nằm ngoài tầm kiểm soát tôi phải chịu đựng lúc bé. Bác sĩ cho tôi thử Zoloft để xem thuốc này có giúp tôi cân bằng lại hoá sinh trong não không. Ông ấy cũng đề nghị tôi nên bắt đầu trị liệu.
Thuốc giúp não cân bằng nhưng khiến tôi cảm thấy tê liệt, tuyệt vọng và bất lực hơn. Tôi cố gắng thử một thời gian, nhưng rốt cục, tôi chưa bao giờ cảm thấy nói chuyện với chuyên gia trị liệu là có ích.
Điều nản nhất là những người chữa trị không tập trung vào việc dạy tôi cách đối mặt với tình huống khiến tôi căng thẳng. Gia đình tôi vẫn đang sống trong cảnh tài chính bấp bênh, tôi không muốn mình thành gánh nặng của họ. Tôi có trách nhiệm giúp họ mà lại không ở đó để giúp họ. Việc học ở Harvard vẫn chưa giúp tôi có vị thế tốt hơn để hỗ trợ tài chính cho gia đình.
Điều tôi cần là sự chỉ dẫn và dạy bảo để có được những kỹ năng sống tôi chưa được học ở nhà, giúp tôi thoát khỏi cơ chế tự vệ đang nhốt tôi trong những vòng xoáy tiêu cực và trở nên an tâm về tài chính hơn. Vì Harvard sẽ không dạy điều đó, tôi nhận ra cần phải tự xoay sở để tìm ra cách.
Hơn nữa, có vẻ như không ai hiểu, tôi không muốn uống thuốc chống trầm cảm cả đời. Trên thực tế, tôi đã ngưng dùng nó ngay sau khi bảo hiểm sức khoẻ hết hạn khi rời Harvard. Đó cũng là lúc tôi phải tự có kế hoạch để khỏi dùng thuốc mà không bị rơi vào trầm cảm lần nữa.
Tôi tự chữa lành và đẩy mình lớn lên qua một hành trình dài sau lễ tốt nghiệp. Tôi phát triển những kỹ thuật đối đầu với tâm lý để tốt cho não bộ. Tôi nghiền ngẫm những quyển sách về sự thông minh xúc cảm, kinh tế hành vi và tâm lý tích cực nhằm chỉnh đốn tình trạng của chính mình, xây dựng mối quan hệ khoẻ mạnh hơn với bản thân và kết nối chân thực hơn cùng mọi người.
Tôi trở nên thấu hiểu về tài chính và có thu nhập ổn định bằng cách làm việc trong ngành Tư vấn quản lý, lấy bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh từ trường Wharton và sau đó là quản lý đầu tư cổ phần tư nhân.
Hiện giờ, tôi là doanh nhân xã hội, theo đuổi khát vọng đầu tiên đã dẫn tôi đến Harvard – giúp đỡ những người muốn nhận ra tiềm năng của mình. Giải pháp của tôi là tạo ra các lớp đào tạo kỹ năng sống sau tổn thương bao gồm những bài học và trải nghiệm tôi đã học được trong đời, đi kèm với các phát hiện khoa học.
Tôi đã đặt tên cho khoá học này là Bình yên sáng tỏ vì nó giúp người ta trấn tĩnh đầu óc để suy nghĩ, nhìn mọi thứ rõ ràng hơn. Tôi còn xây dựng một doanh nghiệp xã hội nhằm truyền đạt khoá học này ở cả hai đầu chiến tuyến của giáo dục.
Tôi đang đắn đo, chưa liên lạc với Harvard vì tôi không biết có ai trong ban quản lý sẽ quan tâm đến câu chuyện của tôi cùng sự thật tôi đã trải qua 4 năm đau đớn và khốn khổ. Tôi tự hỏi không biết việc tôi chia sẻ câu chuyện này với những người cầm cân nảy mực ở đó có giúp thay đổi gì không?
Đây là những câu hỏi tôi luôn trăn trở trong suốt những năm qua:
– Việc tôi mở lòng thế này có lay động Harvard, để họ giúp đỡ sinh viên đến từ những gia đình thu nhập thấp như tôi không?
– Việc mở ra những nơi an toàn cho sinh viên có thể bàn luận về sự khác biệt giữa các tầng lớp kinh tế xã hội có khả thi không?
– Không biết ban điều hành ở trường có nhận ra tầm quan trọng của việc mở các khoá đào tạo kỹ năng sống sau tổn thương không?
– Không biết họ có sẵn sàng cung cấp những khoá đào tạo như thế cho sinh viên trong trường không?
Tôi thực sự không có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên. Tuy nhiên, tôi hy vọng, nếu có thể liên lạc với Harvard, tôi sẽ tìm thấy những con người rộng mở và quan tâm để có thể bắt đầu cuộc đối thoại này.
Đọc xong bài này bạn không dám ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày
Tất cả mọi người ai cũng có thể trở thành nạn nhân của chứng mất ngủ tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng mất ngủ mà chúng ta đôi khi không nhận thức được.