Nghĩ về Tự Do trong ngày Lễ Độc Lập

Ngày Quốc Khánh năm nay Hoa Kỳ long trọng kỷ niệm 247 năm ngày lập quốc, tính từ ngày 4 Tháng Bảy, 1776, khi bản Tuyên Ngôn Độc Lập được Quốc Hội chính thức phê chuẩn, tuyên bố 13 tiểu bang nguyên thủy của nước Mỹ không còn là thần dân, không phụ thuộc vào triều đình Hoàng Đế George III của Anh, mà từ nay là một quốc gia thống nhất, độc lập và tự do.

23:32 06/07/2023

Lễ Độc Lập đầu tiên được cử hành với 13 phát súng đại bác chào mừng vào sáng và tối ngày 4 Tháng Bảy, 1777, tại Bristol, tiểu bang Rhode Island. Kể từ đó, ngày Tháng Bảy hằng năm trở thành ngày hội lớn của người dân Mỹ với nhiều hoạt động lễ hội phong phú và đa dạng, biểu thị lòng ái quốc và lòng trung thành với đất nước của độc lập và tự do. Từ năm 1938, Lễ Độc Lập được công nhận là ngày lễ quốc gia, người lao động được nghỉ làm mà vẫn được trả lương. Nếu ngày này rơi vào dịp cuối tuần thì được nghỉ bù vào ngày Thứ Sáu hoặc Thứ Hai của tuần kế tiếp.

Vào ngày Quốc Khánh, hàng triệu người Mỹ lại dành vài phút để lắng lòng suy ngẫm về và lý do tại sao mình có mặt tại nơi này. (Hình minh họa: Brendan Smialowski/AFP via Getty Images)

Đã thành lệ, vào ngày này, rất nhiều người dân Mỹ, từ các vị giáo sư học cao hiểu rộng đến những người lao động nhập cư bình thường, lại dành vài phút để lắng lòng suy ngẫm về nước Mỹ và lý do tại sao mình có mặt tại nơi này. Mỗi người, bằng những kinh nghiệm cá nhân, có thể có những câu trả lời khác nhau. Có người nhấn mạnh nước Mỹ là đất nước của cơ hội, có người đề cao nền dân chủ và tự do cá nhân, và có người quan tâm tới giấc mơ Mỹ và những đóng góp của người nhập cư, người tị nạn từ khắp thế giới

Với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, có lẽ câu trả lời được nhiều người đồng ý nhất là tự do.

Hiến Pháp Hoa Kỳ và 10 tu chính án đầu tiên quy định người dân Mỹ có rất nhiều quyền tự do căn bản: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do ứng cử và bầu cử… Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, George Washington, từng mơ ước: “Tôi mong được thấy Hoa Kỳ mãi mãi là đất nước của tự do và công lý.”

Ngày nay, những quyền tự do phổ quát này được đưa vào các tuyên ngôn về quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc và tất cả nước đều cam kết tuân thủ, nhưng thực tế gần như chỉ có Hoa Kỳ và một số ít các quốc gia dân chủ tôn trọng đầy đủ các quyền hiến định của công dân. Trong diễn văn nhậm chức ngày 20 Tháng Giêng, 1961, Tổng Thống John F. Kennedy thề rằng nước Mỹ sẽ “bằng mọi giá, chịu đựng mọi gánh nặng, đương đầu với mọi khó khăn, hỗ trợ mọi người bạn, chống lại mọi kẻ thù để bảo đảm sự sinh tồn và thành công của tự do.” 

Tiếng gọi của tự do 

Cũng như hạnh phúc, tự do là thứ không nhìn thấy được nhưng khi bị mất thì người ta mới thấm thía rằng không thể sống mà thiếu tự do. Hàng triệu người Việt bỏ nhà bỏ nước ra đi sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, làm nên một phong trào thuyền nhân chấn động thế giới là minh chứng rõ ràng nhất về ý nghĩa của tự do. Tôi nghĩ rằng, những người Việt Nam vượt biên trên những chiếc ghe mỏng manh sau ngày miền Nam thất thủ là những người có đủ thẩm quyền và tư cách nhất để nói về tự do sau khi hàng trăm ngàn người cùng hoàn cảnh với họ trả giá bằng sinh mệnh dưới đáy biển sâu.

Ngày nay, mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người vượt qua biên giới phía Nam giữa Mỹ và Mexico, tìm cách nhập cư vào Mỹ. Không chỉ có những người dân Trung Mỹ, Nam Mỹ bị bần cùng hóa và đàn áp đi tìm cơ hội sống mà cả những người dân Trung Quốc – một đất nước đang phát triển mạnh mẽ ở tận bên kia bờ Thái Bình Dương. Đừng nghĩ họ liều chết vượt biên vào Mỹ chỉ vì bị bọn buôn người dụ dỗ, vì thèm khát một cuộc sống vật chất dư dả ở đất Mỹ mà xa hơn thế, rất nhiều người đến đây theo tiếng gọi của tự do. Người Trung Quốc chẳng hạn, không còn nghèo khổ như dưới thời Mao Trạch Đông, nhưng họ vẫn không có tự do, vẫn phải cúi đầu trước cường quyền như cha anh họ thời Cách Mạng Văn Hóa.

Tự do và cơ hội 

Mỹ là đất nước của cơ hội, nhưng cơ hội sẽ không đến nếu không có tự do. Không có tự do thì con người không thể sống đúng với phẩm giá và quan trọng hơn là không thể hiện được đầy đủ năng lực của mình. Khi con người còn bị thế lực cai trị câu thúc, chỉ được nói những lời mà nhà cầm quyền cho phép nói, chỉ được nghe xem đọc những gì đã được kiểm duyệt, thì trí não bị tẩy rửa, nhân cách bị bóp méo, từ đó năng lực sáng tạo bị hủy hoại và con người chỉ còn là một đơn vị sức lao động như học thuyết cộng sản đã xác định.

Không thể thống kê hết bao nhiêu trường hợp những người sinh ra ở xứ khác nhưng thành danh trên đất Mỹ, thực hiện giấc mơ Mỹ và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nước Mỹ thành một cường quốc tự do, dân chủ, và thịnh vượng nhất thế giới ngày nay. Thành công của họ không thể có được nếu thiếu môi trường tự do của đất nước này.

Một gương mặt nổi bật là ông Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay, người sáng lập, giám đốc điều hành của hàng chục công ty lớn, từ Space X, Tesla, Solar City, Neurolink đến Twitter. Tuy cá tính của ông bị nhiều người không thích nhưng không ai phủ nhận ông là một thiên tài, đóng góp vô cùng lớn vào sự phát triển của thế giới hiện đại. Ông sinh ra và lớn lên ở Pretoria, Nam Phi, năm 1971, đến năm 20 tuổi mới chuyển đến Mỹ theo học đại học University of Pennsylvania và từ đó nổi lên thành ngôi sao sáng chói trên bầu trời công nghệ. Nước Mỹ tự do đã cho ông Musk cơ hội, điều mà chắc chắn ông sẽ không có được nếu vẫn tiếp tục cư ngụ ở Nam Phi. Rất nhiều ngôi sao công nghệ ở Silicon Valley đến Mỹ từ những miền đất khác như ông Musk, tạo dựng cơ nghiệp, mà nếu còn ở quê hương họ sẽ không có cơ hội để thi thố tài năng.

Người Việt đến Mỹ tương đối muộn so với các sắc dân khác, nhưng đóng góp không ít cho nước Mỹ trong mọi lĩnh vực từ khoa học, chính trị, quân đội, kinh doanh, điện ảnh, đến văn chương nghệ thuật. Với những thành quả được thế giới công nhận, hơn 2 triệu người Việt ở Mỹ đã tỏ ra không thua kém, nếu không nói là vượt hẳn, so với gần 100 triệu đồng bào bị o ép dưới thể chế độc tài trong nước. Người xưa có câu chuyện về cây quýt: Quýt trồng ở Giang Nam thì ra trái ngọt, nhưng đem trồng ở Giang Bắc thì trái lại chua. Con người cũng vậy, người Việt không thiếu tài hoa nhưng chỉ phát triển được khi ra hải ngoại, hít thở không khí tự do và dân chủ.

(Hình minh họa: Nathan Howard/Getty Images)

Tự do không miễn phí 

Nhưng tự do không tự nhiên mà có. Tại đài tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 ở thủ đô Washington, DC người ta khắc lên tường đá câu châm ngôn nổi tiếng của người Mỹ: “Freedom is not free” (Tự do không miễn phí), bày tỏ lòng tri ân biết bao thế hệ đã hy sinh để có một nước Mỹ tự do và thịnh vượng. Đây cũng là lời nhắc nhở các thế hệ hiện nay và tương lai phải sáng suốt và nỗ lực để duy trì và bồi đắp giá trị tự do mà tiền nhân đã tạo dựng.

Trong thế giới hiện đại đầy tranh chấp, đáng buồn là tự do của người Mỹ đang bị xói mòn một cách âm thầm khó nhận biết. Có rất nhiều khía cạnh mới nảy sinh trong cuộc sống hiện đại mà các bậc quốc phụ không hình dung được, khi soạn thảo bản Tuyên Ngôn Độc Lập 1776 và Hiến Pháp Hoa Kỳ 1788, đang làm cho những nguyên tắc tự do, bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc của người Mỹ bị thu hẹp đáng kể. Nước Mỹ đang dần dần biến thành một quốc gia dân chủ phi tự do, theo nhận xét của nhà bình luận nổi tiếng Fareed Zakaria.

Tình trạng chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phái chính trị, sức mạnh kim tiền làm lệch cán cân công lý và các thế lực mị dân (chủ nghĩa dân túy) liên tục tấn công vào giá trị của Mỹ. Trên bình diện đối ngoại, cuộc tranh chấp giữa Hoa Kỳ với các thế lực độc tài Nga-Trung càng ngày càng căng thẳng nhưng có một bộ phận chính trị Mỹ muốn đất nước quay lại với vị thế tự cô lập, xa rời các đồng minh, mặc cho tự do và dân chủ của thế giới bị đe dọa. Đối nội, nền dân chủ Mỹ phải đối mặt với nhiều mối nguy, từ bạo loạn tấn công Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng, 2021 đến hoài nghi tính liêm chính của hệ thống tư pháp, của các cơ quan thực thi pháp luật và của hệ thống bầu cử tự do và công bằng. Cũng đang có những nỗ lực pháp lý trao cho quốc hội các tiểu bang quyền quyết định kết quả các cuộc bầu cử bất chấp số phiếu của cử tri, khiến một số chuyên gia cảnh báo “nền dân chủ Hoa Kỳ đang ngàn cân treo sợi tóc…”

Ngay trong các gia đình người Việt đã xảy ra rạn nứt giữa các thế hệ, cha mẹ và con cái bất đồng quan điểm về những vấn đề chính trị xã hội và văn hóa. Những người liều mình đi tìm tự do những thập niên trước, lạ thay, lại có xu hướng ủng hộ những thế lực chuyên chế, gia đình trị kiểu Donald Trump trong khi con cái họ có xu hướng cấp tiến hơn. Một phân tích của báo The Washington Post số ra ngày 3 Tháng Bảy dựa trên dữ liệu Khảo Sát Cử Tri Người Mỹ Gốc Á 2020-2022 và khảo sát của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew Research công bố tháng trước, ghi nhận một hiện tượng lạ: Người Mỹ gốc Việt là nhóm sắc dân gốc Á duy nhất có khuynh hướng nghiêng về Cộng Hòa bảo thủ trong khi các cộng đồng gốc Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Nhật, và Nam Hàn thì ngược lại. Có thể đây là yếu tố gây chia rẽ, rạn nứt trong gia đình và cộng đồng tại Mỹ.

Đây không phải là lần đầu tiên nước Mỹ đối mặt với sự chia rẽ. Nội chiến từng xảy ra giữa hai miền Nam Bắc từ 1861-1865. Nhưng nước Mỹ đã vượt qua, đoàn kết để đi tới và nêu một tấm gương sáng về xóa bỏ hận thù, hòa giải dân tộc. Mong sao lần này nước Mỹ sẽ sớm vượt qua khó khăn để tiếp tục là ngọn hải đăng tự do và dân chủ trong thế giới đầy bất ổn này.

Chúc mừng sinh nhật nước Mỹ! God Bless America! [đ.d.]

Tags:
Cô nhân viên du thuyền “đốn ngã” trái tim chàng Tây điển trai: Kịch bản quen biết như phim, mẹ vợ khen con rể 100 người mới có một, đừng để tuột mất!

Cô nhân viên du thuyền “đốn ngã” trái tim chàng Tây điển trai: Kịch bản quen biết như phim, mẹ vợ khen con rể 100 người mới có một, đừng để tuột mất!

Huyền kể: ‘Nhà mình chỉ có mẹ chồng thôi. Khi đến thăm mẹ lần đầu, bà ôm chặt mình vào lòng rất thân thiện và âu yếm’.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất