Nghịch lý giàu nghèo Mỹ và câu chuyện ở Việt Nam

Bruce Weigl là giáo sư văn chương, nhà thơ người Mỹ danh tiếng. Ông còn là cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đã dịch và giới thiệu nhiều tác phẩm thơ Việt Nam với bạn đọc nước Mỹ. Gần đây, năm nào ông cũng dành thời gian đến Việt Nam để đi thực tế và sáng tác.

13:00 21/06/2021

Tôi đã quay trở lại Việt Nam, trở lại với Hà Nội, để hoàn thiện bản thảo cuốn tiểu thuyết mà phần lớn được viết lần đầu tại thành phố này, rồi bắt đầu làm việc để mở đầu một bản thảo khác với các nhân vật của đời sống làng quê Việt Nam. Tôi biết điều này có vẻ như bất khả thi đối với một người Mỹ như tôi, là cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam, viết một cuốn sách về cuộc sống làng quê Việt. Nhưng chính sự bất khả thi đó là động lực thúc đẩy tôi viết câu chuyện này.

Trước khi có thể ngồi xuống và bắt đầu viết các câu chuyện, tôi phải nghiêm túc thực hiện một số nghiên cứu. Mặc dù đã từng dành thời gian đi thực tế tại một vài ngôi làng ở Việt Nam, tôi có cả nhiều đêm ngủ trong căn nhà đã đi qua bảy thế hệ, nhưng vẫn còn nhiều điều về cuộc sống làng quê mà tôi chưa thể biết hết. Tôi may mắn có được những người bạn tốt ở Hà Nội, vài người tôi đã biết hơn 30 năm, và họ đã giúp tôi có cơ hội khai thác những thực tế vô cùng thú vị.

quote-say-it-clearly-and-you-make-it-beautiful-no-matter-what-bruce-weigl-76-73-36
Nhà thơ, giáo sư Bruce Weigl

Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều là người bạn lớn tuổi nhất của tôi trong thành phố mà tôi rất yêu quí. Anh ấy đã kể cho tôi nghe nhiều về cuộc sống làng quê. Có lẽ hầu hết mọi người sẽ nói rằng, họ có những câu chuyện làng quê thú vị của riêng mình, và tôi sẽ rất biết ơn khi được nghe về chúng, nhưng Thiều là một trường hợp đặc biệt bởi niềm say mê, sự sâu sắc và cả quá trình dài lâu mà anh ấy đã đưa chủ đề cuộc sống làng quê vào các tác phẩm văn học, cũng như cuộc sống cá nhân và gia đình của mình. Anh ấy giữ mối quan hệ chặt chẽ với ngôi làng nơi anh ấy sinh ra, làng Chùa. Ngôi nhà cũ của gia đình vẫn được các thành viên trong dòng họ nhà Thiều bảo quản và gìn giữ, nơi cả gia đình sẽ quây quần trong các dịp lễ tết, hoặc chỉ đơn giản là dành thời gian bên nhau nói chuyện và cười đùa, nấu nướng và ăn uống. Tôi muốn ở đây nhiều thời gian nhất có thể.

Một lần, trong kỳ nghỉ Tết, tôi đến thăm làng Chùa, nơi tôi chính thức được mời trở thành một phần của đại gia đình Nguyễn. Với Thiều là “hướng dẫn viên”, trong buổi sáng năm mới, chúng tôi đã đến thăm từng nhà, chúc mừng những người dân làng và cùng chào đón năm mới. Ngày hôm đó, tôi bắt đầu có những cái nhìn đầu tiên về cuộc sống nông thôn Việt Nam và cảm thấy rất thích thú với những gì mình nhìn thấy. Tôi vẫn muốn quay trở lại đó mỗi khi có cơ hội, và tôi biết rằng trước khi tôi có thể ngồi xuống viết cuốn sách, tôi sẽ phải dành thêm nhiều thời gian hơn nữa ở các làng quê, đặc biệt là vào tối muộn và khi sáng sớm, thời điểm mà những điều thú vị có vẻ như diễn ra nhiều nhất.

Ở tất cả các ngôi làng mà tôi biết, cho dù chỉ một phần nào đó, kể cả làng nơi cô con gái nuôi Nguyễn Thị Hạnh của tôi được sinh ra, tôi đã chứng kiến điều mà ở phương Tây chúng tôi sẽ cho là biểu hiện của đói nghèo sâu sắc. Đó là những người dân sống trong căn nhà một phòng với sàn nhà bẩn bụi, không có cửa sổ, cửa ra vào không khóa và không có nước sạch. Họ thường lo lắng qua từng bữa cơm. Họ làm việc cả ngày ở những cánh đồng, sáu ngày một tuần, chỉ đủ để nuôi sống vài miệng ăn. Ta tự hỏi, tại sao con người có thể sống như vậy, khi mà chỉ cách đó vài cây số là những người khác đang lái những con xe trị giá hàng nửa triệu đô la?

Bạn cũng có thể đặt câu hỏi tương tự với nước Mỹ. Khi đã có quá nhiều giàu sang, mà sao vẫn còn tồn tại quá nhiều nghèo đói? Và đây chính là nghịch lý đã khiến tôi trăn trở trong phần lớn cuộc đời. Đó có lẽ cũng là lý do tại sao tôi luôn bị thu hút bởi những chính sách với cấu phần dành cho các nỗ lực chia sẻ “lá lành đùm lá rách”.

Tôi đã tự bao quanh mình bởi những mẩu chuyện về cuộc sống làng quê từ khi tôi đặt chân đến đây gần một tháng trước. Tôi đã đọc về cuộc sống nông thôn, đến thăm các ngôi làng và ít nhất có một cái nhìn thoáng qua về nó, và rồi tôi được hỏi, liệu tôi có thể viết một bài dạng như tự luận, về giới nhà giàu Mỹ? Tôi chắc chắn bạn có thể thấy được nghịch lý trong đầu tôi lúc này: So sánh những người nông dân ở nông thôn Việt Nam với giới siêu giàu ở Mỹ.

Tôi phải thừa nhận rằng, tôi không biết quá nhiều về những người giàu hay cuộc sống của họ, bất kể họ đến từ đâu, nhưng tôi đoán rằng, có lẽ họ sẽ có rất nhiều điểm tương đồng, dù cho họ sống ở nước nào với những điều kiện xa xỉ của mình. Tôi có những người bạn mà ta gọi là “giàu” ở Mỹ và ở Việt Nam. Phải nói rằng họ khá giống nhau. Liệu có phải chỉ bởi họ đều là những người bạn của tôi, hay chính sự hào phóng là một trong những điều ngay từ đầu thu hút tôi đến với họ? Cả hai nhóm bạn này đều rất hào phóng và luôn chia sẻ sự giàu có như một phần trong kế hoạch tài chính của mình.

Tôi cũng có những người quen, tạm gọi là như vậy, để phân biệt với những người bạn, họ cũng rất giàu có nhưng lại sống những cuộc sống hoàn toàn khác biệt, cuộc sống hưởng thụ xa hoa phú quý. Ta có thể tưởng tượng nó giống như những thành viên trong một đại gia đình. Tôi có một người bạn có mười hai anh chị em và cô ấy nói rằng, khi có nhiều anh chị em như vậy, không thể kỳ vọng tất cả đều sẽ trở thành người tốt. Cô ấy cười và có vẻ đùa cợt, nhưng tôi nghĩ cô ấy rất nghiêm túc. Trong đại gia đình người bạn giàu có của tôi, có những người tốt bụng và hào phóng, suy nghĩ đầu tiên của họ luôn là về những điều họ có thể làm để mang lại lợi ích cho người khác. Nhưng cũng có một số thành viên trong chính gia đình giàu có đó lại luôn sợ mình sẽ mất tiền, nên họ dành phần lớn thời gian để bảo vệ và lo lắng về điều ấy mà bỏ lỡ cuộc sống đang trôi qua. Ta đều đã từng gặp những câu chuyện như vậy. Bạn có thể mua bất cứ thứ gì bạn tưởng tượng trong cuộc sống này, nhưng bạn lại không thể mua được hạnh phúc, và tôi thương thay cho những người bị mắc kẹt trong sự giàu có của họ đến mức không thể nhìn thấy rõ thế giới xung quanh.

Ở Mỹ, tôi sống tại một khu vực chủ yếu là làm nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Gần đó là một thành phố lớn hơn của công nghiệp nặng, nên về cơ bản, bốn phương tám hướng từ nhà tôi đều là các cộng đồng, giai cấp lao động. Nơi tôi sống có những mùa đông tàn khốc với lớp tuyết dày hàng chục mét và đóng băng trong thời gian dài. Sẽ không lạ lùng khi một chiếc xe hơi của ai đó bị hỏng giữa đồng không mông quạnh, không có trạm dịch vụ và bão tuyết thì càng trở nên tồi tệ hơn. Đó không phải là một tình huống bất thường nếu bạn đã sống đủ lâu ở đây. Nó đã xảy ra với tôi một vài lần. Khi điều đó xảy ra thì hy vọng duy nhất của bạn là sẽ có ai đó đi qua dừng lại giúp đỡ bằng cách cùng sửa xe hoặc đưa bạn đến trạm xăng gần nhất. Nhưng không một người giàu nào dừng lại giúp bạn, mà thường là những người thuộc tầng lớp lao động. Người ấy dù đang đi cùng với gia đình cũng vẫn sẽ dừng lại để giúp, vì đó là điều đúng đắn phải làm và bởi vì những người thuộc tầng lớp lao động được nuôi dạy bằng chính những giá trị đó.

Đó là một nghịch lý mà ta thường xuyên gặp phải: Tại sao thường những người tử tế nhất, rộng lượng nhất, lương thiện nhất lại thường là những người không có nhiều của cải nhất? Và tại sao, ở chiều ngược lại, rất nhiều người giàu có lại bị cuốn vào cuộc sống của chính mình đến nỗi không muốn làm gì để giúp người khác? Nếu tôi có thể trả lời được câu hỏi này, thì nhà vua đã đến gặp tôi để xin lời khuyên, theo sau là Warren Buffet.

Khi tôi được đề nghị viết về giới nhà giàu Mỹ, một điều đúng nhất tôi biết về họ: Nhiều người trong số họ rất hào phóng, và số còn lại thì không.

Tôi cũng muốn nhắc lại một điều, bởi vì phép so sánh ở đây là rất quan trọng. Tôi biết nhiều người khá giàu ở Việt Nam nhưng lại không muốn chia sẻ sự giàu có của mình và nói là muốn dành điều đó cho gia đình và con cháu của họ. Tôi không thể phán xét một ai đó chỉ vì họ muốn điều tốt nhất cho gia đình của mình, hiện tại và tương lai, nhưng cũng giống như bao điều khác trong cuộc sống, phải có một điểm cân bằng khi nói đến của cải, giàu sang hay tiền bạc. Cần phải có một cách để những người may mắn hơn giúp đỡ những người cần được giúp đỡ.

Tôi xin đưa ra một ví dụ đơn giản. Trên đường từ chợ về, tôi mua 10 quả cam, lúc đó bạn cũng từ chợ về, nhưng lại chẳng có gì trong tay cả. Tôi đưa tặng bạn 3 quả cam. Bây giờ, trong tay tôi vẫn còn 7 quả cam, mỗi ngày một quả cho cả tuần, nhưng bạn thì không còn tay không về nhà mà thay vào đó, bây giờ bạn có 3 quả cam và cả hai chúng ta đều cảm thấy tốt hơn với sự chia sẻ này.

Từ trong thâm tâm, tôi biết sự chia sẻ không phức tạp hơn thế. Giải quyết nạn đói, sự cô đơn và những buồn đau, không phức tạp hơn việc chia sẻ những gì mình đã có với những người không có gì. Sẻ chia này có thể đến dưới dạng một nụ cười hay một cái gật đầu, một câu nói tử tế hay một cái vỗ vai; nó có thể đến dưới dạng một vài tờ tiền được nhét vội vào túi bởi một người bạn cũ, và nó cũng có thể là một cái ôm, hay một cái bắt tay chắc chắn, thậm chí là một nụ hôn nhẹ lên má bởi đôi khi linh hồn ta cần nhiều hơn là thức ăn. Tôi không chắc những người giàu ở đất nước tôi hiểu thế nào là một cuộc sống mà không có một xu dính túi. Có lẽ những người bắt đầu với cuộc sống nghèo khổ và tự mình tìm đường vượt lên nghịch cảnh sẽ hiểu điều này, và thông thường nhất, những người đó lại là những con người rộng lượng nhất, một khi họ thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Vậy còn những người khác thì sao? Có rất nhiều người Mỹ giàu có chỉ đơn giản bởi vì họ sinh ra là đã vượt qua khỏi vạch đích. Cuộc sống của những người này chắc hẳn cũng có nhiều nghiệt ngã. Ngay từ đầu, họ đã bị cô lập với thế giới bên ngoài và được bảo vệ khỏi bất kỳ sự xâm phạm nào. Họ được tạo cho mình cảm giác rằng có thể có bất cứ thứ gì mình muốn, ngay từ khi còn nhỏ. Đây không phải là một suy nghĩ đơn giản. Đây là một cách nuôi dạy con nguy hiểm. Lớn lên theo cách này sẽ không cho người trẻ hiểu về giá trị của đồng tiền và cũng không dạy cho chúng rằng, cần phải tự mình kiếm lấy những gì thuộc về mình, thay vì chỉ biết há miệng chờ sung. Sẽ không công bằng nếu vơ đũa cả nắm, nhưng linh tính nói với tôi rằng, đây chính là cách mà rất nhiều người giàu được nuôi dạy ở Mỹ. Họ không bao giờ hiểu được rằng, hai phần ba dân số thế giới ăn đậu và cơm cho bữa tối, đấy là nếu đủ may mắn để có. Họ không hiểu rằng chúng ta không thể mua lối vào, đi xuyên qua hoặc vòng quanh mọi việc, và rằng có những chuyện ta cần phải đối mặt và giải quyết trước khi ta có thể bước tiếp.

Tôi nghĩ rất khó để trở nên hào phóng nếu bạn luôn sợ mất đi những gì của mình, và thế là chúng ta đến với một nghịch lý khác khởi nguồn từ Lão Tử, người thầy vĩ đại. Người đã nói rằng, nếu chúng ta muốn nhìn thấy giá trị thực sự của đồ vật, hãy sở hữu chúng. Tất nhiên ông ấy hi vọng là ta có thể nhận ra rằng vật chất là vô giá trị và không mang lại ý nghĩa gì. Khi bạn nhìn nhận sự giàu có của mình theo cách như vậy, thì bạn sẽ trở thành người rộng lượng hơn. Tôi nghĩ việc bạn là người Mỹ hay người Việt Nam không quan trọng. Vấn đề không nằm ở số tiền trong tài khoản ngân hàng, mà nằm trong trái tim bạn. Có phải đúng vậy không?

Người nông dân Việt ở trong ngôi nhà đơn sơ được giữ gìn sạch sẽ và chăm sóc cẩn thận. Vợ anh đang nổi lửa nấu ăn. Anh mời tôi ngồi xuống cạnh anh để cùng dùng bữa. Trong bữa cơm, tôi là người được đưa bát đầu tiên, một chút cơm, ít rau thơm và miếng thịt gà. Cho dù biết rằng họ chưa có gì thật nhiều để dành, tôi vẫn ngồi xuống và cùng ăn, để tôi có thể hiểu được sự giàu có của họ và chia sẻ với họ niềm vui khi cùng ăn với họ.

Hà Nội, 2019

Tags:
“Thiên tài trong các thiên tài” khiến Harvard phá vỡ thông lệ 300 năm: Học tiểu học trong 3 ngày, 12 tuổi vào đại học nhưng vẫn bị ghét bỏ chỉ trích

“Thiên tài trong các thiên tài” khiến Harvard phá vỡ thông lệ 300 năm: Học tiểu học trong 3 ngày, 12 tuổi vào đại học nhưng vẫn bị ghét bỏ chỉ trích

Chàng trai đầu tiên khiến Harvard phá lệ lại không trở thành "niềm tự hào quốc dân" như tưởng tượng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất