Nghiên cứu: COVID-19 là loại bệnh tự miễn
Các nhà khoa học hiện vẫn không biết tại sao tình trạng một số bệnh nhân COVID-19 ngày càng nặng hơn trong khi những người khác chỉ bị các triệu chứng nhẹ, hoặc không có triệu chứng nào cả. Nhưng giờ đây, một nghiên cứu mới từ Đại học Yale (Mỹ) đã giúp giải thích vấn đề này.
08:30 25/12/2020
Một người bị COVID-19 có phát triển bệnh nặng hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách hệ thống miễn dịch của người này phản ứng với virus corona.
Bệnh tự miễn là bệnh xảy ra do bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên. Tự kháng nguyên là thành phần của cơ thể, vì lý do nào đó trở thành vật lạ, tự kháng thể của cơ thể chống lại các tự kháng nguyên này làm bệnh tự miễn xảy ra.
Một nghiên cứu tại Đại học Yale được công bố trên tạp chí Medrxiv hôm 19/12 vừa qua đã chỉ ra rằng ở những bệnh nhân bị COVID-19 nặng, cơ thể bệnh nhân sản xuất “kháng thể tự miễn” (autoantibodies). Đây là những kháng thể, thay vì tấn công virus xâm nhập thì lại tấn công hệ thống miễn dịch và các cơ quan của chính bệnh nhân.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng những người bị COVID-19 nặng có các kháng thể tự miễn bám vào những protein quan trọng liên quan đến việc nhận biết, cảnh báo và loại bỏ các tế bào bị nhiễm virus corona.
Những protein này bao gồm cytokine và chemokine – những sứ giả quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Điều này đã can thiệp vào chức năng bình thường của hệ thống miễn dịch, ngăn chặn sự phòng thủ virus, có khả năng làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Mối liên hệ giữa kháng thể tự miễn và rối loạn tự miễn
Trong nhiều năm, kháng thể tự miễn đã được biết là có liên quan đến các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus ban đỏ.
Người ta không biết tại sao một số người lại phát triển những kháng thể tự miễn này, nhưng có khả năng nó là sự kết hợp của yếu tố di truyền và môi trường. Việc nhiễm virus cũng có liên quan đến việc khởi phát một số bệnh tự miễn.
Đầu năm 2020, các nhà khoa học đã công bố báo cáo rằng những bệnh nhân không có tiền sử bệnh tự miễn đã phát triển kháng thể tự miễn sau khi bị mắc COVID-19. Trong các nghiên cứu này, các kháng thể tự miễn được phát hiện để nhận ra các mục tiêu tương tự như các mục tiêu được tìm thấy trong các bệnh tự miễn thường được biết đến khác, chẳng hạn như protein thường được tìm thấy trong nhân tế bào.
Các nghiên cứu sau đó phát hiện ra rằng những người bị COVID-19 nặng cũng có thể phát triển kháng thể tự miễn đối với interferon – nhóm các protein miễn dịch đóng vai trò chính trong việc chống lại nhiễm trùng do virus gây ra.
Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu tại Đại học Yale đã sử dụng một kỹ thuật mới để sàng lọc các kháng thể tự miễn hoạt động chống lại hàng nghìn protein của cơ thể. Họ tìm kiếm các kháng thể tự miễn ở 170 bệnh nhân nhập viện và so sánh chúng với các kháng thể tự miễn được tìm thấy ở những người bị bệnh nhẹ hoặc lây nhiễm không có triệu chứng, cũng như những người không bị nhiễm virus.
Trong máu của những bệnh nhân nhập viện, họ phát hiện các kháng thể tự miễn có thể tấn công những interferon, cũng như các kháng thể tự miễn có thể can thiệp vào các tế bào quan trọng khác của hệ thống miễn dịch như tế bào tiêu diệt tự nhiên và tế bào T.
Các phát hiện cho thấy kháng thể tự miễn là một đặc điểm rất phổ biến ở những bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nghiêm trọng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale đã tiến hành các thử nghiệm sâu hơn trên chuột, kết quả cho thấy sự hiện diện của các kháng thể tự miễn này có thể làm bệnh trở nên trầm trọng hơn, từ đó chỉ ra rằng các kháng thể tự miễn này có thể góp phần làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 ở người.
Kháng thể tự miễn không phải là tất cả
Mặc dù bệnh nhân COVID-19 có nhiều kháng thể tự miễn nhắm vào những protein của hệ thống miễn dịch, các nhà nghiên cứu không tìm thấy bất kỳ kháng thể tự miễn COVID-19 cụ thể nào có thể được sử dụng để phân biệt bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng.
Việc một người có bị COVID-19 nghiêm trọng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và kháng thể tự miễn không phải là tất cả.
Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng những người có kháng thể tự miễn có thể có nguy cơ cao bị nhiễm COVID-19 ở mức độ nghiêm trọng. Những người này có thể thiếu khả năng phản ứng miễn dịch trong thời kỳ đầu nhiễm virus corona hoặc có khuynh hướng tạo ra các kháng thể tự miễn mới có thể cản trở phản ứng miễn dịch của họ với virus.
Các nhà nghiên cứu đang ngày càng tập trung vào mối liên hệ giữa COVID-19 ở mức độ nghiêm trọng và những phản ứng miễn dịch bị định hướng sai nhắm đến các mô và protein khỏe mạnh trong cơ thể. Sự hiện diện của các kháng thể tự miễn đã cho thấy rằng đối với một số bệnh nhân, COVID-19 có thể là một bệnh tự miễn do virus corona gây ra.
Hiểu được điều gì đã thúc đẩy việc sản xuất kháng thể tự miễn sẽ giúp cho các nhà khoa học phát triển các phương pháp điều trị mới cho căn bệnh này.
Các nhà khoa học không biết những kháng thể tự miễn này tồn tại trong bao lâu sau khi hết nhiễm trùng. Một câu hỏi quan trọng chưa được trả lời là liệu tổn thương lâu dài do kháng thể tự miễn gây ra có thể giải thích cho một số triệu chứng dai dẳng của COVID-19 hay không.
Theo Science Alert,
Phan Anh
Chuẩn bị rời Nhà Trắng, Tổng thống Trump đưa ra yêu cầu "lạ"
Mới đây, Tồng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành một lệnh hành pháp cực "lạ" yêu cầu các công trình trụ sở chính quyền liên bang phải "thật đẹp".