Nghiên cứu: Đánh thuế toàn bộ hàng TQ, kinh tế Mỹ càng mạnh

Nhiều tờ báo Mỹ đang cảnh báo cuộc chiến thương mại của tổng thống Donald Trump sẽ mang lại hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế và người dân Mỹ. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng trong dài hạn, việc đánh thuế lên toàn bộ hàng Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn.

22:30 16/05/2019

Đến cuối cùng, người tiêu dùng Mỹ, những người mua hàng Trung Quốc sẽ là những người phải chi trả cho khoản thuế mà ông Trump tăng lên, hầu hết báo chí Mỹ khăng khăng như vậy.

Nhưng một nhà báo, mặc dù khẳng định “không phải fan của ông Trump”, nhưng nói ông phát chán vì những lời nói “ngớ ngẩn, không chính xác và sặc mùi đảng phái chính trị” trên truyền thông.

Nhà báo của chuyên trang kinh tế Marketwatch Brett Arends viết: “Đúng là các khoản thuế này là chi phí. Nhưng nó sẽ không bằng cách nào đó làm tiền của chúng ta biến mất. Nó không lấy những đồng đô la mà ta vất vả mới có được, chất thành đống rồi đốt đi. Thuế này đơn giản là thuế liên bang. Vậy thôi. Chi phí bổ sung được trả bởi những nhà nhập khẩu, người tiêu dùng sẽ đi vào tay Chú Sam, để tái phân phối ở những nơi mà ta cần, chẳng hạn là trợ cấp cho ObamaCare”.

Arends nói thêm: “Cách đây chưa lâu giới truyền thông còn gào ầm lên về việc ông Trump giảm thuế. Bây giờ họ lại phàn nàn chuyện ông tăng thuế. Thấy bối rối không? Tôi cũng vậy. Và quy mô liên quan thì không đáng kể. Số tiền tầm thường”.

Một nghiên cứu mới đây của Liên minh vì Hoa Kỳ thịnh vượng (CPA) cho thấy việc đánh thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc sẽ tạo ra “lợi ích đáng kể, lâu dài cho nền kinh tế Mỹ”.

Việc này sẽ tạo thêm 1,36 triệu việc làm và khiến GDP Mỹ tăng 232 tỷ USD trong vòng 5 năm, nghiên cứu kết luận.

“Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đến bằng những tổn hại của Mỹ về việc làm và ngành sản xuất”, Chủ tịch CPA Dan DiMicco nói. “Nghiên cứu này chỉ ra Mỹ sẽ thu hoạch được gì từ việc đòi lại cơ sở sản ngành sản xuất của chúng ta. Đi theo tự do thương mại một cách mù quáng rõ ràng là không có tác dụng, và thúc đẩy phát triển quốc nội nên là ưu tiên hàng đầu của chúng ta.”

Nhà kinh tế trưởng của CPA Jeff Ferry và một nhà kinh tế cấp cao khác là Steven Byers đã xây dựng “một mô hình chi tiết về thương mại Mỹ – Trung để xác định ảnh hưởng của việc áp đặt mức thuế 25%, dài hạn, lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Mô hình cho thấy mức thuế 25% sẽ thúc đẩy tăng trưởng hằng năm trong sản phẩm quốc nội mỗi năm trong chu kỳ dự đoán 5 năm, đóng góp thêm 0,2% tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2023 và 2024. Nhìn chung, việc đánh thuế dài hạn ở mức 25% toàn bộ hàng Trung Quốc sẽ cộng thêm 232 tỷ USD vào GDP Mỹ vào năm 2024, tương đương với thêm 700 đô cho mỗi người Mỹ”.

Kết quả của việc tăng thuế là nhiều công ty sản xuất sẽ rời khỏi Trung Quốc và trở về Mỹ hoặc một nước thứ ba có thuế thấp hơn.

“Nhìn chung, việc này sẽ khích lệ tiêu thụ và sản xuất của Mỹ, gia tăng thêm 365.000 việc làm trong ngành sản xuất. Tới 2024, lượng hàng hóa sản xuất trị giá 69 tỷ USD một năm sẽ được chuyển từ Trung Quốc về Mỹ” tổ chức này nhận định.

“Mô hình của chúng tôi dự đoán rằng việc đánh thuế toàn bộ hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ khuyến khích nền kinh tế Mỹ, tăng cường sản xuất và việc làm ở Mỹ, và dẫn đến việc giảm dần chi phí nhập khẩu tại Mỹ”, Ferry giải thích.

“Mô hình này cung cấp thêm bằng chứng rằng việc tách rời nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc cùng hành vi kinh tế thú săn mồi và trợ cấp công nghiệp của họ sẽ làm cho nền kinh tế Mỹ mạnh hơn, sản xuất gia tăng, đầu tư và việc làm tăng thêm”. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra thương chiến sẽ làm tỷ lệ lạm phát tăng lên nhưng “ở mức không đáng kể, không bao giờ vượt quá 0,2%”.

Điều đó là bởi vì trong khi hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ đắt đỏ hơn, các hãng Mỹ sẽ nhập ít hơn, đồng thời dây chuyền sản xuất sẽ được chuyển về Mỹ hoặc nước khác.

Ngoài ra nghiên cứu còn chỉ ra nhiều tin xấu cho Trung Quốc.

“Kết quả chạy mô hình chỉ ra giá trị sản xuất 3,23 tỷ USD sẽ rời Trung Quốc trong năm đầu tiên, và tới 2024, 297,4 tỷ USD sản phẩm sẽ không còn được sản xuất ở nước này.” Do việc đánh thuế sẽ khuyến khích các công ty đẩy nhanh quá trình chuyển nhà xưởng sang những nước chi phí thấp hơn, giá sản phẩm nhập khẩu tại Mỹ sẽ giảm. “Tổng cộng, các yếu tố này khiến chi phí nhập khẩu trung bình tại Mỹ sẽ giảm xuống 4,6% trong vòng 5 năm. Chi phí nhập khẩu giảm cũng sẽ khuyến khích tăng trưởng nền kinh tế nội địa”, nghiên cứu viết.

Nghiên cứu cũng lưu ý rằng trong khi nhiều sản phẩm sẽ có chi phí sản xuất ở Mỹ cao hơn ở Trung Quốc, nhưng còn phải tính đến các yếu tố khác.

“Việc sản xuất trong nước khiến chi phí vận tải giảm, khả năng logistic linh hoạt hơn, và gần gũi hơn với các thị trường tiêu thụ, các nhà phân phối và cấp quản lý cấp cao.”

Ngoài ra còn một lợi ích phụ nữa: sản xuất tại Mỹ và ngoài Trung Quốc khiến Mỹ an tâm hơn nhiều về vấn đề an ninh quốc gia, do đó không cần chi nhiều tiền bạc để đảm bảo vấn đề này như trước. “Việc tách khỏi Trung Quốc làm giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào một quốc gia không thân thiện mà vốn là một đối thủ quân sự, công nghiệp và địa chính trị”, báo cáo viết.

Tác giả Arends của MarketWatch nói rằng trong khi ông Trump đang dùng cuộc chiến thuế má để buộc Trung Quốc phải công bằng trên sân chơi thương mại quốc tế, truyền thông Mỹ lại đang thúc đẩy “nỗi sợ hãi thái quá” trong công chúng vì mục đích chính trị.

Arends cho rằng chi phí tài chính của phía Mỹ là “quá nhỏ bé” và cáo buộc phần lớn các bản tin trên truyền thông là “cố tình sai lệch hoặc dối trá trắng trợn”.

Ông viết rằng nếu tổng thống Trump áp thuế 25% lên toàn bộ hàng Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ chỉ ảnh hưởng 135 tỷ USD, một phần tí hon so với GDP 20,5 nghìn tỷ đô.

“Việc đánh thuế này chỉ đơn giản là một biện pháp để đạt được mục đích. Tổng thống đang cố gắng để Trung Quốc mua nhiều hàng hóa của chúng ta hơn. Ông biết cái gọi là Vương Quốc Trung Tâm, hiện đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ phản ứng mạnh hơn đối với động cơ hơn là lời nói. Việc đánh thuế cho Trung Quốc một động cơ để mở cửa”.

Còn về sự “trả đũa” của Trung Quốc gần đây?

“Chỉ làm ra vẻ”, Arends nói.

Trên Twitter, Tổng thống Trump cũng nhận định rằng bởi vì Trung Quốc mua ít hàng hóa của Mỹ hơn nhiều, Mỹ đang ở thế tốt hơn nhiều so với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại:

“Trung Quốc mua ít hơn nhiều so với chúng ta mua từ họ, gần 500 tỷ USD, do đó chúng ta đang ở một vị thế tuyệt vời”. 

“Nhiều công ty đang rời khỏi Trung Quốc , do đó sẽ có cạnh tranh hơn cho người tiêu dùng Mỹ. Chúng ta hiện là nền kinh tế lớn hơn Trung Quốc nhiều, và đã gia tăng đáng kể kể từ cuộc bầu cử 2016. Chúng ta là con lợn đất mà ai cũng muốn xâu xé. Không còn nữa!” 

“Chúng ta sẽ thu về hàng tỷ đô la, và công việc sẽ trở về Mỹ nơi nó thuộc về. Các nước khác đang đàm phán với chúng ta rồi bởi vì họ không muốn điều này xảy ra với họ. Họ muốn về cùng phe với hành động của Mỹ”. 

Trọng Đức (theo wnd.com)

Tags:
Sai lầm và vỡ mộng: Vén màn bế tắc đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Sai lầm và vỡ mộng: Vén màn bế tắc đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Nhiều quan chức trong cuộc nhận định cả hai bên đều thiếu tin tưởng và thất vọng về nhau. Giải pháp duy nhất phá vỡ thế bế tắc là cuộc gặp Trump - Tập tại hội nghị G-20 tháng 6.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất