Nghiên cứu khoa học của Đại học Harvard công bố: 4 thói quen này chính là căn nguyên khiến một người ngày càng thụt lùi
Steve Jobs đã nói: “Thói quen hình thành trong 30 năm đầu đời sẽ quyết định vận mệnh 30 năm cuối đời của bạn”. Thói tốt có thể mang lại lợi ích cho mọi người cả đời. Tương tự, thói xấu cũng có thể thay đổi cả tương lai của chúng ta.
09:00 12/05/2020
Trong một nghiên cứu khoa học của Đại học Harvard công bố rằng, có tổng cộng 9 thói xấu khiến một người ngày càng thụt lùi, đặc biệt là 4 đặc điểm sau đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển tương lai.
01. Thói trì hoãn
Nếu tìm kiếm từ khóa “thất bại vì do dự” trên Google, công cụ tìm kiếm hàng đầu thế giới sẽ trả lại khoảng 787.000 kết quả trong vòng 0,41 giây. Đằng sau đó là vô số câu chuyện về sự đau khổ, buồn bã, bất lực và tuyệt vọng mà sự chần chừ, do dự đem lại.
Điển hình của người mắc chứng trì hoãn đó là những câu cửa miệng “Để mai làm”, và hậu quả sau đó sẽ là “Sắp hết thời gian rồi mà vẫn chưa hoàn thành, phải làm sao đây”.
Một khảo sát của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho thấy:
80% sinh viên đại học và 86% người lao động ở Trung Quốc có thói quen trì hoãn;
50% mọi người đợi khi “nước đến chân mới nhảy”;
13% trong số đó không thể hoàn thành công việc nếu không bị nhắc nhở.
Tác giả người Anh Samuel Johnson từng nói: "Dù biết không thể trốn tránh mãi, chúng ta vẫn sẽ cố gắng trì hoãn một sự việc nào đó. Đây chính là một yếu điểm nguy hiểm, tồn tại ít nhiều trong tâm trí mọi người."
Khi sự trì hoãn được tích lũy dần theo thời gian, cảm giác lực bất tòng tâm sinh ra tạo ra cho chúng ta ảo giác rằng mình không bao giờ có thể hoàn thành việc đó. Cuối cùng, suy sụp cả tâm lý sau này.
Có nhiều cách cụ thể để giải quyết chứng trì hoãn, nhưng điểm quan trọng nhất là quá trình hành động không ngừng. Nâng cao khả năng hoàn thành từng mục tiêu cụ thể sẽ đem lại cảm giác thành tựu, giúp chúng ta chống lại sự chần chừ do dự.
02. Hiệu ứng nửa đường (Halfway effect)
Xưa kia, có một thư sinh vất vả lên huyện đi học, đợi ngày thành tài. Thế nhưng, chỉ sau 1 năm, anh ta đột nhiên trở về nhà.
Vợ thư sinh đang ở nhà dệt cửi, ngạc nhiên hỏi lý do, anh trả lời: “Học chưa thành tài, nhưng tôi thấy nhớ gia đình nên quay về xem sao.”
Người vợ nghe vậy thì cầm lấy một chiếc kéo rồi cắt nát tấm vải vất vả lắm mới dệt trong cả ngày nay.
Thư sinh còn đang ngỡ ngàng thì nghe vợ đáp: “Tấm vải này thành hình nhờ một quá trình dài lâu, từ trứng hóa tằm, từ tằm hóa sợi, từ sợi dệt nên. Bây giờ nếu ta cắt đứt giữa chừng thì chẳng khác nào kiếm củi ba năm thiêu một giờ, lãng phí mọi nỗ lực và thời gian trước đây bỏ ra. Đạo lý khi chàng đọc sách học tập không phải cũng giống vậy sao?”
Thư sinh giật mình nhận ra, vội vàng chào từ giã vợ và lên đường trở lại huyện học tiếp.
Trong đời thường, luôn có rất nhiều người hành động giống như anh thư sinh kia, chịu tác động của “hiệu ứng nửa đường” trong tâm lý mà từ bỏ kế hoạch và mục tiêu ban đầu hướng đến. Như vậy, họ sẽ không bao giờ có thể trải nghiệm sự thỏa mãn khi hoàn thành một sự việc gì đó sau nhiều nỗ lực kiên trì.
03. Tự giới hạn bản thân
Trong một công ty, tất cả nhân viên đều nhận thông báo rằng: “Hãy tới sân kho để tham gia đám tang của người đã cản trở sự tăng trưởng của bạn.”
Mọi người lấy làm lạ, tò mò không biết đó là người đồng nghiệp nào vừa qua đời. Nhưng khi tiến lại gần quan tài bày giữa sân kho, họ á khẩu nhận ra, nằm bên trong đó chỉ là một tấm gương đang phản chiếu chính mình.
Trong đó cũng để kèm một lời nhắn: “Chỉ có một đối thủ duy nhất có thể tự cản trở sự tăng trưởng của bạn, đó là chính BẠN.”
Đừng bao giờ nghĩ đối thủ cản trở thành công của mình là người này người kia, mà cơ bản đó chính là bản thân bạn. Trong rất nhiều tình huống, khi đối mặt với nguy cơ thất bại, chúng ta thường bất giác đặt ra những giới hạn an toàn như một cơ chế tự bảo vệ chính mình.
Chẳng hạn như, dù biết là sắp đến kỳ thi, một người vẫn cố tình dành thời gian đi chơi và lên mạng. Nếu kết quả thi không tốt, họ sẽ bào chữa: “Tôi có học hành gì mấy đâu mà đã thi được thế này rồi, nếu chăm chỉ hơn, chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều.”
Trong cuộc sống, có quá nhiều người chỉ sống trong không gian do chính họ thiết lập, an toàn đấy, nhưng sẽ hoàn toàn hạn chế sự phát triển lâu dài, thậm chí ngày càng thụt lùi hơn.
Đó là lý mà Cựu Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã nói: “Chiến thắng cả hàng ngàn quân địch trên chiến trường cũng không tuyệt vời bằng chiến thắng chính bản thân mình.”
04. Tâm lý đà điểu
Rất nhiều người đều mang trong mình tâm lý đà điểu, họ trốn tránh những điều khó xử, những việc khó chịu và những lời khó nghe mà không biết cũng chính vì thói quen đó, họ sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội để sửa chữa sai lầm kịp thời.
Có điển tích kể lại rằng:
Một ngày, thần y Biển Thước bái kiến Thái Hoàn Công và nói: “Đại Vương có bệnh, trên da có hoa văn, không trị e rằng nghiêm trọng”.
Thái Hoàn Công không vui, ông khiển trách: “Ta không có bệnh! Thầy thuốc lúc nào cũng thích nói người không bệnh thành có bệnh để nhận hết công lao!”.
Sau đó mười ngày, Biển Thước lại tới và nói: “Hiện tại bệnh của Đại Vương đã đi vào da thịt rồi, không trị đi e rằng càng nghiêm trọng”.
Hoàn Công vẫn không quan tâm.
Lại qua mười ngày nữa, Biển Thước lại tới và nói: “Bệnh của Đại Vương đang tới phủ tạng rồi, không trị thì không kịp nữa!”.
Hoàn Công nổi giận, Biển Thước không còn cách nào đành trở về. Sau đó, ông không còn chủ động tới bái kiến lần nào nữa.
Qua năm ngày sau, Hoàn Công quả nhiên toàn thân đau đớn, liền phái người tìm Biển Thước, nhưng vị thần y tài cao đã chạy đến nước Tần rồi. Hoàn Công đau đớn vì bệnh mà chết.
Có thể thấy rằng, tâm lý đà điểu chỉ khiến chúng ta tạm thời trốn tránh thực tại, thể hiện sự hèn nhát không dám đối mặt với vấn đề. Kết quả sau đó chỉ khiến vấn đề trở nên phức tạp và khó giải quyết hơn.
Chúng ta có thể thoát khỏi thực tại, nhưng không thể thoát khỏi cuộc sống. Khi một người hình thành thói quen trốn tránh trách nhiệm, họ rất khó có thể phát triển hơn.
Link nguồn: https://cafebiz.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-cua-dai-hoc-harvard-cong-bo-4-thoi-quen-nay-chinh-la-can-nguyen-khien-mot-nguoi-ngay-cang-thut-lui-20200510150317747.chn
Chính quyền Trump từ chối thực hiện hướng dẫn của CDC về việc mở cửa trở lại
Chính quyền Trump sẽ không thực hiện khuyến nghị mở cửa trở lại của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, một quan chức cấp cao của CDC đã xác nhận hôm thứ Năm.