Người Canada ở Trung Quốc sống trong sợ hãi sau vụ ba công dân bị bắt

Nhiều người Canada sống ở Trung Quốc đang cảm thấy bất an và tìm cách kéo dài kỳ nghỉ Giáng sinh vì sợ bị chính quyền Bắc Kinh bắt giam.

10:00 23/12/2018

Michael Kovrig và Michael Spavor, hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giam. Ảnh: Twitter.

Bắc Kinh hôm 20/12 xác nhận bắt giam công dân Canada Sarah McIver vì “làm việc bất hợp pháp” tại nước này, sau khi hai người Canada khác bị cơ quan an ninh Trung Quốc bắt vì “đe dọa an ninh quốc gia”, theo AFP.

Dù nhà chức trách Canada nói rằng vụ bắt McIver có vẻ là trường hợp vi phạm thị thực thông thường, sự việc vẫn làm trầm trọng thêm mối lo ngại của người Canada sinh sống và làm việc tại Trung Quốc. Họ lo sợ họ cũng có thể bị bắt giam vì vấn đề pháp lý.

“Tôi nghĩ hầu hết người Canada ở Trung Quốc đều đang sống trong sợ hãi ở mức độ nào đó. Họ sợ bị bắt, sợ mất những gì họ có ở đây, sợ bị trả thù”, Ricky Ng-Adam, người sáng lập CoderBunker, cho biết. CoderBunker là cộng đồng các nhà phát triển phần mềm có trụ sở tại Thượng Hải. “Đó là nỗi sợ hãi thường trực”, anh nói, nhấn mạnh thêm rằng một số người Canada đang tự kiểm duyệt các bài đăng trên mạng xã hội và cập nhật ít thông tin tiểu sử để không bị chú ý.

Hai công dân Canada bị bắt trước đó là cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor. Kovrig là cố vấn cấp cao của Nhóm Khủng hoảng quốc tế, trong khi Spavor luôn tạo điều kiện cho các chuyến đi Triều Tiên, bao gồm các chuyến thăm của cựu ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman. Họ bị cáo buộc tham gia các hoạt động “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc”.

Dù không có mối liên hệ chính thức nào được đưa ra giữa ba vụ bắt người, có những nghi ngờ cho rằng Trung Quốc đang giam ít nhất hai công dân Canada để trả đũa vụ Ottawa bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu hôm 1/12 theo yêu cầu của Mỹ.

Công dân Canada Adrian Wu cho rằng sự mơ hồ xung quanh các vụ bắt người càng làm tăng thêm nỗi bất an. Wu thường xuyên đến Trung Quốc để làm việc và vui chơi. “Thậm chí dù vụ bắt người thứ ba không liên quan đến hai vụ đầu tiên, mọi người nhìn thấy tiêu đề và ngay lập tức nghĩ rằng ‘một người Canada nữa bị bắt'”, anh nói.

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (phải). Ảnh: Canadian Press.

Canada nhiều lần khẳng định vụ bắt Mạnh Vãn Chu không phải hành động chính trị mà là một phần của quá trình tư pháp, phù hợp với hiệp ước dẫn độ giữa Ottawa và Washington. Bà Mạnh được tại ngoại hôm 11/12 trong khi chờ quyết định dẫn độ của Mỹ vì cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt Washington áp đặt với TehranOttawa và Washington hôm 21/12 tăng sức ép, yêu cầu Bắc Kinh lập tức thả Kovrig và Spavor.

Các nhà quan sát nói rằng Canada đang ngày càng chịu thiệt hại ngoài dự kiến trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cũng đang thực hiện các biện pháp để giảm căng thẳng thương mại với Washington. “Canada thực sự bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc, chúng tôi giống như vật tế thần”, một nữ doanh nhân Canada trong lĩnh vực giáo dục chia sẻ với điều kiện giấu tên.

Giống như nhiều người Canada khác, cô cũng đang nhân dịp nghỉ lễ Giáng sinh để rời Trung Quốc. “Ít nhất tôi có thể ở lại Bắc Mỹ, theo dõi tình hình diễn biến ra sao từ khoảng cách an toàn”, cô cho hay. Các cộng đồng người Canada khác cho biết họ sẽ lên kế hoạch dự phòng rời Trung Quốc “chỉ trong trường hợp tình hình trở nên tồi tệ hơn”.

Theo Hugh Stephens, chuyên gia nổi tiếng tại Quỹ Châu Á Thái Bình Dương của Canada, bây giờ là lúc Trung Quốc quyết định mức độ họ muốn leo thang tình hình. “Người Trung Quốc sẽ không thể gây ảnh hưởng đến hệ thống tòa án Canada bằng bất cứ điều gì họ làm. Tuy nhiên, thiệt hại ngoài dự kiến của Canada sẽ tăng lên, điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng các mối quan hệ về lâu dài”, Stephens nhận định. Dù Canada và Trung Quốc có nhiều hoạt động kinh doanh, nhiều người có thể đặt nghi vấn họ bị nhắm mục tiêu và xem xét nghỉ lễ dài ngày.

Những vụ bắt công dân Canada của Trung Quốc còn tác động đến các nhà nghiên cứu. Hôm 20/12, đại diện của 6 cơ quan có trụ sở tại Berlin, Đức, bao gồm Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu và Quỹ Marshall của Đức, bày tỏ lo ngại về việc người Canada bị giam.

“Diễn biến của những vụ bắt người làm tăng lên mối bất an và mất niềm tin trong các học giả nước ngoài, những người thường xuyên nghiên cứu ở Trung Quốc, vì họ lo sợ cho sự an toàn”, thông báo chung của 6 cơ quan cho hay. “Điều này rõ ràng làm suy yếu các nỗ lực để hiểu rõ hơn về sự phát triển ở Trung Quốc”.

Cảnh sát Trung Quốc tuần tra trước đại sứ quán Canada ở Bắc Kinh hôm 14/12. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, một số người cảm thấy không cần phải phản ứng thái quá, gọi những vụ bắt người như trên là “cách Trung Quốc ứng phó với mọi thứ”.

“Tôi không quá lo lắng về điều này và tôi chắc chắn sẽ không thay đổi các hoạt động thường nhật vì chỉ có ít người bị bắt giam”, nhà phân tích tài chính Scott Lapawn nói. “Từ sâu trong tâm trí tôi luôn cho rằng điều gì đó có thể sẽ xảy ra nhưng đó là một phần của cuộc sống ở Trung Quốc”.

Nguồn: vnexpress

Tags:
Ngôi đền do người Việt xây giúp thay đổi một khu phố ở Mỹ

Ngôi đền do người Việt xây giúp thay đổi một khu phố ở Mỹ

Khi bức tượng Phật xuất hiện ở một trong những khu vực phức tạp ở thành phố Oakland, việc buôn bán ma túy và mại dâm biến mất.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất