Người dân Mỹ ngóng một chờ gói kích thích kinh tế mới
Trong bối cảnh sức ảnh hưởng của gói cứu trợ trị giá hàng nghìn tỷ USD ban đầu nhanh chóng "bay hơi", không ít người tỏ ra lo ngại rằng tầng lớp trung lưu Mỹ đang rơi vào tình thế khó khăn.
09:00 29/10/2020
Các số liệu thống kê cho thấy, có thêm khoảng 8 triệu người Mỹ rơi vào cảnh nghèo đói khi nền kinh tế lớn nhất thế giới vật lộn với sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19, khiến hàng chục triệu lao động bị mất việc và kinh tế sụt giảm mạnh.
Trong bối cảnh sức ảnh hưởng của gói cứu trợ trị giá hàng nghìn tỷ USD ban đầu nhanh chóng "bay hơi", không ít người tỏ ra lo ngại rằng tầng lớp trung lưu Mỹ đang rơi vào tình thế khó khăn.
Hạt Montgomery thuộc tiểu bang Maryland là một trong những khu vực giàu có nhất nước Mỹ, song ngay cả ở các thị trấn như Bethesda vẫn có sự chênh lệch rõ rệt về giàu nghèo. Ước tính có 65.000 người rơi vào tình trạng thiếu ăn trước đại dịch COVID-19 và con số này đã tăng lên 95.000 sau khi dịch bệnh bùng phát.
Tại ngân hàng lương thực Capital Area Food Bank (CAFB), nơi cung cấp thực phẩm cho thủ đô Washington và các vùng ngoại ô, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành CAFB Radha Muthiah cho biết số lượng người nhận viện trợ trước dịch COVID-19 ở mức 400.000 nhưng hiện đã tăng lên 650.000 người.
Nhu cầu tăng mạnh nhất ở các quận Montgomery và Fairfax, hai khu vực thường được coi là giàu có, nhưng tình trạng mất việc làm quy mô lớn đã khiến người dân đột nhiên phải chật vật để đủ tiền mua hàng hóa nhu yếu phẩm.
Hồi tháng Ba, Mỹ đã thông qua gói chi tiêu trị giá 2.200 tỷ USD theo Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES), nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch COVID-19, trong đó mở rộng chi trả thất nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ để ngăn chặn tình trạng sa thải nhân viên.
Tuy nhiên, gói chi tiêu này đến nay đã hết hạn. Một nghiên cứu cho thấy số người đối mặt với đói nghèo hiện đã tăng 8 triệu người so với con số 34 triệu người được ghi nhận vào năm 2019. Các chuyên gia lưu ý, nếu muốn thu hẹp tỷ lệ nghèo đói và giảm bớt số hộ gia đình rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực và gặp khó khăn về tài chính, việc thông qua gói kích thích mới càng sớm càng tốt đóng vai trò quan trọng.
Mặc dù vậy, bất chấp nhiều tháng đàm phán, các nhà lập pháp Mỹ vẫn thất bại trong nỗ lực nhất trí về một chương trình chi tiêu mới nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng sau ngày bầu cử Tổng thống 3/11 tới, các nghị sỹ của đảng Cộng hòa sẽ thông qua một gói cứu trợ mới cho nền kinh tế Mỹ. Thông báo này của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như là một lời thừa nhận rằng ông đã không thể thúc đẩy Quốc hội Mỹ đạt được một thỏa thuận về gói cứu trợ mới trong tuần cuối cùng trước ngày bầu cử này.
Sau nhiều tháng đàm phán giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, hai bên đã thu hẹp sự khác biệt về quy mô của gói kích thích xuống còn khoảng 2.000 tỷ USD, song vẫn có những mâu thuẫn về mức chi chính xác và những điều khoản quan trọng của gói chi tiêu. Phe Cộng hòa yêu cầu các biện pháp hạn chế hơn, trong khi đảng Dân chủ nhấn mạnh vào viện trợ cho các chính quyền tiểu bang và địa phương.
Kể từ khi hoạt động kinh doanh bị đình trệ vào tháng 3/2020, do các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19, Mỹ đã chứng kiến hàng chục triệu người mất việc làm cũng như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm kỷ lục 31,4% trong quý 2/2020.
Hồi giữa tháng này, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva từng bày tỏ tin tưởng rằng các nhà lập pháp Mỹ cuối cùng sẽ thông qua một gói kích thích kinh tế mới. Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath dự báo một gói kích thích mới có quy mô tương tự có thể thúc đẩy GDP của Mỹ trong năm tới tăng thêm 2 điểm phần trăm so với dự báo hiện tại là tăng 3,1%./.
Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nguoi-dan-my-ngong-mot-cho-goi-kich-thich-kinh-te-moi/673974.vnp
Người dân Mỹ mong đợi gói cứu trợ 2.000 tỷ USD
Ngày 20/10, kết quả cuộc thăm dò dư luận được New York Times-Siena College thực hiện cho thấy 72% số người được hỏi muốn Tổng thống Donald Trump và Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế gặp khó khăn do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.