Người dân Triều Tiên còn định kiến với nước Mỹ?
Một bài phân tích trên trang AFP đã nhận định dù các lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã đạt được một số tiến bộ đáng kể trong việc hàn gắn mối quan hệ giữa 2 nước, song việc thay đổi nhận thức của đại bộ phận người dân Triều Tiên về nước Mỹ vẫn là một quá trình rất dài.
05:00 01/03/2019
Quán cà phê Green Leaf, một trong số ít những nơi phục vụ đồ ăn kiểu Mỹ tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên (Ảnh: Ed Jones/AFP)
Một trong những minh chứng gần gũi nhất cho sự ảnh hưởng của văn hóa Mỹ vào Triều Tiên nằm tại quán cà phê Green Leaf ở ngay trung tâm Thủ đô Bình Nhưỡng.
Nằm dọc theo con đường chạy từ nhà văn hóa 25 tháng 4, cái tên được đặt theo ngày mà cố lãnh tụ Kim Nhật Thành lập ra đội du kích chống Nhật Bản tại Triều Tiên, từ quán cà phê này có thể nhìn ra khu trưng bày trên phố Ryomyong, nơi nhà lãnh đạo Kim Jong Un, người cháu của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, mới khai trương cách đây 2 năm.
Có thể dễ dàng nhận thấy tại Green Leaf vẫn còn lưu giữ phong cách bài trí kiểu thập niên 70 tại Triều Tiên, với màu nâu chủ đạo, cùng những bức tranh vẽ Kimilsungia và Kimjongilia, các loài hoa được đặt tên theo hai vị lãnh tụ quá cố, và văng vẳng những bản nhạc của Dàn hợp xướng Nhà nước Triều Tiên được phát qua TV.
Thế nhưng, đây lại nơi có thể phục vụ các loại đồ ăn kiểu phương Tây như bánh hamburger, với giá một suất burger bò thường dưới 2 USD Mỹ, và giá một suất burger pho mát ăn kèm với thịt bò băm và thịt lợn xông khói là khoảng 4 USD Mỹ. Bên cạnh đó, để phù hợp với khẩu vị của người dân địa phương, nơi đây còn có các loại burger ăn kèm với kimchi, trong đó một số loại thường thay các khoang bánh mì bằng 2 lớp bột gạo.
Các loại burger này thường được gói vào giấy và được các nhân viên mặc đồng phục bưng trên khay nhựa, kèm theo các thanh khoai tây rán bọc giấy đỏ, những dấu hiệu khiến chúng ta rất dễ liên tưởng đến McDonald’s, thương hiệu đồ ăn nhanh số 1 tại Mỹ ở thời điểm hiện tại. Không ai nghĩ rằng, những thứ như vậy lại có thể được bày bán một cách hợp pháp tại Triều Tiên, một đất nước khép kín và từng coi Mỹ như một kẻ thù không đội trời chung.
Ông Patrick Soh, thương nhân người Singapore, người sáng lập ra Green Leaf và hiện cũng đang điều hành chuỗi nhà hàng Walffetown tại đảo quốc Sư tử, từng tiết lộ mình phải tránh dùng những tên gọi liên quan đến Mỹ để có thể mở nhà hàng tại Bình Nhưỡng. Nhà hàng đã từng mang tên Samtaesong, tiếng Triều Tiên có nghĩa là “Ba ngôi sao”, song đã phải đổi tên, và phải khai nhận trong các thực đơn tại đây là đang thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Công nghệ cao Sogwang của Triều Tiên.
Khách hàng của Green Leaf đa phần là các nhóm gia đình nhỏ và các cặp đôi trẻ. Bà Kim Yong Ae, quản lý nhà hàng cho biết trong số khoảng 300 đến 500 thực khách đến đây hàng tuần, không một ai biết rằng burger là đồ ăn của Mỹ.
“Burger được chúng tôi mang đến từ nhà hàng Walffetown ở Singapore, nên nhiều người Triều TIên chỉ có thể hình dung nó là một dạng bánh kẹp tại Singapore, hơn là một loại đồ có xuất xứ từ Mỹ.” bà Kim cho biết trên AFP.
Triều Tiên trong một thời gian dài duy trì những bảo tàng chiến tranh, nơi khắc họa hình ảnh về những cuộc chiến đấu giữa những người lính Mỹ với Triều Tiên trong quá khứ.
“Người dân Triều Tiên vẫn bị ảnh hưởng rất nặng bởi nhiều cách tuyên truyền như vậy, dù không phải cố ý.” người phát ngôn của Sokkei Park, tổ chức chuyên tiếp nhận và hỗ trợ những người Triều Tiên tị nạn tại Trung Quốc và các nước thuộc thế giới thứ 3, cho biết, “Cho nên, cần phải có những phương thức khác để có thể thay đổi nhận thức của người dân Triều Tiên về nước Mỹ.”
Sau những căng thẳng với Mỹ vào năm 2017, các cơ quan truyền thông chính thống tại Triều Tiên, như hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, đã có giọng điệu hòa dịu hơn trước xu thế ngày càng xích lại gần nhau giữa 2 nước. Sự chỉ trích đối với nước Mỹ và Tổng thống Donald Trump ngày càng ít đi, và dần được thay thế bởi những công kích nhắm vào Nhật Bản, đất nước từng đô hộ Triều Tiên trong một thời gian dài.
Chính quyền Triều Tiên cũng không việc gì phải che dấu về hội nghị thượng đỉnh tại Singapore như trước, mà đã phản ánh cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un một cách bình đẳng với nhau.
Dù vậy, một sự đảo chiều trong mối quan hệ giữa 2 nước vẫn “chưa thể xoa dịu tâm lý hiềm khích như nhiều người kỳ vọng”, theo nhận định của ông Simon Cockerell, giám đốc cơ quan lữ hành chuyên nghiệp Koryo Tours, người đã tới Triều Tiên 176 lần trong suốt 17 năm qua.
Những người Triều Tiên, theo như ông Cockerell đề cập, còn “khá đồng lòng trong việc chống lại Mỹ,” dù họ không hẳn có tâm lý xác định toàn bộ người dân Mỹ là kẻ thù.
Họ “khá tỉnh táo và đủ sáng suốt để có thể hiểu và lĩnh hội sự thay đổi trong những thông điệp giữa 2 nước, và sẽ chỉ thay đổi khi nào hai nước đạt được một thỏa thuận mang tính nền tảng nhất trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Theo: Tiền Phong
Tổng thống Trump bình luận thiện chí về Việt Nam và nhắn nhủ Triều Tiên
Sáng nay, thứ Tư ngày 27/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết một bình luận về Việt Nam trên mạng xã hội Twitter trong khi ông đang có mặt ở Hà Nội để chuẩn bị tham dự Hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.