Người già bị lừa

Vừa ra khỏi chợ, một nhóm phụ nữ đến bắt chuyện rồi vỗ vai một cái, bà Phí Thị Lịch cứ thế đi về nhà lấy sổ tiết kiệm, rút hết 300 triệu đồng, đưa chúng.

21:14 26/06/2023

Đến bây giờ người phụ nữ 77 tuổi ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất (Hà Nội) vẫn chưa hết uất ức khi nhớ lại vụ bị lừa mất sạch số tiền dưỡng già của hai vợ chồng hôm 14/9/2020.

Bà Lịch kể, 9h sáng hôm đó vừa dắt xe đạp có hai gói thuốc nam ra khỏi chợ, một người phụ nữ ngoài 40 tiếp cận và giới thiệu loại thuốc nam có tên "bạch quả" có thể chữa đau lưng và tiền liệt tuyến - hai căn bệnh mạn tính của vợ chồng bà.

Sau cú vỗ vai của người này bà như mất hồn, người phụ nữ kia đi đâu bà theo đấy. Lát sau, một phụ nữ trẻ hơn xuất hiện, dẫn bà Lịch đến chỗ mua bạch quả với giá 30 triệu đồng. Khi bà Lịch nói không đủ tiền, định đi vay họ nói mượn tiền thuốc sẽ không hiệu nghiệm. Bà đạp xe về nhà, lấy cuốn sổ tiết kiệm 300 triệu đồng ra ngân hàng rút rồi đưa cả bọc tiền cho chúng, chỉ giữ lại số lãi hơn 10 triệu đồng.

"Đến 15h30 tôi bừng tỉnh, mới biết mình bị lừa", bà hồi tưởng.

Bà Lịch, 77 tuổi và ông Thìn, 83 tuổi chia sẻ câu chuyện bị lừa đảo mua thuốc chữa bệnh mất 300 triệu đồng, tại nhà ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, sáng 15/6. Ảnh: Quỳnh Dương
Bà Lịch, 77 tuổi và ông Thìn, 83 tuổi chia sẻ câu chuyện bị lừa đảo mua thuốc chữa bệnh mất 300 triệu đồng, tại nhà ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, sáng 15/6. Ảnh: Quỳnh Dương

Cách nhà bà Lịch vài bước chân, bà Kiều Thị Các (82 tuổi) bốn năm trước cũng bị một vố lừa với thủ đoạn gần giống thế. Một buổi trưa, có đôi nam nữ bước vào cửa hàng tạp hóa của bà nói mua nước ngọt và bảo bà nhặt ra mấy loại. Họ thanh toán và lấy lại tiền thừa nhưng lúc này người phụ nữ trẻ bắt đầu phàn nàn tiền bị rách, buộc bà phải vào nhà trong lôi ra túi tiền tiết kiệm khoảng 6 triệu đồng.

"Tôi giơ cả túi tiền ra bảo tiền tôi đây có tờ nào mất góc đâu, rồi không biết gì nữa", bà kể. Đến lúc tỉnh lại, bà sờ túi trong, túi ngoài không thấy tiền đâu, chạy vào đầu giường lật chăn chiếu cũng không thấy. "Tôi cứ thế ngồi khóc", cụ bà kể.

Cũng trong thôn này một phụ nữ lớn tuổi khác thậm chí bới cả thùng thóc lấy 40 triệu đồng tiết kiệm đưa cho hai đối tượng lạ với cách thức "như thể bị đánh thuốc mê" giống vậy.

Ngoài hình thức lừa đảo trên, thời gian qua nhiều người già ở nhiều vùng miền bị lừa với các chiêu trò khác, như tặng quà, mời khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí hay "tour tham quan 0 đồng". Thực chất tất cả đều là chiêu dụ người mua đồ gia dụng, thực phẩm chức năng, thuốc thang không rõ nguồn gốc với giá cao.

Bà Nguyễn Linh, 60 tuổi, ở xã Quỳnh Tiến, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) kể, cuối tháng 11/2022 bà nhận được giấy mời dự "hội thảo xăng dầu" và được nhận quà miễn phí, nên rủ em gái đi cùng. Nhiều người dân tại các xã lân cận như Quỳnh Bảng, Quảng Minh, Quỳnh Nghĩa, đa số là người già cũng nhận được lời mời tương tự.

Tại sự kiện, ban tổ chức tuyên bố tặng mỗi người một chai dầu ăn, nước rửa bát hoặc đồ gia vị. Ngay sau đó, một người tự nhận là nhân viên bán hàng giới thiệu về bộ sản phẩm gồm nồi áp suất, chảo nướng và nồi lẩu, giá gần 5 triệu đồng.

"Người tư vấn nói ai mua sẽ có cơ hội nhận thêm nhiều phần quà có giá trị. Đặc biệt, 10 người mua đầu tiên có thể được hoàn tiền và nhận thêm nhiều quà vào đầu giờ chiều", bà Linh kể.

Ban đầu hơi e dè vì giá cao nhưng ham được nhận thêm quà, hai chị em bà Linh ra ngân hàng rút tiền. Những người khác cũng về nhà lấy tiền hoặc vay mượn để mua sớm.

Đầu giờ chiều, chị em bà Linh cùng khoảng 40 người đến nơi tổ chức sự kiện để trả hàng và nhận thêm quà theo như cam kết. Nhóm này bảo các ông bà ngồi đợi để vào trong chuẩn bị quà, nhưng hơn 30 phút không thấy ra. Mọi người tản ra tìm, phát hiện nhóm người đó đã lên ôtô đi mất.

Bà Các, 82 tuổi chia sẻ câu chuyện bị lừa đảo tại cửa hàng tạp hóa của mình ở xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội, sáng 15/6. Ảnh: Quỳnh Dương

Bà Các, 82 tuổi chia sẻ câu chuyện bị lừa đảo tại cửa hàng tạp hóa của mình ở xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội, sáng 15/6. Ảnh: Quỳnh Dương

Ông Trương Xuân Cừ, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết nạn lừa đảo nhắm vào người cao tuổi đã tồn tại nhiều năm nhưng gần đây càng trở nên nhức nhối. Đầu tháng 6, trước những vụ án xảy ra liên tiếp ở nhiều tỉnh, thành, Trung ương Hội đã có công văn gửi tất cả các cấp hội để cảnh báo đến từng hội viên về các hình thức lừa đảo hiện nay.

Thời gian gần đây, Bộ Công an cũng liên tục khuyến cáo các hành vi lừa đảo bằng các hình thức giả cơ quan chức năng, công an, Viện kiểm sát, tòa án... Đặc biệt hiện nổi lên thủ đoạn dùng công nghệ Deepfake, thông qua video call để giả dạng hình ảnh và giọng nói người thân quen để lấy thông tin cá nhân, tài khoản, cuối cùng chiếm đoạt tài sản.

Người cao tuổi khắp thế giới đang trở thành con mồi béo bở của lừa đảo. Báo cáo về xu hướng công nghệ 2022 của AARP (Hiệp hội hưu trí của Mỹ) khẳng định, lừa đảo người già trở thành hoạt động trị giá hàng tỷ USD. "Nhóm người cao tuổi Mỹ đã mất ít nhất 3 tỷ USD mỗi năm vào tay những kẻ lừa đảo", báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ nói.

ĐBQH Bùi Thị An cho biết thời gian qua rất trăn trở trước tình trạng người cao tuổi bị lừa đảo. Có nhiều nguyên nhân khiến họ trở thành con mồi, mà theo bà An nguyên nhân gốc rễ là người già thường sống cô lập. Khi thành nạn nhân, họ cũng bối rối không biết giải quyết thế nào.

Trên thực tế nhiều người già cô đơn. Tâm lý họ luôn muốn được nói chuyện, giao lưu, quan tâm. Chỉ cần một cuộc điện thoại chuyên nghiệp, một lời hỏi thăm chân tình, đã có thể khiến họ mở lòng, tin tưởng.

Một yếu tố rất quan trọng khác cần được xét đến là người già có xu hướng bị suy giảm nhận thức do tuổi cao, bệnh tật, không nhận biết được bị lừa. Các đối tượng cũng thường đánh vào tâm lý tuổi già bệnh tật, từ đó trục lợi.

Một lý do khác chính là cảm giác bất an tài chính. Họ có khoản tiết kiệm cho tuổi già nên lo được lo mất, hoặc cũng có thể lo không đủ trang trải. Điều này cũng có thể đẩy các cụ vào cám dỗ muốn có thêm tích lũy cho tuổi già. "Lừa đảo người già đang là một hiện tượng xã hội nhức nhối", phó giáo sư Bùi Thị An nói.

Bị lừa, bà Nguyễn Linh chẳng thể kêu ai bởi "tiền trao cháo múc". Nhưng bỗng dưng bỏ ra gần 10 triệu đồng mang 6 chiếc nồi, chảo về, chị em bà bị chồng con trách mắng vì "tham mà bị lừa".

Đây không phải lần đầu những người dân trên địa bàn huyện bị nhóm đối tượng lạ mặt mời chào mua mua thuốc, đồ gia dụng dởm. "Mọi người cảnh báo liên tục, chính quyền phát trên loa đài nhưng không hiểu vì sao chúng tôi vẫn mắc bẫy", bà Linh thở dài nói.

Từ ngày mất tiền, cuộc sống của bà Lịch và chồng như "chìm trong địa ngục". Hai ông bà không con cái, khoản tiết kiệm là tài sản tích cóp cả đời từ lương thương binh của ông và cấy hái của bà.

Có những đêm tiếc tiền không ngủ được, ông chồng bảo: "Bà ơi giờ có đi viện hai ta nằm chết cũng không có tiền đâu mà đóng". Ông ngẩn ngơ, nhiều đêm đi lung tung. "Còn tôi mấy tháng liền cứ đêm đêm cứ ra sân kêu trời. Lắm lúc tôi chỉ muốn chết quách đi", bà chia sẻ.

Theo bà Bùi Thị An, với hình thức lừa đảo ở nông thôn, việc để các đối tượng đến tận nơi tiếp cận được người dân có trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương. "Nếu nơi nào để dân trong địa bàn bị lừa, đề nghị xử lý chính những người làm trong chính quyền ở đó", bà nói.

May mắn đã mỉm cười với vợ chồng bà Lịch những ngày cuối năm 2021, khi công an gọi lên nhận dạng ba đối tượng lừa đảo. Hơn nửa năm sau bà nhận lại toàn bộ số tiền.

Tối 14/6, cặp vợ chồng già nhận được thư của tòa án thông báo ba thủ phạm đã bị kết án tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

"Nay tiền đã tìm lại, kẻ ác bị trừng phạt, vợ chồng tôi cũng không còn lo một mai đi viện hay nằm xuống không có tiền lo liệu nữa", cặp vợ chồng già nói.

Quỳnh Dương

Tags:
Vì sao du khách Mỹ đi đâu cũng được săn đón?

Vì sao du khách Mỹ đi đâu cũng được săn đón?

Justin Albertynas, chuyên gia du lịch làm việc ở Litva, nói hầu hết doanh nghiệp châu Âu luôn chào đón người Mỹ, nhất là nhóm khách từ New York hoặc Los Angeles.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất