Người già Trung Quốc tự chăm lo ở tuổi xế chiều
Tiếng bóng bàn vang lên quanh một nhà kho ở Như Đông, thị trấn ở tỉnh Giang Tô, khi toàn người già tập trung ở đây chơi thể thao.
14:32 08/05/2023
Như Đông là một trong những địa phương có tỷ lệ người già lớn nhất tại Trung Quốc và từng được coi là hình mẫu cho chính sách một con được chính phủ nước này áp dụng trong thời gian dài. Nhưng khi chính sách một con được triển khai quá tốt, Như Đông giờ đây đối mặt với vấn đề nghiêm trọng, bởi phần lớn dân số thị trấn đều là người cao tuổi.
Trường học trong thị trấn giờ đây bỏ hoang, dây leo mọc um tùm, khi người trẻ đều rời khỏi Như Đông tìm việc, để lại phía sau bố mẹ già. Nhận thấy vấn đề dân số già hóa đang ngày càng nghiêm trọng, giới chức Như Đông đang thúc đẩy các biện pháp như mở khóa học cho người về hưu tại trường đại học địa phương, hay tổ chức các câu lạc bộ bóng bàn.
"Nếu người già tới đây chơi bóng bàn, họ sẽ tìm được chỗ hữu ích và bỏ chơi bài", bà Fu, 56 tuổi, người mở câu lạc bộ bóng bàn ở Như Đông năm 2011, nói.
Bà chỉ có một con trai đã rời Như Đông lên thành phố làm việc. Đây là câu chuyện phổ biến ở Trung Quốc trong những thập niên gần đây, khi kinh tế Trung Quốc chuyển mình mạnh mẽ, thu hút lượng lớn lao động tới các thành phố lớn tìm việc.
"Con tôi lấy vợ đẻ con trên thành phố", bà Fu nói, cho hay hai vợ chồng con trai không có ý định sinh thêm con vì "bây giờ gánh nặng quá lớn".
Zhu, ngoài 60 tuổi, thành viên câu lạc bộ bóng bàn, cho hay thị trường việc làm bây giờ đầy thách thức với giới trẻ Trung Quốc.
"Thời chúng tôi, nhà nước phân công việc làm cho người lao động", Zhu nói. "Còn bây giờ, bọn trẻ phải dựa vào chính sức mình để tìm việc làm".
Trung Quốc áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình vào cuối những năm 1970 do lo ngại về hậu quả của đà tăng dân số không kiểm soát. Trung Quốc duy trì chính sách một con trong nhiều thập kỷ và nới lỏng năm 2016, nhưng tác động của nó vẫn rõ nét.
Năm 2022, tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 1,2 con trên một phụ nữ, một trong những tỷ lệ thấp nhất thế giới. Dân số Trung Quốc năm ngoái lần đầu suy giảm sau hơn 60 năm. Ấn Độ cũng đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trong bối cảnh dân số suy giảm, Trung Quốc đang đối mặt áp lực lớn về nhân khẩu học. Vấn đề này đặc biệt rõ ràng ở Như Đông, thị trấn thuộc tỉnh Giang Tô, nơi dân số già tăng cao cùng lúc với làn sóng di cư lên thành phố của thanh niên.
Kết quả điều tra dân số hồi tháng 5/2021 cho thấy gần 39% người dân trong thị trấn trên 60 tuổi, cao gấp đôi so với tỷ lệ 18,7 trung bình toàn quốc. Tổng dân số của Như Đông là 880.006 người, giảm 115.977 người so với lần điều tra dân số trước.
Già hóa dân số đang gây áp lực lên thanh niên Trung Quốc, những người có trách nhiệm chăm sóc thành viên lớn tuổi trong nhà, đóng góp vào hệ thống phúc lợi của đất nước.
Tại Trung Quốc, người già thường sống cùng nhà để con cái phụng dưỡng. Tuy nhiên, nhiều người cao tuổi ở Như Đông cho hay họ muốn tự chăm lo thật tốt cho bản thân để giảm bớt áp lực cho con cái.
"Chừng nào chúng tôi còn khỏe mạnh, áp lực lên con cái sẽ ít đi", Wang Jianhua, 67 tuổi, nói. "Vì vậy, tham gia các hoạt động thể dục thể thao là vì chính chúng tôi, cũng vì con cái chúng tôi".
Với nhiều người cao tuổi Trung Quốc, chế độ phúc lợi sau khi nghỉ hưu hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với thời kỳ kinh tế khó khăn.
Vừa dắt xe đạp ra khỏi cổng một trường đại học ở Như Đông, bà Ping, 74 tuổi, cho hay bà từng không được đi học và phải lao động ở nông thôn trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa những năm 1960.
Bây giờ, bà đến trường đại học, tham gia các lớp học về văn học và kinh kịch truyền thống Trung Quốc. "Chúng tôi vừa vui chơi vừa học tập", bà Ping nói. "Cuộc sống tuổi xế chiều vẫn rất phong phú".
Yêu tỷ phú Mỹ 75t, cô gái Việt 29t từng hậm hực với con riêng của bạn trai: “Không muốn san sẻ tình cảm”
Cô gái Việt sinh năm 1994 từng cho biết bản thân thích sự chịu chơi của bạn trai là tỷ phú Mỹ sinh năm 1948 bởi như vậy mới chứng minh tình cảm của ông dành cho cô.