Người gốc Á thay đổi diện mạo khu phố Mỹ
Số người gốc Á tại khu Long Island City ở New York tăng gấp 5 lần kể từ 2010, tạo nên nhiều thay đổi đáng kể với khu vực.
23:00 21/10/2021
Yumpling, một nhà hàng chuyên đồ Đài Loan ở khu phố Long Island City, hạt Queens, khai trương hồi tháng 8/2020, khi New York bắt đầu hứng chịu làn sóng Covid-19 nặng nề và hàng quán chỉ được bán mang về. Do hợp đồng thuê địa điểm được ký trước khi dịch bùng phát, chủ nhà hàng lo sẽ bị ế và không kham nổi chi phí.
Nhưng trước sự ngạc nhiên của chủ nhà hàng, họ đã bán hết đồ ăn chỉ sau 3 giờ mở cửa. Nhiều người Mỹ gốc Á đã xếp hàng dọc con phố trước nhà hàng để đợi món mì thịt bò và bánh bao nhân thịt lợn mang về.
Bất chấp những thách thức do Covid-19 gây ra, Yumpling, một trong ít nhất 15 doanh nghiệp do người gốc Á làm chủ ở Long Island City, vẫn tiếp tục mở cửa phục vụ thực khách.
Dữ liệu điều tra dân số cũng cho thấy trong số các khu dân cư của thành phố New York, Long Island City có tốc độ gia tăng người gốc Á nhanh nhất, tăng 5 lần trong 11 năm qua. Khoảng 11.000 người gốc Á tại đây chiếm khoảng 34% dân số khu dân cư này.
Sự gia tăng người gốc Á đã làm thay đổi bộ mặt nhiều khu dân cư trên toàn thành phố New York, với tiềm năng định hình lại đáng kể thị trường nhà ở, các doanh nghiệp nhỏ và đại diện chính trị của thành phố. Hồi tháng 6, có tới 6 ứng viên người Mỹ gốc Á giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ vào Hội đồng Thành phố New York, bao gồm cả ghế đại diện cho Long Island City, mức cao chưa từng có.
Theo dữ liệu điều tra dân số, dân số gốc Á trên toàn thành phố New York đã tăng hơn 345.000 người kể từ năm 2010 và hiện chiếm 15,6% tổng dân của thành phố, chiếm hơn một nửa mức tăng dân số chung của New York trong thập kỷ qua. Người gốc Á là nhóm dân số lớn duy nhất có dân số tăng ở cả 5 hạt của New York.
Một phần nguyên nhân của hiện tượng này là do nhóm du học sinh đang học và mới tốt nghiệp người Trung Quốc và Hàn Quốc. Những người trẻ bị thu hút đến Long Island City bởi những tòa nhà căn hộ sang trọng chỉ cách khu dân cư Midtown Manhattan một trạm dừng tàu điện ngầm, nhưng chi phí sinh hoạt lại thấp hơn.
"Tôi đã chuyển đến đây và không bao giờ hối hận về quyết định đó", Jike Zhang, một kỹ sư phần mềm 28 tuổi người Trung Quốc đến ngoại ô New York vào năm 2015 để học cao học, nói.
Zhang chuyển đến Long Island City vào năm 2018 khi tìm thuê một căn hộ trong tòa nhà có sân bóng rổ. Cô chơi bóng rổ vài lần một tuần để kết bạn với những người Trung Quốc khác thuộc Thế hệ Millennials như mình. Zhang cũng vừa mua căn hộ một phòng ngủ gần căn hộ thuê trước đó.
Theo dữ liệu điều tra dân số năm 2019, trong số những cư dân gốc Á của Long Island City, ba nhóm dân tộc lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều gia đình trẻ người Mỹ gốc Á thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba chuyển tới sống tại khu dân cư yên tĩnh bên bờ sông này. Sự gia tăng của các gia đình trẻ đang gây ra tình trạng thiếu trường học cho trẻ em và biến giáo dục trở thành một vấn đề chính trị nóng ở khu phố.
Các doanh nghiệp địa phương đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của cơ cấu nhân khẩu học. Dọc theo Đại lộ Jackson, rất nhiều cửa hàng đồ ăn châu Á sắp khai trương như Dun Huang, chuỗi mì kéo tay của Trung Quốc; Paris Baguette, chuỗi cửa hàng bánh mì Hàn Quốc; và Mito, quán sushi Nhật Bản.
Nhiều người nhập cư trẻ tuổi như Nigel Huang, 27 tuổi, đã trở thành ông chủ. Anh mở một quán trà sữa mang tên Teazzi ở tầng trệt của tòa chung cư đang sống. Huang lớn lên ở Trung Quốc, học đại học và cao học ở Mỹ. Anh nhận thấy nhu cầu về thức ăn và đồ uống châu Á gia tăng khi mình và bạn bè thường phải đợi đến hai tiếng để được giao đồ ăn Trung Quốc từ Flushing.
"Tại sao ngày càng nhiều người châu Á muốn kinh doanh ở đây? Đó là do họ nhìn thấy tiềm năng của khu vực đang phát triển này", Huang nói.
Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến trong dân số người gốc Á tại khu dân cư này không chỉ là câu chuyện về giao thông thuận tiện, mà nó cũng phản ánh sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn giữa những người New York gốc Á với các nhóm chủng tộc khác.
Dân số gốc Á cũng đang gia tăng ở một khu vực khác là Queensbridge Houses, khu phức hợp nhà ở công cộng lớn nhất tại Mỹ. Năm 2019, người châu Á chiếm 11% số người thuê ở đây. Những người nhập cư từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Bangladesh chuyển tới sau khi họ không còn đủ khả năng sống ở các khu vực đắt đỏ như Hạ Manhattan hoặc Astoria của Queens.
Việc đại diện cho một bộ phận rất lớn cử tri gốc Á giờ đây trở thành thách thức với Julie Won, ứng viên đảng Dân chủ dự kiến giành được ghế trong Hội đồng Thành phố New York đại diện cho Long Island City cũng như Astoria, Sunnyside và Woodside, hạt Queens vào tháng 11.
Cô Won, một nhà tư vấn công nghệ 31 tuổi, cho hay sẽ nỗ lực để chấm dứt những định kiến lâu nay về người Mỹ gốc Á. Cô thường chia sẻ với cử tri về câu chuyện cô cùng gia đình từ Hàn Quốc tới Mỹ khi còn nhỏ và lớn lên trong cảnh nghèo khó ở Queens.
Sau chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ hồi tháng 6, Won giành được ủng hộ của một lượng lớn cử tri da trắng cũng như cử tri gốc Tây Tạng, Nepal và Ấn Độ, sau khi tập trung chiến dịch vận động vào các cộng đồng này. Tuy nhiên, sự ủng hộ của các cử tri Trung Quốc và Hàn Quốc với cô lại thấp hơn mong đợi.
Won cho rằng muốn giành được ủng hộ của nhóm cử tri này, cô phải tiếp cận với họ bằng tiếng mẹ đẻ. "Suy cho cùng thì nếu cử tri không tin tưởng, họ sẽ không tương tác với bạn", cô nói.
Elliot Park, 43 tuổi, một người Mỹ gốc Hàn đã bỏ phiếu cho Won, cho biết các cuộc tấn công bài Á trên khắp thành phố đang trở thành động lực cho các hoạt động chính trị mới. Ông nói thêm một số vụ tấn công đã xảy ra trong khu, nhưng việc có đông người gốc Á xung quanh mang lại cảm giác an toàn hơn.
"Trên đường phố thì không thể xảy ra chuyện gì bởi sẽ có cả chục người gốc Á đứng ra bênh vực cho bạn", Park nói.
Khu Long Island City trở nên vắng vẻ trong đại dịch Covid-19 khi nhiều sinh viên quốc tế bay về nước và các gia đình chuyển đến vùng ngoại ô tránh dịch, khiến một số tòa nhà phải miễn phí 4 tháng tiền thuê cho khách. Giá thuê nhà tại Long Island City hiện đã tăng trở lại mức trước đại dịch, một phần là do du học sinh đã quay lại.
Sự quay lại của du học sinh khiến April Jiang, một người nhập cư Trung Quốc, 29 tuổi, cảm thấy mừng vì cô đang định mở một nhà hàng gà rán theo kiểu châu Á tháng tới.
Quán lẩu truyền thống Yin, một nhà hàng khác của cô ở Long Island City, đã chật vật bám trụ vào năm ngoái khi không có sinh viên Trung Quốc. Khi khai trương nhà hàng hồi đầu năm 2020, cô tập trung vào hương vị Tứ Xuyên đích thực, mà không cần để ý đến việc liệu nước dùng có quá cay hay ruột heo quá khó ăn hay không.
"Lúc khai trương, chúng tôi từng lo lắng đến việc gia giảm hương vị để thu hút thực khách Mỹ, nhưng thực sự là không cần vì lượng khách hàng là du học sinh rất lớn. Bếp của chúng tôi có lúc không làm kịp đơn", Jiang nói.
Một Nghệ Sĩ Trung Quốc Rải Gạo Bằng Vàng Thật Khắp Thượng Hải Để Cảnh Báo Nạn Lãng Phí Thực Phẩm
Dư luận Trung Quốc đang dậy sóng trong những ngày qua, khi một nghệ sĩ biểu diễn Trung Quốc rải "gạo vàng" khắp Thượng Hải để cảnh báo nạn lãng phí thực phẩm.