Người Mỹ ám ảnh ác mộng Katrina khi hứng siêu bão
Kelli Chandler trú ẩn trong nhà, lo lắng nguy cơ đê bao thành phố New Orleans thất thủ trước siêu bão Ida như thảm họa bão Katrina 16 năm trước.
21:00 30/08/2021
Không riêng Chandler, gần như toàn thể người dân New Orleans, thành phố lớn nhất bang Louisiana, đều có chung nỗi ám ảnh như vậy. Sau khi siêu bão cấp 3 Katrina tấn công năm 2005, hệ thống đê bao và thoát nước của thành phố đã được nâng cấp đáng kể, vững chắc hơn và tinh vi hơn. Tuy nhiên, khi giới chuyên gia sáng 29/8 cảnh báo siêu bão Ida đang áp sát đất liền với sức tàn phá gần như tối đa, người dân thành phố bắt đầu nghĩ đến cơn ác mộng đúng ngày này 16 năm trước.
Ida đổ bộ vào buổi chiều 29/8 tại Port Fourchon, bang Louisiana, với sức gió khoảng 240 km/h, gần đạt mức cấp cao nhất theo thang đo bão Saffir - Simpson. Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất lịch sử từng đổ bộ vào Louisiana và lục địa Mỹ.
Kelli Chandler, giám đốc tài chính Cơ quan Chống lũ lụt Đông Nam Louisiana, liên tục liên lạc với quan chức và các cơ quan địa phương, hồi hộp theo dõi năng lực của hệ thống đê bao mới trước phép thử nặng ký lần này.
Khi siêu bão Katrina đổ bộ năm 2005, hệ thống đê bao này đã bị vỡ, gây trận lũ ác mộng, khiến 1.800 người tử vong và thiệt hại hơn 100 tỷ USD. Chính quyền Louisiana cùng chính phủ liên bang Mỹ sau đó đã chi gần 20 tỷ USD trùng tu, nâng cấp hệ thống đê bao bảo vệ New Orleans khỏi những cơn bão tương tự.
Theo Chandler, những tín hiệu đầu tiên trong đêm 29/8 khá lạc quan.
Trung tâm Bão Quốc gia dự báo Ida sẽ dần suy yếu khi đi sâu vào trong đất liền. Sức mạnh cơn bão xuống đến cấp 3 khi cách thành phố hơn 40 km về phía tây, nhưng sức gió tối đa vẫn hơn 185 km/h. Nhưng nỗi lo vẫn chưa dứt với người dân New Orleans, lượng mưa lớn đang dẫn đến nguy cơ lũ quét khắp khu vực phía nam Louisiana.
Nỗi ám ảnh về thảm kịch Katrina vẫn chưa phai nhạt trong tâm trí người dân địa phương. Đối với Erica Smith, 38 tuổi, từng sống sót qua cơn bão kinh hoàng năm 2005, hệ thống đê bao mới chẳng giúp cô an tâm hơn. Rút kinh nghiệm từ lần thoát chết trong gang tấc năm xưa, Smith tự nguyện sơ tán khỏi căn nhà vùng ngoại ô đến khu trung tâm thành phố.
"Thật khủng khiếp. Đây có thể là một Katrina khác", cô chia sẻ vào sáng 29/8, khi phải đi hết khách sạn này đến khách sạn khác để tìm nơi trú ẩn qua bão.
Tính thời điểm và sức tàn phá của Ida khiến không ít người dân New Orleans cũng như khắp nước Mỹ liên tưởng đến Katrina, dù giới chuyên gia tìm cách trấn an mọi người rằng cơn bão lần này khó gây thiệt hại nghiêm trọng như thảm họa 16 năm trước.
Katrina từng đạt cấp 5 trong Vịnh Mexico ngay trước khi đổ bộ, khiến mực nước dâng hơn 6 m ở vùng duyên hải Mississippi. Trong khi đó, bão Ida được dự báo gây ngập tối đa 3,6-4,8 m ở những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Theo chuyên gia khí tượng Barry Keim của Đại học Louisiana, các địa phương có thể chịu thiệt hại đáng kể nếu mực nước dâng do bão đạt 4,5 m.
Mối lo lắng đối với Keim lại không nằm ở vùng trung tâm đô thị New Orleans. Ông đồng ý rằng hệ thống đê bao thành phố đã được nâng cấp đáng kể, nhưng vùng ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi siêu bão nằm ngoài thành phố, nơi người dân và chính quyền chưa chuẩn bị ứng phó kỹ lưỡng.
"Hệ thống chống lũ được thử sức ở một khu vực khác trong vùng đông nam Louisiana, không phải vùng từng chống chịu Katrina. Một số mắt xích yếu trong khu vực không có nhiều kinh nghiệm như phần còn lại", ông nói.
Lượng mưa và sức gió của bão Ida được dự báo sẽ vượt Katrina. Katrina khi đổ bộ đất liền chỉ là siêu bão cấp 3, còn Ida gần đạt cấp cao nhất trên thang đo bão vào ngày 29/8.
Jamie Rhome, quyền phó giám đốc Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ, cảnh báo một số tòa nhà cao tầng trong khu vực bão quét qua vốn không được thiết kế để chống chịu sức gió lớn đến vậy. Khi bão Laura đổ bộ vào tây nam Louisiana, phần lớn thiệt hại cũng do gió lớn. Tình trạng cây gẫy đổ, nóc nhà bị thổi tung đã được ghi nhận trong đêm 29/8.
Không ít người lựa chọn sơ tán như Erica Smith, nhưng một số vẫn quyết tâm bám trụ. Bão Ida mạng lên nhanh đến mức chính quyền bang chưa kịp ra lệnh sơ tán bắt buộc mà chỉ dừng ở mức tự nguyện.
Ở khu Algiers Point bên bờ sông Mississippi, đường phố vắng lặng bất thường, phần lớn người dân đã mang hết thùng rác vào trong, không để gió bão biến chúng thành "phi đạn" phá hủy nhà cửa. Những người không sơ tán sẽ phải chấp nhận cảnh mất điện trong thời gian dài, khó bảo quản thực phẩm và thuốc men khi không có tủ lạnh trong thời tiết oi bức.
Giới chức New Orleans và Louisiana sẽ chờ đến rạng sáng ngày 30/8 (chiều tối 30/8 giờ Hà Nội) để nắm rõ quy mô thiệt hại do bão gây ra. Trong những thông điệp cuối cùng trước bão, Thống đốc John Bel Edwards vẫn tự tin hệ thống đê bao, bờ kè và thoát nước dài hơn 560 km đủ chức chống chọi trước siêu bão.
"Chúng ta đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống này sau bão Katrina. Đây sẽ là phép thử nặng ký nhất", ông trả lời CNN.
Chiếc khẩu trang gây chia rẽ trường học Mỹ
Phụ huynh, hội đồng nhà trường, chính quyền không thể thống nhất để giải quyết câu hỏi liệu có nên bắt buộc học sinh, giáo viên đeo khẩu trang trong lớp học.