Người Mỹ bất bình với nhóm không chịu tiêm chủng

Chứng kiến sự thảm khốc của Covid-19 khi làm việc tại một bệnh viện ở Alexandria, Virginia, John McCullough cực kỳ bất bình với nhóm từ chối tiêm vaccine.

01:00 03/08/2021

Là một nhân viên y tế, anh nỗ lực giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng. McCullough chỉ ra ngoài khi cần, đeo khẩu trang và tiếp xúc với những người thực sự thân thiết. Anh tiêm phòng Covid-19 ngay khi có thể và được trở lại cuộc sống bình thường như mong đợi.

Khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao vào mùa xuân và các ca nhiễm giảm mạnh, giới chức địa phương không còn áp đặt hạn chế nhằm ngăn chặn virus lây lan. Các chuyên gia khuyến cáo người Mỹ đã tiêm phòng vẫn cần thận trọng trong các hoạt động hàng ngày. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) hồi tháng 5 thông báo người có chứng chỉ tiêm đủ hai liều vaccine không cần đeo khẩu trang. Tuyên bố này nhận được sự hưởng ứng từ nhiều người dân.

"Tôi là một trong số đó. Ngay khi CDC nói người đã chủng ngừa có thể bỏ khẩu trang ngoài trời, tôi hét lên vui sướng", McCullough chia sẻ.

Song tháng 6, số ca nhiễm và nhập viện tăng trở lại, giới chức đột ngột tái áp đặt hạn chế sau mùa hè "gần bình thường". McCullough và nhóm đã tiêm vaccine dần trở nên tức giận với người từ chối tiêm.

"Tôi đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Giờ thì những người đưa ra quyết định ích kỷ khiến tôi gánh chịu hậu quả", anh nói.

Số ca mắc mới tại Mỹ hiện tăng hơn 400% so với tháng trước. Các bệnh viện một lần nữa tràn ngập người nhiễm nCoV. Rất nhiều bệnh nhân trẻ, hầu như chưa tiêm chủng. Lệnh đeo khẩu trang được một số khu vực áp dụng trở lại. Tuần này, CDC cập nhật hướng dẫn mới, yêu cầu người đã tiêm vaccine phải đeo khẩu trang tại không gian kín, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

Tại Alabama, bang có tỷ lệ chủng ngừa thấp nhất nước, Thống đốc Kay Ivey cho biết nhóm chưa tiêm phòng là lý do khiến số ca nhiễm gia tăng.

Ở Alexandria, nơi McCullough sống, khoảng 58% dân số từ 12 tuổi trở lên đã tiêm đủ hai liều. Thành phố được chỉ định là "vùng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao". Giới chức y tế kêu gọi cư dân đeo khẩu trang trong nhà và ở nơi công cộng.

Thống đốc Virginia, ông Ralph Northam, cũng đưa ra khuyến cáo tương tự hôm 29/7. Ông cho biết: "Tiêm phòng là cách chắc chắn nhất để chấm dứt đại dịch".

Một phụ nữ được tiêm vaccine Covid-19 tại Santa Barbara, , tháng 1/2021. Ảnh: NY Times
Một phụ nữ được tiêm vaccine Covid-19 tại Santa Barbara, , tháng 1/2021. Ảnh: NY Times

McCullough đã đeo khẩu trang trở lại. Anh lo lắng nơi mình sống sớm tái giãn cách xã hội hoặc phải hạn chế đi lại.

"Hậu quả rơi vào những người như tôi, những người đã hành động có trách nhiệm. Điều này thật khó chịu", anh nói.

Theo dữ liệu của CDC, khoảng 57% dân số Mỹ tiêm ít nhất một liều vaccine, 49% được chủng ngừa đầy đủ. Giống với khẩu trang, vaccine bị chính trị hóa cao ở một số khu vực, dẫn đến tỷ lệ bao phủ không đồng đều. Thái độ hoài nghi, do dự bắt nguồn từ các thông tin sai lệch tràn lan trên mạng.

Những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp ghi nhận nhiều ổ dịch nguy hiểm. Tại những bang chưa tiêm đủ 50% dân số, tỷ lệ nhập viện trung bình vì Covid-19 cao hơn ba lần so với nơi đã tiêm hơn 50%. Số ca mắc và tử vong trong tuần qua cao gấp đôi.

"Bạn không khôn ngoan lắm đâu nếu tránh tiêm phòng", Tổng thống Joe Biden nói.

Trong khi đó, làn sóng bất bình ngày càng gia tăng. Tim Hildreth, 39 tuổi, sống ở Powder Springs, cảm thấy khó chịu vì cuộc sống "bình thường mới" trượt khỏi tầm tay sau một thời gian ngắn ngủi.

"Tôi hoàn thành phần việc của mình để bảo vệ những người không muốn tự làm điều đó", anh nói.

Anh phải làm việc tại nhà, nhắc nhở con gái đeo khẩu trang khi đến trường. Hildreth tiêm vaccine vì muốn tham gia các buổi hòa nhạc và sự kiện thể thao. Song giờ đây, giữa đợt bùng phát mới, anh chán nản: "Cứ như dịch bệnh chẳng có hồi kết".

Các chuyên gia cho biết nhiều người đã tiêm vaccine phẫn nộ khi phải đeo khẩu trang trở lại. Giám đốc khoa học Mitch Prinstein của Hiệp hội Tâm lý Mỹ, nhận định: "Thật khó để kéo người ta khỏi vạch đích khi họ đã nghĩ điểm kết thúc ở ngay trước mắt. Tôi có thể hiểu sự tức giận trong bối cảnh kiệt quệ, lo lắng, vô định và cách biệt ý thức hệ nghiêm trọng. Những điều này rất thực tế và đáng quan tâm".

Jenny Tolford, sinh sống tại khu vực nông thôn bắc California, cho biết ý tưởng mắc kẹt trong đại dịch thật mệt mỏi. "Chúng ta bắt đầu đối mặt với tình huống này. Nó thật bực bội, kiệt sức. Cảm giác như đang đi lùi hoặc luẩn quẩn", bà nói.

Một bệnh nhân Covid-19 chưa tiêm phòng tại bệnh viện Utah Valley Specialty, Mỹ, tháng 7/2021. Ảnh: NY Times
Một bệnh nhân Covid-19 chưa tiêm phòng tại bệnh viện Utah Valley Specialty, Mỹ, tháng 7/2021. Ảnh: NY Times

Tolford đã tiêm vaccine, song lệnh hạn chế và chương trình tiêm chủng gây chia rẽ trong cộng đồng bà sinh sống. Có những người "xấu hổ vì phải đeo khẩu trang", bà kể lại. Số khác không muốn nhắc đến chuyện mình đã tiêm phòng.

Tolford cho biết nhiều người sinh sống ở nông thôn California bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Họ dùng "quyền tự do trong Hiến pháp" để biện minh cho quyết định của mình, tuy nhiên đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng.

"Tại sao những người chẳng quan tâm đến bất cứ ai lại hưởng lợi từ chính sách nới giãn cách, trong khi họ mới là tác nhân làm lây lan biến thể Delta?", bà nói. "Những người như chúng tôi chỉ muốn sống yên ổn. Cách duy nhất là tiêm vaccine. Chúng tôi đã làm rồi. Nếu không muốn đặt lợi ích chung lên đầu thì các bạn chưa tiêm hãy ở nhà đi. Đã đến lúc các bạn phải đứng ngoài cuộc vì lựa chọn không tiêm chủng rồi".

Tolford ủng hộ ý tưởng hộ chiếu vaccine, ủng hộ quyết định chỉ sử dụng lao động đã tiêm phòng của một số công ty như Google và Facebook. Hildreth và McCullough có quan điểm tương tự.

McCullough nói: "Quyền tự do cá nhân bị phóng đại, đến mức mọi người chọn đứng trong vòng nguy hiểm. Việc họ cho rằng mình có quyền làm điều này chỉ khiến người khác gặp rủi ro, thật là phẫn nộ".

Ông lo ngại virus tiếp tục đột biến, nguy hiểm hơn nhiều so với các biến thể đang lưu hành hiện nay.

"Tự do của bạn đang ảnh hưởng đến tự do của chúng tôi. Đó không còn là tự do nữa", ông nói.

Thục Linh (Theo CNN)

Tags:
Nữ bác sĩ người Mỹ gốc Việt trở thành Idol của nhiều sinh viên ngành Y

Nữ bác sĩ người Mỹ gốc Việt trở thành Idol của nhiều sinh viên ngành Y

Là một người Việt thành công tại Mỹ, Bác sĩ Christina Nguyen – cô gái Huế luôn mong muốn được đóng góp sức mình cho quê hương nói chung và ngành Y Việt nói riêng, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất