Người Mỹ cay đắng vì tích lũy không theo kịp giá nhà

Chấp nhận vượt ngân sách ban đầu, vợ chồng Kelcie Lesko và Tim Khalil vẫn không thể mua được nhà, đành chấp nhận đi thuê.

13:58 19/09/2024

''Nó giống như cái tát vào mặt chúng tôi, nói rằng 'Hãy tỉnh lại, nhà này không dành cho bạn'", Lesko, 28 tuổi, kể về lần đầu tìm mua nhà ở Monmouth, tháng 6/2023.

Vợ chồng cô làm việc ở New Jersey, cố gắng nâng ngân sách của mình từ 300.000 USD lên 380.000 USD để mua căn hộ hai phòng ngủ, có sân sau, nhưng không thành. Họ đành quay về với cuộc sống đi thuê trong căn hộ giá 3.000 USD mỗi tháng.

"Cả hai chúng tôi đều kiếm được nhiều tiền, có công việc tốt. Có vẻ như đó là hình mẫu của những người có khả năng mua nhà. Thực tế là nó nằm ngoài tầm với của chúng tôi'', Lesko nói.

Kelcie Lesko và Tim Khalil đã từ bỏ ý định mua ngôi nhà đầu tiên của họ ở New Jersey. Ảnh: CNBC
Kelcie Lesko và Tim Khalil đã từ bỏ ý định mua ngôi nhà đầu tiên của họ ở New Jersey. Ảnh: CNBC

Lesko và Khalil là ví dụ điển hình cho nhiều người muốn mua nhà, tuổi từ 20 đến đầu 40 đã làm ''đúng'' mọi thứ, nhưng vẫn không thể đạt mục tiêu.

Hầu hết thế hệ Millennials (sinh từ 1981 đến 1996) chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Họ phải đối mặt với thị trường việc làm ảm đạm, tiền lương trì trệ, nợ sinh viên ngày càng tăng, cản trở khả năng tiết kiệm.

Khi bước vào thời điểm cần mua nhà, họ đối mặt với tình trạng giá tăng liên tục, hiện cao hơn 40% so với giá cha mẹ họ phải trả năm 1990, dù đã điều chỉnh lạm phát.

Bên cạnh việc xoay xở do chi phí sinh hoạt tăng cao và tiết kiệm đủ tiền trả nợ, họ vẫn phải chịu lãi suất thế chấp tăng gấp đôi kể từ năm 2022. Các khoản thanh toán hàng tháng cũng tăng.

Phải chi nhiều hơn để mua, họ đồng thời phải hạ thấp kỳ vọng về những gì nhận được. Nhà đang rao bán thường nhỏ hơn, xa hơn và cần nhiều tiền sửa hơn.

Tiền lương cũng không tăng đủ nhanh để theo kịp, khi giá nhà tăng gấp đôi thu nhập, kể từ năm 1985.

Nhà rao bán tại Sacramento,  ngày 3/3/2022. Ảnh: AP
Nhà rao bán tại Sacramento, ngày 3/3/2022. Ảnh: AP

Trong những năm gần đây, lãi suất thế chấp cố định trung bình trong 30 năm ở Mỹ đã tăng gấp đôi, từ mức thấp kỷ lục khoảng 3% vào năm 2020 lên mức cao nhất là 7,6% tháng 10/2023. Kể từ đó, lãi suất trung bình giảm nhẹ còn 6,2%.

Daryl Fairweather, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Redfin, cho biết thực sự không có cách nào để gia đình trung lưu có thể mua nhà ở thời điểm này. Giá nhà trung bình ở Mỹ hiện cao hơn 5,8 lần so với thu nhập trung bình hàng năm (80.000 USD). Trong khi những năm 1990, giá nhà chỉ cao gấp đôi thu nhập trung bình.

Khi chuyên gia truyền thông Kelly Diehr, 31 tuổi và chồng bắt đầu tìm nhà ở khu vực Denver tháng 1/2024, họ nghĩ 600.000 USD sẽ đủ.

Nhưng cô cho biết, chi phí trả trước để sở hữu nhà cao hơn nhiều so với những người mua nhà ở độ tuổi của cô vào cuối những năm 1990. "Bạn bước vào thị trường và nhận ra rằng phải từ bỏ ngôi nhà lý tưởng bạn nghĩ sẽ mua được. Vì ngày nay, số tiền sáu con số chẳng là gì", cô nói.

Với 600.000 USD, cô chỉ mua được ngôi nhà hơn 20 năm tuổi, nằm ở những khu vực ít được ưa chuộng và tốn chi phí cải tạo lớn.

Khi Diehr còn nhỏ, mẹ cô, một người nhập cư từ Brazil đã khát khao mua nhà để ổn định và độc lập. Cô nghĩ sẽ nỗ lực kiếm tiền nhiều hơn để mua ngôi nhà tốt. Thời điểm đó, Diehr tin 600.000 USD sẽ giúp họ dễ dàng mua ngôi nhà ba phòng ngủ, sàn gỗ, hai phòng tắm, có sân sau tử tế. ''Nhưng hoàn toàn không đúng'', cô nói.

Vợ chồng cô quyết định đầu tư cổ phiếu để tăng thu nhập. Cuối cùng, họ mua được ngôi nhà ba phòng ngủ mới xây với giá gần 790.000 USD, tháng 4/2024.

Diehr cảm thấy biết ơn vì mua được nhà, nhưng đổi lại họ phải rút tiền tiết kiệm hưu trí và chi thêm khoảng 200.000 USD so với ngân sách ban đầu.

Đối với nhiều người Mỹ trẻ tuổi, các thành phố lớn như Los Angeles và New York hấp dẫn với nhiều lựa chọn việc làm hơn, mức lương cao hơn và cơ hội gặp gỡ nhiều người khác nhau. Nhưng ngay cả những ngôi nhà cấp thấp ở đó cũng có vẻ dành riêng cho người giàu.

Khi Jonathan Ochart, 32 tuổi, chuyển từ San Antonio đến Los Angeles tháng 3/2023, anh nghĩ mình có thể mua được một căn hộ chung cư nhỏ với giá 450.000 USD. Tuy nhiên, các căn hộ chung cư trong tầm giá không nằm ở vị trí anh thích và thường phải cải tạo hoặc có phí cao. Nơi phù hợp thì tiền đó chỉ mua được căn studio.

Đầu năm 2024, anh từ bỏ kế hoạch mua nhà, chấp nhận ở thuê với giá 2.100 USD mỗi tháng, bằng nửa số tiền phải chi để trả lãi ngân hàng, nếu mua nhà.

''Ở thành phố bạn có thể mua nhà thì không có việc làm. Khi chuyển đến thành phố nhiều cơ hội việc làm hơn lại không mua được nhà ở đó'', anh nói.

Jonathan Ochart từ bỏ ý định mua một căn hộ chung cư ở Los Angeles. Ảnh: CNBC
Jonathan Ochart từ bỏ ý định mua một căn hộ chung cư ở Los Angeles. Ảnh: CNBC

Không chỉ các đô thị lớn, giá nhà tăng ở khắp các thành phố có quy mô trung bình, do người dân đổ về các đô thị tìm việc ngày càng nhiều và tác động của đại dịch.

Gần 3/4 người thuộc thế hệ Millennials cho biết sở hữu nhà là một phần quan trọng trong giấc mơ Mỹ, thể hiện sự thành công và thăng tiến nhờ chăm chỉ làm việc.

Những người không có khả năng mua nhà thường thấy bị tổn thương. Ramit Sethi, tác giả sách bán chạy nhất và là ngôi sao của bộ phim ''How to Get Rich" trên Netflix, cho biết sở hữu bất động sản riêng ăn sâu vào tâm lý người Mỹ.

Brad Klontz, một nhà tâm lý học tài chính và là chuyên gia lập kế hoạch tài chính Mỹ, cho biết việc không đạt được mục tiêu như một thất bại cá nhân.

Việc mua nhà thường bị chi phối bởi cảm xúc, như nỗi sợ bỏ lỡ. "Dù đó là quyết định đúng hay sai, bạn đang bị ảnh hưởng bởi một loạt các thành kiến và niềm tin tiềm thức", Klontz nói.

Klontz cho biết, các quyết định cảm tính có thể khiến người mua chi nhiều tiền hơn cho nhà ở so với khả năng chi trả của họ. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Bankrate, gần một nửa số chủ nhà hiện tại ở Mỹ hối hận về việc mua nhà, do bất ngờ về chi phí.

Thay vì cố gắng mua nhà, Klontz cho rằng nên xem xét kỹ tài chính, đầu tư tiền một cách tốt hơn. "Có ở đâu nói để thực sự thành công bạn phải có nhà đâu?'', ông nói.

Nhưng với Ochart, nhà không chỉ là tài chính mà còn là cảm xúc và trải nghiệm cá nhân. Ngôi nhà đảm bảo ở Texas với lãi suất thấp mang đến cho anh cảm giác an toàn.

Tuy nhiên, anh cũng cho rằng nếu không yêu ngôi nhà, khu phố đó, thì tiêu hết số tiền phải làm việc vất vả để tiết kiệm là vô nghĩa.

Trong khi Kelcie Lesko và chồng tin rằng tốt hơn không nên mua nhà vào lúc này, họ vẫn "đau khổ" vì tình trạng của thị trường bất động sản.

Giá nhà dự kiến sẽ tăng 15%-25% trong năm năm tới, chủ yếu là do khoảng cách giữa cung và cầu, theo Yun, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội các Nhà môi giới bất động sản Mỹ (NAR).

Hiện tại, Lesko đã mất hy vọng sớm trở thành chủ nhà. ''Nếu không có khoản tiền bất ngờ hoặc cha mẹ giàu có, gần như người ở độ tuổi tôi không thể mua nhà", cô nói.

Nhật Minh (Theo CNBC)

Tags:
Nữ việt kiều vỡ mộng cuộc sống trên đất Mỹ

Nữ việt kiều vỡ mộng cuộc sống trên đất Mỹ

Kính gửi chị Hạnh Dung! Em 39 tuổi, sống ở Mỹ gần ba năm, do chồng bảo lãnh sang.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất