Người Mỹ mới làm quen với livestream, Trung Quốc đã ‘bá chủ thiên hạ’: Gần 500.000 người trải nghiệm, mua 500 tỷ USD hàng hóa/năm, đến trường đại học cũng dạy làm streamer

Ngành công nghiệp livestream Trung Quốc khiến thế giới kinh ngạc!

10:21 01/05/2023

Trên màn hình, đoạn truyền phát trực tiếp cánh đồng cỏ rộng lớn phía bắc Trung Quốc bất ngờ chuyển sang hình một người đàn ông chừng 30 tuổi, đội chiếc mũ Mông Cổ có chóp nhọn bằng vàng.

“Xin chào các anh chị em! Tín hiệu thế nào nhỉ? Tôi lắp Wifi rồi đấy”, anh chàng vừa nói, tay vừa giơ một gói thịt bò khô thơm ngon. “Dành cho những người lần đầu xem kênh của tôi, tôi là Taiping và tôi bán thịt bò khô”.

Một ngày làm việc của Taiping diễn ra như thế. Chỉ với chiếc đèn studio nhỏ và 2 iPhone đặt bàn, Taiping dễ dàng thu hút hàng nghìn người truy cập vào kênh. Thịt khô treo lủng lẳng trước máy ảnh, còn Taiping cẩn thận dùng tay xé nhỏ từng miếng để chứng minh cho mọi người thấy bò của mình mềm thế nào.

Người xem livestream tương tác bằng cách đặt câu hỏi về hương vị từng loại. Một số người xem lâu năm còn gửi tặng trái tim hoặc hoa hồng để thể hiện lòng nhiệt thành với Taiping. Cuối phiên live kéo dài 4 tiếng đồng hồ không cần dừng uống nước, anh chốt được 650 đơn đặt hàng, tổng trị giá 15.000 USD.

Taiping chỉ là một trong vô số người Trung Quốc tận dụng làn sóng KOL (người có tầm ảnh hưởng) và truyền phát trực tiếp để thay đổi cách mọi người vẫn mua và bán. Chỉ riêng năm ngoái, ước tính khoảng 500 tỷ USD hàng hóa đã được bán thông qua kênh livestream trên các ứng dụng như Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok hoặc Kuaishou, tăng gấp 8 lần kể từ năm 2019.

Người Mỹ mới làm quen với livestream, Trung Quốc đã ‘bá chủ thiên hạ’: Gần 500.000 người trải nghiệm, mua 500 tỷ USD hàng hóa/năm, đến trường đại học cũng dạy làm streamer - Ảnh 2.
Ngành công nghiệp livestream Trung Quốc khiến thế giới kinh ngạc!

Streamer đang dần trở nên nổi tiếng. Tên tuổi nhất là “vua son môi” Li Jiaqi - người có khả năng thử và giới thiệu các sản phẩm làm đẹp thu hút hàng chục triệu người xem mỗi phiên hay Kim Kardashian - người từng xuất hiện trong một streamer hàng đầu khác của Trung Quốc bán được 15.000 chai nước hoa chỉ trong vòng vài phút.

Định dạng này xuất hiện ở Trung Quốc vài năm trước, sau đó dần trở nên phổ biến. Gần 500.000 người dùng Internet tại đại lục đã trải nghiệm, ngay cả khi chúng vẫn còn mới lạ ở phương Tây. Đối với người Mỹ, livestream gợi nhớ đến hình thức mua sắm trên truyền hình nhưng nhiều tương tác và hấp dẫn hơn.

Streamer rao bán mọi thứ, từ đồ trang điểm đến lò vi sóng, bằng một giọng nói tràn đầy năng lượng và lối tương tác hấp dẫn. Họ kể chuyện cười và trải nghiệm của bản thân để thu hút sự chú ý. Họ cũng gọi tên và trả lời các câu hỏi của từng người hâm mộ để lấy lòng tin, đồng thời hứa hẹn về những deal hời chỉ có duy nhất trên livestream ngày hôm đó.

Đối với người xem, sự hấp dẫn không chỉ đến từ sự tiện lợi mà còn là cảm giác được phục vụ. Họ có thể yêu cầu các streamer mặc thử quần áo hay test thử sản phẩm lên da để kiểm chứng chất lượng.

Các nhà hàng, thẩm mỹ viện, thậm chí cả đại lý ô tô và nhà phát triển bất động sản đều đang thu hút được khách hàng thông qua livestream. Nhiều thương hiệu toàn cầu từ Ikea đến Louis Vuitton đều đã trả tiền cho những người có ảnh hưởng ở Trung Quốc để truyền phát trực tiếp sản phẩm. Đặc biệt ở chỗ, ngành kinh doanh này không kén người tham gia - nông dân, công nhân nhà máy hay người đã về hưu đều có thể trở thành streamer.

Người Mỹ mới làm quen với livestream, Trung Quốc đã ‘bá chủ thiên hạ’: Gần 500.000 người trải nghiệm, mua 500 tỷ USD hàng hóa/năm, đến trường đại học cũng dạy làm streamer - Ảnh 3.
Chỉ riêng năm ngoái, ước tính khoảng 500 tỷ USD hàng hóa đã được bán thông qua kênh livestream trên các ứng dụng như Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok hoặc Kuaishou, tăng gấp 8 lần kể từ năm 2019.

Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng chóng mặt, cạnh tranh khốc liệt đã khiến nhiều streamer bỏ đi. Suy thoái kinh tế rộng lớn cũng thúc đẩy việc sa thải nhân viên tại các công ty đứng sau nhiều nền tảng phát trực tuyến. Thậm chí, chính phủ Trung Quốc, lo lắng quá nhiều về sự bành trướng, còn đặt ra nhiều quy định đối với ngành công nghiệp truyền phát tỷ USD.

Cụ thể, những người livestream phải đảm bảo nội dung phù hợp với định hướng chính trị, tuyên truyền công cộng, đảm bảo những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Đối với những lĩnh vực như y tế, tài chính, luật, giáo dục, người livestream phải có trình độ chuyên môn mới được truyền phát bán hàng. Trung Quốc cũng cấm phát những nội dung vi phạm pháp luật, trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, nhất là trẻ vị thành niên

Quay trở lại với Taiping. Người chủ trại chăn nuôi gia súc này giờ đây đã có một xưởng sản xuất thịt khô của riêng mình cùng hơn 1 triệu lượt theo dõi. Gần đây anh còn đóng vai chính trong chiến dịch quảng cáo Kuaishou trải khắp các ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh.

Ban đầu Taiping do dự vì tiếng phổ thông không được tốt, tuy nhiên Kuaishou đã đề nghị đưa anh đến Bắc Kinh tham gia khóa học cấp tốc về trò chuyện trước công chúng và đăng ký thương hiệu. Theo thời gian, Taiping trở nên tự tin hơn. Anh điêu luyện xé bò khô trước màn hình điện thoại, tận tình trả lời từng câu hỏi của người xem live và không quên luôn nở nụ cười trên môi. Vào năm 2018, Taiping bán được tổng lượng bò khô trị giá 650.000 USD, gấp 30 lần so với 2 năm trước đó.

Người Mỹ mới làm quen với livestream, Trung Quốc đã ‘bá chủ thiên hạ’: Gần 500.000 người trải nghiệm, mua 500 tỷ USD hàng hóa/năm, đến trường đại học cũng dạy làm streamer - Ảnh 4.
Nghĩa Ô được ví như thủ phủ của hoạt động bán hàng trực tiếp.

Theo thống kê, doanh thu bán hàng thông qua hình thức thương mại điện tử của Kuaishou đã tăng gấp 6 lần vào năm 2020, qua đó phản ánh sự bùng nổ của Douyin, Taobao Live và nền tảng mua sắm trực tiếp lớn khác.

Cách đồng cỏ xanh của Taiping hơn 1.000 dặm về phía nam, thành phố Nghĩa Ô được ví như thủ phủ của hoạt động bán hàng trực tiếp. Tại đây có trường đại học dạy về livestream, song song với rất nhiều học viện đào tạo streamer ngắn ngày. Chính quyền thành phố, để thu hút những người nổi tiếng có thu nhập cao, còn hứa hẹn về cực nhiều quyền lợi.

Mỗi ngày, Nghĩa Ô thu hút rất nhiều những streamer tham vọng, chẳng hạn như Wang Tiebiao, 55 tuổi, đến từ một thành phố nhỏ ở phía đông tỉnh Sơn Đông. Ông ban đầu chuyên vận chuyển hàng hóa và bán đồ nấu nướng bằng thép không gỉ giá rẻ, sau đó quyết định lấn sân sang ngành công nghiệp livestream để tăng thu nhập.

“Nếu mở một cơ sở kinh doanh, bạn phải trả tiền thuê nhà, mua hàng hóa, đầu tư rất nhiều. Tuy nhiên với livestream, bạn chỉ cần một chiếc điện thoại”, ông Wang nói.

Theo thỏa thuận, ông Wang có thể chọn bất kỳ hàng hóa nào để quảng cáo trên tài khoản Douyin cá nhân. Với mỗi đơn hàng, ông sẽ chiết khấu hoa hồng và ngoài ra không còn thu nhập nào khác.

Dĩ nhiên, trong một thị trường quá cạnh tranh, ông Wang phải tự khiến mình nổi bật. Do tài ăn nói không được khéo, số lượng người theo dõi livestream của ông không đáng là bao.

Người Mỹ mới làm quen với livestream, Trung Quốc đã ‘bá chủ thiên hạ’: Gần 500.000 người trải nghiệm, mua 500 tỷ USD hàng hóa/năm, đến trường đại học cũng dạy làm streamer - Ảnh 5.
Trong một thị trường quá cạnh tranh, các streamer phải tự khiến mình nổi bật.

Nhiều streamer phàn nàn rằng các ứng dụng chỉ quảng cáo cho các tài khoản trả tiền mua lưu lượng truy cập, trong khi số khác thì không được đẩy tương tác. Chứng kiến bạn bè mình rời đi, ông Wang, người đã thu hút được khoảng 1.000 người theo dõi, vẫn kiên trì trụ lại.

“Làm việc trong nhà máy giúp tôi kiếm được vài nghìn USD, tuy nhiên, tôi không muốn điều đó. Đằng nào chúng ta cũng phải làm việc, vậy nên tôi thà làm streamer để có nhiều cơ hội thành công hơn”.

Mới đây nhất, thành phố Thâm Quyến đã công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm livestream bán hàng điện tử mới mang quy mô toàn cầu, theo SCMP. Dự án được kỳ vọng có thể kích cầu tiêu dùng và thu về 300 tỷ nhân dân tệ (43,7 tỷ USD) doanh thu vào năm 2025.

Cùng với mục tiêu mở rộng ngành công nghiệp bán hàng online thông qua livestream truyền phát trực tiếp, Thâm Quyến tham vọng tự xây dựng hoặc thu hút ít nhất 100 doanh nghiệp hàng đầu đến hợp tác trong 3 năm. 50 tòa nhà cũng được lên kế hoạch xây dựng để phục vụ “khu công nghiệp all in one”, tức tất cả trong một, từ thiết bị livestream, thiết kế bối cảnh, khu chỉnh sửa hậu kỳ…

Các doanh nghiệp bán quần áo, mỹ phẩm, trang sức hay các mặt hàng công nghệ là những bên được lợi lớn nhất từ chính sách hỗ trợ chuỗi cung ứng. Họ sẽ được hỗ trợ xây dựng địa điểm trưng bày, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà bán lẻ trực tuyến, đồng thời tối giản hoá quy trình vận chuyển, phân phối hàng hóa.

“Livestream bán hàng là một mô hình kinh doanh mới, song đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc khôi phục nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng”, Hiệp hội Thương mại thành phố Thâm Quyến cho biết.

Tính đến cuối tháng 11/2022, Thâm Quyến có khoảng 9.260 người dẫn chương trình livestream với doanh thu đạt 152 tỷ nhân dân tệ (22 tỷ USD) kể từ đầu năm, theo Shenzhen Economic Daily. Với dự án mới, thủ phủ này hy vọng kêu gọi được thêm 3.000 livestreamer và 10.000 nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp để mở rộng thị trường thương mại điện tử.

Theo: The New York Times, SCMP

Tags:
Hình ảnh vali nát bươm của nữ du khách sau khi nhận lại hành lý

Hình ảnh vali nát bươm của nữ du khách sau khi nhận lại hành lý

Mới đây, nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ Emilie Hofferber đã vô cùng bàng hoàng khi nhận lại hành lý thất lạc sau nhiều ngày từ một hãng hàng không.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất