NGƯỜI MỸ Ở VIỆT NAM HỒI HỘP CHỜ KẾT QUẢ BẦU CỬ TẠI QUÊ NHÀ

Tại các sự kiện xem chung, tâm trạng người theo dõi kết quả bầu cử Mỹ ở TP.HCM sáng 4/11 đi từ hào hứng, phấn khích cho tới lo lắng, hồi hộp vì cuộc đua năm nay quá sít sao.

11:00 05/11/2020

“Hấp dẫn như một sự kiện thể thao, nhưng với mức cược cao hơn nhiều!”.

Đó là dòng miêu tả của Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) trên Facebook về ngày bầu cử 3/11, khi các tiểu bang ở nước này lần lượt thông báo kết quả kiểm phiếu và - nếu có thể - công bố người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2020.

Nhưng không như kỳ vọng, niềm hào hứng của người Mỹ ở Việt Nam khi chờ đón những lá phiếu đại cử tri đầu tiên nhanh chóng chuyển sang tâm trạng lo lắng thấp thỏm, vì đến sáng sớm ngày 4/11 (giờ Mỹ), họ vẫn chưa biết ai sẽ là tổng thống trong nhiệm kỳ tới.

Hào hứng và vỡ òa cảm xúc

7h45 sáng 4/11 giờ Việt Nam.

Quán cà phê trên đường Lê Duẩn ở quận 1, TP.HCM, có gần 50 khách, phần lớn là công dân Mỹ và Việt. Nhưng đó chưa phải là tất cả.

Theo thông tin từ AmCham, hơn 120 người đã đăng ký tham dự sự kiện theo dõi kết quả bầu cử Mỹ do hiệp hội này tổ chức.

Có lẽ hiếm khi nào những người có mặt tại đây dự tiệc sớm như vậy. Nhưng hôm nay là ngoại lệ.

“Đang ở quán cà phê xem kết quả bầu cử Mỹ đây này! Có thấy không? Đông vui lắm”, một phụ nữ trung niên nói tiếng Việt qua cuộc gọi video trên điện thoại khi đang bước vào khán phòng. Trong bộ váy và áo choàng đỏ, bà giơ cao điện thoại cho người ở đầu dây bên kia thấy được toàn cảnh.

Chính giữa phòng là màn chiếu lớn đang phát trực tiếp chương trình của CNN. Bốn màn hình TV hai bên đồng thời phát chương trình của Fox News.

Khắp khán phòng là những cái bắt tay, ôm hôn, nụ cười rạng rỡ, những bộ quần áo nổi bật hai màu xanh - đỏ hay họa tiết cờ Mỹ, in chữ U.S.A. Nhiều người tham dự đeo khẩu trang và chỉ tháo ra khi thưởng thức bữa sáng.

8h45 giờ Việt Nam.

Số lượng khách đã lên đến hơn 100 người. Một vài nhóm lên tới 10 người hào hứng cùng chụp ảnh selfie.

Họ tới đây không chỉ để theo dõi cuộc bầu cử quan trọng quyết định tương lai nước Mỹ, mà còn để gặp gỡ bạn bè, cùng chia sẻ cảm xúc vui mừng hay thất vọng mỗi khi trên màn hình, một bang nào đó chuyển sang màu xanh hoặc đỏ.

Tiếng trò chuyện ngớt hẳn mỗi khi kết quả một vài bang được công bố. Chăm chú theo dõi nhất là người Mỹ ở độ tuổi trung niên. Nhiều người trong số họ hồi hộp hướng lên màn hình trong khi chưa kết thúc bữa sáng.

Hết tiểu bang này đến tiểu bang khác phá vỡ kỷ lục bỏ phiếu. Texas - bang truyền thống của đảng Cộng hòa, từng ủng hộ cho ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ lần cuối vào năm 1976 - ghi nhận số phiều bầu sớm vượt mức năm 2016. Trong khi đó, Florida ghi nhận 9 triệu phiếu bầu sớm, chiếm khoảng 63% tổng số phiếu bầu. Thật đáng ngạc nhiên.

bau cu My anh 2
Khách tham dự theo dõi kết quả bầu cử ở sự kiện do AmCham tổ chức sáng 4/11. Ảnh: AmCham.

Lúc đó là 21h ở Washington.

Fox News thống kê còn 156 phiếu đại cử tri chưa được định đoạt, trong khi số ghế của hai đảng ở thượng viện đang sát nút.

“Ôi trời ơi! Sát nút rồi. Thượng viện cũng rất quan trọng”, Eric, một người Mỹ gốc Phi là cử tri bang Texas, nói, thể hiện rõ vẻ hồi hộp khi chỉ tay lên màn hình. Anh cho biết đã bỏ phiếu từ Việt Nam. Bang Texas yêu cầu bỏ phiếu giấy qua đường bưu điện nên anh đã đem phiếu tới nộp ở Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM.

Cũng bầu cử từ Việt Nam nhưng Alexander Parini - giảng viên tại Đại học Hoa Sen, cử tri bang Oregon - đã gửi phiếu bầu trực tuyến qua email.

Không đến dự sự kiện của AmCham, anh Parini hẹn với nhóm bạn theo dõi kết quả bầu cử ở một quán bia trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM, lúc 10h. Theo ghi nhận của anh, khoảng 40 người có mặt tại đây.

"Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, ngoài người Mỹ có cả công dân các nước khác và người Việt Nam. Hầu hết đều đi theo nhóm 3 người. Họ theo dõi kết quả khá chăm chú vì cuộc đua đang sít sao. Người tham dự ở đây ngoài xem tin tức còn theo dõi cả diễn biến trên Twitter", anh Parini nói với Zing qua điện thoại.

bau cu My anh 3
Alexander Parini (áo vest, ngoài cùng bên phải) và bạn bè ở sự kiện theo dõi kết quả bầu cử sáng 4/11 tại quán bia trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Alexander Parini.

Ít phút sau, ở Mỹ, cựu Phó tổng thống Joe Biden thắng bang chiến trường đầu tiên - Colorado - với 9 phiếu đại cử tri. Tiểu bang này được đánh giá đã "xanh dần đều" qua mỗi kỳ bầu cử tổng thống.

Liên tiếp sau đó là những chiến thắng đáng kể cho ứng cử viên của đảng Dân chủ, từ Oregon cho tới Virginia.

Nhưng phải tới khi CNN xướng tên ông Biden là người giành được 55 phiếu đại cử tri của California - bang có nhiều người Mỹ gốc Việt nhất sinh sống, không khí tại sự kiện của AmCham mới thực sự vỡ òa.

Cả khán phòng đồng loạt vỗ tay, có người đứng dậy, giơ tay ăn mừng và ôm nhau.

“Đúng rồi! Trời ơi!”, “Tuyệt vời!” - tiếng ai đó thốt lên xen giữa tiếng hò hét và huýt sáo. Một số nhóm cùng nâng ly.

Màn ăn mừng kéo dài đến 5 phút thay đổi hoàn toàn bầu không khí trong quán cà phê. Gần như không thể nghe được nội dung những cuộc trò chuyện vào lúc này vì quá ồn ào, chỉ thấy trên gương mặt các vị khách phần lớn đều tỏ rõ nét vui mừng và phấn khích.

bau cu My anh 4
Người tham dự sự kiện do AmCham tổ chức sáng 4/11 là công dân đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Ảnh: AmCham.

Lo lắng, sợ hãi khi cuộc đua trở nên sít sao

Đáng tiếc, không khí chộn rộn đó không duy trì được lâu. Càng gần về trưa ở Việt Nam, khi nước Mỹ bắt đầu bước sang ngày 4/11, người theo dõi kết quả bầu cử rơi vào tâm trạng lo ngại cú sốc năm 2016 có khả năng lặp lại.

11h46, khi CNN nhận định Tổng thống Trump đang lội ngược dòng và cuộc đua trở nên sít sao, tất cả màn hình ở sự kiện của AmCham đồng loạt tắt phụt.

“Ồ, thôi nào!”, một vị khách kêu lên trong khi những người khác cũng phản ứng.

Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành của AmCham, tiến ra trấn an: “Không sao. Chờ chút mọi người”.

30 giây sau, màn hình sáng trở lại. CNN bắt đầu phân tích tình hình ở các bang chiến địa với dòng tiêu đề nổi bật: “Nail-biter election” (tạm dịch: Cuộc bầu cử khiến bạn phải cắn móng tay khi theo dõi).

Một số người có vẻ đã mất kiên nhẫn. Số lượng khách tại quán cà phê lúc này chỉ còn khoảng 60 người. Trong khi đó, ở quán bia trên đường Lý Tự Trọng, anh Parini cũng ra về vì phải làm việc buổi chiều.

“Khi tôi rời khỏi quán, mọi người ở đó trông có vẻ hào hứng hơn lúc trước vì sắp có kết quả. Họ không chắc chắn 100% ai sẽ thắng, nhưng dựa trên kết quả của những bang đã công bố, họ bắt đầu đưa ra dự đoán nhiều hơn”, anh Parini nói với Zing.

bau cu My anh 5
bau cu My anh 6
Khoảng 40 người tới quán bia trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM sáng 4/11 để theo dõi kết quả bầu cử. Ảnh: Alexander Parini.

“Tôi rất lạc quan về kết quả sắp tới. Đêm nay, chúng ta đang trên đường đi đến chiến thắng. Vì còn bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua đường bưu điện, sẽ tốn một ít thời gian nữa", ông Biden nói trong bài phát biểu đêm 3/11 từ bang nhà Delaware. “Hãy giữ vững niềm tin nhé mọi người. Hãy kiên nhẫn”.

Nhưng một số người theo dõi ở TP.HCM có vẻ không làm được như vậy.

Đến 13h, sự kiện của AmCham chỉ còn khoảng 25 người ở lại. Một trong số đó là Soraya Kishtwari, 39 tuổi. Cô là người Tây Ban Nha và từng là phóng viên chính trị.

“Tính đến thời điểm này, cuộc bầu cử đang cho thấy kết quả khảo sát sai rồi. Lại sai. Nhưng tôi cũng không ngạc nhiên. Có lẽ vẫn còn quá sớm để kết luận vì vẫn phải tiếp tục kiểm phiếu. Có thể phải mất vài ngày”, cô nói với Zing.

“Ông Trump đang thực hiện những gì ông từng tuyên bố với thế giới. Ví dụ, ông ấy vừa đăng tweet nói đảng Dân chủ cố đánh cắp cuộc bầu cử. Nhưng rõ ràng không có bằng chứng nào cho thấy điều đó”, cô nói thêm.

Tối 3/11, ông Trump viết trên Twitter: "Chúng ta thắng lớn, nhưng họ đang cố ĐÁNH CẮP cuộc bầu cử. Chúng ta sẽ không bao giờ để họ làm chuyện đó. Không thể bỏ phiếu sau khi các điểm bỏ phiếu đã đóng cửa”.

“Ông ấy sẽ lên phát biểu sớm thôi. Thật thú vị khi chờ xem ông ấy sẽ nói gì”, cô nói thêm.

bau cu My anh 7
Màn hình chiếu chương trình theo dõi kết quả bầu cử Mỹ tại quán bia trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM sáng 4/11. Ảnh: Alexander Parini.

Không ngoài dự đoán của Soraya Kishtwari, bài phát biểu của tổng thống Mỹ lại gây ra một làn sóng tranh cãi. Bất chấp việc kiểm phiếu chưa kết thúc ở một số bang chiến trường có thể quyết định kết quả bầu cử, ông Trump vẫn tuyên bố chiến thắng trước đối thủ Joe Biden.

"Nói trắng ra là chúng tôi đã thắng rồi", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng trong cuộc gặp được tổ chức vào rạng sáng 4/11.

Song tại thời điểm đó, kết quả bầu cử tại một số bang chiến trường, bao gồm Pennsylvania, Wisconsin, Michigan và Georgia vẫn chưa ngã ngũ.

Phản ứng trước bài phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ, Stephanie - 30 tuổi, cử tri đến từ bang Nevada - cho biết chị cảm thấy sợ hãi.

"Còn vài bang cuối chưa có kết quả mà ông Trump đã tự tuyên bố chiến thắng rồi. Điều này thật khiến tôi khiếp sợ. Viễn cảnh ông ấy chiến thắng càng làm tôi sợ và tôi thấy lo lắng cho gia đình và bạn bè mình ở Nevada. Bang nhà của tôi là một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Vài người bạn của tôi mắc Covid-19 rồi, trong khi tôi may mắn khi được an toàn ở Việt Nam", chị chia sẻ với Zing.

Stephanie cùng với 6 người bạn khác đang tập trung tại căn hộ của Gregory Dolezal ở TP.HCM cùng xem kết quả kiểm phiếu. Ông là chủ tịch nhóm cử tri Dân chủ Mỹ ở Việt Nam và đã xin nghỉ cả ngày 4/11 để dành thời gian theo dõi cuộc bầu cử.

"Tôi chưa dám đưa ra dự đoán gì vào lúc này vì vẫn còn vài bang chủ chốt nữa chưa có kết quả. Tôi không dám nghĩ đến khả năng ông Trump thắng, tôi vẫn còn chút hy vọng ở những bang cuối. Nhưng nếu ông Trump thắng, tôi thực sự lo ngại cho tương lai nước Mỹ", ông nói với Zing.

Tags:
Đời tư của Barron, Ivanka Trump được quan tâm

Đời tư của Barron, Ivanka Trump được quan tâm

Cuộc sống đời tư, chuyện học hành, sự nghiệp của các con Tổng thống Donald Trump, Cựu Tổng thống Barack Obama, Bill Clinton, George W.Bush luôn là chủ đề quan tâm của công chúng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất