Người Mỹ 'phập phồng' với xét nghiệm nCoV
Các chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo kết quả âm tính giả có thể khiến người bệnh mất cảnh giác, vô tình lây Covid-19 cho người khác.
02:30 04/04/2020
Tuần trước, một bé trai 16 tháng tuổi ở bang Florida, Mỹ được xét nghiệm dương tính nCoV ở một phòng thí nghiệm. Chỉ vài ngày sau, cậu bé có kết quả âm tính ở một phòng xét nghiệm khác.
Bác sĩ tại nơi lấy mẫu bệnh phẩm tỏ ra chắc chắn rằng kết quả dương tính mới là chính xác. "Âm tính giả là vấn đề đáng lo vì nó khiến bệnh nhân nghĩ mình không nhiễm nCoV. Họ có thể vô tình phát tán virus", bác sĩ Craig Deligdish thuộc Trung tâm y tế Omni Healthcare có trụ sở tại thành phố Melbourne, bang Florida nhận xét.
Nhiều chuyên gia y tế tin rằng gần một phần ba số bệnh nhân nhiễm nCoV lại cho kết quả âm tính giả, nhưng cho rằng dữ liệu hiện nay vẫn quá ít và ước tính này dựa trên kinh nghiệm cá nhân, chưa có số liệu cụ thể để chứng minh.
Điều này gây nghi ngờ về độ tin cậy về những bộ xét nghiệm được các phòng thí nghiệm cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) phát triển. Phần lớn các bộ xét nghiệm đều rất ít được kiểm soát và được sử dụng quá gấp gáp vì nhu cầu xét nghiệm diện rộng.
"Những bộ xét nghiệm được phê duyệt rất nhanh chóng. Kết quả là chúng ta không thể hoàn toàn tin tưởng tính năng thực sự của chúng", bác sĩ Bill Miller tại Đại học bang Ohio nêu quan điểm.
Miller cảnh báo tỷ lệ âm tính giả chưa được xác định có thể khiến bệnh nhân tự tin không mắc bệnh và trở lại sinh sống làm việc bình thường, đồng thời gây ra "điểm mù" trong nhận định về tình hình lây lan Covid-19 hiện nay.
Mọi xét nghiệm đều có độ chính xác nhất định và được đo bằng "độ nhạy", tức số ca dương tính và âm tính được phát hiện chính xác. Độ nhạy các kit xét nghiệm nCoV tại Mỹ hiện nay dường như thấp hơn những sản phẩm tương tự cho các loại virus khác.
"Tôi ước tính độ nhạy của kit xét nghiệm nCoV vào khoảng 70%, tức là gần một phần ba số người nhiễm nhận kết quả âm tính", Mike Lozando, lãnh đạo tập đoàn y tế Envision có trụ sở tại Tampa, bang Florida, cho hay.
Chris Smalley, bác sĩ tại Louisville, bang Kentucky, cũng đồng tình với độ nhạy 70% của các bộ xét nghiệm tại Mỹ. Ông cho biết nhiều bệnh nhân xét nghiệm âm tính đã có triệu chứng của Covid-19, buộc họ ở lại bệnh viện lâu hơn. "Kết quả âm tính có vẻ chính xác ở những nơi bệnh chưa lan rộng như Louisville, nhưng gần như vô dụng tại tâm dịch New York", bác sĩ Smalley nói thêm.
Nghiên cứu trên 1.000 bệnh nhân nhập viện ở Vũ Hán hồi tháng 2 cho thấy 60% ca dương tính khi sử dụng xét nghiệm tương tự Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, 90% bệnh nhân có dấu hiệu mắc Covid-19 khi kiểm tra ảnh chụp CT ngực, theo một bài viết đăng trên tạp chí Radiology có trụ sở tại Mỹ.
Công nghệ có độ nhạy cao nhất hiện nay là xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) với khả năng phát hiện chính xác trên 90% trường hợp dương tính. Trong những tình huống ít khẩn cấp hơn Covid-19, CDC thường cần tới một năm để xác nhận độ chính xác của những phương pháp như vậy.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ban đầu yêu cầu các công ty dược phẩm nộp đơn xin thực hiện thử nghiệm. Tuy nhiên, họ vấp phải chỉ trích là ngăn cản các công ty tư nhân nhanh chóng phát triển các bộ xét nghiệm đang rất cần thiết.
Nhu cầu tăng cao về kit xét nghiệm hồi cuối tháng 2 khiến FDA nới lỏng quy định, cho phép các phòng thí nghiệm tự thực hiện thử nghiệm mà không cần xin phép và nộp kết quả nghiên cứu nội bộ sau. Phát ngôn viên FDA cho biết cơ quan này đang cân bằng giữa nhu cầu mua bộ xét nghiệm với yêu cầu bảo đảm kết quả chính xác, thêm rằng ưu tiên hiện nay là đưa càng nhiều thiết bị ra thị trường càng tốt.
Peter Brokish, bác sĩ cấp cứu tại Dallas, cho biết nhiều mẫu sinh phẩm gửi đi xét nghiệm tại tập đoàn LabCorp đều cho kết quả âm tính, nhưng bệnh nhân sau đó phải nhập viện với những triệu chứng nặng, bao gồm cả sốt cao và ho và đều có kết quả dương tính sau khi vào viện. "Bạn hiểu rằng tất cả đều là âm tính giả", Brokish nói.
Lindad Girgis, bác sĩ ở New Jersey, tiết lộ tình trạng tương tự cũng xảy ra với phòng thí nghiệm của công ty Quest Diagnostics, tỏ ý lo ngại rằng các y bác sĩ ở tuyến đầu có thể tiếp tục làm việc với niềm tin rằng họ không mang bệnh.
Phát ngôn viên Quest Diagnostics cho biết các tài liệu và báo cáo xét nghiệm đều nhấn mạnh "nguy cơ dương tính giả và âm tính giả có thể xảy ra". Đại diện LabCorp khẳng định "kết quả âm tính không loại trừ nguy cơ nhiễm virus", thêm rằng độ chính xác của xét nghiệm chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như cách lấy mẫu và thời gian nhiễm bệnh trước khi được kiểm tra.
"Ở New York, xét nghiệm âm tính không có nghĩa là không mắc bệnh", Dara Kass, bác sĩ cấp cứu ở bệnh viện NewYork-Presbyterian cho hay, thêm rằng mọi bệnh nhân có triệu chứng đều được mặc định coi là nhiễm nCoV. Cô đang phải làm việc tại nhà sau khi được xác nhận mắc Covid-19 hồi giữa tháng 3.
Sự khan hiếm thiết bị xét nghiệm đang ngăn cản giới nghiên cứu xác định tỷ lệ nhiễm nCoV chính xác. Rất ít bác sĩ sẵn sàng dùng thêm bộ lấy mẫu và xét nghiệm để kiểm tra những người cho kết quả âm tính. Họ cho rằng kết quả sai có thể bắt nguồn từ cách lấy và vận chuyển mẫu sinh phẩm, cũng như các vấn đề với thiết bị xét nghiệm.
Mẫu dịch lấy từ mũi thường có ít virus hơn mẫu vòm họng, nhưng quy trình lấy dịch ở vòm họng đòi hỏi dùng bông tăm dài và phải chọc sâu vào mũi.
Bác sĩ Deligdish hôm 31/3 gửi mẫu sinh phẩm thứ ba của bé trai 16 tháng tuổi đến phòng thí nghiệm cho kết quả dương tính lần đầu. Kết quả trả về là âm tính nCoV, nhưng Deligdish vẫn nghi ngờ kết luận âm tính hồi tuần trước, cho rằng cậu bé đã nhiễm nCoV và hồi phục.
"Rất khó để ghi nhận âm tính giả với thử nghiệm này", Deligdish nói. Sở Y tế Florida và các phòng thí nghiệm từ chối bình luận.
Kết quả xét nghiệm mơ hồ đang gây hậu quả với nhiều bệnh nhân.
Michele Hickle, cư dân tại bang Texas, bắt đầu sốt và ho khan từ ngày 17/3. Chồng bà là bác sĩ và đề xuất Michele tự cách ly trong phòng ngủ, sau đó chuyển tủ lạnh cỡ nhỏ và lò vi sóng tới hành lang bên ngoài. Bà được kiểm tra nhanh ở một điểm xét nghiệm dã chiến, mẫu sinh phẩm được gửi tới phòng thí nghiệm của Sở Y tế Texas và cho kết quả âm tính.
"Lúc đó chúng tôi mừng bà trở lại cùng gia đình", Scott Hickle, con riêng của chồng bà nói.
Dù vậy, triệu chứng của bà bắt đầu xấu đi. Michele nhiều lần thức dậy giữa đêm với cơ thể đẫm mồ hôi. Vài ngày sau, bà đến một trung tâm chăm sóc sức khỏe địa phương, báo cáo triệu chứng và những chỉ số sức khỏe được chồng theo dõi. Bác sĩ chụp X quang và chẩn đoán bà bị viêm phổi, họ nhận định Michele đã nhiễm Covid-19 dù bà có kết quả âm tính.
Michele được lấy mẫu bệnh phẩm lần hai và gửi tới phòng thí nghiệm của Quest Diagnostics. Lần này gia đình mất gần một tuần để có kết quả và bà được xác nhận dương tính nCoV.
Phát ngôn viên Sở Y tế Texas cho biết xét nghiệm có thể không phát hiện nCoV trong giai đoạn ủ bệnh hoặc bệnh nhân bị lây nhiễm giữa các lần kiểm tra.
Michele Hickle đang lo sợ rằng bà đã lây nCoV cho gia đình. Grace, con gái út của bà, đã có triệu chứng đau người và mỏi mệt. Họ đang chờ kết quả xét nghiệm của Grace.
Covid-19 đã xuất hiện ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn một triệu người nhiễm và hơn 53.000 người chết. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 240.000 ca nhiễm, trong đó hơn 6.000 người chết.
Vũ Anh (Theo Wall Street Journal)
Link nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-my-phap-phong-voi-xet-nghiem-ncov-4078809.html
Doanh nghiệp đầu tiên phá sản vì giá dầu lao dốc
Whiting trở thành công ty khai thác dầu đá phiến lớn đầu tiên phá sản trước sự sụp đổ của giá dầu.