Người nhập cư trái phép lo bị trục xuất hàng loạt nếu Trump đắc cử

Kế hoạch trục xuất dân nhập cư bất hợp pháp quy mô lớn của ông Trump khiến hàng triệu người vượt biên vào Mỹ làm công việc chân tay lo sợ về tương lai bất định.

07:51 05/11/2024

Ngày 5/4/2018, khi Nayeli bước vào nhà máy chế biến thịt Southeastern Provision ở vùng nông thôn Tennessee, nơi cô đã làm việc nhiều năm, các đặc vụ liên bang bỗng nhiên xuất hiện, trực thăng vần vũ trên bầu trời.

Họ bắt cô và gần 100 công nhân nhập cư khác, khi tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump ra lệnh tăng cường truy quét người nhập cư bất hợp pháp. Họ bị đưa lên xe buýt, tới các trung tâm giam giữ mà không ai được giải thích lời nào.

Tối hôm đó, Nayeli được phép về nhà với con trai 9 tuổi và cả hai mẹ con đều đối diện với lệnh trục xuất. Quá trình này bị hoãn lại sau những người nhập cư đệ đơn kiện chính phủ và các đặc vụ liên bang Mỹ với cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức và có hành vi phân biệt chủng tộc.

Đặc vụ liên bang Mỹ bắt một người nhập cư không giấy tờ bên ngoài nhà mình ở Paramount, , năm 2020. Ảnh: Reuters
Đặc vụ liên bang Mỹ bắt một người nhập cư không giấy tờ bên ngoài nhà mình ở Paramount, , năm 2020. Ảnh: Reuters

Sau khi thắng kiện năm ngoái, Nayeli trở lại làm việc ở nhà máy Southeastern Provision, nhưng ký ức về ngày đó tiếp tục quay lại ám ảnh cô, khi Mỹ chuẩn bị bầu cử tổng thống và ông Trump đứng trước cơ hội tái đắc cử.

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng lần này, Trump đã thể hiện lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư, cam kết sẽ khởi động "chương trình trục xuất lớn nhất lịch sử Mỹ" nếu ông đắc cử.

Trump tuyên bố sẽ kích hoạt Đạo luật chống Kẻ thù Bên ngoài năm 1798, từng được áp dụng trong Thế chiến II, nhắm vào những người là tội phạm vượt biên trái phép vào Mỹ. Ông còn tuyên bố sẽ tăng áp dụng quy trình trục xuất nhanh, xây dựng các trại khổng lồ để giam người chờ trục xuất, chấm dứt quyền mặc định trao quốc tịch của những người sinh ra trên lãnh thổ Mỹ.

Ứng viên Cộng hòa đã so sánh kế hoạch này với "Chiến dịch Wetback" được thực hiện năm 1954, dưới thời tổng thống Dwight Eisenhower, trong đó hàng trăm nghìn người gốc Mexico, thậm chí có cả công dân Mỹ, bị vây ráp và trục xuất.

Chính sách này nếu được thực hiện sẽ gây tác động rất lớn, bởi khoảng 11 triệu người đang ở Mỹ mà không có giấy tờ nhập cư hợp pháp.

California, một trong những bang có lượng người nhập cư không giấy tờ cao nhất toàn quốc, dự kiến chịu ảnh hưởng nặng nề. Khoảng 4 triệu người gốc Latin ở California sẽ nằm trong diện bị trục xuất hàng loạt nếu ông Trump vào Nhà Trắng.

Hội đồng Di trú Mỹ dự đoán chi phí cho một lần trục xuất hàng loạt sẽ vào khoảng 315 tỷ USD.

"Nhưng câu hỏi không phải liệu họ có thể trục xuất tất cả cùng lúc hay không, mà liệu họ có bắt đầu xu hướng liên tục săn lùng, trục xuất người nhập cư không giấy tờ hay không", Mike Madrid, cố vấn chính trị gốc Latin của đảng Cộng hòa, nói.

Nông dân thu hoạch dưa ở trang trại Del Bosque, bang , ngày 15/7. Ảnh: Fresno Bee
Nông dân thu hoạch dưa ở trang trại Del Bosque, bang , ngày 15/7. Ảnh: Fresno Bee

Theo Madrid, kế hoạch trục xuất hàng loạt sẽ làm gián đoạn kinh tế, gây thiệt hại thảm khốc cho nhiều cá nhân, gia đình ở California.

"Là người Mỹ, tôi không muốn nói thẳng, nhưng toàn bộ nền kinh tế bang này phụ thuộc vào nhóm lao động nhập cư không giấy tờ. Nền kinh tế California sẽ không thể hoạt động nếu thiếu họ. Đó là thực tế", ông nói.

Nỗi lo cuộc sống bị đảo lộn đang bao trùm lên Central Valley, California. Sandra Garcia, người làm việc trên các cánh đồng ở Central Valley hơn 40 năm, lo ngại về tương lai của các nông dân, trong đó có em gái bà, nếu Trump đắc cử và thực hiện kế hoạch trục xuất.

Em gái Garcia, một người nhập cư không giấy tờ, đã làm nông ở Central Valley trong nhiều năm trước khi xin được giấy phép lao động nhờ Đạo luật Chống bạo lực với Phụ nữ (VAWA). Luật này cung cấp lộ trình đặc biệt để giúp phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình hợp pháp hóa giấy tờ nhập cư.

"Nhiều phụ nữ đang chờ được giải quyết giấy tờ như em gái tôi, một số đã được cấp giấy phép, con cái họ cũng được áp dụng Chương trình hoãn hành động đối với người nhập cư trái phép lúc còn nhỏ (DACA), nhưng phần lớn nông dân ở đây không có giấy tờ hợp pháp", bà Garcia nói. "Nếu ông Trump trục xuất họ, các trang trại ở đây sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi không còn nông dân".

Nỗi lo này cũng đè nặng tâm trí Joe Del Bosque, chủ một trang trại ở hạt Fresno, California.

"Không biết Trump có hiểu rằng trục xuất hàng loạt dân nhập cư đồng nghĩa với đuổi những người có vai trò thiết yếu trong chuỗi cung ứng thực phẩm ở Mỹ hay không. California không thể canh tác những loại cây trông như dưa, anh đào, cà chua nếu không có họ", ông Bosque, tự nhận là người trung dung, nói.

Ông Del Bosque kiểm tra dưa ở trang trại tại bang , ngày 15/7. Ảnh: Fresno Bee
Ông Del Bosque kiểm tra dưa ở trang trại tại bang , ngày 15/7. Ảnh: Fresno Bee

Nhiều quan chức, cá nhân ủng hộ nhập cư đã cam kết đấu tranh chống lại các kế hoạch trục xuất hàng loạt nếu ông Trump tái đắc cử.

Manuel Cunha, Chủ tịch Liên đoàn Nông dân Nisei ở Fresno, cho biết quá trình đấu tranh có thể khơi mào một cuộc đình công lớn nhất nước trong ngành thực phẩm, với sự tham gia của hàng loạt nông dân, công ty vận tải.

Theo Trung tâm Ngân sách, Chính sách California, người nhập cư không giấy tờ ở bang này đóng góp gần 8,5 tỷ USD thuế hàng năm, giữ vai trò quan trọng trong hỗ trợ dịch vụ công tại các cộng đồng.

Nghị sĩ John Duarte, thành viên đảng Cộng hòa, gần đây giới thiệu Đạo luật Cải cách An ninh Biên giới và Nhập cư, cung cấp lộ trình pháp lý công nhận tình trạng lưu trú hợp pháp cho một số nhóm nhập cư không giấy tờ nhất định.

"Dự luật giúp người nhập cư đã ở Mỹ hơn 5 năm tránh bị trục xuất, đồng thời tạo chương trình lao động dạng thăm viếng linh hoạt để họ tham gia. Dự luật sẽ bảo vệ hàng nghìn gia đình cần cù, tuân thủ luật pháp, nộp thuế đầy đủ để đạt Giấc mơ Mỹ", ông Duarte nói.

Nhiều nông dân lớn tuổi, đã có tư cách lưu trú hợp pháp ở Mỹ, bày tỏ ủng hộ ông Trump. Nhưng Garcia cho rằng việc Trump tái đắc cử và thực hiện kế hoạch trục xuất quy mô lớn sẽ khiến cuộc sống, gia đình hàng triệu người ở California lâm cảnh bất ổn.

"Nhiều người nhập cư không giấy tờ ở đây giờ không biết phải làm gì, lo ngại bản thân và con cái sẽ bị gửi trả lại Mexico, trong khi đám trẻ đã sống ở đây cả đời rồi", Garcia nói.

Tại Tennessee, Lisa Sherman Luna, giám đốc điều hành Liên minh Quyền của Người tị nạn và Nhập cư, kể rằng khi Trump còn nắm quyền, nhiều học sinh sau khi tan học nhận ra nhà mình trống hoác, vì bố mẹ đã bị vây ráp và bắt đi. Ngày hôm sau, hơn 500 học sinh không đến lớp, khi nỗi lo sợ và hoang mang leo thang.

"Nó giống như quả bom phát nổ giữa cộng đồng", Luna nói. Các giáo viên tìm cách an ủi học sinh, trong khi giới chức tôn giáo và nhà hoạt động nỗ lực xây dựng một trung tâm ứng phó khẩn cấp. Cả khu vực chìm trong sợ hãi, ngay cả những gia đình không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến dịch bố ráp người nhập cư trái phép.

Nayeli vẫn nhớ như in ngày đó. "Tôi lo sợ về tương lai nếu lần này ông ấy thắng, bởi tôi đã nghe người ta nói rằng ông ấy lại muốn trục xuất", cô nói. "Tôi rất sợ".

Đức Trung (Theo Fresno Bee, AP, USA Today)

Tags:
Cuộc đua đốt tiền trong bầu cử Mỹ

Cuộc đua đốt tiền trong bầu cử Mỹ

Nước Mỹ bỏ ra gần 16 tỷ USD cho cuộc bầu cử năm nay, trong khi tổng chi phí cho tổng tuyển cử năm 2021 của nước láng giềng Canada chỉ là 69 triệu USD.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất