Người nước ngoài ngỡ ngàng với 'văn hóa ngủ trưa' ở Việt Nam

Tới làm việc tại Việt Nam, Tomomi, nhân viên người Nhật, rất ngạc nhiên khi thấy các đồng nghiệp ôm gối ngủ trong văn phòng sau bữa trưa.

14:09 19/05/2023

"Khi mới tới Hà Nội làm việc đầu năm ngoái, cảnh tượng mà tôi chứng kiến trong giờ nghỉ trưa là văn phòng tắt đèn tối om, các đồng nghiệp cùng đi ngủ", Tomomi, 27 tuổi, nhân viên một doanh nghiệp xây dựng Nhật Bản tại Việt Nam, kể với VnExpress.

Tomomi cho biết cô rất bất ngờ với điều này, bởi tại Nhật, mọi người thường tận dụng một tiếng nghỉ trưa để tiếp tục ngồi máy tính, chuẩn bị cho công việc tiếp theo vào ca chiều.

Giống như Tomomi, nhiều nhân viên nước ngoài mới đến Việt Nam cũng không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cảnh các đồng nghiệp mang chăn, gối ngủ ngay trên sàn công ty vào giờ nghỉ trưa.

Nhân viên ngủ trưa trong một tòa nhà văn phòng ở Hà Nội. Ảnh: Đức Trung
Nhân viên ngủ trưa trong một tòa nhà văn phòng ở Hà Nội. Ảnh: Đức Trung

"Văn phòng vốn rất náo nhiệt bỗng chốc yên lặng như tờ chỉ 20 phút sau bữa trưa. Mọi người tranh thủ chợp mắt trên ghế, gục mặt trên bàn hoặc trải đệm trên sàn nhà", Mark, người Mỹ 31 tuổi đang làm giáo viên tiếng Anh ở TP HCM, nói.

Mark cho hay anh ban đầu rất ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tượng này, bởi việc ngủ trưa trong văn phòng ở Mỹ bị coi là "rất kỳ quặc", thậm chí nhân viên có thể bị sếp đánh giá là "không chăm chỉ".

Tuy nhiên, sau hơn một năm sống và làm việc tại Hà Nội, Tomomi nhận thấy các quản lý người Nhật đôi khi cũng tranh thủ chút thời gian chợp mắt vào buổi trưa, khi thời tiết chuyển nóng. Cô hiểu rằng ngủ trưa là một "nét văn hóa" phổ biến trong đời sống Việt Nam, từ trường học cho đến công sở, và quyết định trải nghiệm điều này trong buổi trưa hè oi ả, sau đêm thức trắng làm việc trước đó.

"Vào một buổi trưa tháng 7, tôi quyết định bỏ bữa, ngủ 30 phút. Chiều hôm đó, tôi bất ngờ vì tỉnh táo như uống cà phê sau 10 phút mệt rũ khi thức dậy", Tomomi kể về giấc ngủ trưa đầu tiên trong đời mình.

Trong 6 năm giảng dạy ở TP HCM, Mark cũng tranh thủ ngủ trưa khoảng 30 phút nếu không có giấc ngủ ngon vào đêm hôm trước. Anh cho biết vấn đề duy nhất là học sinh thường khó tiếp thu hơn trong các tiết dạy sau giấc ngủ trưa. "Các em không ngủ đủ vào ban đêm và coi buổi trưa là giấc ngủ bù", giáo viên người Mỹ nói.

Tờ Nikkei Asia trong một bài viết năm 2017 từng đánh giá ngủ trưa là một "biện pháp hiệu quả nhằm cân bằng giữa công việc và cuộc sống". Bình luận viên Atsushi Tomiyama cho rằng việc các em học sinh hay nhân viên văn phòng tranh thủ chợp mắt sau giờ trưa "có thể là bài học cho văn hóa làm việc khắc nghiệt tại Nhật Bản".

Việt Nam không phải quốc gia duy nhất có văn hóa này. Ngủ trưa là truyền thống ở nhiều khu vực có khí hậu nóng nực trên thế giới, thậm chí ở các nước Nam Âu như Tây Ban Nha, Italy.

Ở các nước này, thời gian làm việc được xây dựng dựa theo thời điểm nóng nhất trong ngày. Theo truyền thống, người Tây Ban Nha làm việc từ 9h đến 14h trong ca sáng, nghỉ trưa 2 tiếng, trở lại làm việc từ 16h đến 20h.

"Khung giờ nghỉ ở Tây Ban Nha thường quá nóng để làm bất cứ việc gì, nên chúng tôi có văn hóa ngủ trưa, hay còn gọi là siesta. Người Bắc Âu hay cười nhạo chúng tôi về thói quen này, nhưng đây là cách giúp chúng tôi trở nên sảng khoái và có thể làm việc tới đêm", Alberto, đến từ Barcelona, cho biết.

Một người đàn ông lớn tuổi ngủ trưa tại thành phố Salamanca, Tây Ban Nha, năm 2018. Ảnh: Stuff
Một người đàn ông lớn tuổi ngủ trưa tại thành phố Salamanca, Tây Ban Nha, năm 2018. Ảnh: Stuff

Mark và Tomomi đều cho rằng các công ty Việt Nam không nên cấm nhân viên ngủ trưa tại văn phòng nếu chỉ cho rằng điều đó "có thể khiến đối tác nước ngoài bị sốc và ảnh hưởng tới hình ảnh của công ty".

"Chúng tôi hiểu đây không phải thói quen duy nhất ở Việt Nam, mà còn ở các nước có khí hậu nóng", hai người nói, thêm rằng điều quan trọng là các nhân viên cần dậy làm việc đúng giờ và đảm bảo năng suất trong ca chiều.

Ông Scott, 50 tuổi, quản lý người Mỹ làm việc trong ngành giáo dục ở Hà Nội, nhận định văn hóa làm việc phương Tây "quá tập trung tận dụng tối đa thời gian làm việc, cắt giảm thời gian nghỉ trưa và coi thường giấc ngủ ngắn".

Tại New York, ngày càng nhiều người tìm đến giấc ngủ ngắn giữa ngày làm việc để lấy lại tỉnh táo. Một số còn trả tiền cho các cơ sở cung cấp dịch vụ ngủ trưa đang phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu từ tình trạng thiếu ngủ của người Mỹ.

Nếu thực hiện đúng cách, giấc ngủ trưa ngon sẽ có vai trò quan trọng nâng cao chất lượng sống. "Giấc ngủ trưa giúp củng cố trí nhớ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi ký ức ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn và có thể cải thiện tâm trạng của bạn trong thời gian còn lại của ngày", Michael Breus, nhà sáng lập Sleep Doctor, cơ sở trị liệu về sức khỏe giấc ngủ tại Arizona, Mỹ, nói.

Làm việc tại Việt Nam, ông Scott đôi khi có những giấc ngủ vội trong giờ trưa "mà không sợ bị ai đánh giá". "Tôi yêu văn hóa làm việc ở đây. Thật không gì bằng uống một ly cà phê đen đá sau một giấc ngủ ngắn, khởi động buổi chiều bằng đôi mắt tươi mới", ông nói.

Tags:
Hậu ồn ào bị chê xấu tính, Lệ Quyên: Những kẻ xúc phạm nghệ sĩ một cách vô văn hóa không phải là khán giả

Hậu ồn ào bị chê xấu tính, Lệ Quyên: Những kẻ xúc phạm nghệ sĩ một cách vô văn hóa không phải là khán giả

Quan điểm về cách đối diện những bình luận kém duyên từ anti-fan của Lệ Quyên nhanh chóng thu hút sự quan tâm của công chúng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất