Người nước ngoài thích cuộc sống an toàn ở Việt Nam

Sau lần bố bị cướp bằng súng ở cửa hàng tiện lợi, Zach, 30 tuổi, ở bang Oregon, Mỹ lập tức lên kế hoạch chuyển đến châu Á sinh sống để có môi trường an toàn hơn.

09:17 12/08/2024

Là giáo viên ngành ngôn ngữ, Zach có nhiều lựa chọn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Nhưng một lần tình cờ đọc được chỉ số ổn định an toàn ở Việt Nam thêm một số bạn bè gợi ý mức sống ở đây rẻ, người dân thân thiện, đầu năm 2023 anh nhấn nút nộp hồ sơ và chuyển đến TP HCM.

Trở thành một giáo viên tiểu học ở quận Gò Vấp, nhìn lũ trẻ con vô tư chơi đùa bất kể ngày đêm, Zach nhận ra mình đã lựa chọn đúng. Ở Mỹ, anh đã quen với các vụ bạo lực súng. Năm ngoái, trường trung học ở TP Portland của anh đã phải sơ tán do có nổ súng gần đó. Học sinh luôn được dạy kỹ năng thoát hiểm từ khi còn bé. "Súng đạn vẫn là nỗi ám ảnh đáng sợ với người Mỹ", Zach kể.

Điểm không an toàn duy nhất ở TP HCM mà Zach được bạn bè cảnh báo trước là không nên nghe điện thoại trên đường phố nhưng anh chưa bị giật lần nào. Dịp Tết 2024, bạn của Zach bị kẻ gian rạch túi lấy cắp tiền, điện thoại trong lúc xem pháo hoa nhưng thủ phạm nhanh chóng bị bắt giữ.

"Tội phạm trộm cướp, lừa đảo ở quốc gia nào cũng có", Zach nói. "Nhưng ở đây, tôi luôn cảm thấy được an toàn".

Maximilian Rolf ở phố cổ Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Maximilian Rolf ở phố cổ Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gần hai năm sống ở Hà Nội, Maximilian Rolf nói hạnh phúc khi được tận hưởng nhịp sống yên bình, chậm rãi. Ở quê hương, chàng trai Đức luôn vội vã đi bộ đi làm vào sáng sớm, sau đó về nhà trước buổi tối để đảm bảo an toàn. Nhiều siêu thị và trung tâm thương mại ở Đức phải đóng cửa sớm để tránh xảy ra tình trạng trộm cướp.

Nhưng ở Việt Nam, đời sống về đêm lại khá sôi nổi. Cửa hàng mở tận khuya, người dân bày bán thức ăn trên hè phố, không lo cướp giật. Maximilian tự tin cầm máy quay đi dọc khắp phố phường Hà Nội để ghi lại cuộc sống.

Một trong những điều khiến anh ngạc nhiên nhất là các ngôi nhà gần như không bao giờ khóa cửa trừ lúc đi ngủ. Hàng xóm sẽ canh hộ hoặc có người lạ đột nhập vào cộng đồng, họ sẽ báo công an hoặc dò hỏi giúp.

Một lần, Maximilian sốc khi chứng kiến cùng nhau bắt cướp. Ở Đức, việc này chỉ có cảnh sát dám làm vì rất nguy hiểm. "Tôi cảm giác được sống trong sự bảo bọc bởi người dân nơi đây", anh kể.

Năm 2023, khảo sát của mạng lưới người sống ở nước ngoài lớn nhất thế giới Internations ghi nhận kết quả Việt Nam đứng trong top 15 quốc gia tốt nhất cho người nước ngoài, trong đó chỉ số được đánh giá cao nhất là an toàn và an ninh. Ở châu Á, Việt Nam xếp sau Đài Loan (Trung Quốc), UAE, Singapore, Bahrain, Qatar, Oman, Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia và đứng thứ 35 toàn cầu về chỉ số này.

Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng nhận xét của Maximilian là chính xác. Ông đã gặp rất nhiều người nước ngoài tự tin một mình đi xuyên Việt, khám phá mọi nơi bằng xe máy nhưng không sợ trộm cướp. Trong khi đó, Ông cũng gặp cảnh ở các thành phố lớn của Pháp hay Đức, kể cả việc ngồi uống bia vỉa hè cũng có sự giám sát, tuần tra của lực lượng cảnh sát. Họ đeo súng và sẵn sàng kiểm tra bất cứ ai nếu thấy tình nghi.

Nhưng ở Việt Nam, người dân luôn chào đón và có cái nhìn tích cực về khách nước ngoài, tạo điều kiện để họ có thể học hỏi, giao lưu văn hóa.

"Đây là dấu hiệu tích cực đối với sự phát triển của đất nước trên mọi phương diện từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội", ông Trung nói.

Andrea Gallo trong chuyến đi phượt ở miền Bắc, tháng 8/2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Andrea Gallo trong chuyến đi phượt ở miền Bắc, tháng 8/2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Andrea Gallo, người Italy, thừa nhận điều này. Anh đến Hà Nội 12 năm trước bằng học bổng của trường đại học. Anh thường đi phượt bằng xe máy bất kỳ khi nào có cơ hội, điều Andrea không thể làm ở quê hương anh, TP Napoli.

Ở Italy, du lịch trở thành đặc quyền của người khá giả bởi khách sạn đắt đỏ trong khi ở Việt Nam, nhà nghỉ gần như có ở mọi ngõ ngách. Andrea nói hơn hết, sự an toàn ở Việt Nam cho phép anh làm điều đó. Nếu chẳng may bị lạc đường ở quê nhà, anh sẽ lo lắng bởi tình trạng cướp bóc, lừa lọc, phải về chỗ nghỉ trước khi trời tối. Nhưng ở Việt Nam, lạc đường có thể cho anh một khám phá thú vị về ngõ ngách, người dân luôn thân thiện và không bị đe dọa bởi mối nguy hiểm nào.

Mùa đông ở Italy, Andrea thường thấy người vô gia cư trú ẩn ở các ga tàu, họ cố gắng xin tiền hoặc trộm của du khách. Nó hình thành nên làn sóng phổ biến hơn, khiến người ta có câu Opportunity makes a man a thief - Cơ hội tạo nên kẻ trộm.

Chàng trai nhận định mình vẫn có thể sống ổn định ở Italy nhưng ở Hà Nội, anh thấy xã hội hướng về cộng đồng, thay vì cá nhân cho người ta cảm giác an toàn hơn.

"Tôi nghĩ đó là lý do nhiều người chọn và xem đây như quê hương của mình", Andrea nói.

Ngọc Ngân - Thanh Nga

Tags:
Bạn sẽ không nhìn thấy vòi xịt toilet khi đến Mỹ - vì sao vậy?

Bạn sẽ không nhìn thấy vòi xịt toilet khi đến Mỹ - vì sao vậy?

Tại sao WC nào ở Việt Nam cũng có cái vòi xịt vệ sinh này mà ở Mỹ thì không?

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất