Người phụ nữ 55 năm chờ đợi tình đầu
Yêu nhau từ tuổi 20 nhưng số phận bắt Lý Đan Ni và Viên Địch Bảo chia cắt đến khi gần đất xa trời.
06:42 13/12/2024
Mối tình của họ bắt đầu ở Học viện Y khoa Chiết Giang năm 1953. Khi đó Lý Đan Ni, 26 tuổi, nữ giảng viên với ngoại hình xinh đẹp và thông thạo bốn ngoại ngữ là thần tượng trong mắt sinh viên.
Lần đầu tiên gặp, sinh viên năm nhất Viên Địch Bảo, 25 tuổi, đã bị cô giáo thu hút.
Nhờ sự chăm chỉ, Địch Bảo trở thành lớp trưởng lớp tiếng Nga, có thêm nhiều cơ hội trò chuyện với Lý Đan Ni. Vì cậu học trò rất thích ngoại ngữ mà khi ấy trường không có lớp tiếng Anh, nên Đan Ni đã mời đến nhà học thêm vào cuối tuần.
Lúc bấy giờ, Đan Ni sống cùng bố là một nhạc sĩ người dân tộc Khách Gia, mẹ là một phụ nữ Pháp. Viên Bảo cũng là người Khách Gia, mỗi lần đến nhà học chàng trai nói ngôn ngữ này với bố Đan Ni nên được cả gia đình yêu quý.
Tình yêu giữa hai người nảy nở. Một lần cùng đi chùa, cô gái xinh đẹp hát một bài tiếng Nga. Khi về nhà Địch Bảo mới biết đó là lời thổ lộ của người con gái. Đan Ni còn tự đan chiếc áo len, tặng đồ dùng học tập và nhu yếu phẩm hàng ngày cho chàng sinh viên nghèo. Nhưng cô cũng nhận thấy người mình yêu hay buồn.
Năm 1955, chuyên ngành của Địch Bảo sáp nhập về Học viện Y khoa Hoa Tây. Chàng trai phải đến Thành Đô để tiếp tục học. Trước khi lên đường, chàng trai đã thổ lộ bí mật.
Một tháng trước khi vào đại học, gia đình đã sắp xếp một cuộc hôn nhân cho anh. Người vợ môn đăng hộ đối trong mắt gia đình song ông không hề quen biết. Nhưng một khi đã cưới thì không thể phụ bạc. Giữa ràng buộc của hôn nhân cũ và tình yêu tự do, Địch Bảo dằn vặt đau khổ.
Phản ứng đầu tiên của Đan Ni sau khi biết chuyện là "không thể xây dựng hạnh phúc trên nỗi bất hạnh của người phụ nữ khác". Mẹ cô cũng nói "chàng trai này giờ không còn chỗ cho con nữa".
Hai người quyết định từ nay sẽ coi nhau như anh em. Kể từ đó, cuộc sống của Đan Ni và Địch Bảo như hai đường thẳng song song, chỉ thi thoảng báo tin qua thư từ.
Một năm sau, Đan Ni cùng gia đình sang Pháp. Địch Bảo học xong trở về Hạ Môn, sống hòa thuận với vợ. Họ lần lượt có ba con trai. Biết ông nuôi con vất vả, Đan Ni gửi sữa bột, đồ chơi về cho các cháu. Nhưng hai người mất liên lạc từ năm 1965.
Về phần mình, cuộc sống của Đan Ni những ngày đầu ở Pháp rất khó khăn. Vì là con lai nên cô bị họ hàng khinh miệt. Để nuôi sống gia đình, cô làm nghề tốc ký. Đến năm 1973, Đan Ni làm trợ giảng tiếng Trung tại Đại học Lyon. Ở tuổi 53, bà lấy bằng tiến sĩ Hán học tại Đại học Paris VII và trở thành phó giáo sư ở đây. Sau khi nghỉ hưu, bà còn giữ chức Tổng thư ký Hiệp hội Trung - Pháp.
Sự nghiệp thăng tiến, nhưng bà vẫn lẻ bóng bởi trong trái tim chỉ có hình bóng Viên Địch Bảo. Trong những năm mất tin nhau, bà từng về Trung Quốc ba lần tìm kiếm nhưng không có tin tức.
Còn ông Viên không hay biết về tình hình của bà ở Pháp. Năm 1994, vợ ông mắc ung thư qua đời. "Trong 10 năm từ lúc vợ mất, tôi chỉ chờ ăn, chờ ngủ, chờ chết", ông nói.
Tết 2010, những người con cháu tề tựu về chúc Tết thấy cha tiều tụy rất xót xa. Khi tâm sự, ông Viên vô tình nhắc đến chuyện cũ với Lý Đan Ni. Lần đầu tiên nghe chuyện này, Âu Dương Lộ Anh, con dâu út của ông, đã rất cảm động trước tình cảm thầm kín của hai người.
Cô hỏi bố: "Sao bố không viết thư cho cô ấy nữa?". Ông đáp: "Đã ngoài 80 tuổi rồi, không biết còn sống hay không, mà thư trước đây gửi đều bị trả lại". Người con dâu khuyên bố hãy thử viết thư hỏi thăm. Ông không trả lời, lên gác đi ngủ, nhưng đêm đó, đèn trong phòng ông sáng suốt đêm.
Sau khi tìm hiểu được người Pháp thường không thay đổi địa chỉ, Âu Dương lại động viên bố chồng thử viết thư theo địa chỉ cũ đến Lyon. Vậy là ông Viên viết 5 bức thư bằng 5 thứ tiếng gửi đến địa chỉ cũ với hy vọng nếu Đan Ni không nhận được thì hàng xóm hoặc người thân của bà có thể chuyển giúp.
10 ngày sau, bà Lý nhận được thư. Nhìn nét chữ quen thuộc, bao cảm xúc dâng trào trong lòng bà, vừa bất ngờ, vừa hồi hộp, bùi ngùi.
Bà cũng nhanh chóng hồi âm về cuộc sống hiện tại của mình: "Những năm qua tôi sống một mình. Đến khi nào không thể tự chăm sóc bản thân, tôi sẽ sống nốt quãng đời còn lại ở tu viện".
Nhận được thư trả lời của bà, ông Viên cũng vô cùng xúc động. Nhưng khi biết bà lẻ bóng suốt bao năm và tuổi già trong tu viện, ông rất đau lòng. Các con động viên ông đón bà về Hạ Môn sống cùng. "Mẹ đã mất rồi, bố còn muốn bỏ lỡ cô nữa sao?", họ nói.
Khi biết tin mình sẽ được đón về Trung Quốc, bà Lý đã hỏi ý kiến cha xứ. Người ấy trả lời: "Đó đều là ý trời".
Một ngày đẹp trời năm đó, Âu Dương sang Pháp đón bà Lý về Hạ Môn. Ngày máy bay hạ cánh, ông Địch Bảo tay ôm bó hoa 55 bông hồng đứng đợi bên ngoài chờ đợi. Trùng phùng sau 55 năm xa cách, hai mái đầu bạc ôm nhau khóc.
Ngày 26/9/2010, hai người tổ chức đám cưới. Cuối cùng, ở tuổi 83, Lý Đan Ni đã được mặc váy cưới, lên xe hoa về nhà chồng.
Cuộc sống hôn nhân của họ tràn ngập niềm vui. Chính vì đã ở tuổi gần đất xa trời, họ càng trân quý đoạn tình cảm này. Vì ông Viên thính lực giảm sút, mỗi khi nói chuyện bà Lý phải ghé sát tai. Còn bà bị bệnh tăng nhãn áp nên mắt kém, đi lại phải nắm tay chồng. Họ nương tựa vào nhau "em là tai anh, anh là mắt em".
Ngày tháng cứ thế trôi qua êm đềm và trọn vẹn. Tháng 10/2017, sau 7 năm bên nhau, ông Viên ra đi thanh thản. Một năm sau, bà Lý cũng qua đời. Các con của ông Địch đã chia tro cốt của bà làm hai phần: một phần an táng cùng cha ở Trung Quốc, phần còn lại đưa về Pháp an táng cùng bố mẹ bà.
Câu chuyện tình yêu khắc cốt ghi tâm của họ đã được con dâu Âu Dương, nhà văn viết thành sách "Chờ đợi tình yêu trọn vẹn". Dù nhiều người không đồng tình với việc Đan Ni cả đời chờ đợi mối tình đầu nhưng tình yêu thuần khiết mà sâu sắc của bà vẫn khiến bao người cảm động.
Bảo Nhiên (Theo Sohu)
Khi gặp điều không may, hãy ngồi ở 4 nơi này thường xuyên hơn, cuộc sống rồi sẽ khởi sắc
Khi cuộc đời gặp những điều không may mắn, nhà sư lỗi lạc khuyên bạn hãy ngồi ở 4 nơi này nhiều hơn.