Người phụ nữ gốc Việt đứng sau các siêu anh hùng ‘Avengers: Endgame’
Sau khi ‘Avengers: Endgame‘ ra mắt, khán giả Việt nhanh chóng nhận ra sự xuất hiện của một cái tên Việt Nam trong đội ngũ sản xuất. Đó là Giám đốc sản xuất Trinh Trần.
21:30 03/05/2019
Nhà làm phim nữ mang dòng máu Việt Nam – Trinh Trần.
Avengers: Endgame khẳng định sức hút khi kéo khán giả đến kín rạp hàng loạt suất chiếu. Đóng góp vào sự thành công của phim không chỉ có dàn diễn viên mà còn cả đội ngũ sản xuất âm thầm cống hiến phía sau máy quay. Một trong số đó là một nhà làm phim nữ mang dòng máu Việt Nam – Trinh Trần.
Hoài bão trở thành nhà làm phim dù khó khăn
Làm việc với Marvel Studio từ bộ phim đầu tiên – Iron Man (2008) – tới nay, Trinh Trần có những bước đi chậm và chắc trong sự nghiệp. Cô khởi đầu ở vị trí trợ lý hậu kỳ trong năm phim: Iron Man (2008), The Incredible Hulk(2008), Iron Man 2 (2010), Thor (2011), Captain America: The First Avenger(2011)và The Avengers (2012).
Từ năm 2014, Trinh Trần đảm nhận vị trí Điều hành sáng tạo, có mặt trong các khâu sản xuất của Captain America: Civil War (2016) và Captain America: The Winter Soldier (2014). Với Avengers: Infinity War và Avengers: Endgame, Trinh Trần được Marvel tin tưởng giao cho trọng trách Giám đốc sản xuất.
Trở thành nhà làm phim là ước mơ từ nhỏ của Trinh Trần. Sau khi tốt nghiệp chương trình làm phim mùa hè Inner – City Filmakers (ICF), cô tham gia hỗ trợ sản xuất bộ phim Monster House (2006) của đạo diễn Gil Kenan.
ICF là chương trình đào tạo nghề nghiệp lĩnh vực giải trí ở California, Mỹ. Thành lập năm 1993 bởi Fred Heinrich và Stephania Lipner, tổ chức phi lợi nhuận này mở cửa để tạo điều kiện cho các thanh thiếu niên có kinh tế khó khăn nhưng mong muốn làm việc trong ngành giải trí.
Không còn là một trợ lý chạy việc, Trinh Trần giờ đây có một ghế trong bàn tròn, có quyền cất tiếng nói và có sức ảnh hưởng tới đường đi của Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Tương lai của nữ quyền trong MCU
Nói về vai trò sắp tới của hệ thống nhân vật nữ trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU), Trinh Trần khẳng định rằng người hâm mộ sẽ được chiêm ngưỡng sự hiện diện của họ thường xuyên hơn.
“Trong Avengers: Endgame, phân cảnh các nữ anh hùng sát cánh chiến đấu đã tăng thêm sự hào hứng ở khán giả. Trong khi, trước đó cả biệt đội Avengers chỉ có mình Black Widow”, nhà làm phim nói.
Với quyền hạn của mình, Trinh Trần hướng tới việc cân bằng vị trí giữa các nhân vật nam và nhân vật nữ. Hơn nữa, hình tượng của các nữ anh hùng cũng được xây dựng để trở thành một hình mẫu mà các cô gái có thể học theo.
“Mọi nhân vật nữ của chúng tôi đều mang cá tính riêng. Điều này thể hiện ngay trong chủ nghĩa anh hùng của họ. Wonder Woman và Captain Marvel đại diện cho hai điều khác nhau. Điều quan trọng nhất là chúng tôi phải lắng nghe khán giả để sửa đổi, đồng thời, tôn trọng nguyên tác nhân vật của mình”, Trinh Trần khẳng định.
Xu hướng thay đổ tỷ lệ nữ giới trong ngành công nghiệp điện ảnh
Tuy nhiên, đây mới chỉ là câu chuyện trước ống kính. Trên thực tế, số lượng nữ giới trong đội ngũ sản xuất phim vẫn còn ít. Địa vị của Trinh Trần tại một hãng phim lớn như Marvel là sự cổ vũ cho tiến trình đa dạng hóa sắc tộc và giới tính nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện ảnh.
Theo thống kê của Womenandhollywood năm 2018, trong 250 phim điện ảnh có doanh thu cao nhất, 92% số phim không có nữ giới ở vị trí đạo diễn, 74% số phim không có nữ giới ở vị trí dựng phim và 93% số phim không có nữ ở vị trí biên kịch.
Với vị trí Giám đốc sản xuất của Trinh Trần, tình hình có khả quan. Nữ giới đảm nhận chức danh này chiếm tới 21% trong số Top 250 phim có doanh thu cao nhất.
Trinh Trần chia sẻ: “Trong bốn năm sản xuất Infinity War và Endgame, tôi trực tiếp làm việc với anh em nhà Russo (đạo diễn) nên không có nhiều cơ hội ra ngoài tìm kiếm thêm thành viên. Tuy nhiên, chúng tôi có hướng tới việc chào đón thêm nhiều nữ giới vào đội ngũ của mình”.
Nguồn: baomoi.com
Không cần học vẫn giàu – sự ‘tưởng bở’ của nhiều thế hệ
Câu cửa miệng của nhiều người là “Bill Gates cũng bỏ học giữa chừng đấy thôi”. Thực tế số người học ít mà vẫn giàu là rất nhỏ.