Người phụ nữ gốc Việt kiếm gần một triệu USD nhờ quán bar thể thao cho nữ

Chỉ sau 8 tháng kinh doanh, Jenny Nguyễn thu về một triệu USD nhờ mô hình quán bar thể thao đầu tiên dành cho nữ tại Mỹ.

20:46 04/11/2023

Khi Jenny Nguyễn, 43 tuổi, mở quán bar mơ ước, cô không dám chắc liệu nó có hoạt động được vài tháng không. Nhưng đầu tháng 4/2023, cơ sở đầu tiên của Nguyễn ở thành phố Portland, bang Oregon, đã tổ chức lễ kỷ niệm một năm thành lập. Được đặt tên là The Sports Bra, đây được cho là quán bar đầu tiên của Mỹ chỉ phát các môn thể thao nữ.

Mặc dù các mô hình kinh doanh thông thường và lạm phát kỷ lục khiến giá thực phẩm hay đồ uống tăng vọt, hoạt động kinh doanh của The Sports Bra vẫn tốt đẹp. Theo tài liệu của CNBC Make It, Sports Bra đã mang lại doanh thu 944.000 USD chỉ sau 8 tháng khai trương. Nguyễn cho biết thêm năm đầu tiên kinh doanh đã có lãi.

Ban đầu, người phụ nữ gốc Việt không chắc ý tưởng này sẽ thành công, bởi phần lớn tiền bạc và sự chú ý trong lịch sử chỉ dành cho các môn thể thao nam. Cô tự mô tả mình là người "rất thận trọng và không thích rủi ro". Nhưng niềm đam mê với các môn thể thao dành cho phụ nữ cùng sự thất vọng khi không tìm được nơi chiếu các chương trình này đã khiến Nguyễn quyết định dốc hết khoản tiết kiệm, khoảng 27.000 USD, và thử sức.

"Cá nhân tôi nghĩ ý tưởng này thật tuyệt vời và đó là điều thế giới cần", cô nói. "Nhưng tôi không biết thế giới có muốn nó hay không. Dù vậy, tôi cũng muốn thử một lần", Nguyễn nói.

Jenny Nguyễn bên quán bar thể thao của mình ở bang Oregon. Ảnh: Dalila Brent

Jenny Nguyễn bên quán bar thể thao ở bang Oregon. Ảnh: Dalila Brent

Từ một trò đùa đến khi thành hiện thực

Là một người hâm mộ bóng rổ, Jenny Nguyễn từng chơi môn thể thao này tại Đại học Clark ở Vancouver, Washington, trước khi bị rách dây chằng chéo trước. Cô từng là nhân viên nhà hàng lâu năm và đã có ba năm làm bếp trưởng điều hành của trường Cao đẳng Reed.

Năm 2018, Nguyễn và một nhóm bạn muốn xem giải vô địch bóng rổ nữ NCAA. Cô nhớ họ đến một quán bar thể thao gần như không có khách và phải năn nỉ bartender chuyển một trong những chiếc tivi nhỏ nhất đang mở chương trình thể thao nam sang kênh có giải vô địch bóng rổ nữ, và tắt tiếng.

Cả nhóm đã cùng nhau hò hét, nhảy múa để ăn mừng "một trong những trận đấu hay nhất mà tôi từng xem", Nguyễn nói, khi một cú đánh ba điểm ấn tượng đã ấn định chức vô địch cho Notre Dame.

Sau hôm đó, Nguyễn nghĩ sẽ tuyệt vời hơn nếu cô và bạn bè có địa điểm riêng để xem những trận thi đấu thể thao nữ này. Ý tưởng quán bar bắt đầu xuất hiện.

"Điều đầu tiên nảy ra trong đầu tôi là The Sports Bra", Nguyễn nói về tên quán. "Và tôi không thể ngừng suy nghĩ về nó. Dự án đó thật sự hấp dẫn, tôi nghĩ nó sẽ rất vui nhộn".

Trong nhiều năm, Nguyễn nói đùa về ý tưởng mở bar. Sau đó, hậu quả từ các phong trào công bằng xã hội như #MeToo và sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ sau vụ sát hại George Floyd khiến cô muốn tạo ra một tác động có ý nghĩa đối với thế giới, cộng đồng.

Nguyễn, người công khai là đồng tính nữ năm 17 tuổi, cho biết không phải lúc nào cô cũng thấy được chào đón ở hầu hết các quán bar thể thao truyền thống. The Sports Bra có thể giúp ích cho Nguyễn và những người giống cô.

"Tôi đã nghĩ đến việc nếu chúng ta có thể đưa một đứa trẻ vào đây và khiến chúng cảm thấy mình thuộc về thể thao, điều đó cũng thật xứng đáng", Nguyễn nói.

Giúp những người khác mở các quán bar thể thao cho nữ

Ban đầu, Nguyễn có 27.000 USD tiền tiết kiệm và khoản vay 40.000 USD từ bạn bè, gia đình. Cô dự tính số tiền này sẽ giúp The Sports Bra tồn tại trong ba tháng, dựa trên ước tính chi phí lao động, hàng tồn kho và các chi phí chung khác.

Tháng 2/2022, Nguyễn gọi vốn cộng đồng trên Kickstarter để có 48.000 USD. Khoản tiền này đủ hỗ trợ tài chính trong sáu tháng nhằm xây dựng lượng khách hàng thường xuyên mà bất kỳ quán bar hoặc nhà hàng nào cũng cần để tồn tại lâu dài.

Trước sự kinh ngạc của Nguyễn, chiến dịch đã quyên góp được hơn 105.000 USD chỉ trong 30 ngày nhờ một bài báo lan truyền trên Eater. Cô nói: "Thời điểm đó, lúc nhìn vào biểu đồ Kickstarter, tôi đã tự nghĩ: Chiến dịch này có thể hiệu quả".

Nhưng số tiền trên, được gửi từ khắp đất nước và thế giới, không đảm bảo thành công cho The Sports Bra. Những người ở thành phố Portland mới là khách hàng mà cô cần.

Hiện tại, thường có một hàng người xếp hàng ngoài cửa quán bar của Nguyễn. Các biểu tượng bóng rổ nữ như Sue Bird và Diana Taurasi từng xuất hiện tại đây trong một sự kiện do Buick tài trợ. Ginny Gilder, đồng sở hữu đội Seattle Storm của WNBA, thậm chí còn xếp hàng để được vào xem đội cô thi đấu trên tivi tại The Sports Bra.

Quán của Jenny Nguyễn hiện khá đông khách. Ảnh: Dalila Brent

Quán của Jenny Nguyễn hiện khá đông khách. Ảnh: Dalila Brent

Nguyễn từng bị nhiều ngân hàng và hiệp hội doanh nghiệp nhỏ từ chối cho vay kinh doanh. Lý do phần lớn đều là rủi ro cao do ý tưởng quá độc lạ, lại do một người lần đầu khởi nghiệp trong thời kì đại dịch hoành hành.

Ngay cả khái niệm cốt lõi của quán cũng là một cuộc đấu tranh: Thật khó để tìm đủ các sự kiện thể thao dành cho phụ nữ để bật suốt ngày trên tivi. Theo một nghiên cứu năm 2021 của Đại học Nam California, chỉ có khoảng 5% tổng số tin tức thể thao trên truyền hình tập trung vào các vận động viên nữ.

Nguyễn cho biết cô từng liên hệ trực tiếp với các mạng thể thao và dịch vụ phát trực tuyến, một số trong đó đã giúp cô tiếp cận được nhiều nội dung thể thao dành cho phụ nữ hơn. Cô cũng dành thời gian để rà soát các lịch phát sóng, quá trình mà cô ví như "cầm dao rựa và chặt xuyên rừng".

Nhưng hiện tại mô hình quán bar của Nguyễn không còn là duy nhất. Một quán bar khác chuyên về các môn thể thao dành cho phụ nữ đã được mở ở bang Seattle gần đó. Nguyễn cho biết cô hiện liên lạc với một số doanh nhân tương lai, những người đang xin lời khuyên của cô về việc mở các cửa hàng tương tự ở nhiều thành phố.

"Tôi muốn có càng nhiều người được trải nghiệm cảm giác mà những người khác đã có khi bước qua cánh cửa này. Tôi cảm thấy mình quá ích kỷ khi giữ mô hình kinh doanh này trong một tòa nhà có sức chứa chỉ 40 người cùng lúc", Nguyễn nói.

Hướng Dương (Theo CNBC)

Tags:
Thúy Nga đón Cát Tường ở Mỹ: “Cát Tường giờ sướng quá, đi nước nào cũng có nhà để ở”

Thúy Nga đón Cát Tường ở Mỹ: “Cát Tường giờ sướng quá, đi nước nào cũng có nhà để ở”

"Cát Tường dạo này đời sống ổn định lắm nên đi du lịch miết. Giờ Cát Tường sướng quá, đi nước nào cũng có nhà cửa để ở, đi Mỹ cũng có nhà, đi Úc cũng có nhà" – Thúy Nga nói.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất