Người phương Tây lại tranh cãi về khẩu trang
Trong lúc các nước bắt đầu tái mở cửa nền kinh tế, khẩu trang, vật dụng thiết yếu giúp ngăn nCoV lây lan, lại đang gây tranh cãi ở phương Tây.
20:30 29/06/2020
Giới khoa học và y tế quốc tế đồng thuận rộng rãi rằng khẩu trang là một phần quan trọng trong nỗ lực chống Covid-19. Chỉ khẩu trang chuyên dụng N95 mới có thể lọc các hạt nhỏ tương đương virus và ngăn chặn virus lây lan, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng khẩu trang vải hay khẩu trang phẫu thuật bình thường cũng đủ sức ngăn phát tán nCoV do chúng chặn được giọt bắn khi con người trò chuyện, ho hay hắt hơi.
Dù nhiều nước châu Âu và một số bang của Mỹ đã ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại cửa hàng hay trên phương tiện giao thông công cộng, nghiên cứu cho thấy người dân các nước phương Tây vẫn rất miễn cưỡng với khẩu trang và chỉ đeo trong trường hợp bất khả kháng.
Các quốc gia Bắc Âu dường như phản đối việc đeo khẩu trang nhiều hơn các nước láng giềng Địa Trung Hải, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi dịch bệnh. Trong các cuộc khảo sát được YouGov PLC thực hiện từ tháng 2 đến cuối tháng 5 tại Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan, chưa đến 10% số người được hỏi nói họ thường xuyên đeo khẩu trang.
Tại Mỹ, vấn đề đeo khẩu trang đã làm bùng phát các cuộc tranh luận chính trị gay gắt. Người đứng đầu cơ quan y tế quận Cam, California, mới đây phải từ chức sau khi bị đe dọa tính mạng vì ban bố lệnh buộc người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Một nghiên cứu do Đại học Middlesex London, Anh, và Viện nghiên cứu Khoa học Toán học ở Berkeley, , thực hiện cho thấy trong hai giới, đàn ông có xu hướng coi việc đeo khẩu trang là "đáng xấu hổ, không thời trang, là biểu hiện của sự yếu đuối và kỳ thị" hơn phụ nữ.
Tại Anh, một trong những nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất toàn cầu, chỉ 1/4 số người được hỏi trong cuộc khảo sát ngày 14/6 của YouGov nói họ thường xuyên đeo khẩu trang.
Jez Lloyd, 56 tuổi, giám đốc một công ty ở London, cho biết ông sẽ đeo khẩu trang nếu phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhưng ông hoài nghi tính hiệu quả của chúng bởi "chúng sẽ khiến bạn có cảm giác sai lầm về sự an toàn".
Một nghiên cứu đăng ngày 30/4 của Đại học Bamberg, Đức, cho thấy "tỷ lệ chấp nhận đeo khẩu trang ở châu Âu vẫn thấp. Rất nhiều người cảm thấy kỳ lạ khi phải đeo khẩu trang".
Khi Covid-19 lan tới phương Tây hồi tháng hai, các tổ chức y tế quan trọng, như Tổ chức Y tế (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ đều không đồng tình với việc yêu cầu người dân đeo khẩu trang bên ngoài bệnh viện. Một số chuyên gia cho rằng những chiếc khẩu trang y tế hay khẩu trang vải đơn giản không thể ngăn chặn virus mà thay vào đó, chúng khiến người đeo có cảm giác "an toàn giả tạo".
Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams ngày 29/2 tweet: "Mọi người, hãy ngừng mua khẩu trang". Ông sau đó xin lỗi và nay ủng hộ việc đeo khẩu trang.
Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cho biết ông ban đầu phản đối việc đeo khẩu trang rộng khắp vì lúc bấy giờ, nhân viên y tế đang đối mặt tình trạng thiếu nguồn cung và khẩu trang nên được dành cho các y bác sĩ ở tuyến đầu.
"Lẽ dĩ nhiên, người dân hiện đánh mất niềm tin vào các chuyên gia y tế, đặc biệt là về vấn đề khẩu trang", Jeremy Howard, nhà khoa học về dữ liệu y khoa tại Đại học San Francisco, người theo đuổi một chiến dịch ủng hộ khẩu trang, cho hay.
Tại một số nước, những hoài nghi như vậy càng làm tăng thêm thái độ kỳ thị đối với các hình thức che mặt khác. Ở Áo, Pháp và Bỉ, mạng che mặt của người Hồi giáo bị cấm. Các quốc gia châu Âu khác ban hành lệnh cấm đeo mặt nạ, khẩu trang khi tham gia biểu tình công cộng. Khẩu trang còn bị cấm tại ngân hàng vì lý do an ninh.
"Tôi nhận thức được rõ ràng rằng khẩu trang là hoàn toàn xa lạ đối với văn hóa của chúng ta", Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hồi tháng 4 nói khi ông kêu gọi người dân đeo khẩu trang.
Giáo sư Karl Lauterbach, chuyên gia về dịch tễ học Đức, cho rằng trong một nền văn hóa đề cao ngoại hình, việc từ chối đeo khẩu trang liên quan đến bản sắc, nhu cầu thể hiện.
"Tỷ lệ chấp nhận khẩu trang rất thấp, ngay cả khi mọi sinh viên y khoa đều biết khẩu trang giúp ngăn ngừa lây nhiễm. Đây là lý do bác sĩ chúng tôi đã đeo chúng hơn 100 năm qua", ông nói.
Theo Lauterbach, việc thiếu đi những hình mẫu tiêu biểu về đeo khẩu trang trong giới lãnh đạo càng khiến tình hình trở nên tồi tệ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, một nhà kỹ trị, không sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng. Tổng thống Mỹ Donald Trump khuyến khích mọi người đeo khẩu trang nhưng tuyên bố ông sẽ không đeo.
Tâm lý này trái ngược so với ở châu Á, khi đa phần người dân đều tự nguyện đeo khẩu trang, theo giáo sư Yuen Kwok-Yung, chuyên gia y tế cố vấn cho chính quyền đặc khu Hong Kong, bình luận.
Hong Kong, với 7,5 triệu dân, là một trong những khu vực có mật độ dân cư dày đặc nhất Thế giới, nhưng chỉ ghi nhận 6 trường hợp tử vong vì Covid-19 dù không áp đặt phong tỏa và tiếp nhận tới gần 3 triệu khách nước ngoài mỗi ngày.
Bí quyết thành công của Hong Kong nằm ở tỷ lệ sử dụng khẩu trang giờ tan tầm là 97%, theo giáo sư Yuen. 3% không tuân thủ chủ yếu là người đến từ Mỹ hoặc châu Âu.
"Thứ duy nhất giúp ngăn chặn virus lây lan là sử dụng khẩu trang toàn dân", ông nhấn mạnh.
Czech là nước châu Âu đầu tiên ra lệnh bắt buộc sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng từ ngày 18/3, trước khi báo cáo ca tử vong đầu tiên vì Covid-19. Từ đó, nước này dần giảm số ca nhiễm mới mỗi ngày xuống dưới 50 và giờ đây trở thành nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp nhất thế giới.
Các gương mặt nổi tiếng, bao gồm cả Thủ tướng Andrej Babis, đều đeo khẩu trang tại nơi công cộng nhằm khuyến khích người dân sử dụng chúng. Các bộ trưởng và chuyên gia thường xuyên đăng các video trực tuyến giải thích lợi ích của việc đeo khẩu trang.
Một trong các video như vậy đã truyền cảm hứng cho Thomas Nitzsche, thị trưởng thành phố Jena, Đức. Ông là thị trưởng đầu tiên của Đức ra lệnh đeo khẩu trang tại một số không gian công cộng vào thời điểm mà chính quyền liên bang chống lại việc sử dụng chúng.
Tại thời điểm ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang vào ngày 6/4, Jena là một trong những thành phố có tỷ lệ lây nhiễm nCoV cao nhất Đức. Chưa đầy một tháng sau, họ không còn ghi nhận ca nhiễm mới nào. Hôm 22/6, Jena chỉ còn một ca Covid-19.
"Khoa học đứng về phía khẩu trang nhưng cuối cùng, quyết định của tôi được thúc đẩy bởi thường thức", ông nói. "Đây là một căn bệnh về hô hấp, việc che miệng và mũi giúp ngăn ngừa virus lây lan".
Link nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-phuong-tay-lai-tranh-cai-ve-khau-trang-4122404.html
10 thực phẩm Trung Quốc chuyên gia Mỹ khuyên tránh xa
Dưới đây là 10 thực phẩm “made in China” mà các chuyên gia Mỹ khuyên người tiêu dùng nên tránh: