Người trẻ Mỹ trì hoãn tiết kiệm

Anousha Ahmed cho biết, đối với cô, công việc đầu tiên chính là có được sự tự do, làm những điều mình muốn.

06:29 27/06/2023

"Tôi không tập trung tiết kiệm. Bây giờ gần như tôi có thu nhập tùy ý và làm bất kỳ điều gì tôi muốn", cô gái 18 tuổi, ở Virginia, nói.

Cô đã có thời gian ngắn làm việc tại một trường dạy bơi dành cho trẻ em đầu năm nay. Ahmed dành tiền cho những trải nghiệm như hòa nhạc, đi du lịch, ăn uống tại nhà hàng và đi trượt patin.

Ahmed không phải người duy nhất trong độ tuổi của cô tiêu tiền ngay khi kiếm được. Báo cáo lập kế hoạch hưu trí 2022 của Fidelity Investments cho thấy một nửa số người thuộc Gen Z (sinh từ 1997-2012) không thấy có lý do để phải tiết kiệm cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường, 56% tạm dừng kế hoạch tiết kiệm để chuẩn bị cho tương lai sau khi trải qua đại dịch.

Tỷ lệ này thấp hơn một chút ở gen Y (sinh từ đầu 1980 đến đầu 2000) và thấp hơn đáng kể ở gen X (giữa 1960 - đầu 1980), những người gần hoặc đã nghỉ hưu.

Ahmed cho biết đại dịch đã cho rất nhiều người trẻ thấy cuộc sống bình thường của họ có thể bị đánh cắp nhanh như thế nào. Vì vậy điều quan trọng với thế hệ này là phải bù đắp những năm tháng đã bỏ lỡ bằng những trải nghiệm thú vị và những kỷ niệm đẹp.

Ảnh minh họa: SCMP
Ảnh minh họa: SCMP

Những người trẻ đang đầu tư vào bản thân

Trong khi nhiều người trẻ tận dụng thời gian sau mở cửa để đi du lịch, tham gia các hoạt động họ đã bỏ lỡ trong đại dịch. Những người khác cũng có thể đưa ra quyết định chiến lược về tài chính.

Lauryn Williams, người sáng lập của Worth Win, một công ty giúp người trẻ sắp xếp tài chính cho biết, trước những bất ổn kinh tế đang diễn ra hiện nay, nhiều người trẻ tuổi tìm kiếm các khoản đầu tư cho họ khả năng kiểm soát.

"Thật khó đặt niềm tin vào thị trường chứng khoán đầy thăng trầm trong năm nay. Có người nói với tôi, bạn ấy không muốn mất gì nữa vì cảm thấy làm gì cũng có thể mất tiền", chuyên gia nói. Williams khuyên người trẻ đầu tư vào bản thân hoặc phát triển sự nghiệp, chẳng hạn kinh doanh riêng hay nâng cao trình độ học vấn.

Ahmed, sinh viên năm nhất ĐH Virginia dự định học ngành thương mại, tập trung vào công nghệ thông tin và quản lý, cũng đang cân nhắc kinh doanh riêng. Cô cho biết, điều quan trọng là phải học trường đại học có lợi cho bản thân và kiếm tấm bằng, đó mới là khoản đầu tư lợi tức cao. "Nó giúp tôi nâng cao trình độ và kỹ năng để kiếm được nhiều tiền hơn trong thời gian dài", cô nói.

Khi nào người trẻ nên bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu?

Williams khuyên người trẻ càng sớm bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu càng tốt. Bạn có thể được hưởng lợi từ tăng trưởng kép, có nghĩa là khoản tiết kiệm của bạn sẽ tăng lên cùng với lãi suất theo thời gian.

Hầu hết các chuyên gia khuyên bạn nên tiết kiệm ít nhất 15% thu nhập trước thuế để nghỉ hưu mỗi năm, giả sử bạn bắt đầu ở tuổi 25.

Tuy nhiên, một báo cáo từ trung tâm nghiên cứu hưu trí Transamerica, thuộc Viện Transamerica (tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc tiết kiệm và lập kế hoạch tài chính cho việc nghỉ hưu) nhận thấy các nhà đầu tư gen Z thường bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu ở tuổi 19.

"Nhưng bạn cần có khả năng thích ứng và sắp xếp lại các ưu tiên của mình dựa trên những gì đang xảy ra trong cuộc sống của bạn", Williams nói thêm.

Chuyên gia cho rằng không bỏ tiền vào quỹ hưu trí cũng tốt. Kế hoạch nghỉ hưu của bạn có thể hơi khác một chút nếu quyết định tập trung vào phát triển sự nghiệp. Nhiều nhà đầu tư trẻ ngày nay đặt cược vào chính họ, xem khoản đầu tư vào bản thân như kế hoạch nghỉ hưu.

"Cần thiết nhất là lập kế hoạch. Nhiều người đã tăng tiết kiệm trong thời đại dịch, điều này có nghĩa họ có nhiều chỗ để chi tiêu hơn khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng hay dỡ bỏ", Williams nói.

Ahmed cho biết mục tiêu hiện tại của cô là nhận thức rõ hơn về giá trị của đồng tiền và cách tiết kiệm nó."Tôi đã tiêu một phần khá lớn số tiền mà tôi kiếm được", cô thừa nhận.

Khi bắt đầu học đại học vào mùa thu, Ahmed dự định tìm một công việc hoặc thực tập có lương để duy trì cuộc sống. Cô ấy cho biết cũng sẽ lập ngân sách chi tiêu bài bản.

Nhật Minh (Theo yahoo finance)

Tags:
Cuộc sống ở Châu Âu rất vất vả: Bạn càng kiếm được nhiều tiền thì bạn càng có nhiều thứ phải trả

Cuộc sống ở Châu Âu rất vất vả: Bạn càng kiếm được nhiều tiền thì bạn càng có nhiều thứ phải trả

Cuộc sống ở châu Âu rất vất vả. Bạn phải làm ngày làm đêm để trang trải các hoá đơn vì càng văn minh bao nhiêu, càng nhiều luật lệ và nhiều thứ phải chi. Bạn càng kiếm được nhiều tiền thì bạn càng có nhiều thứ phải trả.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất