Người trẻ sống khắc khổ để về hưu sớm

Daniel 36 tuổi kiếm được 270.000 USD mỗi năm từ công việc luật sư ở Manhattan nhưng sống trong căn hộ nhỏ, cũ, không tivi.

01:00 11/10/2019

Daniel chỉ mua sách giá 5 USD/10 cuốn ở nhà thờ địa phương. Tủ quần treo vỏn vẹn 5 bộ comple giá rẻ. Khi chúng rách, thường là cứ 6 tháng một lần, Daniel tự khâu lại. Giầy của anh thì mua từ tiệm đồ cũ.

Daniel trong căn hộ của mình. Anh không tiết lộ họ vì muốn ẩn danh tính. Ảnh:  Stefano Giovannini.

Daniel trong căn hộ của mình. Anh không tiết lộ họ vì muốn ẩn danh tính. Ảnh: Stefano Giovannini.

Mùa đông, Daniel không bật lò sưởi mà "mặc thật nhiều áo". Để tiết kiệm chi phí nhà ở, anh không sống tại thành phố New York mà chọn thành phố Jersey cạnh đó.

Daniel là thành viên của phong trào FI/RE, viết tắt của "độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm". Phong trào này kêu gọi con người tiết kiệm thật sớm, thật nhanh để nghỉ hưu khi còn trẻ.

Sống tằn tiện hết mức có thể, Daniel, tốt nghiệp ngành Luật Đại học Harvard, tiết kiệm được 70% tiền lương. Đến nay, anh đã có hơn 400.000 USD trong tài khoản và dự tính ba năm nữa sẽ nghỉ hưu. 

"Tôi rất phấn khởi vì những gì đang làm", Daniel chia sẻ. 

Đôi giầy đắt nhất của Daniel có giá 60 USD, còn lại đều khoảng 20 USD. Ảnh: Stefano Giovannini.

Đôi giầy đắt nhất của Daniel có giá 60 USD, còn lại đều khoảng 20 USD. Ảnh: Stefano Giovannini.

Tất nhiên, theo đuổi phong trào FI/RE không phải là điều dễ dàng.

Shang Saavedra 34 tuổi là một chuyên gia tư vấn chiến lược, thu nhập hàng trăm nghìn USD mỗi năm. Vợ chồng cô sống ở Manhattan, hiện đã đủ tiền để nghỉ hưu sau thời gian quyết tâm tiết kiệm 50% lương. Họ tự may quần áo, tuyệt đối không mua rượu bia và chỉ dành 25 USD hàng tháng cho các hoạt động giải trí

Nhiều ngày nắng nóng, vợ chồng Saavedra vẫn chấp nhận đi tàu điện ngầm vì không sở hữu ôtô. Dù đang mang bầu tháng thứ tám, Saavedra không mua sắm đồ trẻ em mà đi xin từ những người không cần nữa. 

Saavedra hầu như không tốn tiền mua đồ trẻ em nhờ đi xin đồ cũ. Ảnh: Stefano Giovannini.

Shang Saavedra hầu như không tốn tiền mua đồ trẻ em nhờ đi xin đồ cũ. Ảnh: Stefano Giovannini.

Carmen Perez, nhân viên ngành tài chính 32 tuổi tham gia phong trào FI/RE từ năm 2016 để tìm cách thoát khỏi món nợ 57.000 USD. Cô sống tằn tiện đến nỗi đồng nghiệp đề nghị gây quỹ để cô có tiền thay giầy.

"Thu nhập hàng năm của tôi là sáu chữ số, thế mà giày của tôi trông rách nát đến thế", Perez chia sẻ.

Ba năm trôi qua, Perez đã mua được một căn nhà nhỏ và nghỉ việc để học lập trình. Cô nói: "Tôi có khả năng làm những gì mình muốn vì có đủ tiền trong ngân hàng".

Daniel, hiện độc thân, thừa nhận FI/RE không có ích đối với các mối quan hệ xã hội. "Bạn gái cũ của tôi cho rằng kiểu sống này quá khắc khổ", anh kể. Luật sư 36 tuổi cũng khó giao tiếp với đồng nghiệp bởi họ "thường xuyên nói về các nhà hàng, quán bar sang trọng và những buổi nhạc kịch".

Tuy vậy, Daniel vẫn rất hào hứng đón chờ tương lai. Anh dự tính chuyển tới Texas hoặc châu Á khi nghỉ hưu bởi những nơi này đỡ đắt đỏ hơn New York. Thay vì làm việc 60 tiếng một tuần, Daniel có thể nghỉ ngơi, đọc sách và chơi đàn.

Nhỡ ốm đau hay có khoản chi phát sinh, Daniel cũng không cần lo lắng. Anh cũng tính mua bảo hiểm đề phòng trường hợp mất khả năng lao động.

"Dù thế nào, tôi vẫn sẽ đạt được mục tiêu đúng thời hạn", Daniel nói. "Tôi sẽ cố gắng đến mức mà không thứ gì, ngoài cái chết, có thể ngăn cản mình". 

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Cung phụng thú cưng như con đẻ, nhiều người trẻ Mỹ rơi vào cảnh nợ nần

Cung phụng thú cưng như con đẻ, nhiều người trẻ Mỹ rơi vào cảnh nợ nần

Miễn thú cưng được hưởng cuộc sống hạnh phúc nhất, thế hệ trẻ ở Mỹ chấp nhận chi phí chăm sóc tốn kém, kể cả việc đi vay tiền.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất