Người Trung Quốc quay lưng với thịt heo Mỹ

Trung Quốc đã sẵn sàng mua thịt heo giá cao từ nước khác khiến Mỹ chịu thiệt lớn trên "mặt trận" nông sản.

02:30 24/08/2019

Tại một khu chợ thực phẩm ở quận Hồng Kiều (Thượng Hải) sáng thứ bảy, các quầy thịt vẫn tấp nập khách. Thịt gia cầm, thịt bò, thịt cừu đều sẵn có nhưng nhiều nhất vẫn là thịt heo. "Thịt heo là món bắt buộc phải có", anh Cao, một tài xế taxi nói khi đang mua thức ăn cho gia đình 3 người.

Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới với thịt heo là thành phần chính yếu trong thói quen ăn uống. Tiêu thụ thịt bình quân đầu người đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990. Thịt heo gắn liền với đời sống vì nguồn cung dồi dào và giá cả phải chăng.

Tuy nhiên, 12 tháng qua, giá thịt heo đã tăng 30% bởi sự bùng phát dữ dội của dịch tả heo châu Phi. Chuyên gia hàng hóa nông nghiệp của Rabobank dự báo đến cuối 2019, sản lượng thịt heo nước này có thể giảm một nửa. Nhập khẩu, trước đây chiếm chưa đến 3% lượng tiêu thụ, nay trở thành giải pháp cần thiết để lấp đầy thâm hụt.

Nhưng nhập khẩu cũng khá 'bất tiện' vì Trung Quốc đang căng thẳng thương mại với Mỹ. Từ hôm 1/8, họ bị ông Trump dọa sẽ áp một đợt thuế quan mới. Bắc Kinh đáp trả bằng cách tuyên bố dừng nhập khẩu tất cả sản phẩm nông nghiệp Mỹ và cắt đứt quan hệ với nhà cung cấp lớn nhất.

Một quầy bán thịt heo tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Một quầy bán thịt heo tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Về lý thuyết, giá thực phẩm tăng có thể tạo ra nguy cơ bất ổn, nhất là trong bối cảnh nước này hướng đến kỷ niệm 70 năm lập quốc và đang đối diện vài vấn đề nội bộ ở Tân Cương hay Hong Kong. Dù vậy, ngành thực phẩm lại có khả năng phục hồi và chống chịu mạnh mẽ so với các ngành khác khi hứng chịu chiến tranh thương mại.

Theo phân tích của Nikkei, nỗ lực phát triển nguồn cung thay thế và chủ nghĩa dân tộc dâng cao với hiệu ứng 'tập hợp dưới cờ' đã giúp người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu vượt qua ảnh hưởng của lạm phát.

Ngược lại, ngành nông nghiệp Mỹ lại bị vùi dập bởi thời tiết và thuế quan ngay trước thềm chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2020. Người chăn nuôi heo và nhà sản xuất đậu tương phải đối mặt với một năm ảm đạm. Điều này thách thức khẳng định của hồi đầu tháng 8 rằng "chiến tranh thương mại càng kéo dài, Trung Quốc càng yếu và chúng ta càng mạnh hơn".

"Ý tưởng này tồn tại vì Trung Quốc có dân số đông, nhu cầu thực phẩm rất lớn nên dễ bị tổn thương. Nhưng thực sự những gì bạn thấy trong cuộc chiến thương mại này lại có tác dụng ngược", Jiayi Zhou - chuyên gia an ninh lương thực tại Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm bình luận.

Anh Cao cho biết gia đình vẫn ăn thịt heo. "Chúng tôi vẫn mua, bất chấp tăng giá," anh nói. Những người khác mà Nikkei Asian Review hỏi ở Thượng Hải cũng có câu trả lời tương tự. "Không có gì to tát", một bà cụ đang đi siêu thị ở quận Gubei trả lời khi đang mua thịt heo băm.

Người tiêu dùng và các công ty đến nay đã có thể hấp thụ được 'cú đánh' ngắn hạn từ việc tăng giá thịt heo và bổ sung biện pháp thay bằng loại thịt khác. Peter Huang Ming-tuan - CEO của Sun Art Retail Group, chuỗi siêu thị lớn nhất Trung Quốc và là nhà điều hành của các thương hiệu RT-Mart và Auchan, nói dù doanh thu giảm 6% trong 6 tháng đầu năm nhưng lâu dài thì chế độ ăn của người Trung Quốc thay đổi nhanh hơn.

"Thịt heo đã có thể thay thế được. Bây giờ người Trung Quốc có nhiều tiền hơn để chi tiêu, ngày càng có nhiều người ăn thịt bò", Huang nói.

Một số công ty còn hưởng lợi từ giá thịt. Shandong Delisi Food, niêm yết tại Thâm Quyến, đã thông báo hôm 20/8 rằng lợi nhuận ròng nửa đầu năm tăng 57%, chủ yếu nhờ mặt hàng thịt heo. Huatong Meat Products cũng dự báo lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm tăng 10% so với năm ngoái.

Một góc của ngôi chợ bán sỉ thịt heo ở Thượng Hải. Ảnh: Getty

Một góc của ngôi chợ bán sỉ thịt heo ở Thượng Hải. Ảnh: Getty

Đầu tháng này, dù thuế suất với thịt heo Mỹ đã ở mức 62% thì nhà buôn nước này vẫn sẵn sàng mua. Ngay trong tuần từ ngày 2 đến 8/8, Trung Quốc đã mua hơn 10.000 tấn heo Mỹ. Đó là thời điểm Mỹ dọa sẽ áp đợt thuế mới. Nhưng chính lời đe dọa làm các nhà nhập khẩu Trung Quốc quay lưng với heo Mỹ, ít nhiều vì tinh thần dân tộc. 

"Chỉ cần nhìn vào cách người Mỹ bắt nạt đất nước chúng tôi, bất kỳ người Trung Quốc nào có nhân phẩm sẽ không xem xét việc mua thịt heo Mỹ", một nhân viên họ Chen của Huicheng Frozen Food (Thâm Quyến) tuyên bố và nói thêm rằng công ty hiện đang nhập khẩu thêm thịt heo từ Brazil và Nga.

Henan Shuanghui Investment & Development đã nhập khẩu hơn 100.000 tấn thịt heo Mỹ trong nửa đầu năm nay. Con số này không thay đổi so với năm trước, mặc dù nhu cầu nội địa ngày càng tăng. Chủ tịch Henan Shuanghui cho biết các yếu tố chính trị đang hạn chế tiềm năng mở rộng thương mại và công ty hiện tìm cách tăng nhập khẩu từ châu Âu và Nam Mỹ.

Tại Lihe Frozen Foods (Quảng Châu), một nhân viên bán hàng nói công ty đã ngừng nhập khẩu heo Mỹ đông lạnh từ cuối năm ngoái. "Thịt heo Mỹ đã quá đắt, không mang đến lợi nhuận cho chúng tôi", nhân viên giấu tên nói.

Mua thịt heo từ nguồn khác thì dễ hơn tìm nhà cung ứng, lắp ráp iPhone khác. Trung Quốc có thể mua thực phẩm từ EU hoặc Mỹ Latinh mà không bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Trái lại, các nhà nhập khẩu công nghệ và hàng tiêu dùng của Mỹ có ít lựa chọn hơn.

Trong khi sự phụ thuộc của nền kinh tế Mỹ vào Trung Quốc đối với hàng tiêu dùng khó bị phá vỡ, Bắc Kinh đã dành hơn một thập kỷ để cố gắng đa dạng hóa nguồn cung thông qua một loạt các khoản đầu tư, các dự án viện trợ và giao dịch thương mại.

Năm 2006, khi Trump vẫn nổi tiếng là một ngôi sao truyền hình thực tế thì Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch 5 năm để tăng đầu tư vào nông nghiệp ở nước ngoài. Theo số liệu từ Bộ Thương mại nước này, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào nông nghiệp ở nước ngoài đã tăng từ khoảng 200 triệu USD năm 2006 lên 3,3 tỷ USD vào 2016.

Năm 2017, Bắc Kinh công bố một "kế hoạch hành động" nông nghiệp song song với sáng kiến cơ sở hạ tầng "Vành đai Con đường". Tiền của nước này đổ vào nông nghiệp ở Brazil, Ukraine, Angola, Congo... "Những quốc gia này không phải là nhà cung cấp truyền thống ... nhưng chắc chắn họ đang được xem là nhà cung cấp tiềm năng", chuyên gia Jiayi Zhou nói.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại đã tác động mạnh đến nông nghiệp Mỹ. Xuất khẩu nông sản nước này sang Trung Quốc đã giảm từ 19,5 tỷ USD trong năm 2017 xuống còn 9,2 tỷ đô la trong năm 2018. Các vụ phá sản trang trại đã tăng 13% trong năm tính đến tháng 6/2019.

Trong một tuyên bố vào đầu tháng 8, Chủ tịch Văn phòng Nông trại liên bang Zippy Duvall đã gọi thông báo chấm dứt tất cả hàng nhập khẩu nông sản Mỹ của Trung Quốc là "một đòn giáng mạnh vào hàng nghìn nông dân và chủ trang trại vốn đang vật lộn để tồn tại".

Đối với những người nuôi heo ở Mỹ, nỗi sợ hãi về tương lai trở nên trầm trọng hơn bởi ý thức về cơ hội bị tước đoạt. Trước cuộc bầu cử của Trump, nhiều người đã mong muốn mở khóa lại thị trường châu Á thông qua TPP, hiệp định là Trump cho rút ngay khi làm tổng thống. Giờ thì thị trường Trung Quốc đang tạm khóa, thậm chí Mexico cũng đưa ra hàng rào thuế quan để trả đũa.

Tổng thống Trump đã bắt đầu chiến dịch tái tranh cử của mình. Vùng nông thôn miền Trung Tây của Mỹ sẽ là một chiến trường quan trọng. Dù có vài sự rạn nứt về lòng trung thành của nông dân dành cho ông, nhưng đến hiện tại, ông vẫn được ủng hộ lớn.

"Thật đáng ngạc nhiên rằng nông dân không tấn công mạnh mẽ vào tổng thống dù bị tổn thương. Tôi không hiểu tại sao họ lại quan tâm nhiều đến sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc", Ian Sheldon - Giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học bang Ohio bình luận.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Mỹ chỉ trích Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí của Việt Nam

Mỹ chỉ trích Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí của Việt Nam

Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc đang gây sức ép đối với Việt Nam ở Biển Đông, làm suy yếu hòa bình và an ninh khu vực.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất