Người Việt "biết vậy, không đi" và những giấc mơ còn dang dở!
“Biết vậy, không đi!”
18:06 13/08/2023
“Bạn bè bên đó bảo sang làm ăn thế này, thế kia…Nghe vậy, thế là tôi đi. Nói chung, tôi không biết bị rủi ro như vậy. Nếu biết thì chả đi làm gì.”
Trên đây là chia sẻ của một bà mẹ đơn thân, đành để lại hai đứa con thơ nhờ bà ngoại chăm sóc và rời bỏ làng quê ở vùng nông thôn Bắc Trung bộ đến Châu Âu, với giấc mơ đổi đời.
Tuy nhiên, ước mơ của chị không thể thành hiện thực. Bởi vì, chị bị đưa vào một trại giam di trú ở Ba Lan và chị rất lo lắng trước thông tin bị trục xuất về nước vào cuối năm 2016.
Mùa hè năm đó, người mẹ trẻ đã liên lạc với RFA để kêu cứu. Và sau lần tiếp xúc đầu tiên qua điện thoại, chúng tôi bặt vô âm tín của chị cho đến tận bây giờ.
Người phụ nữ vô danh này thuộc trong số hàng ngàn phụ nữ Việt Nam trong làn sóng ‘thùng nhân’ vượt biên đến Châu Âu những thập niên qua, mà số phận của họ như thế nào thì không mấy ai biết được, cũng như chưa có bất kỳ số liệu thống kê chính thức nào được công bố.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoa, một người Việt vừa được giấy tờ hợp pháp sau hơn một thập niên nhập cư lậu vào Anh, lại nói với RFA rằng:
“Thật ra, nói thẳng là cuộc sống ở đây chẳng có gì là thú vị cả. Buồn chết được. Có giấy tờ hay không có giấy tờ thì cũng thế. Tức là, nếu như không có giấy tờ thì mình nghĩ sẽ có ngày quay về để lập nghiệp. Bây giờ tự dưng có giấy tờ thì mình lại nghĩ đi về, hơi tiếc nhỉ!”
Hầu hết những ‘thùng nhân’ Việt ở Châu Âu, Đài RFA tiếp xúc, đều nghĩ rằng đã là người Việt Nam thì ai cũng mong rồi một ngày về quê lập nghiệp, với một số vốn có trong tay sau thời gian bôn ba nơi xứ người. Cũng có một số người bày tỏ nếu được chọn lựa lại, có lẽ sẽ không ra đi; như chàng thanh niên trẻ, quê ở Nghệ An, hiện đang cư trú lậu tại Pháp:
“Nếu mà được chọn lại thì chắc không đi. Đi làm chui như thế này thì thật ra sang đây rồi mới biết. Chứ còn ban đầu thì ảo tưởng theo giấc mơ, vậy thôi! Bây giờ sang đây thì mới biết là khó khăn, chứ không phải như ở nhà được nghe nhiều người kể lại rằng sang Tây làm ăn dễ dàng.”
Mặc dù vậy, ông Tim Trần, từng làm tư vấn cho Bộ Xã hội và Cảnh sát Anh liên quan các trường hợp nạn nhân buôn người trong bảy năm qua, nhận định rằng tình trạng người di dân bất hợp pháp từ Việt Nam đến Châu Âu nói chung và Anh quốc nói riêng vẫn tiếp diễn. Ông Tim Trần nhấn mạnh bởi vì những tiệm nails và các trại trồng cần sa vẫn rất cần người làm việc.
‘Thiên đường’ Anh Quốc
Đài truyền hình ABC News, hồi tháng 2/2020, loan tin Anh Quốc được xem là điểm đến hàng đầu của người Việt Nam di dân. ABC News dẫn chứng dựa theo kết quả của một cuộc khảo sát, do Đại Sứ quán Anh tại Hà Nội hỗ trợ, được thực hiện hồi năm 2014.
Qua đó, trong số 346 người Việt Nam di dân bất hợp pháp đến Anh và đã trở về nước thì hầu hết đều cho rằng Anh quốc là một ‘thiên đường’, từ cơ hội công ăn việc làm và thu nhập cho đến chăm sóc sức khỏe và hệ thống pháp luật; kể cả bị ở tù cũng rất là ‘thú vị’.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh, số lượng người gốc Việt sinh sống tại Anh, hồi năm 2018, được ước tính là 23.000 người. Thế nhưng, có những ước tính khác cho thấy con số thực tế cao hơn nhiều, với hàng chục ngàn người được ghi nhận ‘không có giấy tờ’.
Theo thông tin từ tờ Telegraph, đăng tải hồi tháng 8/2021, những người di dân Việt Nam thường “biến mất rất nhanh” khi họ vào đến Vương quốc Anh.
Telegraph ghi nhận người di dân lậu Việt Nam bỏ trốn hoặc biến mất vào thị trường chợ đen, sau khi bị Chính quyền Anh bắt giữ, là do họ phải kiếm đủ số tiền mà gia đình vay nợ để trả cho các băng nhóm buôn người.
Cô Mimi Vũ, một chuyên gia về chống buôn người và nô lệ hiện đại, ở Việt Nam, được Telegraph dẫn lời cho biết cô đã phỏng vấn một người đàn ông làm việc cật lực trong một cửa tiệm suốt ba năm để trả số tiền 17.000 USD. Tuy nhiên, sau ba năm, người đàn ông đó vẫn chưa trả được số tiền gốc đã vay.
Ảnh minh họa. Hai hình ảnh biệt thự mới và ngôi nhà truyền thống ở Nghệ An. Hình chụp ngày 10/10/2020. AFP
Nạn nhân hay tội phạm?
“Hình ảnh xấu xí đối với người Việt” ở nước ngoài còn thể hiện qua những tin tức tội phạm ngày càng nhiều của người Việt Nam tại Châu Âu. Thông tín viên Tường An của RFA, từ Paris, Pháp quốc nói về ghi nhận cá nhân của bà:
“Không phải tất cả, nhưng phần lớn họ qua các nước đó với mục tiêu trồng cần sa, còn gọi là ‘trồng cỏ’. Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, báo chí Pháp cũng vài lần loan tin là khám phá ra những đường dây trồng cần sa tại Pháp, trong đó có người Việt.”
Tòa án Na-Uy và công luận tranh luận về thanh niên quốc tịch , tên "Đăng", là nạn nhân hay tội phạm. Ảnh chụp màn hình aftenposten.no
Vào cuối tháng 8/2021, tờ Aftenposten.no, đăng tin về một thanh niên Việt Nam, tên “Dang”, 25 tuổi, bị bắt và hầu tòa về tội trồng cần sa ở Na-Uy. Tòa án Na-Uy tuyên xử “Dang” hai năm tù và bồi thường gần 100.000 Kroner, tương đương 15.590 USD.
“Dang” khai báo rằng anh đã trả số tiền 25.000 USD cho chuyến đi di dân bất hợp pháp đến Đức. Tuy nhiên, anh đã không thể trả hết số tiền còn nợ tổ chức buôn người nên anh đã bị họ đánh gãy chân và gia đình của anh ở Việt Nam bị dọa giết.
Giải pháp cuối cùng là tổ chức buôn người đưa “Dang” đến Na-Uy trồng cần sa để trả nợ. “Dang” bị Tòa án Tối cao Na-Uy bác đơn kháng án. Luật sư biện hộ cho “Dang” nói rằng sẽ kháng cáo lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Ngành Tư pháp Na-Uy và công luận vẫn còn đang tranh luận rằng “Dang” là nạn nhân hay tội phạm.
Trước đó, vào trung tuần 4/2021, Tòa án thành phố Bradford, ở Anh, tuyên án lần lượt 31 tháng và ba năm tù giam đối với hai người đàn ông quốc tịch Việt Nam. Truyền thông Anh Quốc cho biết cả hai người đàn ông này bị án tù về tội “trồng và sản xuất cần sa trái phép tại Anh”.
Tình trạng người Việt bị bắt giữ vì trồng cần sa khá phổ biến ở Anh trong những năm qua. Nhiều người trong số này khai báo rằng họ là nạn nhân của bọn buôn người và bị bắt phải trồng cần sa. Chính phủ Anh xác định đây là những trường hợp của "nô lệ hiện đại".
Vẫn là những ước mơ!
Ông Kevin Hyland, thuộc cựu Uỷ viên Độc lập Chuyên về Chống Nô lệ ở Anh và thành viên trong nhóm chuyên gia của tổ chức có tên “Hội đồng Châu Âu”, từng đến Việt Nam và làm việc với những người nhập cư lậu vào Anh và đã hồi hương. Chuyên gia Kevin Hyland nói với RFA về những gì ông được nghe từ họ:
“Tôi phát hiện ra một điều rằng những người Việt Nam đó chia sẻ nếu như họ lường trước được những gì đã trải qua rất là tội tệ và cuộc sống như vậy thì họ đã không đi.”
Một vấn đề cần được lưu tâm là liệu rằng những người Việt di dân lậu đến Châu Âu đã hồi hương, mà ông Kevin Hyland từng tiếp xúc, có thể buộc phải chọn ra đi thêm lần nữa bởi do đại dịch COVID-19 hay không?
Vào lúc giả thuyết này chưa diễn ra thì những người Việt đang sống lậu và làm việc bất hợp pháp ở Châu Âu rất mong muốn được về nhà, mà không thể:
“Về Việt Nam thì bắt buộc mình phải về, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên mình ở lại cố gắng làm việc. Bây giờ mà về thì gia đình không có tiền để trả nợ nần.”
Nhân dịp tưởng niệm hai năm biến cố 39 ‘thùng nhân’ Việt chết thảm ở Essex, chúng tôi trò chuyện với một số thân nhân của các nạn nhân. Những tiếng khóc xé lòng, những giọng nói uất nghẹn cùng nỗi niềm thương cảm cho số phận hẩm hiu của những người con, người chị, người anh, người em trong gia đình. Tuy vậy, ước mơ đổi đời ở nước ngoài, nhất là Châu Âu vẫn ấp ủ trong lòng họ, như ông Nguyễn Văn Ký, cha của nạn nhân Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ:
“Sau này, nếu có những đường như du học, du lịch thì cho các con đi để chúng được hưởng cuộc sống nhân quyền và các thứ khác.”
Còn bà Nguyễn Thị Hoa, từ London, nói với RFA rằng bà rất muốn trở về Việt Nam để chung sống cùng gia đình sau gần 20 năm xa cách. Nhưng điều bà tiếc nuối là nhiều năm nữa, đời sống ở Việt Nam vẫn chưa thể bằng được như ở Anh hiện nay.
Theo RFA
Nhân chứng kể khoảnh khắc 'bão lửa' càn quét thị trấn Hawaii
Ngọn lửa cháy rừng trên đảo Maui ở Hawaii lan quá nhanh, khiến nhiều cư dân và du khách không kịp trở tay, hoảng loạn tháo chạy trong biển lửa.