Người Việt đang trả thuế xăng dầu/ thu nhập cao gấp 82 lần Mỹ
Tỷ lệ thuế trên mỗi lít xăng bị lấy đi trong thu nhập ngày của người Việt đang ở mức 7,3% thu nhập – cao hơn gấp 82 lần người Mỹ (0,1%).
09:30 01/12/2019
Đại diện Bộ Tài chính gần đây viện dẫn nguyên nhân tăng thuế, giá xăng dầu là để “phù hợp với thông lệ quốc tế” và “hội nhập với xu thế chung của thế giới”. Vậy thử cùng tìm hiểu thông lệ quốc tế mà cụ thể là ở các nền kinh tế hàng đầu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang như thế nào.
Trong bài Một lít xăng đang ‘cõng’ bao nhiêu thuế, phí?, cho thấy người Việt đang chi trả hơn 10.000 đồng các loại thuế phí cho 1 lít xăng, chiếm 52,9% giá xăng E5 RON 92 tại thời điểm 18/5.
Nếu đề xuất tăng thuế môi trường lên 4.000 đồng của Bộ Tài chính được thông qua thì tiền thuế trong 1 lít xăng người Việt phải chi thậm chí còn lớn hơn nữa.
Người dân Mỹ trả bao nhiêu thuế cho mỗi lít xăng?
Mỹ là một trong những nước tiêu thụ xăng dầu nhiều nhất thế giới, tuy nhiên thuế xăng dầu liên bang của Mỹ được giữ cố định từ năm 1993 cho đến nay ở mức 18,5 cent/gallon, tương đương khoảng 1.107 đồng/lít.
Nếu tính luôn mức thuế trung bình tại các bang ở Mỹ, thì tổng mức thuế trong 1 lít xăng người Mỹ phải chi trả vào khoảng 52,12 cent/gallon, tức bằng 3.136 đồng/1 lít xăng và chỉ chiếm 17% trên giá xăng, thấp hơn 3 lần so với Việt Nam.
Hiện Mỹ là nước có thuế xăng dầu thấp thứ hai thế giới (chỉ sau Mexico là nước không đánh thuế xăng dầu, chỉ đánh thuế VAT) và hầu hết các bang ở Mỹ (ngoại trừ bang Hawaii, Illinois, Indiana, and Michigan) đều không đánh thuế VAT lên giá xăng dầu.
Thuế xăng của các nền kinh tế lớn thì sao?
So sánh với dữ liệu có sẵn của các nước thành viên OECD (1), Việt Nam có tỷ lệ thuế trên 1 lít xăng thuộc hàng tương đương với các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Cụ thể, tỷ lệ thuế chiếm trong 1 lít xăng của Việt Nam 52,9%, cao hơn mức trung bình (49,3%) của các nước OECD liệt kê trong biểu đồ; cao gấp 3 lần Mỹ, gấp 4 lần Mexico và cao hơn Canada, Úc, Nhật Bản, New Zealand.
Mặc dù vậy, tỷ lệ thuế chiếm trong mỗi lít xăng của Việt Nam chưa phải là cao nhất và cũng còn thấp hơn nhiều nước như: Thụy Sĩ, Thụy Điển, Anh, Hà Lan…
Thêm vào đó, giá xăng của Việt Nam hoàn toàn thấp hơn các nước OECD (ngoại trừ Mỹ). Vậy phải chăng thuế xăng dầu của Việt Nam thật sự thấp và đề xuất tăng thuế xăng dầu của Bộ Tài chính và Chính phủ là hợp lý?
Không hẳn vậy, đó mới chỉ một nửa câu chuyện.
Người Việt đang trả thuế xăng dầu/ thu nhập cao gấp 82 lần Mỹ
Khi so sánh số tiền thuế phải trả trên mỗi lít xăng với mức thu nhập tương ứng của người dân, chúng ta thấy được bức tranh ngược lại.
Vì mức thu nhập người Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nền kinh tế lớn (chỉ bằng 6% mức trung bình của họ), vậy nên số tiền thuế xăng “ăn” vào thu nhập hằng ngày của Việt Nam cao nhất với 7,3% mức thu nhập ngày, cao hơn gấp 82 lần nước Mỹ (0,1%) và gấp 9 lần mức trung bình các nước OECD (0,8%).
Để dễ hình dung, thu nhập trung bình của người Việt chỉ khoảng 150 ngàn đồng/ngày và phải trả thuế xăng hết 10.230 đồng/lít; trong khi người Mỹ kiếm được bình quân hơn 3,5 triệu đồng/ngày chỉ phải trả 3.136 đồng/lít tiền thuế xăng dầu.
Người Thổ Nhĩ Kỳ có tỷ lệ thuế xăng dầu bị lấy đi trong thu nhập ngày lớn nhất các nước OCED với 3,1%, nhưng cũng còn thấp hơn một nửa so với người Việt.
Cần phải nhắc lại, khi tính tổng tác động của giá xăng (bao gồm cả thuế) vào mức thu nhập bình quân ngày, thì người Việt cũng đang phải trả một tỷ lệ cao vượt trội so với các nước lớn trong OECD.
Theo số liệu giá xăng mới nhất từ Globalpetrolprice.com (2), tỷ lệ giá xăng chiếm trong thu nhập bình quân ngày của người Việt đang ở mức 13,7% – cao hơn nhiều lần mức bình quân của các nước OECD (1,6%), và cao gấp 27 lần nước có giá xăng thấp nhất trong bài nghiên cứu này là Mỹ (0,5%).
Chưa hết, thuế xăng dầu chỉ là một trong rất nhiều loại thuế mà người Việt đang phải chi trả. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, tỷ lệ thu ngân sách/ GDP của Việt Nam đang cao thứ 3 châu Á chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cho biết người Việt còn đang phải trả thuế phí cao gấp 1,4 – 3 lần nhiều quốc gia khác trong khu vực, đồng thời giá xăng và thuế phí trong mỗi lít xăng của Việt Nam đều đang cao không tương xứng với mức thu nhập thấp của người dân.
Như vậy, đề xuất tăng kịch trần thuế môi trường lên xăng dầu của Bộ Tài chính và Chính phủ liệu đã được tính toán và cân nhắc toàn diện trong bối cảnh tổng thể về khả năng chi trả, mức đang chi trả các loại thuế của người dân?
Nguồn: trithucvn.net
“Không thể cầm được nước mắt khi đọc xong 10 điều về bố!”
Bố là người nghiêm túc nhất và cũng là người cô độc nhất trên thế giới này. Gánh nặng trên vai bố, liệu tất cả những người làm con chúng ta đều thấu hiểu?