Người Việt đi chợ đen ở Mexico
Nhiều khu vực ở Mexico được cảnh báo nguy hiểm cho khách du lịch lẫn người dân. Một trong số đó là thị trấn Tepito thuộc TP.Mexico, được xem là địa bàn cư ngụ của tội phạm, các đầu nậu ma túy và gái bán dâm.
14:00 18/06/2018
Ely, người bạn cho tôi ở nhờ tại Tijuana (một thành phố sát biên giới Mỹ) căn dặn, đến Mexico City đi đâu cũng được, nhưng nhớ tránh xa Tepito. Ngặt nỗi, cô càng dặn dò như thế, máu tò mò của tôi lại càng nổi lên.
Tôi ghé TP.Mexico những hai lần, nhưng mãi lần thứ hai mới thực hiện được kế hoạch khám phá Tepito. Lý do thứ nhất là vì tôi không thành thạo tiếng Tây Ban Nha (ngôn ngữ phổ biến ở đây). Thứ hai, những người trong thị trấn Tepito biết nhau rất rõ và có thể nhận diện ngay ra người lạ vào khu vực của họ.
Để tránh rủi ro (đa phần là bị móc túi), khách muốn đến chợ đen Tepito đa phần đi theo nhóm và không mang theo bất cứ món đồ giá trị gì ngoại trừ đúng số tiền họ muốn dùng để mua vật phẩm nào đó. Phương án an toàn hơn là tìm được một cư dân sống ở Tepito dẫn đường.
May thay tôi gặp được Oliver, một nhà hoạt động xã hội hiện đang làm việc cho chính quyền TP.Mexico, phụ trách dự án phát triển nghệ thuật đường phố sẵn sàng dẫn chúng tôi đến Tepito.
Chợ bán gì cũng có, ngoại trừ nhân phẩm
Theo lịch sử, từ cuối thế kỷ 19 đầu 20, Tepito được biết đến như là nơi buôn bán hàng chất lượng tốt với giá rẻ do tập trung nhiều thương lái. Những năm 1920, để trốn chạy khỏi cuộc nội chiến, nhiều người tị nạn từ các nơi đổ về Tepito sinh sống. Sự gia tăng dân số đột ngột trong điều kiện nhà ở hạn chế nhanh chóng biến Tepito thành khu ổ chuột. Từ đó đến nay, với giá thuê nhà rẻ mạt, Tepito thu hút sự cư ngụ của tội phạm, dân nghiện hút và gái bán dâm.
Dưới cái nắng nóng của tiết trời Mexico, Oliver dẫn tôi và cô bạn Sonia băng qua vài con phố để đến khu chợ đen, nơi nhộn nhịp và tấp nập nhất của khu vực nguy hiểm này.
Khu chợ rộng 25 con phố, là nơi tạo ra công ăn việc làm chính cho người dân tại Tepito. Để đi hết khu chợ và ngắm thôi cũng mất cả nửa ngày. Những tiểu thương từ các nơi thường đổ về đây lấy hàng hóa, sau đó phân phối lại cho các khu vực khác để kiếm lời.
Chợ bán đầy đủ các loại hàng hóa, từ áo quần, giày dép đồ gia dụng đến đồ điện tử lẫn thú nuôi. Người dân TP.Mexico hay truyền tai nhau rằng, chợ này thứ gì cũng bán, ngoại trừ nhân phẩm. Vì ở đây, đa số là hàng giả, nhái. Nếu là hàng thật, thì hẳn đó là hàng trộm cắp mà ra.
Sau khi đi hết hai tiếng đồng hồ để ngắm các gian hàng nước hoa, quần áo, băng đĩa lậu, chúng tôi quyết định dừng lại ở một cửa hàng nhỏ bán iPhone.
“Bao nhiêu cho chiếc iPhone 6 này?”, Oliver hỏi chủ hàng.
“1.650 pesos (khoảng 80 USD). Hàng thật đấy!”, ông chủ tiệm nhanh nhảu lấy chiếc iPhone 6 từ cửa kính ra chào mời. Chúng tôi ngó nghiêng một hồi rồi xin phép rời đi. Oliver giải thích, sở dĩ chiếc iPhone rẻ như vậy là vì đó là hàng ăn cắp. “Sao mọi người đều biết ở đây tiêu thụ hàng trộm cắp mà cảnh sát không ngó ngàng gì?”, tôi hỏi. “Ồ, cảnh sát à, tham nhũng. Thêm nữa, cảnh sát thường ít khi bén mảng vào khu chợ này lắm. Khu chợ tập trung nhiều tội phạm và cảnh sát có thể bị tấn công bởi tội phạm”, Oliver trả lời.
Cách khu chợ một con phố, rất nhiều cửa hàng bán phụ tùng ô tô mở ra san sát nhau. “Các đồ phụ tùng ở đây cũng đa phần là đồ ăn cắp”, Sonia bảo. Cô cũng đề nghị tôi giấu máy ảnh vào ba lô vì các chủ tiệm ở đây có thể tấn công nếu thấy tôi chụp hình về họ.
Chúng tôi băng qua một khuôn viên nhỏ. Một mùi hôi tanh xộc vào mũi. Tôi liếc nhìn những chiếc ghế đá đặt xung quanh, những người vô gia cư nằm vật vờ la liệt với đầu tóc rối bù, rúc trong những chiếc mền rách tơi tả. Xa xa, một vài thanh niên với thân hình còm cõi cố đào bới từ đống rác bốc mùi tanh. “Tất cả họ đều là con nghiện đấy”, Sonia giải thích. Cô vội vàng đưa cho tôi vài đồng xu, căn dặn, nếu những con nghiện tiếp cận thì đưa tiền cho họ để họ không làm phiền mình.
Qua khỏi khu vực nguy hiểm, thấy bức tranh graffiti trên tường, tôi ngỏ ý muốn chụp. Oliver bảo, được rồi, nhưng chúng ta phải xin phép. Nói đoạn, anh tiến nhanh về phía 3 thanh niên đang đứng ở góc đường. Thấy Oliver tiếp cận, 3 thanh niên cất lời: “Muốn mua loại gì, tụi tao có cả”.
Ra là nếu muốn tìm hiểu về chuyện mua bán ma túy, tôi chả cần đóng giả làm khách hàng mua thuốc nữa, những kẻ bán thuốc tự mở lời chào mời chúng tôi.
“Chúng tôi không mua thuốc, bạn tôi là khách du lịch, thấy bức tranh vẽ ở tường đằng kia đẹp nên cô ấy chỉ muốn xin phép các anh cho chụp bức ảnh đó…”, Oliver nói.
3 thanh niên ngước nhìn về phía tôi, ậm ừ ra hiệu cho phép chụp nhưng bảo chúng tôi phải chụp nhanh rồi đi.
Khi chúng tôi rời đi, 3 thanh niên vẫn dõi mắt ngó theo một đoạn. Oliver giải thích, thật không khó để nhận diện những kẻ mua bán thuốc. Họ thường đứng ở những góc đường, và luôn mời mọc khách như thế. Nên kể cả lúc đó mà tôi muốn mua thật thì họ cũng bán chứ không do dự tôi là người nước ngoài hay người bản địa. Một viên thuốc, thường có giá khoảng 10 USD, Oliver chia sẻ.
Tepito vẫn là nơi phân phối ma túy cho toàn bộ TP.Mexico. Những đứa trẻ lớn lên ở khu vực này thường dễ dàng trở thành người bán thuốc do nghề này dễ kiếm tiền và luôn bị cám dỗ từ xung quanh. Đó là lý do Oliver cùng các nhà hoạt động xã hội lập ra một trung tâm cộng đồng đào tạo nghề nhằm giúp người trẻ Tepito hướng thiện.
Khuynh hướng bạo lực nhưng tôn thờ thần thánh
Là nơi tập trung nhiều tệ nạn, người dân ở Tepito có khuynh hướng bạo lực để phòng vệ, kể cả phụ nữ. Sonia kể chuyện, cô từng có một bạn nữ ở Tepito, cách đây mấy năm đến nhà cô ăn tiệc thì đánh luôn cả anh trai của cô. Trước vấn đề khuynh hướng bạo lực trở thành vấn nạn không chỉ ở nam giới mà ở cả phụ nữ, chính quyền và các tổ chức xã hội ở TP.Mexico tiến hành nhiều chiến dịch để nâng cao ý thức của người dân. Oliver dẫn tôi đến thăm một lớp tập luyện boxing, nơi đào tạo các thí sinh tham gia các cuộc thi võ thuật nhằm khuyến khích giới trẻ sử dụng bạo lực theo hướng lành mạnh.
Dù có khuynh hướng bạo lực và là địa bàn hoạt động của các tội phạm, nhưng người dân Tepito lại rất tin và tôn thờ thần thánh. Một trong những vị thánh nổi tiếng là Santa Muerte.
Chúng tôi cuốc bộ 30 phút để đến được bàn thờ nhỏ của vị thánh này, nơi được cho là linh thiêng nhất Tepito. Muerte là vị thánh của sự chết chóc vì vậy những kẻ trộm cắp và buôn bán thuốc rất tôn thờ. Họ đến cầu xin sự bảo vệ từ vị thánh này, một số dân thường đến cầu xin sự bình an cho gia đình, Oliver giải thích.
Nữ tỷ phú trắng tay bị buộc tội lừa đảo
Elizabeth Holmes vừa bị Văn phòng Tư pháp Bắc California truy tố nhiều tội danh lừa đảo.