Người Việt học được gì khi thầy trò ông Park hiện thực ‘Giấc mơ Vàng’ 60 năm

Năm 1959, đội tuyển miền Nam Việt Nam đã vô địch môn bóng đá nam tại đại hội thể thao Đông Nam Á lần đầu. 60 năm với với lục thập hoa giáp đã qua, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam mới có lần thứ hai giành vàng tại đại hội thể thao khu vực. Thầy trò HLV Park Hang-seo đã hiện thức ‘Giấc mơ Vàng’ làm nức nòng hơn 90 triệu người dân đất Việt.

12:30 11/12/2019

Thành công của ông Park và học trò tại Philippines lần này và trong hơn hai năm qua thực sự đã vượt ra ngoài phạm vi bóng đá. Không quá khi nói rằng tập thể đội tuyển Việt Nam dưới trướng ông Park đang là hình mẫu cho nhiều giai tầng người Việt học hỏi. Mỗi người, mỗi giới tại Việt Nam nếu nhìn vào thành công của thầy trò ông Park và tự rút ra bài học cho mình, có thể sẽ giúp cho cá nhân và tập thể nơi mình học tập hay công tác thành công hơn và từ đó góp phần nâng tầm được vị thế nước Việt.

Bài học về tư nhân hóa và hội nhập quốc tế

Năm 1995 tại Thái Lan, đội tuyển Việt Nam với những hảo thủ xuất sắc như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Đỗ Khải v.v… đã vượt qua nhiều đội bóng mạnh khác trong khu vực để bước vào trận chung kết gặp đội chủ nhà Thái Lan. Dù chơi rất nỗ lực, nhưng Hồng Sơn và các đồng đội vẫn phải chấp nhận thua người Thái tới 4 bàn không gỡ.

Nguyên nhân đội tuyển Việt Nam khi đó quá yếu thế so với Thái Lan có rất nhiều, nhưng điểm chốt là nền bóng đá của chúng ta vẫn còn kém phát triển, chưa thực sự hội nhập với quốc tế để phát triển bóng đá chuyên nghiệp. Thể lực, thể hình và tư duy chiến thuật của các cầu thủ Việt Nam còn rất non so với Thái Lan hay các đội bóng mạnh khác của Châu Á như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Các đội bóng này khi đá với Việt Nam, thường dễ dàng khai thông thế bế tắc bằng các cú nã đại bác từ xa hoặc dùng bài đơn giản tạt cánh đánh đầu để khai thác khả năng chống bóng bổng kém của cầu thủ Việt.

Qua thời gian, bóng đá Việt Nam đã dần hội nhập sâu hơn với thế giới, các câu lạc bộ bóng đá (CLB) trong nước cũng dần được xã hội hóa, không còn phụ thuộc vào “bầu sữa” của nhà nước mà chuyển sang mô hình doanh nghiệp với các ông chủ hoặc các nhà tài trợ là các công ty tư nhân. Giải bóng đá Việt Nam cũng dần chuyên nghiệp hóa với việc thuê huấn luyện viên (HLV), cầu thủ ngoại để nâng tầm bóng đá trong nước. Đội tuyển quốc gia Việt Nam cũng có nhiều điều kiện tập huấn nước ngoài hơn.

Đặc biệt, hơn 10 năm trở lại đây, nhiều CLB bóng đá tại Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội FC, Viettel FC v.v… đã thực sự chú trọng tới công tác đào tạo trẻ, từ đó đóng góp nhiều tài năng xuất sắc cho các đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Bóng đá so với các lĩnh vực khác tại Việt Nam có thể chính là ngành hội nhập quốc tế sâu rộng nhất. Liên đoàn bóng đá Việt Nam trực thuộc sự điều hành của Liên đoàn bóng đá Thế giới FIFA. Việt Nam đều phải tham gia các giải đấu quốc tế theo quy định của FIFA và hàng tháng đều có những ngày “FIFA Day” để đội tuyển quốc gia tập trung đá giao hữu hoặc tham gia các giải đấu giao hữu hay các giải đấu chính thức. Càng hội nhập sâu vào nhịp độ bóng đá thế giới, các nhà quản lý bóng đá, các HLV, các cầu thủ Việt Nam… càng học hỏi được nhiều hơn, phát triển được khả năng chuyên môn tốt hơn.

Việt Nam thắng Campuchia 4-0 tại bán kết với vị thế không khác gì Thái Lan hay Hàn Quốc, Nhật Bản đá với Việt Nam khoảng gần hai thập kỷ trước. Cú nã đại bác của Hùng Dũng hay cú đúp của Văn Hậu vào lưới Indonesia trong trận chung kết thực sự đã cho thấy cầu thủ Việt Nam hiện đang ở một đẳng cấp rất khác so với đối thủ.

Giả thiết rằng nếu các ngành khác của Việt Nam cũng tư nhân hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như bóng đá, chẳng phải cũng sẽ có ngày thành công được như bóng đá hiện tại hay sao?

Bài học về tự do trong quản lý điều hành

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) là một tổ chức xã hội nghề nghiệp và theo luật FIFA, nhà nước Việt Nam không được can thiệp trực tiếp vào hoạt động điều hành, nhân sự của VFF. Nếu vi phạm nguyên tắc này FIFA hoàn toàn có thể cấm VFF tham gia các sự kiện của FIFA, giống như Liên đoàn bóng đá Indonesia vài năm trước đã phải hứng chịu án phạt này.

Về cơ bản, VFF sau khi bị bầu Kiên chỉ trích nặng nề năm 2012, đã cho thấy nhiều tiến bộ trong điều hành, đặc biệt thiện chí lắng nghe phê bình và sửa sai và tích cực thực hiện đúng các quy định của FIFA, tăng cường nhân sự của VFF tham gia vào các ban điều hành bóng đá của khu vực Đông Nam Á, cũng như Châu Á. VFF hiện tại tập trung chủ yếu vào việc chăm lo cho các đội tuyển quốc gia, trong khi giải vô địch quốc gia do Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đảm nhiệm. Việc chuyên môn hóa trong quản lý, và tự do trong tư duy điều hành đã giúp các bên tập trung vào chuyên môn để cải thiện lĩnh vực mình phụ trách hơn. Giải bóng đá quốc gia Việt Nam đang ngày càng tiến bộ hơn, thu hút được nhiều khán giả hơn, trong khi các đội tuyển bóng đá quốc gia, cũng như các đội trẻ đều gặt hái được thành công nhất định.

VFF cũng giao cho HLV trưởng các đội tuyển quốc gia, đặc biệt là đội tuyển bóng đá nam toàn quyền về chuyên môn và nhân sự. HLV Park Hang-seo thực sự là quản lý (manager), chứ không chỉ là người huấn luyện (Coach) của đội tuyển nam Việt Nam. Ông Park là người toàn quyền lên kế hoạch về nhân sự, chuyên môn v.v… và chỉ tham vấn thêm hội đồng HLV quốc gia và các chuyên gia khác. Ông Park thực sự là tổng tư lệnh của đội bóng áo đỏ và thành công hay thất bại của đội bóng ông sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm hoàn toàn với VFF.

Bài học về bậc quân tử Park Hang-seo

Ông Park mang cốt cách của một người Á Đông truyền thống, qua hơn hai năm người đàn ông Hàn Quốc này làm việc tại Việt Nam, chúng ta có thể thấy rõ rằng ông có đủ những phẩm chất của một bậc nam nhi đại trượng phu với đầy đủ nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

Khi học trò sai lầm, thầy Park nhận lỗi về mình; khi đội bóng thành công ông cảm ơn các cầu thủ và coi đó là nỗ lực của họ. Như thế là thầy Park luôn nghĩ cho người khác trước, ông có chữ NHÂN.

Thầy Park trước mỗi trận đấu dù gặp đội mạnh hay yếu đều thực sự tôn trọng đối thủ từ trong tâm. Người đàn ông Hàn Quốc này cũng luôn dành sự kính trọng cho những người ông từng cộng tác. Ông Park đã từng khóc khi gặp mặt HLV Hiddink của U22 Trung Quốc trước trận giao hữu tại Trung Quốc vài tháng trước. Sự nghiệp của ông Park chịu ảnh hưởng rất nhiều từ HLV người Hà Lan khi ông có dịp làm trợ lý cho ông Hiddink tại đội tuyển quốc gia Hàn Quốc năm 2002. Như thế ông Park có chữ LỄ.

Đội tuyển U23 Việt Nam giành ngôi Á quân tại Thường Châu, đội tuyển Quốc gia Việt Nam vô địch AFF Cup hay đội U22 Việt Nam hoàn thành giấc mơ vàng tại Seagame 2019 đều có điểm chung là có tinh thần đoàn kết như gia đình. Thầy Park coi học trò của mình như con và các cầu thủ cũng quý ông như cha, như thế ông có chữ NGHĨA.

Tài năng cầm quân của HLV Park Hang-seo là không phải bàn cãi. Chiến lược gia người Hàn Quốc dụng binh linh hoạt, đọc thế trận siêu việt tầm khu vực. Điểm vượt trội nữa của ông Park là ông có thể khai thác được tối đa thế mạnh của từng cầu thủ, giúp họ phát huy được hết năng lực bản thân. Như thế ông có chữ TRÍ.

Thầy Park không tin sẽ không dùng và khi ông đã dùng ai là ông đặc biệt tin tưởng. Giải đấu năm nay ông Park đã kiên nhẫn với Hoàng Đức và rồi tài năng trẻ Viettel đã ghi bàn thắng quý giá giúp Việt Nam đánh bại Indonesia tại vòng bản. Ông Park cũng đặc biệt kiên nhẫn với Đức Chinh trong vài tháng qua, để rồi tài năng trưởng thành từ lò PVF đã có giải đấu xuất sắc nhất sự nghiệp cho đến nay. Khi ông Park tin học trò, thì đổi lại các cầu thủ cũng đặc biệt tin tưởng vào tài cầm quân của ông. Trận cuối vòng bảng, khi đã bị Thái Lan dẫn 2-0, cầu thủ Việt Nam vẫn kiên trì, bền bỉ thi đấu để kết thúc trận đấu với tỷ số hòa 2-2 vì họ đặc biệt tin vào sự chỉ đạo của HLV trưởng. Như thế ông Park có chữ TÍN.

Thầy Park đã đến Việt Nam được 2 năm và mang tới cho bóng đá Việt Nam hết thành công này tới thành công khác. Không biết chu kỳ thành công của ông Park với bóng đá Việt Nam sẽ kéo dài trong bao lâu nữa, vẫn biết không có gì là mãi mãi, nhưng dù thế nào người đàn ông Hàn Quốc 60 tuổi này xứng đáng là tấm gương sáng cho mỗi người Việt Nam tự soi vào mà rút ra bài học cho mình.

Đức Thiện

Tags:
Sẽ có khó khăn, nhưng người làm nail ủng hộ luật AB5 vì ‘mong muốn sự công bằng’

Sẽ có khó khăn, nhưng người làm nail ủng hộ luật AB5 vì ‘mong muốn sự công bằng’

Chỉ còn ít ngày nữa là tất cả nhân công làm việc trong mọi cơ sở thương mại đều được coi là “công nhân” chứ không còn là “người làm khoán” nữa, nếu như chủ công ty kiểm soát cách họ làm việc, hoặc công việc họ làm là một phần thương vụ của công ty.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất