Người Việt ở Little Saigon, nếu chịu làm, không bao giờ thiếu việc
Khi nhắc đến đời sống ở California, người ở tiểu bang khác nói “đắt đỏ lắm, sống ở California không biết bao giờ mới mua được nhà.” Sự thật là đời sống ở đây khá đắt đỏ, đặc biệt là giá nhà. Thế nhưng nhiều người Việt vẫn thích sống ở California, đặc biệt ở vùng Little Saigon, vì “đông vui.”
22:00 30/10/2021
Chính vì người càng ngày càng đông, việc làm thì hạn chế nên trong cái khó “ló” cái khôn, người Việt đã hình thành nên nhiều nghề nghiệp, tạo nguồn thu cho mình. Không biết lái xe? Không biết tiếng Anh? Ở hàng U60, U70? Chuyện nhỏ! Tất cả đều có thể kiếm được tiền nuôi sống bản thân, nếu chịu khó.
Đọc mục quảng cáo trên các báo, dễ thấy có rất nhiều mẩu rao vặt, nhận làm đủ thứ các dịch vụ như giữ trẻ, cơm tháng, đưa đón khách đi sân bay, đi đánh bài, đi thi nail, đi thi quốc tịch, đưa đón học sinh, chở mướn, chở đủ thứ… cho đến cắt cỏ, cắt cây, lấy gốc, đổ rác, nhận bỏ đủ thứ, mở khóa, sửa quần áo, coi tử vi qua điện thoại, đi chợ giùm… Thậm chí đến “sau giờ làm việc, các anh cần thư giãn, gọi em đến massage” cũng có luôn!
Trong những người làm những nghề kể trên, có người thì sau một thời gian làm hãng xưởng, mệt mỏi muốn ra làm nghề tự do; có người thì sau khi nghỉ hưu, muốn có một việc làm cho có thêm thu nhập và tránh thời gian nhàm chán; có người không biết tiếng Anh nhưng không muốn làm các công việc như thu ngân ở chợ hay nấu ăn, dọn dẹp trong nhà hàng nên chọn giữ trẻ tại nhà hay nấu cơm tháng; có cô vì lý do nào đó, không muốn đi làm công cho ai nên quyết định làm chủ… bản thân mình, đi… massage cho các anh…
Và vì chịu khó, muốn làm chủ bản thân nên hai anh em Phước-Hải nhận làm đủ mọi thứ. Hai ông đăng quảng cáo cho biết: “Chuyên cắt cỏ, cắt cây, hàng rào, làm vườn, sửa nước, nhận bỏ đủ thứ và rác, sửa điện, moving nhà, trồng cỏ, giặt thảm, rào gỗ, lót gạch…”
Hai anh em làm sao làm từng ấy công việc? Ông Phước cho hay: “Tụi tui là một nhóm anh em, bạn bè chơi với nhau, kết hợp nhau làm ăn. Nghề chính của tôi là ‘plumbing’ vì hồi xưa tôi làm hãng, chuyên nghề này. Tôi ra làm riêng được gần 20 năm rồi. Làm với mấy anh em để giúp qua giúp lại. Nếu ai gọi moving thì tôi ra giá rồi gọi cho bạn làm. Những công việc này thanh niên trẻ ít người chịu làm. Họ chỉ muốn làm cái gì đó lớn thôi. Tụi tui thì ‘góp gió thành bão,’ việc nhỏ việc lớn, bất kể ngày nào, giờ nào, nếu có khách gọi thì đi làm thôi.”
Với những công việc như trên, không biết có phải vì đa số người làm không khai thuế đầy đủ hay vì lý do nào khác, mà đa số là ngại tiếp chuyện chúng tôi. Nếu có cũng trả lời rất dè dặt.
Nói chuyện với anh Hải, chủ nhân của một mẩu quảng cáo khác, cũng làm đủ thứ các ngành nghề ít liên quan với nhau như: “Giặt thảm, sơn nhà, lót thảm, làm sàn gỗ, dọn nhà, đổ rác, kéo xe, mở khóa…”, với sự dè dặt, cẩn thận, anh Hải cho biết nghề chính của anh là về giặt thảm, lót thảm. Anh làm công việc này với cha anh được tám, chín năm rồi.
Hỏi chuyện dọn nhà, đổ rác, kéo xe, mở khóa… những công việc không liên quan đến “thảm,” nếu có khách gọi, ai sẽ là người làm? Anh Hải cho hay, sẽ do những người bạn của anh làm. Hỏi tháng nào trong năm là thời gian bận rộn nhất, anh Hải e dè cho biết: “Cũng tùy, lúc nào có khách gọi thì làm. Mỗi tháng chỉ kiếm được vài trăm thôi.” Hỏi làm sao sống được với chỉ vài trăm một tháng? Anh Hải nói rằng: “Xin gia đình thêm!”
Cũng theo quảng cáo trên báo, chúng tôi gọi một phụ nữ (xin giấu tên) nhận giữ trẻ tại nhà ở thành phố Garden Grove. Theo lời người phụ nữ này, bà từ Việt Nam sang được gần hai năm, lúc con gái của bà vừa sinh con. Ở nhà giữ cháu ngoại, nhân tiện bà nhận giữ luôn trẻ khác vừa để “vừa có tiền, vừa vui.”
Hỏi có giấy phép giữ trẻ hay không, người phụ nữ này nói: “Tôi chỉ nhận giữ có 4, 5 cháu thôi, coi như mấy đứa cháu trong nhà, cần gì giấy phép. Có $20 một ngày mà!”
Hai chục đô la một ngày để giữ một cháu bé, là số tiền rất thấp. Nhưng nếu giữ 5 cháu, mỗi ngày người phụ nữ này kiếm được $100 tiền mặt. Nếu giữ đúng một tháng 30 ngày, bà sẽ có $3,000 tiền mặt.
Bà Nga ở thành phố Santa Ana thì sống khỏe với việc giữ trẻ tại nhà gia chủ. Bà Nga cho biết, hơn bốn năm trước, khi mới sang Mỹ, bà đi học lấy bằng nail rồi đi làm. Thế nhưng chỉ mới vài ngày, bà thấy không phù hợp với nghề nail nên chuyển sang đi giúp việc nhà, rồi giữ trẻ.
Hiện bà ở tại nhà của chủ, không tốn tiền share phòng, tiền ăn uống nên mỗi tháng tiền lương của bà gần như còn nguyên. Cứ đều đặn mỗi tháng, bà gửi nửa tiền lương cho con trai đang học đại học y khoa ở tiểu bang Massachusetts, gửi một ít về Việt Nam giúp em gái đang bị bệnh, còn lại thì để vào ngân hàng để dành cho con trai.
Nói về sự cần kiệm và cuộc sống của người Việt tại Little Saigon, bà Nga nói: “Ai nói ở đây khó sống chứ tui thấy dễ lắm. Chịu khó làm là sống khỏe hà. Chỉ sợ làm biếng mà đòi nhiều tiền thôi. Hoặc sợ mấy người sĩ diện nói ở bên Việt Nam tui từng là thế này, thế kia, sang đây không chịu làm mấy nghề tay chân. Nhưng tui thấy đa số mấy người mới qua ai cũng ‘cày’ dữ lắm, làm hai, ba việc cùng lúc để dành tiền mua nhà hay lo cho con.”
Bà Nga khẳng định, với các nghề tay chân, nếu chịu khó làm 6 ngày/tuần, bỏ túi ít nhất khoảng $2,500/tháng. Nếu sống một mình, share cái phòng khoảng $500/tháng là “sống khỏe rồi.” Còn nếu hai người đi làm, có hai nguồn thu nhập, ít nhất cũng $5,000/tháng, thuê một apartment tầm khoảng $1,200/tháng, trừ hết các chi phí, một tháng dư ra ít nhất là $2,000. Dành dụm vài năm là đủ tiền down vài chục phần trăm mua nhà.
Người Việt ở trong nước: ‘Việt kiều mà cầm 7 tỷ đồng về Việt Nam vẫn khó sống ở thành phố‘
'Về Việt Nam với số tiền ấy muốn mua nhà ở trung tâm TP HCM, Hà Nội còn khó chứ chưa nói đến chi phí sinh hoạt...'.