Người Việt ở Mỹ chỉ trích ca sĩ mặc áo dài không quần
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt chỉ trích ca sĩ Kacey Musgraves mặc áo dài không quần là gợi dục và xúc phạm trang phục truyền thống.
21:30 15/10/2019
Nữ ca sĩ nhạc đồng quê Mỹ Kacey Musgraves diện áo dài vàng thêu hoa trong buổi biểu diễn ở thành phố Dallas hôm 12/10. Tuy nhiên, những hình ảnh được đăng lên Instagram cho thấy thay vì mặc quần dài, cô chỉ mặc một chiếc quần mỏng màu da, gắn đá.
"Việc gợi dục hóa bộ áo dài là một sự xúc phạm", Thuy Pham, giám đốc điều hành Trung tâm Di sản Việt Nam, một tổ chức phi lợi nhuận tại thành phố New York, nói. "Đây là một hành vi gây sốc, gây phẫn nộ và làm hoen ố văn hóa Việt Nam".
Pham giải thích rằng áo dài thường có 2 tà áo có thể dài trên hoặc quá đầu đối, cổ cao hoặc cổ tròn và tay áo có thể dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các biến thể này đều được mặc với quần dài. Cô cũng nhấn mạnh rằng áo dài còn là đồng phục ở các trường học của nữ sinh và giáo viên. Hiện nay, phụ nữ Việt vẫn mặc trang phục truyền thống này vào các dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán, rằm Trung thu hay cưới hỏi.
Pham cho rằng việc Musgraves mặc áo dài không quần trên sân khấu là "đáng bị chỉ trích".
"Thậm chí các ca sĩ và vũ công hiện nay của Việt Nam cũng có thể mặc áo dài với quần ôm sát hay quần áo hiện đại nhưng không bao giờ có chuyện mặc quần lót với tà áo dài như thế. Đó là sự xúc phạm văn hóa", cô nói thêm.
Michelle Phan, blogger nổi tiếng gốc Việt với biệt danh "phù thủy trang điểm", viết trên Instagram rằng cách mặc áo dài của nữ ca sĩ Mỹ khiến cộng đồng người gốc Á bàng hoàng bởi mọi người đã rất mệt mỏi trước những định kiến hàng thập kỷ qua về phụ nữ châu Á.
Định kiến với phụ nữ châu Á trong văn hóa phương Tây bắt nguồn ít nhất từ đầu những năm 1800, khi những người đàn ông Anh quốc ghé thăm các thành phố cảng Nhật Bản và bị các geisha quyến rũ. Quan niệm phụ nữ châu Á đơn thuần là những đối tượng phục vụ tình dục được củng cố thêm trong các tác phẩm như tiểu thuyết "Madame Chrysanthème" của Pháp năm 1887, sau này được chuyển thể thành vở opera nổi tiếng "Madame Butterfly".
Cũng vào khoảng thời gian trên, khi Mỹ xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa, một số phụ nữ nghèo ở Trung Quốc đã di cư đến các bang làm nghề bán dâm để kiếm tiền nuôi sống gia đình, theo học giả Robin Zheng. Những yếu tố này đã thúc đẩy định kiến tiêu cực về phụ nữ gốc Á.
Nhiều người trên mạng xã hội cũng kêu gọi Musgraves cởi bỏ trang sức trên đầu cô vì nó giống với maang tikka, nữ trang truyền thống của phụ nữ Ấn Độ trong ngày cưới. Họ cho rằng sự kết hợp không phù hợp này càng gây thêm hiểu nhầm về văn hóa châu Á.
Michelle Phan cảm thấy cô bắt buộc phải quan tâm đến vấn đề này vì Musgraves là người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng.
"Hãy tưởng tượng bạn nhìn thấy trang phục truyền thống của quốc gia mình bị xúc phạm trên sân khấu", Phan viết trên Instagram. "Vì cô ấy là người của công chúng, cô ấy có thể khiến nhiều người nghĩ rằng như thế là sành điệu".
Musgraves hiện chưa đưa ra phản hồi gì về sự việc.
Anh Ngọc (Theo NBC News)
NTK Đức Hùng "hiểu được thiếu sót" của ca sĩ Mỹ mặc áo dài Việt Nam mà không mặc quần
Việc nữ ca sĩ Kacey Musgraves mặc áo dài nhưng “quên quần” khi biểu diễn tại Mỹ dư luận cũng như nhiều nghệ sĩ Việt bức xúc. Tuy nhiên, là NTK áo dài nhưng Đức Hùng lại cho rằng nên có cái nhìn tích cực về trường hợp này.