Người Việt tại Canada: Tâm sự của người xa xứ
Những kỷ niệm về Việt Nam, nơi chôn rau cắt rốn, nơi in dấu bao kỷ niệm tuổi thơ, kỷ niệm của mối tình đầu, của nụ hôn đầu ngọt ngào và xúc cảm, những khuôn mặt thân thương, những tấm lòng nồng hậu và nhân ái, những kỷ niệm đẹp tiếp thêm cho người con xa xứ sức mạnh, vững bước trên con đường dài trông gai trước mắt.
20:30 05/10/2018
Canada mùa đông, tuyết trắng mênh mông, đẹp lung linh kỳ lạ. Bước chân ra ngoài đường dưới cái lạnh -20 độ C, nếu mặc kín cũng vẫn cảm thấy “chịu được”. Mùa đông cũng không quá khắc nghiệt như tưởng tượng. Trong nhà có hệ thống sưởi và nước ấm bằng khí đốt tự nhiên, ra khỏi nhà thì có xe ôtô (mình tự lái, hoặc là đón xe buýt, nơi đây sở hữu một chiếc xe ôtô là điều rất bình thường, mặc dù có những chiếc xe cũ chỉ 2.000 USD nhưng vẫn chạy tốt qua những mùa đông khắc nghiệt), đi vào trường học, công sở, vào mall đều có hệ thống sưởi đầy đủ. Theo cảm nhận của mình thì mùa đông nơi đây không sợ bằng cái giá lạnh của mùa đông ở Hà Nội vào thời điểm khắc nghiệt nhất trong năm.
Tuyết đẹp nhất là vào đầu mùa và cuối mùa, nhẹ và bông, lung linh như những vì sao rơi, đậu trên mũ áo rồi tan biến lúc nào không hay. Mùa thu qua đi, cây cối khẳng khiu cành lá, có những đêm ngủ dậy, mở mắt ra, thấy tuyết đầu mùa (hoặc cuối mùa) rơi phủ kín, nhìn cây cối lung linh như thuỷ tinh, đẹp thật, một cơn gió nhẹ thổi qua cũng đủ làm rung cành “lá”, tuyết rơi rào rào theo gió nhẹ bay, nhìn thật đẹp.
Khi những búp non bắt đầu nảy trên cành là mùa xuân đang tới rồi, tuyết tan, trời đất như bừng sáng. Mùa xuân, mùa hè và mùa Giáng sinh là những thời điểm “high season” cho du lịch, mùa xuân lên núi ngắm tuyết tan, cũng đẹp đấy chứ phải không bạn. Nhưng theo mình thì mình không thích mùa xuân lắm, tuyết tan bẩn và lầy lội.
Mùa hè, đẹp. Trời cao rộng và trong xanh, trong vắt không một gợn mây. Không biết có màu gì đẹp hơn màu xanh dịu êm của bầu trời không nhỉ ? Mùa hè là mùa con người nơi đây hưởng thụ cuộc sống. Cắt cỏ trước nhà, trồng hoa, sơn lại hàng rào, sửa lại cái mái, trèo thuyền, lướt sóng, câu cá, cắm trại … Đắm mình vào thiên nhiên, hít thở không khí trong lành một cách kỳ lạ mới hiểu giá trị đích thực của cuộc sống. Những buổi chiều cuối tuần, ngồi sau sân nhà cùng bạn bè, dưới bóng cây thông, nhâm nhi chai bia, mùi thịt nướng rủ nhau cùng mấy nhà hàng xóm bay lên thơm phức, sao thanh bình đến thế.
Mùa hè, cắm trại có lẽ được ưa thích nhất ở nơi xứ này. Bạn thử tưởng tượng xem, một buổi sáng thức dậy, chui ra khỏi lều, trước mắt mình là những dãy núi trải ngút tầm mắt, hít thở không khí trong lành, lắng nghe tiếng gió thổi vi vu, tiếng chim hót, đắm mình vào thiên nhiên, tìm cho mình một khoảng lặng giữa cuộc sống hối hả, thật là thú vị.
Nhà bên này, thường thì đều có vườn trước và sau nhà cả, xung quanh nhà là hàng rào riêng biệt, đất rộng cũng thích. Mùa hè, nhà nào cũng dường như đẹp lên, những bồn hoa xếp ngay hàng thẳng lối, đủ loại hoa và màu sắc, cỏ xanh mướt được cắt tỉa gọn gàng.
Tháng 9, khi những cơn gió lạnh bắt đầu thổi về, nắng nhạt dần cũng là lúc những hàng cây bừng sáng lên màu vàng quyến rũ. Cây xứ này có hai điều mình rất thích, thứ nhất là rất nhiều cây, thứ hai là mùa thu, lá vàng cả cây trước khi rụng. Cây và cỏ, nhìn đâu cũng thấy xanh ngút tầm mắt, cây trồng khắp nơi, ngay hàng thẳng lối, cỏ thì còn nhiều hơn, đặc biệt là trải dài hai bên đường cao tốc. Một năm nhà nước Canada tốn không biết bao nhiêu tiền của cho việc cắt cỏ những nơi công cộng (cỏ trước cửa nhà nào, nhà đó phải tự cắt, cũng như việc cào tuyết, không làm thì sẽ nhận được một cái giấy phạt gửi về tận nhà ngay lập tức). Cây mùa thu thật là đẹp, có lẽ cây xứ lạnh là như vậy. “Cả một cây lá vàng” mà chẳng rụng, cứ lung linh như thế, chờ đợi cơn gió cuối mùa, rào rào chút lá chỉ còn lại cành khẳng khiu, ngơ ngác.
Halloween là lễ hội đánh dấu kết thúc mùa vui chơi, bắt đầu mùa đông tới. Mùa đông tới là mùa Giáng sinh, năm mới. Mùa hè người ta trồng hoa đẹp một phần, mùa Giáng sinh giăng đèn quanh nhà có lẽ vài phần đẹp hơn. Đèn giăng khắp bên ngoài nhà, trên cây cối, ông già Noel, hươu nai, tuần lộc kết bằng đèn, đêm xuống lung linh như có sự sống, thật là đẹp.
Xuân, Hạ, Thu, Đông, bốn mùa đều đẹp. Đẹp bởi khí hậu nơi đây vốn dĩ đã trong lành, con người lại có ý thức giữ gìn môi trường, mỗi một người tự làm cho mình đẹp lên, nhà cửa của mình đẹp lên, xã hội cũng sẽ tự nhiên tốt đẹp lên, đó cũng chẳng phải là điều gì lạ. Mùa đông ngắm tuyết rơi, mang bia bỏ ra ngoài trời một lát sẽ có ngay bia ướp đá, tha hồ nhâm nhi. Mùa xuân lên núi ngắm tuyết tan. Mùa hạ ra hồ câu cá, lướt sóng, cắm trại. Mùa thu đi ngắm lá vàng rơi. Mùa đông đi trượt tuyết. Cuộc sống chỉ có vậy thôi mà cũng thật nhiều điều thú vị.
Nói về con người, luật pháp, phúc lợi xã hội, bảo hiểm y tế… Thực sự so sánh thì là một điều không thể. Canada dựa vào quá trình phát triển lâu dài, nằm trong nhóm G8 phát triển, có tài nguyên dồi dào phong phú, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Hệ thống thu thuế ở nơi đây phát triển đến mức gần như hoàn chỉnh, không thể nào trốn được thuế và trốn thuế là một tội rất nặng. Tiền chính phủ thu được nhiều, đầu tư lại vào xã hội, hai yếu tố song hành này làm đất nước ngày một tốt lên.
Học hành nơi xứ này có rất nhiều ưu đãi, nhà nước khuyến khích, cho vay tiền học, cho tiền ăn ở (nếu thu nhập thấp). Đào tạo ra một người có học thức chẳng những làm con người tốt đẹp hơn, mà bản thân người đó cũng có cuộc sống thoải mái hơn, nhà nước cũng thu được nhiều tiền hơn từ thuế. Một người lao động phổ thông, với mức thu nhập “khá” vào khoảng 15 USD/giờ, nhà nước đánh thuế khoảng 20% thu nhập. Với một người tốt nghiệp đại học, mức thu nhập khởi điểm thấp nhất từ 25 tới 30 USD/giờ, mức thuế thu nhập vào khoảng 35-40% trở lên là điều bình thường. Rõ ràng việc đầu tư cho giáo dục, khuyến khích người dân đi học là một chính sách rất đúng đắn của chính phủ nơi này.
Về phúc lợi xã hội, bảo hiểm y tế thì cũng phải nói là tuyệt vời. Một phần lớn của ngân sách hàng năm là dành cho việc này. Hệ thống y tế hiện đại và hoàn toàn miễn phí cho người dân. Hệ thống nhà dành cho người già, lương hưu hoàn hảo. Trẻ con đến trường không phải lo lắng về việc nhà nghèo, bố mẹ không có tiền đi học. Nhà càng nghèo, bố mẹ thu nhập thấp thì tiền hàng tháng chính phủ trợ cấp cho gia đình có con cái càng nhiều, đặc biệt nhiều đối với nhà có trẻ em sinh ra tàn tật. Không phải mình hy vọng là nhà nghèo, hay có con cái bị dị tật để được thêm tiền từ nhà nước, ý mình là chính phủ công bằng và quan tâm tới tất cả mọi người. Nhà nào thu nhập của bố mẹ cao thì hầu như chẳng được gì.
Về hệ thống thuế, mỗi một người đi làm đều có số thẻ lao động, tiền được trả bằng cheque, ở trong đó đã trừ tiền thuế, tiền bảo hiểm và tiền hưu. Hàng năm mỗi người dân đều phải đi khai thuế với chính phủ, kể cả với những người không có thu nhập. Khai thuế là quyền lợi và nghĩa vụ. Đối với nhà có thu nhập thấp thì tiền trợ cấp cho gia đình nuôi con sẽ nhiều lên, có thể “claim” tiền nuôi con, tiền gửi trẻ, nhà nước sẽ hoàn lại thuế cho năm vừa rồi, cũng không ít đâu, trung bình vào khoảng 1 hoặc 2 tháng lương bình thường. Với những nhà có thu nhập cao, doanh nghiệp thường là phải trả lại nhà nước thuế rất nhiều. Thực sự mình thấy hệ thống thuế bên này rất công bằng và chặt chẽ. Một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Nói đến sức khoẻ của người dân, ngoài y tế tốt, rất tốt, còn phải nói tới vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở xứ này, an toàn là số một. Thực phẩm được kiểm tra chặt chẽ từ ngay khâu sản xuất. Những nhà phân phối lớn, uy tín, chữ “tín” rất được coi trọng, mất chữ “tín” có thể dẫn tới sự sụp đổ của cả một thương hiệu.
Nói đến sự hoàn chỉnh của cả một hệ thống, mình lấy ví dụ như con gái mình. Từ khi mẹ cháu có bầu, đến bác sỹ gia đình khám. Bác sỹ gia đình sẽ đặt hẹn để mình đi siêu âm. Sau khi siêu âm lần một, nơi làm dịch vụ này sẽ tự động đặt hẹn với mình để siêu âm thêm hai lần nữa trước khi sinh. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí, con người rất nhiệt tình và tận tâm, trước ngày hẹn siêu âm còn gọi điện thoại nhắc mình không sợ quên nữa.
Tới ngày sinh, vào trong viện sẽ có người khám và cho vào phòng đẻ. Tất cả hồ sơ của sản phụ từ khi đi khám bác sỹ gia đình lần đầu, rồi siêu âm… rồi tới khi vào viện đều nằm trong một hệ thống máy tính hoàn chỉnh, không sợ thất lạc và rất tiện lợi. Ngày đó vợ mình sinh cháu, vỡ nước ối từ buổi chiều hôm trước, tới sáng hôm sau mới sinh được, thật vất vả cho cả vợ mình và cho cả đội ngũ bác sỹ, y tá chăm sóc. Y tá chăm sóc rất chuyên nghiệp và thân thiện, dọn dẹp vệ sinh, nắm tay động viên ân cần, vợ mình nằm ở một phòng riêng, có cả giường cho người thân đợi trong đó. Ngoài cửa phòng treo tấm biên “một thiên thần sắp được ra đời”, thật là cảm động. Bên này, sản phụ khi sinh con bác sỹ khuyến khích sự có mặt của người nhà trong phòng.
Sau khi cháu sinh ra được vài ngày thì bố mẹ có thể đưa cháu về nhà, phải có ghế riêng cho cháu vào để khi lên ô tô gắn vào chỗ ngồi riêng của cháu thì mới được mang con về, không có chuyện bế trên tay lên xe ô tô ngồi đâu, chắc chắn bạn sẽ nhận được một giấy phạt nếu cảnh sát gặp, hoặc có người thấy báo với cảnh sát.
Còn nữa nha, sau khi mang con về mà chăm sóc không tốt, đánh đập ngược đãi mà hàng xóm phát hiện ra chẳng hạn, thì chắc chắn sẽ có người của chính phủ tới đem con mình đi, tạm thời tước quyền chăm sóc con cái, gửi cho cái giấy ra toà nói chuyện, nếu có nguyện vọng tiếp tục nuôi con thì phải đi học một số lớp về chăm sóc con cái, cho tới khi họ cảm thấy mình có đủ khả năng nuôi con thì mới đem trả lại, mà nếu tiếp tục tái phạm thì khả năng mất con là rất cao.
Tất cả dịch vụ y tế như trên đều hoàn toàn miễn phí, không có chuyện đút lót và không có chuyện không đút lót thì y tá không chăm sóc đâu. Sau khi về nhà, nếu lịch sự, mình có thể mua một bó hoa, viết vài lời cảm ơn vào tấm thiệp rồi gửi tới bệnh viện. Từ khi cháu sinh ra đến khi cháu tới năm 18 tuổi, hàng tháng đều có tiền trợ cấp của nhà nước gửi thẳng vào tài khoản ngân hàng của mẹ, nhiều hay ít phụ thuộc vào thu nhập của bố mẹ.
Học đại học ở xứ này khác xa ở nhà, thứ nhất là đắt, thứ hai là có giá trị. Nếu con cái tốt nghiệp đại học ra thì cũng là một điều tốt đẹp cho bản thân cháu, thu nhập trung bình 1 năm cũng phải từ 50.000 USD trở lên + phúc lợi, tiền thưởng. Số tiền bỏ ra để cho một người tốt nghiệp đại học vào khoảng 60.000 USD cho 4 năm học, nếu thêm tiền ăn ở thì lên tới hơn 110.000 USD. Một khoản tiền khá lớn, nhưng sau khi tốt nghiệp thì việc làm ra tiền bù lại chắc không khó.
Bố mẹ nếu có thu nhập cao thì có thể chi trả được khoản tiền học cho con cái, hoặc nếu thu nhập thấp thì nhà nước sẽ cho vay tiền ăn và học trong vòng 4 năm, sau khi ra trường có việc đi làm, trả góp lại nhà nước. Hoặc, với những ai có kế hoạch lâu dài, hàng tháng đóng một khoản tiền khoảng vài trăm USD, nhà nước cho thêm vào một khoản kha khá, khoản tiền này được cho vào một quỹ giáo dục, an toàn và có sinh lời, đến năm 18 tuổi chắc cũng đủ tiền cho con cái đi học.
Thế hệ mình coi như là thế hệ “đầu tiên” đặt chân tới đất nước này, xuất phát điểm thấp so với người bản xứ. Với bản tính cần cù chịu khó, thông minh chăm chỉ của Người Việt, có gia đình là chỗ dựa, có kế hoạch rõ ràng cho tương lai làm kim chỉ nam, mình tin chắc thế hệ con, cháu sau này sẽ tốt đẹp lên.
Đừng để 60 tuổi – Mới hiểu những điều nàysách giáo khoa hàng năm
Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi qua từng ngày. Sau 60 tuổi mới đột nhiên hiểu thấu về số phận, kim tiền, địa vị, sự nghiệp, hôn nhân, gia đình và bè bạn…