Người Việt tại Mỹ lao đao trong cơn mất việc, dịch bệnh và bất ổn
Nhiều người Việt Nam đang phải ở Mỹ trong hoàn cảnh visa gần hết hạn, dịch bệnh vẫn hoành hành trong khi các cuộc biểu tình làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn.
09:00 07/06/2020
Khi anh Steve Phan, sinh viên năm cuối Đại học Temple, nhận được lời mời làm việc với một công ty xây dựng lớn của Canada, anh tưởng ước mơ khi đặt chân sang Mỹ gần 7 năm trước đã gần trở thành hiện thực.
Một tương lai hứa hẹn trong lĩnh vực kỹ sư xây dựng với anh Steve là sự đền bù cho số tiền đầu tư và mọi khó khăn từ việc sống xa gia đình và tự lập ở một xã hội mới.
Thế nhưng, mọi thứ thay đổi chỉ sau một đêm. Đại dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới và lan tới Mỹ, gây ra tình trạng tê liệt ở các bệnh viện ở vùng tâm dịch và lệnh đóng cửa ở hầu hết các tiểu bang và thành phố lớn với không một lời cảnh báo. Những du học sinh và người lao động chưa kịp thích nghi với dịch bệnh, các biện pháp thích nghi xã hội, khó khăn kinh tế đã phải bước vào những ngày bất ổn khi các cuộc biểu tình nổ ra khắp nước Mỹ, sau cái chết của George Floyd, một người da đen hơn 40 tuổi, vì sự bạo lực của cảnh sát.
Công việc đi kèm visa
Nước Mỹ lặng nhìn 3.646 người chết vì dịch Covid-19 vào tháng 3 và bàng hoàng khi con số tử vong nhảy lên 54.646 ca vào tháng 4, theo Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Đi kèm những con số là cảnh chính phủ liên bang và các thống đốc tiểu bang tranh nhau tìm mua khẩu trang, đồ bảo hộ và máy thở. Ở nhiều nơi, nhân viên y tế phải sử dụng lại đồ bảo hộ.
Nền kinh tế Mỹ đang trên đà đi lên - tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong gần 50 năm và sàn chứng khoán nở rộ - chỉ qua một đêm đã tụt dốc thê thảm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones - chỉ số theo dõi 30 công ty cổ phiếu lớn nhất nước Mỹ - mất hơn 9,9 điểm vào ngày 12/3 khi chính phủ Mỹ cấm bay từ châu Âu, con số sụt giảm cao nhất trong một ngày ở Mỹ trong thế kỷ 21.
Đối với phần còn lại của đất nước, tất cả các cơ sở thương mại, dịch vụ không thiết yếu cho việc vận hành xã hội đều bị buộc đóng cửa. Các công ty bắt đầu gửi thư cho thực tập sinh, sinh viên để rút lại lời mời làm việc. Những sinh viên đang tham gia nghỉ xuân bị yêu cầu không quay trở lại hoặc dọn ra khỏi trường. Nhiều sinh viên Việt Nam phải đánh đổi sức khoẻ, lên máy bay về nước vì không có chỗ nương thân.
Đây là một gáo nước lạnh dập tắt hy vọng có được trải nghiệm công việc đầu đời êm ả đối với sinh viên quốc tế mới ra trường. Rất nhiều người nỗ lực nhiều năm để rồi bị dồn vào thế lưỡng nan không có đường lui. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ, theo con số vừa công bố cho tháng 5, là 13,3%, nhưng đó đã là một bước tiến so với con số 14,7 của tháng 4.
Anh Steve hụt hẫng vì vừa mất lời mời đi làm, vừa không thể ra ngoài tìm việc trang trải cuộc sống, vừa không thể về thăm gia đình vì tình trạng visa. Mọi thứ đến dồn dập, anh bắt đầu cảm thấy khó thở, tức ngực, sốt nhẹ. Cuối cùng anh được xét nghiệm dương tính virus corona.
Vì nỗi lo sức khoẻ, anh Steve quyết định cố gắng ở lại tiếp tục tìm việc trong thời gian điều trị bệnh.
“Tôi phải tìm việc gấp và căng thẳng vì visa sắp hết hạn. Nếu không tìm được gì thì tôi sẽ bị buộc phải về nước,” anh Steve nói với Zing. “Tôi không dám chấp nhận rủi ro nhiễm bệnh lần 2 nếu quay về trên máy bay.”
Ryan Doan, Giám đốc điều hành của Trường Đại học Công giáo International American University ở thành phố Los Angeles, ghi nhận tình trạng thất nghiệp cao với các sinh viên mới ra trường và sự gián đoạn trong việc xử lý hồ sơ OPT của Bộ An Ninh Nội Địa.
“Kiếm việc làm thời điểm này gần như là bất khả thi. Dịch Covid-19 xảy ra khiến rất nhiều công ty không thể tuyển dụng ai được cả. Sau 90 ngày, chúng tôi buộc phải huỷ bỏ visa sinh viên nếu họ không kiếm được việc".
Đây là thực tế phũ phàng sau rất nhiều năm người nhập cư có trình độ cao được ưu ái trong môi trường lao động cạnh tranh khốc liệt ở Mỹ.
Từ những năm 1980, chính phủ Mỹ ưu tiên những ai học các ngành khoa học, công nghệ, thông tin, cho phép họ ở lại từ 1 đến 3 năm. Sau đó, công ty có thể tài trợ visa lao động, H1B, để giữ chân nhân viên và xong 3-5 năm, họ có thể nộp hồ sơ xin thẻ xanh và trở thành cư dân thường trú Mỹ.
Anh Vinh Hoàng, ở thành phố Houston, Texas, sỡ hữu bằng cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành kỹ sư cơ khí, cũng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Anh được nhận vào thực tập và làm việc trên 1,5 năm ở công ty dầu khí Halliburton và được công ty tài trợ quay xổ số xin visa H1B. Sau ba lần quay với một công ty khác trước đây mà bị trượt, anh Vinh cuối cùng cũng cũng nhận được visa này.
Thế nên, khi anh Vinh biết tin mình cùng gần 4.000 nhân viên khác bị sa thải vì cắt giảm nhu cầu dầu mỏ và dịch Covid-19 gần một tháng trước, mọi chuyện như quay về số 0.
“Tình hình việc làm nhìn không khả quan lắm, ít nhất là ở Texas,” anh Vinh nói. “Mọi nỗ lực cố gắng đều tan biến rất nhanh chóng. Trong khủng hoảng, tôi mới nhận ra con đường di trú tệ bạc như thế nào".
Anh Vinh còn hai tháng nữa để tìm việc trước khi bị tước visa. Ngay cả khi muốn quay về, việc di chuyển đi lại quốc tế qua tâm dịch giữa thời điểm chưa có vaccine có thể rước bệnh nặng vào người và gia đình.
Theo thông số mới nhất từ Cục Nhập cảnh và Di trú Mỹ, hơn 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ ở mọi bậc học, tăng 3% so với năm 2018. Sinh viên Việt Nam tại Mỹ chiếm 2,62% tổng số tuyển sinh quốc tế.
Virus làm trầm trọng thêm sự kỳ thị
Theo Phúc Trần, sinh viên năm 3 Đại học Eastern, bang Pennsylvania, sự phân biệt chủng tộc là gánh nặng kèm theo khó khăn tài chính.
Dù đã ở Mỹ hơn 9 năm và trải qua nhiều trường hợp bị bắt nạt vì là người châu Á, anh Phúc vẫn không thể tưởng tượng được sự thay đổi 180 độ của cộng đồng Mỹ đối với người châu Á do đại dịch Covid-19.
Một đêm tháng 3 đi siêu thị Walmart gần nhà, một người Mỹ trẻ tuổi cũng đang mua sắm nhìn anh Phúc rồi buột miệng nói “virus Trung Quốc", cụm từ kỳ thị mà nhiều người châu Á đã phải chịu đựng ở các nước phương Tây, ám chỉ virus từ Trung Quốc và lây lan cho toàn thế giới.
“Ba mẹ tôi rất lo lắng, sợ tôi bị bắn chết giữa đường. Nhiều người nhìn tôi không nghĩ tôi là người, mà là căn bệnh biết đi. Họ lờ tôi đi, và xa lánh tôi. Là một sinh viên quốc tế châu Á, giờ tôi rất ngại ra đường.”
Dù vậy, lối sống, mạng lưới bè bạn, cơ hội việc làm và khả năng tự chủ tài chính là những yếu tố giữ chân sinh viên quốc tế ở Mỹ.
Mùa hè là lúc nhiều sinh viên đi làm, thực tập để kiếm thêm kinh nghiệm và cải thiện thu nhập, chuẩn bị cho năm học tới. Nhưng với dịch bệnh đang hoành hành, khủng hoảng kinh tế sâu sắc, và xung đột sắc tộc leo thang, mùa hè này sẽ là thời điểm thử thách mà những sinh viên xa nhà phải đối mặt.
“Gia đình tôi rất lo lắng. Tôi mới nói chuyện với ba mẹ một vài ngày trước sau khi ba mẹ nghe về các cuộc bạo động. Ba mẹ cứ nhắc tôi đừng đi ra đường,” anh Phúc tâm sự với Zing. “Nếu tôi không ra thì tôi sẽ không có gì ăn cả. Nhưng nếu tôi bị Covid-19 thì ba mẹ sẽ đau lòng lắm".
Link nguồn: https://zingnews.vn/nguoi-viet-tai-my-lao-dao-trong-con-mat-viec-dich-benh-va-bat-on-post1092707.html
Dù là nam hay nữ, chỉ cần nhìn vào 4 vị trí này trên cơ thể sẽ biết được mình có sống thọ hay không
Thông qua làn da, bàn chân, vòng eo... bạn có thể dễ dàng biết được mình có mắc vấn đề sức khỏe gì không. Bởi, bệnh liên quan tới những vị trí này đều ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ.