Người Việt ở Mỹ: 'Muốn vay tiền, mượn xe nhau không dễ'

Nước Mỹ giàu, nước Mỹ phát triển, nước Mỹ có những người rất tử tế nhưng nước Mỹ không toàn màu hồng như bạn tưởng.

20:37 29/11/2023

Tôi đồng ý với tác giả bài viết “ Cú sốc của người Việt trên đất Mỹ” rằng, Mỹ có những người rất tử tế. Tôi cũng biết nhiều bạn du học sinh sống cùng host (người bản địa) và được họ giúp đỡ rất tận tình.

Tôi cũng thấy nhiều hành động đáng ngưỡng mộ quanh mình như nhường đường, mở cửa hộ, chỉ dẫn tận tình khi được nhờ nhưng đó mới chỉ là một mặt của xã hội Mỹ mà thôi.

Đối với nhiều du học sinh Việt Nam đang học tập ở Mỹ, cuộc sống không hoàn toàn là màu hồng như bạn tưởng. Có không ít thứ khiến bạn stress, chán chường, thậm chí muốn bỏ về nước ngay lập tức.

Người Mỹ tử tế nhưng cái tử tế ấy là phép lịch sự của họ. Và sự tử tế ấy cũng chỉ giới hạn ở những hành động xã giao chứ ít khi biến thành sự tốt bụng, thiện tâm tức giúp đỡ người khác trong những việc lớn, hệ trọng.

Ở Việt Nam, bạn có thể mượn xe máy của bạn bè vi vu thoải mái hay những lúc “bí” hỏi vay tiền bạn bè là chuyện thường ngày ở huyện. Ở Mỹ xe ô tô rẻ và phổ biến như xe máy ở Việt Nam nhưng sẽ không có chuyện cho mượn, tiền bạc cũng vậy.

Một người bạn của tôi, do trục trặc tiền gửi từ sang đã phải ăn mì tôm "cầm hơi" cả tuần vì không có ai để mượn tiền, mặc dù sống chung phòng với 3 người khác nữa. Đương nhiên tôi không có ý bảo họ xấu tính vì chuyện này, chỉ muốn so sánh để thấy rằng Việt Nam mình vẫn có những thứ đáng giá hơn Mỹ.

Người Mỹ yêu - ghét rất rõ ràng. Đã không thích là họ không thèm chơi, cũng không thèm trò chuyện cùng. Trừ các trường hợp bất đắc dĩ như cùng làm bài tập nhóm, cùng tham gia một hoạt động gì đó bắt buộc phải nói chuyện với nhau.

Rất nhiều du học sinh sống 2-3 năm trời tại Mỹ vẫn chưa có nổi một người bạn thân người Mỹ. Ngay cả tôi cũng vậy, bạn học cùng lớp rất nhiều người Mỹ bản địa nhưng chỉ là “quen”, chỉ là “bạn cùng lớp” chứ không phải là bạn bè đúng nghĩa.

Bạn có cố bắt chuyện với họ thì họ vẫn sẽ trả lời, nhưng là trả lời kiểu xã giao chứ không phải là bạn bè đúng nghĩa có thể chơi vui vẻ cùng nhau, chia sẻ mọi chuyện với nhau.

Một mình sống ở đất khách quê người nhưng lại khó kiếm bạn thân để tâm sự, chia sẻ nên ngoài giờ lên lớp thì một du học sinh như tôi chỉ tiếp xúc với bốn bức tường và giam mình ở thư viện.

Nếu bạn đi làm thêm ở Mỹ, bạn sẽ hiểu cuộc sống ở đây khắc nghiệt như thế nào. Làm quần quật cũng chỉ đủ trả các hóa đơn, làm 8 tiếng là 8 tiếng không bớt một phút.

Đương nhiên muốn có tiền thì ai cũng phải lao động cả, nhưng ý tôi muốn nói ở đây là làm như cái máy nhưng lương cũng chỉ đủ sống chứ không giàu. Trong khi ở Việt Nam làm tà tà cũng đủ ăn đủ tiêu, cuộc sống đỡ áp lực hơn rất nhiều.

Đồ ăn nhanh đang khiến tỷ lệ béo phì ở đất nước này tăng chóng mặt trong vài năm gần đây. Trong hình là bảng số liệu tỷ lệ béo phì ở các bang nước Mỹ năm 2014.

Ở Mỹ quản lý chất lượng rất chặt chẽ, không lo thực phẩm bẩn hay nhiễm hóa chất, không lo bị ung thư nhưng không phải cứ đồ Mỹ là tốt cho sức khỏe.

Đặc biệt là đồ hộp giá rẻ và thức ăn nhanh thì không mấy tốt, nó không có hóa chất gây ung thư nhưng nó khiến bạn béo phì. Bệnh béo phì cũng nguy hiểm không kém các loại bệnh khác. Tỷ lệ béo phì của người Mỹ ở các bang hiện trung bình là 21-36% dân số.

Đọc đến đây chắc có bạn sẽ bĩu môi mà bảo “thấy chán thế sao còn sang đấy làm gì?”. Với mục đích là sang để học thì Mỹ là môi trường giáo dục hàng đầu thế giới, không có gì đáng phàn nàn về hệ thống giáo dục của họ cả.

Tôi viết những điều này chỉ với mục đích là để các bạn hiểu hơn về nước Mỹ, và để các bạn ở Việt Nam hiểu rằng đất nước chúng ta cũng có rất nhiều ưu điểm, nhiều cái hay mà cường quốc số một thế giới không thể so sánh.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Tags:
Cô giáo theo chồng sang Mỹ, 4 năm phải giành giật việc nhà, chăm con

Cô giáo theo chồng sang Mỹ, 4 năm phải giành giật việc nhà, chăm con

Trong một lần bị cướp giật đồ, chị Ngân mới hiểu rõ hơn về anh Jeff, từ đó 2 người yêu và quyết tâm tới với nhau hơn.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất